TS. Nguyễn Thị Mai Dung
Khoa luật, Học viện Ngân hàng
ThS. Nguyễn Thị Thùy Dương
Khoa Sau đại học, Học viện Ngân hàng
Tóm tắt
Dự thảo Luật công nghiệp công nghệ số có giải thích tài sản số là sản phẩm công nghệ số được tạo ra, phát hành, chuyển giao và xác thực quyền sở hữu bằng công nghệ chuỗi khối, có giá và quyền tài sản theo quy định của pháp luật về dân sự và pháp luật có liên quan. Để có cái nhìn khách quan hơn cho vấn đề này, bài viết sẽ tập trung nghiên cứu pháp luật về tài sản của một số quốc gia trên thế giới, từ đó gợi mởi một số hàm ý chính sách cho Việt Nam.
Từ khóa: Tài sản số, kinh tế số, pháp luật quốc tế
Summary
The draft Law on Digital Technology Industry defines digital assets as digital technology products that are created, issued, transferred, and verified for ownership using blockchain technology, and which possess value and property rights under civil law and other relevant legal provisions. To provide a more objective perspective on this issue, the article focuses on examining asset-related legal frameworks in various countries worldwide, thereby offering several policy implications for Vietnam.
Keywords: Digital assets, digital economy, international law
ĐẶT VẤN ĐỀ
Trong thời đại công nghệ số, sự phát triển mạnh mẽ của các sản phẩm và dịch vụ số đã tạo ra một thị trường mới, trong đó sự ra đời của tài sản số được xem là xu thế tất yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Bởi, tài sản số không chỉ bao gồm các sản phẩm phần mềm, dữ liệu, tiền điện tử mà còn liên quan đến quyền sở hữu và giao dịch tài sản trên không gian mạng. Đây cũng là lý do khiến một số quốc gia đã sớm có những bước đi quan trọng trong việc ban hành pháp luật về tài sản số nhằm điều chỉnh và bảo vệ thị trường tài sản số một cách hợp pháp, chính đáng cho cả chủ sở hữu tài sản và sự phát triển chung của mỗi quốc gia cũng như cộng đồng thế giới. Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Tuy nhiên, để xây dựng được hệ thống các quy phạm pháp luật về tài sản số, bảo vệ được quyền lợi người dân và tạo môi trường phát triển cho công nghệ và tài sản số trong nước, Việt Nam cần tham khảo kinh nghiệm từ các quốc gia để có được khung pháp lý phù hợp, kịp thời và hiệu quả.
KHÁI QUÁT VỀ TÀI SẢN SỐ
Với sự phát triển như vũ bão về công nghệ số như hiện nay, sự ra đời của tài sản số là tất yếu và tiếp tục là xu thế của nền kinh tế. Trong đó, có nhiều khái niệm về tiền đã được đưa ra. Theo IFRS -International Financial Reporting Standards (Chuẩn mực Báo cáo tài chính quốc tế) tiếp cận tài sản số theo hướng tài sản vô hình, đã có sẵn trong báo cáo tài chính, Nhờ đó, năm 2019, IFRS đưa ra hướng dẫn về cách xác định và định giá của từng loại tài sản số trong các báo cáo tài chính. Tài sản số được hiểu là tài sản vật lý hoặc không vật lý được biểu diễn dưới dạng số hóa và lưu trữ trên các hệ thống máy tính hoặc mạng internet.
Theo tác giả Kevin Werbach viết trong cuốn sách "The Blockchain and the New Architecture of Trust", Kevin Werbach giải thích rằng “Tài sản số không chỉ bao gồm tiền mã hóa mà còn có thể bao gồm các tài sản số hóa khác được mã hóa và giao dịch trên các nền tảng công nghệ blockchain” Tác giả Lawrence H. White trong nghiên cứu về tiền mã hóa, Lawrence White cho rằng “Tài sản số có thể là một hình thức tiền tệ thay thế trong nền kinh tế hiện đại”.
