TS. Trần Đình An
Trường Đại học Nguyễn Tất Thành
Email: tdan@nttu.edu.vn
Tóm tắt
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang đến nhiều thành tựu vượt bậc, nổi bật là sự bùng nổ của công nghệ thông tin, tạo tiền đề cho chuyển đổi kinh doanh truyền thống sang mô hình kinh tế chia sẻ trong nhiều lĩnh vực trên toàn cầu, tỏng đó có lĩnh vực du lịch. Hòa cùng xu hướng này, các mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch tại Việt Nam cũng đã phát triển mạnh mẽ. Để hiểu rõ hơn về lĩnh vực này, thông qua sự vận hành ngành du lịch trong bối cảnh chuyển đổi số kết hợp với sự khảo sát 152 mẫu thuộc các đối tượng liên quan trong mô hình kinh tế chia sẻ, bài viết sẽ phân tích các cơ hội, thách thức và động lực phát triển các mô hình kinh tế chia sẻ, từ đó định hướng một số đề xuất nhằm phát triển bền vững kinh tế du lịch Việt Nam.
Từ khóa: Công nghệ thông tin, du lịch, kinh tế chia sẻ, nền tảng số, Việt Nam
Summary
The Fourth Industrial Revolution has brought remarkable achievements, most notably the explosion of information technology, laying the foundation for the transformation from traditional business to a sharing economy model across various sectors worldwide, including tourism. In line with this trend, sharing economy models in tourism has also experienced rapid growth in Vietnam. To better understand this field, by examining the operation of the tourism industry in the context of digital transformation and surveying 152 relevant participants in the sharing economy model, this article analyzes the opportunities, challenges, and driving forces behind the development of sharing economy models. Based on these insights, the article proposes several recommendations to promote the sustainable development of Vietnam's tourism economy.
Keywords: Information technology, tourism, sharing economy, digital platforms, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Theo đánh giá, trước đại dịch Covid-19, ngành du lịch Việt Nam ghi nhận tốc độ tăng trưởng ấn tượng, trung bình trên 20%/năm trong giai đoạn 2015–2019, với lượng khách quốc tế tăng từ 7,9 triệu (2015) lên 18 triệu lượt (2019). Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch và các biện pháp giãn cách xã hội, con số này giảm mạnh còn 3,8 triệu lượt vào năm 2020. Sau khi Việt Nam mở cửa du lịch trở lại từ ngày 15/3/2022, ngành du lịch đã có sự phục hồi nhanh chóng: từ 3,66 triệu lượt khách quốc tế (2022) tăng lên 12,6 triệu lượt (2023), gấp gần 3,5 lần (TTTTDL, 2024). Đến năm 2024, Việt Nam đạt 17,5 triệu lượt khách quốc tế (Hình 1), tăng 38,9% so với năm trước, cùng 110 triệu lượt khách nội địa (tăng 1,6%). Tổng thu từ du lịch năm 2024 đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với năm 2023 (Xuân Trường, 2025).
Hình 1: Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam giai đoạn 2015-2024
![]() |
Nguồn: Tổng hợp từ TTTTDL (2024) và Xuân Trường (2025) |
Những con số trên cho thấy tiềm năng phát triển của ngành du lịch là lớn, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong tăng trưởng kinh tế quốc gia. Đồng thời cũng khẳng định, cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đã mang lại nhiều thành tựu khoa học công nghệ, thúc đẩy đổi mới trong các lĩnh vực, ngành nghề (Nguyễn Đắc Hưng, 2017), đặc biệt trong ngành du lịch. Cùng với đó, sự phát triển mạnh mẽ của internet - công nghệ số và vạn vật kết nối (IoT) đã mở rộng khả năng kết nối giữa bên cung và bên cầu thông qua các nền tảng số. Trong lĩnh vực du lịch, mô hình kinh tế chia sẻ cho phép cá nhân sở hữu tài sản nhàn rỗi như phương tiện vận chuyển, cơ sở lưu trú hay dịch vụ ẩm thực có thể kết nối trực tiếp với người tiêu dùng có nhu cầu. Ngoài ra, việc tận dụng tài nguyên sẵn có một cách hiệu quả cũng đã hình thành mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, làm thay đổi cách thức tương tác truyền thống giữa nhà cung cấp và khách hàng, góp phần tối ưu chi phí, nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên và thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch.
