Phép thử thực chiến của dàn vũ khí trong cuộc "đọ sức" Ấn Độ - Pakistan

11/05/2025 12:30

() - Xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan có thể hé lộ cuộc cạnh tranh khốc liệt về công nghệ quân sự tiên tiến của Trung Quốc và phương Tây.

Phép thử thực chiến của dàn vũ khí trong cuộc đọ sức Ấn Độ - Pakistan - 1

Máy bay chiến đấu J-10 của Không quân Pakistan diễu hành mừng ngày quốc khánh ở Islamabad hồi tháng 3 (Ảnh: AFP).

Cổ phiếu của Công ty Máy bay Thành Đô AVIC (Trung Quốc) đã tăng 40% trong tuần này, khi Pakistan tuyên bố họ đã sử dụng máy bay chiến đấu J-10C do AVIC sản xuất để bắn hạ máy bay chiến đấu của Ấn Độ - bao gồm máy bay Rafale tiên tiến do Pháp sản xuất - trong một trận không chiến vào ngày 7/5.

Ấn Độ chưa phản hồi tuyên bố của Pakistan hoặc thừa nhận bất kỳ tổn thất máy bay nào. Khi được hỏi về sự tham gia của máy bay chiến đấu do Trung Quốc sản xuất, một phát ngôn viên của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết ông không nắm rõ tình hình.

Tuy nhiên, với tư cách là nhà cung cấp vũ khí chính của Pakistan, Trung Quốc có thể đang theo dõi chặt chẽ tình hình để tìm hiểu xem các hệ thống vũ khí của nước này đã và có khả năng hoạt động như thế nào trong chiến đấu thực tế.

Là một siêu cường quân sự đang trỗi dậy, Trung Quốc đã không tham gia một cuộc xung đột lớn nào trong hơn 4 thập niên. Tuy nhiên, dưới thời nhà lãnh đạo Tập Cận Bình, Trung Quốc đã nỗ lực hiện đại hóa lực lượng vũ trang, đổ nguồn lực vào việc phát triển vũ khí tinh vi và công nghệ tiên tiến.

Trung Quốc cũng đã mở rộng nỗ lực hiện đại hóa đó sang Pakistan.

Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp 81% lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI).

Những mặt hàng xuất khẩu này bao gồm máy bay chiến đấu tiên tiến, tên lửa, radar và hệ thống phòng không mà các chuyên gia cho rằng sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào giữa Pakistan và Ấn Độ. Một số vũ khí do Pakistan sản xuất cũng đã được phát triển chung với các công ty Trung Quốc hoặc được chế tạo bằng công nghệ và chuyên môn của Trung Quốc.

"Điều này khiến bất kỳ cuộc giao tranh nào giữa Ấn Độ và Pakistan cũng trở thành môi trường thử nghiệm thực tế cho hoạt động xuất khẩu quân sự của Trung Quốc", Sajjan Gohel, giám đốc an ninh quốc tế tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London, cho biết.

Quân đội Trung Quốc và Pakistan cũng tham gia vào các cuộc tập trận chung trên không, trên biển và trên bộ, bao gồm các cuộc mô phỏng chiến đấu.

"Sự ủng hộ lâu dài của Bắc Kinh đối với Islamabad - thông qua khí tài, huấn luyện - đã âm thầm thay đổi cán cân chiến thuật. Đây không chỉ là một cuộc đụng độ song phương, mà là một góc nhìn về cách xuất khẩu quốc phòng của Trung Quốc đang định hình lại khả năng răn đe trong khu vực", Craig Singleton, thành viên cấp cao tại Quỹ Bảo vệ Dân chủ có trụ sở tại Mỹ, nhận định.

Sự thay đổi đó - được chú ý nhiều hơn bởi căng thẳng gia tăng giữa Ấn Độ và Pakistan - nhấn mạnh sự tái định hướng địa chính trị rộng lớn hơn trong khu vực, nơi Trung Quốc nổi lên như một thách thức lớn đối với ảnh hưởng của Mỹ.