Tại Việt Nam, cho đến hiện tại, mới chỉ có một số văn bản luật đề cập đến tài sản số như Bộ luật Dân sự, Luật Chứng khoán..., song tài sản số đã trở thành một phần quan trọng của nền kinh tế số của Việt Nam nói riêng và các nước nói chung. Tại Bộ Luật dân sự 2015 có quy định các vấn đề liên quan đến tài sản trong phạm vi rộng về quyền sở hữu tài sản và các giao dịch dân sự tại điều 105 Bộ luật dân sự có quy định tài sản là những vật có giá trị kinh tế, có thể chuyển nhượng hoặc giao dịch. Căn cứ vào tính hiện hữu của tài sản, tài sản số có thể được coi là tài sản vô hình (như các dạng tài sản trong blockchain, tiền mã hóa, hoặc dữ liệu số) mà pháp luật cần điều chỉnh các quyền sở hữu, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của chủ sở hữu.
Tại Luật Chứng khoán 2019 có quy định liên quan đến tài sản số đặc biệt là trong lĩnh vực chứng khoán số hoặc công cụ tài chính kỹ thuật số. Điều 3, Luật Chứng khoán 2019 đề cập đến tài sản số được tồn tại dưới các hình thức chứng khoán điện tử. Chứng khoán số có thể được coi là tài sản số trong lĩnh vực chứng khoán. Ví dụ, các công cụ tài chính như cổ phiếu, trái phiếu có thể được số hóa hoặc giao dịch qua các nền tảng số.
Như vậy, hiện nay Việt Nam vẫn chưa có một văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về tài sản số và các hình thức tồn tại của tài sản số. Để làm rõ hơn về nội dung này, đồng thời thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật nhà nước về phát triển công nghiệp công nghệ thông tin (ICT), công nghiệp công nghệ số; tạo môi trường pháp lý thuận lợi để phát triển ngành công nghiệp, mới đây, ý tưởng về tài sản số đã được định hình và được cơ quan có thẩm quyền xây dựng trong Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ, trong đó quy định rõ khái niệm tài sản số. Theo đó, tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan. Tài sản số phải đáp ứng các tiêu chí tối thiểu sau: (1) thể hiện dưới dạng dữ liệu số; (2) xác định được quyền sở hữu; (3) có thể giao dịch, chuyển giao bằng phương tiện điện tử, tương thích với các hệ thống khác; (4) có giá trị kinh tế; tồn tại và hoạt động mà không cần gắn liền với tài sản vật chất; (5) bảo đảm tính toàn vẹn, bảo mật; (6) xác thực được tính hợp pháp và nguồn gốc; (7)bảo đảm minh bạch thông tin, trách nhiệm giải trình (Điều 15, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ). Quản lý tài sản số bao gồm các quy định về quyền sở hữu, chuyển nhượng, sử dụng tài sản số; quy định về thuế, tài chính; hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; quy định về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; quản lý theo vòng đời; phòng chống, ngăn chặn, quản lý rủi ro liên quan đến tài sản số và các nội dung quản lý khác (Điều 16 Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ).
Như vậy, có thể hiểu “Pháp luật về tài sản số trong nền kinh tế số gồm hệ thống các quy định pháp lý nhằm điều chỉnh việc sở hữu, giao dịch, bảo vệ quyền lợi, và quản lý tài sản số trong môi trường kỹ thuật số”. Tài sản số bao gồm các tài sản có giá trị tồn tại dưới dạng dữ liệu số, chẳng hạn như tiền mã hóa (cryptocurrency), token, tài sản trí tuệ, dữ liệu số hóa, và các tài sản khác được tạo ra và giao dịch trong không gian mạng.
PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN SỐ CỦA MỘT SỐ QUỐC GIA TRÊN THẾ GIỚI
Qua nghiên cứu cho thấy, nhiều quốc gia trên thế giới đã dành sự quan tâm rất lớn đối với tài sản số, phát hành và thừa nhận nó như là một phương tiện lưu thông, thanh toán và đưa vào tài sản dự trữ của quốc gia. Cụ thể:
Hoa Kỳ
Hiện nay, Hoa Kỳ đang phát triển các quy định và chính sách mới nhằm đảm bảo tính an toàn, minh bạch và tuân thủ pháp lý cho các hoạt động liên quan đến tài sản số. Ở cấp độ liên bang, Cơ quan Giao dịch hợp đồng tương lai sản phẩm cơ bản Hoa Kỳ (CFTC) và Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (Fed) đang áp dụng các quy định và tiêu chuẩn tương tự như đối với tài sản truyền thống. Đồng thời điều chỉnh để phù hợp với đặc thù của tài sản số. Cụ thể, CFTC đã công nhận tiền điện tử là một loại sản phẩm tài chính, đưa ra các quy định về giao dịch tiền điện tử và áp dụng các tiêu chuẩn báo cáo cũng như đánh giá rủi ro đối với các công ty giao dịch tiền điện tử.
Theo đánh giá, hiện nay tài sản số đang có sự phát triển nhanh chóng và đã trở thành một phần quan trọng trong nền kinh tế toàn cầu. Gần đây, Tổng thống Mỹ Donal Trump đã công bố tên của các loại tiền ảo được đưa vào dữ trữ chiến lược tiền ảo mới của nền kinh tế với quy mô lớn nhất trên thế giới, điều này khiến cho giá trị của các đồng tiền này tăng vọt trên thị trường. Ở cấp độ bang, các tiểu bang và vùng lãnh thổ của Hoa Kỳ cũng đang xây dựng các quy định và chính sách riêng để quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản số, bao gồm: giao dịch, mua bán, lưu trữ và quản lý tài sản số. Một ví dụ điển hình là New York, nơi đã ban hành BitLicense - giấy phép cho các công ty hoạt động trong lĩnh vực tiền điện tử, nhằm đảm bảo tuân thủ các quy định pháp lý và bảo vệ quyền lợi của người dùng
Singapore
Singapore là một trong những quốc gia dẫn đầu tại khu vực Đông Nam Á trong việc tiếp cận và quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản số. Quốc gia này có các cơ quan giám sát và quản lý tài sản số và tiền điện tử, trong đó nổi bật là Ngân hàng Trung ương Singapore (MAS) và Cơ quan Quản lý Kế toán và Doanh nghiệp Singapore (ACRA). Năm 2019, MAS đã giới thiệu một khung pháp lý mới cho các hoạt động liên quan đến tài sản số, cho phép các công ty trong lĩnh vực này đăng ký và hoạt động tại Singapore. Khung pháp lý này cũng đặt ra các quy định và tiêu chuẩn về bảo vệ người dùng, quản lý rủi ro, cũng như đảm bảo tuân thủ pháp lý trong các hoạt động liên quan đến tài sản số.
Nhật Bản
Thị trường tài sản số ở Nhật Bản đã phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên, sự sụp đổ của một số hệ sinh thái tiền mã hóa đã thúc đẩy cơ quan quản lý tại quốc gia này tích cực thảo luận và xây dựng khung pháp lý điều chỉnh phù hợp, hiệu quả. Ở cấp độ quốc gia, Nhật Bản có nhiều cơ quan giám sát và quản lý các hoạt động liên quan đến tài sản số, bao gồm Bộ Tài chính,… Các cơ quan này đóng vai trò quan trọng trong việc đưa ra các quy định và chính sách mới nhằm quản lý và điều chỉnh các hoạt động liên quan đến tài sản số.
