
Phái đoàn Nga, Ukraine đàm phán tại Thổ Nhĩ Kỳ ngày 29/3/2022 (Ảnh: Getty).
"Một đề xuất đàm phán mà không cần điều kiện tiên quyết đã được đưa ra. Họ cần đến và bắt đầu đàm phán. Tất nhiên, điều này khá dễ dàng nếu họ muốn", ông Yury Ushakov, trợ lý Tổng thống Nga, nói trong cuộc phỏng vấn hôm 10/5.
Theo ông Ushakov, cấp độ của phái đoàn đàm phán vẫn chưa được công bố.
"Chúng tôi đã đề xuất đàm phán vào thứ Năm, ngày 15/5. Chúng tôi sẵn sàng bắt đầu vào buổi sáng. Thông báo về người dẫn đầu phái đoàn Nga sẽ được công bố trong những ngày tới", quan chức Nga nói thêm.
Trợ lý Tổng thống Nga cho biết Điện Kremlin đang chờ phản hồi của Ukraine về đề xuất này.
Tuyên bố của ông Ushakov được đưa ra sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin đề nghị Ukraine tái khởi động các cuộc đàm phán mà Ukraine đã hủy bỏ vào năm 2022.
"Chúng tôi đề xuất chính quyền Kiev nối lại các cuộc đàm phán mà họ đã gián đoạn vào cuối năm 2022. Để nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào… Chúng tôi đề xuất bắt đầu đàm phán mà không có sự chậm trễ nào vào thứ Năm tuần tới, ngày 15/5, tại Istanbul", Tổng thống Putin tuyên bố.
Sau khi chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine bắt đầu vào tháng 2/2022, hai nước đã tiến hành đàm phán tại Belarus vào tháng 3/2022, sau đó là cuộc họp tại Istanbul vào ngày 29/3/2022.
Trong các cuộc đàm phán tại Istanbul, các phái đoàn đã ký tắt một dự thảo thỏa thuận, trong đó nêu rõ cam kết của Ukraine về vị thế trung lập, không liên kết và cam kết không triển khai vũ khí nước ngoài, bao gồm vũ khí hạt nhân, trên lãnh thổ của mình.
Tuy nhiên, Ukraine đã đơn phương dừng các cuộc đàm phán. Người đứng đầu phái đoàn Ukraine, David Arakhamia, sau đó thừa nhận điều này xảy ra theo đề xuất của Thủ tướng Anh khi đó là ông Boris Johnson.
Phát biểu trước các phóng viên tại Điện Kremlin hôm 10/5, Tổng thống Putin đề xuất nối lại các cuộc đàm phán, đồng thời cho rằng tất cả những ai muốn hòa bình nên ủng hộ ý tưởng này.
"Các hành động thù địch, một cuộc chiến tranh, đang diễn ra ngay lúc này, và chúng tôi đề xuất nối lại các cuộc đàm phán mà chúng tôi không làm gián đoạn. Những ai thực sự muốn hòa bình nên ủng hộ điều này", ông Putin nói.
Ông chủ Điện Kremlin cũng bày tỏ sự cảm kích đối với các đối tác nước ngoài của Nga vì những nỗ lực hướng đến hòa bình. Trong số đó, ông nêu tên Trung Quốc, Brazil, các quốc gia châu Phi và Trung Đông, cũng như chính quyền mới của Mỹ.
Theo Tổng thống Putin, Nga không loại trừ khả năng gia hạn lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày mà Moscow đã công bố trước đó nhân dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng.
"Vào ngày lễ này, chúng tôi đã tuyên bố ngừng bắn lần thứ 3. Chúng tôi đã nói với các đồng nghiệp phương Tây rằng chúng tôi không loại trừ khả năng gia hạn. Nhưng tất nhiên, điều này sẽ được thực hiện sau khi chúng tôi phân tích những gì đã xảy ra trong 3 ngày này, tùy thuộc vào cách chính quyền Kiev phản ứng", nhà lãnh đạo Nga nói thêm.
Tuyên bố của Tổng thống Putin được đưa ra sau khi các nhà lãnh đạo Anh, Pháp, Đức và Ba Lan đã tập trung tại Kiev vào ngày 10/5 để tham gia các cuộc đàm phán cấp cao với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky.
Sau đó, Tổng thống Zelensky thông báo các lãnh đạo tham gia cuộc họp đã nhất trí rằng lệnh ngừng bắn hoàn toàn và vô điều kiện phải bắt đầu vào thứ Hai, ngày 12/5, và kéo dài ít nhất 30 ngày.
Ông Zelensky cảnh báo nếu Moscow từ chối lệnh ngừng bắn, các lệnh trừng phạt mạnh hơn sẽ được áp dụng đối với các lĩnh vực năng lượng và ngân hàng của Nga.