KHÁI QUÁT VỀ KINH TẾ CHIA SẺ TRONG DU LỊCH
Kinh tế chia sẻ trong du lịch là một phần quan trọng của nền kinh tế chia sẻ, với tính liên ngành, liên vùng và xã hội hóa cao. Mô hình này dựa trên kết nối trực tiếp giữa người sở hữu và người sử dụng tài nguyên thông qua nền tảng công nghệ số, giúp tối ưu hóa sử dụng tài sản nhàn rỗi và tạo lợi ích kinh tế cho các bên. Các dịch vụ phổ biến bao gồm chia sẻ lưu trú, vận chuyển, lữ hành, cùng các lĩnh vực liên quan như ẩm thực, giải trí, chăm sóc sức khỏe,…
Tại Việt Nam, mô hình này ngày càng phát triển với sự tham gia của cả doanh nghiệp nội địa như Tripi, iVIVU, Vntrip, Mytour và các nền tảng quốc tế như Airbnb, Agoda, Traveloka, Luxstay, TripAdvisor. Những nền tảng này giúp người dùng dễ dàng tiếp cận dịch vụ với chi phí hợp lý và trải nghiệm đa dạng. Những điều này cho thấy, kinh tế chia sẻ trong du lịch không chỉ giúp tiết kiệm chi phí, tối ưu nguồn lực mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ cho nhiều phân khúc khách hàng, góp phần thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững ngành du lịch.
Các bên liên quan trong mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch gồm bốn nhóm chính (Trần Minh Phương, 2020): (1) Bên cung cấp dịch vụ du lịch: Cá nhân/doanh nghiệp cung cấp dịch vụ lưu trú, vận chuyển, ăn uống, giải trí, chăm sóc sức khỏe, mua sắm. (2) Bên kinh doanh nền tảng chia sẻ: Các nền tảng công nghệ trong kinh doanh du lịch như Airbnb, Traveloka, Agoda, iVIVU, Booking, TripAdvisor,… đóng vai trò kết nối cung – cầu. (3) Bên sử dụng dịch vụ: Người sử dụng dịch vụ du lịch qua các nền tảng trực tuyến. (4) Cơ quan quản lý nhà nước: Đảm nhận vai trò giám sát, hỗ trợ và đảm bảo phát triển an toàn, bền vững.
CÁC MÔ HÌNH KINH TẾ CHIA SẺ TRONG DU LỊCH TẠI VIỆT NAM
Kinh tế chia sẻ đang phát triển mạnh tại Việt Nam, nhất là trong du lịch, thông qua việc cho thuê tài sản nhàn rỗi như cơ sở lưu trú, phương tiện giao thông,… Theo Nielsen (2017), 75% người Việt ủng hộ mô hình này và cho thấy là tiềm năng phát triển lớn ở Việt Nam. Các lĩnh vực nổi bật gồm chia sẻ trong du lịch tập trung vào cơ sở lưu trú, phương tiện, phương tiện giao thông, dịch vụ lữ hành và các dịch vụ bổ sung trong du lịch.