Ấn Độ và Pakistan đã 3 lần giao tranh vì vùng lãnh thổ Kashmir kể từ khi giành được độc lập từ Anh vào năm 1947. Trong thời kỳ đỉnh cao của Chiến tranh Lạnh, Liên Xô ủng hộ Ấn Độ, trong khi Mỹ và Trung Quốc ủng hộ Pakistan. Giờ đây, một kỷ nguyên mới của sự cạnh tranh giữa các cường quốc đang nổi lên trong cuộc xung đột kéo dài giữa các nước láng giềng Nam Á có vũ khí hạt nhân.

Bất chấp chính sách không liên kết truyền thống, Ấn Độ ngày càng xích lại gần Mỹ hơn, khi các chính quyền Mỹ liên tiếp tiếp cận "gã khổng lồ" Nam Á đang trỗi dậy như một đối trọng chiến lược với Trung Quốc. Ấn Độ đã tăng cường mua vũ khí từ Mỹ và các đồng minh của nước này, bao gồm Pháp và Israel, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào vũ khí của Nga.

Trong khi đó, Pakistan đã thắt chặt quan hệ với Trung Quốc, trở thành "đối tác chiến lược trong mọi điều kiện" và là bên tham gia chính trong dự án cơ sở hạ tầng toàn cầu đặc trưng của Trung Quốc, Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Theo dữ liệu của SIPRI, Mỹ và Trung Quốc mỗi bên cung cấp khoảng 1/3 lượng vũ khí nhập khẩu của Pakistan vào cuối những năm 2000. Nhưng Pakistan đã ngừng mua vũ khí của Mỹ trong những năm gần đây và ngày càng bổ sung vũ khí của Trung Quốc vào kho vũ khí của nước này.

Siemon Wezeman, nhà nghiên cứu cấp cao trong Chương trình chuyển giao vũ khí của SIPRI, lưu ý rằng mặc dù Trung Quốc là nhà cung cấp vũ khí quan trọng cho Pakistan kể từ giữa những năm 1960, nhưng sự thống trị hiện tại của nước này phần lớn đến từ việc bước vào khoảng trống do Mỹ để lại.

"Mỹ cuối cùng đã tìm thấy Ấn Độ là đối tác thay thế trong khu vực. Kết quả là, Mỹ ít nhiều đã tách Pakistan khỏi vũ khí của Mỹ. Mặt khác, nguồn cung cấp vũ khí của Trung Quốc đã tăng đáng kể. Trung Quốc được cho là đã tận dụng cơ hội này để thể hiện mình là người bạn và đồng minh thực sự duy nhất của Pakistan", ông Wezeman nói thêm.

Theo Sushant Singh, giảng viên tại Khoa Nghiên cứu Nam Á tại Đại học Yale, đây là "khía cạnh toàn cầu quan trọng nhất khi lần đầu tiên thiết bị quân sự của Trung Quốc được thử nghiệm với thiết bị hàng đầu của phương Tây".

Đối đầu quân sự

Phép thử thực chiến của dàn vũ khí trong cuộc đọ sức Ấn Độ - Pakistan - 2

Tiêm kích Rafale do Pháp chế tạo mang tên lửa hành trình SCALP-EG (Ảnh: Katsuhiko Tokunaga/Dassault Aviation).

Trong bối cảnh Pakistan được trang bị vũ khí chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ nhận hơn một nửa vũ khí từ Mỹ và các đồng minh, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa hai nước láng giềng cũng có thể trở thành cuộc đối đầu giữa công nghệ quân sự của Trung Quốc và phương Tây.

Sau nhiều tuần giao tranh gia tăng sau vụ 26 du khách, chủ yếu là người Ấn Độ, bị phiến quân sát hại tại một địa điểm ở vùng Kashmir do Ấn Độ kiểm soát, Ấn Độ đã tiến hành các cuộc tấn công bằng tên lửa vào sáng 7/5, nhắm vào các khu vực mà Ấn Độ cho là "cơ sở hạ tầng khủng bố" ở cả Pakistan và vùng Kashmir do Pakistan kiểm soát.

Nhiều nhà phân tích tin rằng tên lửa và các loại đạn dược khác được bắn từ máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất của Ấn Độ và máy bay chiến đấu Su-30 do Nga sản xuất.