Mô hình kinh tế chia sẻ trong lưu trú
Đến cuối 2023, có hơn 18.230 chủ nhà tham gia cho thuê lưu trú qua nền tảng số, nổi bật tại Việt Nam có thể kể đến như Airbnb, Luxstay và Travelmob (Nguyễn Thế Vinh và công sự, 2024). Airbnb ưu thế với quy trình đơn giản, giá cạnh tranh và phổ biến tại nhiều thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ chí Minh, Đà Lạt, Sapa, Hội An, Đà Nẵng, Nha Trang; Luxstay, nền tảng chia sẻ lưu trú nội địa cũng kết nối hàng chục nghìn chỗ nghỉ tại các điểm du lịch nổi tiếng tương tự như Airbnb. Đặc biệt, với việc được thành lập từ năm 2012 tại Singapore, Travelmob đã có mặt ở hầu hết các điểm đến nổi tiếng trong khu vực Đông Nam Á và châu Á, trong đó có Việt Nam, cho phép đăng tải miễn phí thông tin chỗ nghỉ, hỗ trợ giao dịch và mang lại tiện ích cao cho người dùng.
Mô hình kinh tế chia sẻ phương tiện giao thông
Các ứng dụng như Grab, Be, Go-Viet, FastGo giúp kết nối người dùng với tài xế qua hệ thống định vị, nâng cao sự tiện lợi và minh bạch giá. Các nền tảng này không chỉ đáp ứng nhu cầu đi lại mà còn tích hợp đặt phòng, vé máy bay,... Xu hướng gọi xe qua ứng dụng ngày càng phổ biến, với Grab chiếm ưu thế khi 70% người dùng lựa chọn và 55% đánh giá cao (Nguyễn Thế Vinh và cộng sự, 2024). Điều này phản ánh sự thay đổi thói quen tiêu dùng và tạo áp lực cạnh tranh cho các hãng vận tải truyền thống.
Mô hình chia sẻ dịch vụ lữ hành
Triip.me là nền tảng kết nối du khách với hướng dẫn viên địa phương để mang lại trải nghiệm chân thực và bền vững. Các doanh nghiệp lữ hành trong nước cũng chuyển sang mô hình chia sẻ bằng cách đăng bán tour trên các nền tảng chung hoặc xây dựng nền tảng riêng, từ đó mở rộng thị trường, giảm chi phí và nâng cao trải nghiệm du khách trong kỷ nguyên số. Klook là nền tảng kết nối du khách liên quan đến tour nấu ăn, thuê xe máy địa phương, hoặc trải nghiệm văn hóa truyền thống - những loại hình không phổ biến trong các công ty lữ hành chính thống. Hiệu ứng này giúp gia tăng thu nhập cho cộng đồng địa phương, đặc biệt tại các điểm đến nông thôn và miền núi - nơi thường bị bỏ qua trong các chương trình du lịch đại trà (Lam Phương, 2024).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Thông qua hiện trạng thực tế về kinh tế chia sẻ trong ngành du lịch tại Việt Nam, nghiên cứu này đã tiến hành khảo sát 152 người, gồm: chuyên gia, chuyên viên của các cơ quan quản lý du lịch, các tổ chức dịch vụ lữ hành, du khách, chủ sở hữu tài sản, phương tiện, doanh nghiệp nền tảng của Airbnb, Grab tại ba thành phố lớn là Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Nha Trang để đánh giá việc sử dụng nền tảng, lợi ích kinh tế và các cơ hội kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch.
Kết quả khảo sát cho thấy, kinh tế chia sẻ trong du lịch Việt Nam đang phát triển đáng kể, điển hình tại các đô thị lớn. 72,37% đồng tình về người sử dụng dịch vụ lưu trú qua Airbnb ít nhất một lần trong 12 tháng qua; 61,18% đồng tình về thường xuyên sử dụng Grab để di chuyển khi đi du lịch nội địa; 47,37% về du khách từng trải nghiệm các tour địa phương cá nhân hóa thông qua Klook, Triip.me hoặc dịch vụ hướng dẫn viên tự phát. Những con số này cho thấy, các nền tảng kinh tế chia sẻ ngày càng đóng vai trò quan trọng trong hành vi tiêu dùng du lịch, đặc biệt đối với thế hệ Millennials và Gen Z - nhóm khách hàng chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu du lịch nội địa (Như Quỳnh, 2024), trên 63% sử dụng các nền tảng này.