Trong khi đó, Pakistan đã ca ngợi một chiến thắng lớn của lực lượng không quân, tuyên bố 5 máy bay chiến đấu của Ấn Độ - 3 máy bay Rafale, một máy bay chiến đấu MiG-29 và một máy bay chiến đấu Su-30 - đã bị máy bay chiến đấu J-10C của Pakistan bắn hạ trong một trận chiến kéo dài một giờ. Pakistan tuyên bố 125 máy bay chiến đấu đã tham gia cuộc không chiến ở phạm vi hơn 160km.

"Trận chiến này đang được mô tả là cuộc giao tranh trên không dữ dội nhất giữa hai quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân. Cuộc giao tranh này đánh dấu một cột mốc trong việc đưa các hệ thống vũ khí tiên tiến có nguồn gốc từ Trung Quốc vào hoạt động", Salman Ali Bettani, một học giả về quan hệ quốc tế tại Đại học Quaid-i-Azam ở Islamabad, cho biết.

Một nguồn tin của Bộ Quốc phòng Pháp tiết lộ ít nhất một trong những máy bay chiến đấu mới nhất và tiên tiến nhất của Ấn Độ - một máy bay chiến đấu Rafale do Pháp sản xuất - đã bị bắn hạ trong trận chiến.

"Nếu được xác nhận, điều này cho thấy Pakistan có các hệ thống vũ khí, ít nhất, ngang hàng với những gì Tây Âu, đặc biệt là Pháp, đang sở hữu", Bilal Khan, người sáng lập công ty phân tích quốc phòng Quwa Group Inc. có trụ sở tại Toronto, nhận định.

Cổ phiếu của Công ty Máy bay Thành Đô AVIC thuộc sở hữu của nhà nước Trung Quốc, nhà sản xuất máy bay chiến đấu J-10C của Pakistan, đã tăng vọt, thậm chí trước khi Ngoại trưởng Pakistan tuyên bố dòng máy bay này đã được sử dụng để bắn hạ máy bay của Ấn Độ.

J-10C là phiên bản mới nhất của máy bay chiến đấu đa năng một động cơ J-10 của Trung Quốc, được đưa vào sử dụng trong lực lượng không quân Trung Quốc vào đầu những năm 2000. Với hệ thống vũ khí và thiết bị điện tử hàng không hiện đại, J-10C được phân loại là máy bay chiến đấu thế hệ 4,5 - cùng cấp với Rafale nhưng thấp hơn một bậc so với máy bay tàng hình thế hệ thứ 5, như J-20 của Trung Quốc hoặc F-35 của Mỹ.

Truyền thông Trung Quốc xác nhận Bắc Kinh đã giao lô tiêm kích J-10CE đầu tiên - phiên bản xuất khẩu - cho Pakistan vào năm 2022. Hiện tại, đây là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất trong kho vũ khí của Pakistan, cùng với JF-17 Block III, máy bay chiến đấu hạng nhẹ thế hệ 4,5 do Pakistan và Trung Quốc hợp tác phát triển.

Không quân Pakistan (PAF) cũng vận hành một phi đội lớn hơn gồm các máy bay F-16 do Mỹ chế tạo, một trong số đó đã được sử dụng để bắn hạ một máy bay chiến đấu của Ấn Độ do Liên Xô thiết kế trong một cuộc đụng độ vào năm 2019.

Nhưng theo chuyên gia Khan, các máy bay F-16 của Pakistan hiện vẫn giữ cấu hình từ đầu những năm 2000 - tụt hậu so với các phiên bản nâng cấp đang được Mỹ cung cấp - trong khi các máy bay J-10CE và JF-17 Block III do Trung Quốc sản xuất có các công nghệ hiện đại như radar mảng quét điện tử chủ động (AESA).

"Vì vậy, F-16 vẫn là một phần quan trọng trong bất kỳ cuộc trả đũa nào do Không quân Pakistan dẫn đầu, nhưng không phải là phần trung tâm hoặc không thể thiếu", ông nói.

Đại tá đã nghỉ hưu Zhou Bo, nghiên cứu viên cao cấp tại Trung tâm An ninh và Chiến lược Quốc tế của Đại học Thanh Hoa tại Bắc Kinh, cho biết nếu J-10C do Trung Quốc sản xuất thực sự bắn hạ Rafale do Pháp sản xuất, đó sẽ là "một sự thúc đẩy to lớn về lòng tin vào các hệ thống vũ khí của Trung Quốc".

"Điều này có khả năng thúc đẩy rất lớn cho doanh số bán vũ khí của Trung Quốc trên thị trường quốc tế", ông nói.

"Quảng cáo mạnh mẽ"

Mảnh vỡ máy bay tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát

Theo dữ liệu từ SIPRI, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 43% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2020-2024. Con số này cao hơn 4 lần so với Pháp, nước đứng thứ hai, tiếp theo là Nga. Trung Quốc đứng thứ 4, với gần 2/3 lượng vũ khí xuất khẩu của nước này được chuyển đến một quốc gia duy nhất: Pakistan.

Andrew Small, một chuyên gia về quan hệ Pakistan - Trung Quốc tại Quỹ Marshall của Đức, cho biết khí tài mà Trung Quốc cung cấp cho Pakistan đã phát triển cùng với ngành công nghiệp quốc phòng của Bắc Kinh.

"Ngoài sự hợp tác về vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo, rất nhiều thứ mà Trung Quốc cung cấp trước đây chỉ là hàng giá rẻ như xe tăng, pháo binh, vũ khí hạng nhẹ", chuyên gia Small cho biết. Tuy nhiên, theo ông, hiện nay, Pakistan "đang trở thành nơi trưng bày một số năng lực mới hơn của Trung Quốc".

Trong khi Ấn Độ và Pakistan có thể đang vướng vào giao tranh "nóng" nhất trong nhiều thập niên, cuộc xung đột này cũng là nơi thử nghiệm các thiết bị quan trọng đối với một cuộc cạnh tranh khác giữa Trung Quốc và liên minh phương Tây do Mỹ đứng đầu.

Chuyên gia Khan, nhà phân tích quốc phòng tại Toronto, cho rằng, vụ bắn hạ máy bay Ấn Độ, nếu được xác nhận, sẽ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp quốc phòng của Trung Quốc. Ông lưu ý rằng, vũ khí Trung Quốc có khả năng nhận được sự quan tâm từ "các cường quốc ở Trung Đông và Bắc Phi", vốn thường không thể tiếp cận "công nghệ tiên tiến nhất của phương Tây".

"Trong bối cảnh Nga tập trung vào cuộc chiến ở Ukraine, tôi chắc chắn rằng Trung Quốc đã bắt đầu đẩy mạnh các thị trường truyền thống của Moscow - ví dụ Algeria, Ai Cập, Iraq và Sudan - để đảm bảo doanh số bán hàng lớn", ông nói.

Các chuyên gia ở Pakistan và Trung Quốc cho biết tiêm kích J-10C do Không quân Pakistan triển khai có khả năng được ghép nối với PL-15, tên lửa không đối không tiên tiến nhất của Trung Quốc - có tầm bắn được báo cáo là 200-300km. Phiên bản xuất khẩu có tầm bắn giảm xuống còn 145km.

"Theo quan điểm của Trung Quốc, đây về cơ bản là sự quảng cáo mạnh mẽ. Điều này sẽ gây sốc ngay cả với những quốc gia như Mỹ về việc đối thủ của họ thực sự mạnh đến mức nào? Đây là một câu hỏi mà tất cả các quốc gia muốn mua máy bay chiến đấu, cũng như các đối thủ khu vực của Trung Quốc, sẽ cần phải xem xét lại một cách nghiêm túc: họ nên đối mặt với thực tế mới này như thế nào?", Antony Wong Dong, một nhà quan sát quân sự tại Ma Cao, cho biết về các tuyên bố của Pakistan.

Theo Yun Sun, một chuyên gia về các vấn đề quân sự của Trung Quốc tại Trung tâm Stimson ở Washington, "không có quảng cáo nào tốt hơn một tình huống chiến đấu thực sự". Ông cho biết "đây là một bất ngờ thú vị đối với Trung Quốc khi kết quả khá ấn tượng".

Bạn đang đọc bài viết "Phép thử thực chiến của dàn vũ khí trong cuộc "đọ sức" Ấn Độ - Pakistan" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.