Bên cạnh đó, kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, kinh tế chia sẻ mang lại nhiều lợi ích kinh tế và xã hội như: Gia tăng thu nhập cá nhân và tạo việc làm bán thời gian. 83,55% đáp viên nhận định mô hình này giúp các dịch vụ chia sẻ lưu trú trên Airbnb có thêm nguồn thu nhập ổn định, với mức trung bình khoảng 5–15 triệu đồng/tháng, các tài xế Grab tại khu vực du lịch ở các thành phố lớn nhận thu nhập từ 7–12 triệu đồng/tháng, tùy thuộc vào mùa cao điểm du lịch. Điều này góp phần mở rộng mạng lưới việc làm linh hoạt, đặc biệt cho nhóm lao động bán thời gian, người đã nghỉ hưu hoặc sinh viên.
Từ kết quả khảo sát trên, tác giả cho rằng, cơ hội phát triển kinh tế chia sẻ trong kinh doanh du lịch tại Việt Nam thời số hoá là rất lớn, do Việt Nam hiện đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi, như: hạ tầng viễn thông và số hóa có bước tiến đáng kể. Năm 2023, số thuê bao điện thoại đạt 100,1 triệu, trong đó 84,4% là người dùng smartphone – vượt mức trung bình toàn cầu (63%). Tỷ lệ thuê bao di động băng rộng đạt 85,5/100 dân, tốc độ băng rộng cố định và tốc độ truy cập internet di động lần lượt đạt 104,08 Mbit/s và 44,92 Mbit/s – thuộc nhóm trung bình cao trên thế giới. Đồng thời, 42/63 tỉnh thành đã triển khai kế hoạch phát triển hạ tầng số (Nguyễn Thế Vinh và công sự, 2024).
Cùng đó, giá cước internet rẻ cũng là một lợi thế. Theo đánh giá, Việt Nam nằm trong nhóm 20 quốc gia có giá cước internet thấp nhất thế giới, thúc đẩy mạnh mẽ cho các mô hình kinh tế chia sẻ, đặc biệt ở các nước thu nhập trung bình thấp. Các ứng dụng du lịch thông minh trong nước ngày càng phổ biến (Bùi Văn Thời và Trần Đình An, 2023), hỗ trợ tìm kiếm điểm đến, lưu trú, ăn uống, định vị, đánh giá dịch vụ và quản lý hành trình, qua đó nâng cao sự hài lòng và trải nghiệm của du khách. Thêm vào đó, tỷ lệ sử dụng địa chỉ internet thế hệ mới IPv6 tại Việt Nam đạt khoảng 60%, cao hơn trung bình toàn cầu 1,6 lần. Việt Nam hiện xếp thứ 9 thế giới và thứ 2 tại Đông Nam Á về tỷ lệ triển khai IPv6. 88% bộ, ngành và địa phương đã hoàn tất việc chuyển đổi cổng thông tin và dịch vụ công sang IPv6, vượt mục tiêu năm 2023 (Nguyễn Thế Vinh và công sự, 2024)… Việc này không chỉ tăng cường kết nối mà còn hỗ trợ phát triển công nghệ số bền vững.
Ngoài ra, sự phổ biến của các nền tảng số quốc tế (như đặt phòng, gọi xe, tour du lịch trực tuyến) càng củng cố vai trò của kinh tế chia sẻ trong nâng cao hiệu quả kinh doanh và thúc đẩy sự phát triển bền vững của ngành du lịch Việt Nam. Người dùng dịch vụ du lịch chia sẻ có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho trải nghiệm mang tính bản địa.
Mặc dù vậy, hiện ngành du lịch Việt Nam vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về cơ sở hạ tầng, pháp lý, quản lý và thuế.
Cơ sở hạ tầng: Hạ tầng viễn thông còn yếu, chỉ có 7 tuyến cáp quang biển phục vụ gần 70 triệu người dùng internet (10 triệu/người/tuyến), trong khi Singapore chỉ là 0,16 triệu và Malaysia 0,78 triệu. Tình trạng đứt cáp trung bình 10 lần/năm gây gián đoạn kết nối, ảnh hưởng nghiêm trọng đến các nền tảng du lịch số.
Khung pháp lý: Pháp luật hiện hành như Luật Du lịch, Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư,… chưa bao quát đầy đủ mô hình kinh tế chia sẻ. Các quy định về đăng ký kinh doanh trực tuyến, chất lượng dịch vụ, tỷ lệ hoa hồng, hợp đồng ba bên (nhà cung cấp dịch vụ, nền tảng chia sẻ, và khách hàng) còn thiếu và chưa rõ ràng. Điều này gây khó khăn trong kiểm soát hoạt động, đặc biệt với các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới.
Cơ chế quản lý: Chúng ta chưa có cơ chế giám sát, xử lý vi phạm hiệu quả đối với mô hình kinh tế chia sẻ này. Các rủi ro như rò rỉ dữ liệu, lừa đảo, chất lượng dịch vụ không đảm bảo vẫn chưa có biện pháp kiểm soát hiệu quả. Trình độ công nghệ và nhận thức về kinh tế chia sẻ trong bộ máy quản lý còn hạn chế.
Quản lý thuế: Việc thu thuế với các nền tảng xuyên biên giới gặp khó khăn do thiếu quy định cụ thể. Công văn số 848/BTC-TCT (2017) chỉ mang tính hướng dẫn, chưa đủ hiệu lực pháp lý, dẫn đến khó khăn trong thu thuế từ các doanh nghiệp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
KẾT LUẬN VÀ KHUYẾN NGHỊ
Kinh tế chia sẻ đã và đang mở ra một hướng đi mới đầy triển vọng cho ngành du lịch toàn cầu, đem lại hiệu quả kinh tế mà còn tạo ra một hệ sinh thái du lịch linh hoạt và bền vững. Tại Việt Nam, nhờ tiềm năng phát triển kinh tế du lịch và các nền tảng kinh tế chia sẻ trong du lịch như dịch vụ phương tiện vận chuyển, dịch vụ lưu trú trực tuyến… đã giúp Việt Nam thu hút được 18 triệu lượt khách quốc tế và khách du lịch nội địa vượt xa 100 triệu lượt trong năm 2024, qua đó cho thấy việc chia sẻ trải nghiệm du lịch đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế du lịch của Việt Nam. Nhiều ứng dụng nhiều công nghệ tiên tiến như Blockchain, dữ liệu lớn (Big Data) và vạn vật kết nối (IoT) trong quản lý và vận hành các dịch vụ du lịch cũng giúp nâng cao chất lượng và tính an toàn, đồng thời tối ưu hóa hiệu quả hoạt động cho các doanh nghiệp kinh doanh nền tảng, hỗ trợ các doanh nghiệp lữ hành hiểu sâu hơn về khách hàng để cá nhân hóa dịch vụ nhằm gia tăng sự hài lòng của du khách, tăng cường phát triển kinh doanh du lịch.
Tuy nhiên, để tạo động lực hơn nữa cho sự tăng trưởng ngành du lịch cũng như vượt qua các thách thức song hành, tác giải cho rằng cần tăng cường một số giải pháp sau:
Một là, tăng cường về hệ thống kết nối mạng internet nhằm ổn định đường truyền trong việc kết nối thông tin, dữ liệu,… nhằm giảm hiệu quả hoạt động từ sự cố thông tin kết nối.
Hai là, Chính phủ cần xây dựng khung pháp lý rõ ràng, minh bạch và phù hợp với đặc thù của mô hình kinh tế chia sẻ trong du lịch, bao gồm quy định về thuế, đăng ký kinh doanh, tiêu chuẩn dịch vụ và trách nhiệm pháp lý.
Ba là, khuyến khích phát triển các mô hình bản địa và cộng đồng như homestay vùng cao, hướng dẫn viên địa phương, trải nghiệm làng nghề,... giúp lan tỏa lợi ích du lịch và gìn giữ văn hóa. Cần sự phối hợp giữa chính quyền địa phương với các doanh nghiệp khởi nghiệp về công nghệ để phát triển nền tảng chia sẻ du lịch địa phương.
Bốn là, nâng cao năng lực số và kỹ năng cộng đồng, tổ chức các chương trình đào tạo kỹ năng số, quản trị dịch vụ và an toàn du lịch cho người dân tham gia nền kinh tế chia sẻ. Sự phối hợp giữa sở du lịch, trường đại học, tổ chức phi chính phủ (NGO - Non-Governmental Organization) và doanh nghiệp là rất cần thiết.
Năm là, thiết lập hệ thống tín nhiệm và giám sát. Khuyến khích các nền tảng áp dụng hệ thống đánh giá hai chiều minh bạch, kết nối dữ liệu với cơ quan quản lý qua API (Application Programming Interface) để giám sát dịch vụ, đảm bảo chất lượng và tạo niềm tin cho người dùng.
Sáu là, tăng cường hợp tác đa bên, cần sự phối hợp liên ngành giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, cộng đồng và tổ chức xã hội nhằm phát triển kinh tế chia sẻ trong du lịch. Ứng dụng công nghệ và dữ liệu số sẽ giúp quản lý hiệu quả, hạn chế rủi ro.
Tài liệu tham khảo:
1. Bùi Văn Thời và Trần Đình An (2023). Ứng dụng du lịch thông minh trong phát triển kinh tế du lịch địa phương. Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
2. Lam Phương (2024). Klook: Du khách Việt ưu tiên chuyến đi ngắn ngày, hướng đến trải nghiệm đậm chất địa phương. Truy cập ngày 10/07/2024 tại: https://www.brandsvietnam.com/congdong/topic/342196-klook-du-khach-viet-uu-tien-chuyen-di-ngan-ngay-huong-den-trai-nghiem-dam-chat-dia-phuong.
3. Nguyễn Đắc Hưng. (2017). Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và vấn đề đặt ra với giáo dục Việt Nam. Nxb Quân đội nhân dân.
4. Nguyễn Thế Vinh và công sự. (2024). Kinh tế chia sẻ trong lĩnh vực du lịch: Cơ hội và thách thức đối với quản lý nhà nước hiện nay. Tạp chí Cộng sản.
5. Như Quỳnh (2024). Khảo sát Millennials - Gen Z 2024: Chi phí sinh hoạt, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống là mối quan tâm hàng đầu. Truy cập ngày 20/08/2024 tại: https://advertisingvietnam.com/khao-sat-millennials-gen-z-2024-chi-phi-sinh-hoat-su-can-bang-giua-cong-viec-va-cuoc-song-la-moi-quan-tam-hang-dau-p25030.
6. Nielsen. (2017). Khảo sát tại Việt Nam về sẵn sàng sử dụng sản phẩm chia sẻ và sẵn sàng chia sẻ.
7. Trần Minh Phương. (2020). Kinh tế chia sẻ và những tác động đến du lịch tại Việt Nam. Tạp chí Công Thương.
8. TTTTDL (Trung tâm Thông tin du lịch). (2024). Khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi ra sao sau 2 năm mở cửa. Truy cập ngày 14/03/2024 tại: https://vietnamtourism.gov.vn/post/55231.
9. Xuân Trường. (2025). 2024 - Năm khởi sắc của du lịch Việt Nam. Truy cập ngày 01/01/2025 tại: https://bvhttdl.gov.vn/2024-nam-khoi-sac-cua-du-lich-viet-nam-20250102081702859.htm.
Ngày nhận bài: 5/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 21/5/2025; Ngày duyệt đăng: 23/5/2025 |