HÀM Ý CHO VIỆT NAM TRONG HOÀN THIỆN PHÁP LUẬT VỀ TÀI SẢN SỐ
Qua nghiên cứu về tài sản số trong nền kinh tế số của các quốc gia trên thế giới cho thấy vấn đề tài sản số là rất cần thiết. Tuy nhiên, các quan hệ xã hội trong lĩnh vực này cực kỳ phức tạp, đòi hỏi không chỉ sự linh hoạt mà còn phải có tầm nhìn dài hạn để thích nghi với sự thay đổi liên tục của công nghệ. Vì thế, để quản lý hoạt động của các chủ thể trong lĩnh vực tài sản số, Việt Nam cần hoàn thiện Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ theo hướng dưới đây:
Thứ nhất, cần nhắc đến quy định pháp luật về tài sản số trong lĩnh vực luật tư hoặc quy định pháp luật có liên quan đến Luật Dân sự, xác lập quyền sở hữu tài sản số cần dựa trên Bộ luật Dân sự.
Trên thế giới, hoạt động giao dịch tài sản ảo, tài sản kỹ thuật số đang diễn ra rất sôi động, theo đó nhiều vụ kiện tụng, tranh chấp về quyền sở hữu đối với tài sản ảo cũng đã xảy ra. Vì vậy, nhiều nước đã xây dựng, ban hành chính sách, pháp luật điều chỉnh quan hệ dân sự này như: Luật Phát triển và Bảo vệ viễn thông của Hàn Quốc quy định rõ về hành vi ăn cắp “tài sản ảo”; Trung Quốc có Luật Bảo vệ lợi ích của người sở hữu “tài sản ảo”. Tương tự, các nước như Hoa Kỳ, Anh, Pháp, Đức, Nhật, Canada… đều đã xây dựng khung pháp lý, chính sách quản lý hoạt động kinh doanh, sử dụng tài sản ảo… Như vậy, việc Việt Nam ban hành khung pháp lý trong đó có nội dung về điều chỉnh về quyền sở hữu tài sản số là phù hợp và kịp thời với xu thế hội nhập kinh tế, tài chính quốc tế.
Thứ hai, cần thống nhất về khái niệm tài sản mã hóa để làm căn cứ thu thuế.
Qua nghiên cứu và tham khảo hoạt động quản lý của cơ quan thuế các quốc gia có hệ thống thuế phát triển như Hoa Kỳ, Anh, Úc, cho thấy vẫn chưa có cách tiếp cận hệ thống toàn diện nhất đối với các giao dịch tài sản mã hóa (TSMH). Tại Argentina coi thu nhập từ giao dịch TSMH tương tự như thu nhập từ chứng khoán. Trong khi tại Đức, Thụy Sỹ đánh thuế giao dịch tiền mật mã như giao dịch ngoại tệ. Còn Thụy Điển, Pháp các sàn giao dịch TSMH bắt buộc phải đăng ký với các cơ quan giám sát tài chính. Ngoài ra, tại Pháp, các hoạt động nhận tiền pháp định từ người mua Bitcoin và chuyển khoản tiền này đến người bán Bitcoin hay cung cấp dịch vụ thanh toán cần phải có giấy phép tương tự như các công ty cung cấp dịch vụ thanh toán.
Hiện nay, Việt Nam đã đang lấy ý kiến góp ý vào Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số (do Bộ TT&TT thực hiện), theo đó khái niệm “tài sản mã hóa” sẽ được dùng thay cho khái niệm “tài sản số”. Tuy nhiên, để đảm bảo thu thuế đúng quy định và đúng đối tượng cần phải thống nhất về tài sản mã hóa để phân loại đúng, bởi mỗi tài sản số có thể phục vụ cho mục tiêu khác nhau, từ đó mới có căn cứ thực hiện việc thu thuế phù hợp.
Thứ ba, ngành Tài chính - Ngân hàng có vài trò quan trong trong nền kinh tế, trước sự tác động của nền kinh tế số. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể khi tham gia vào giao dịch thì ngành Tài chính-Ngân hàng cần thực hiện chuyển đổi số trong lĩnh vực tài chính ngân hàng. Đồng thời, cần thực hiện một số giải pháp như: Xây dựng và hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ số; Phát triển hệ thống pháp lý và quản lý phù hợp; Tăng cường bảo mật và quản lý rủi ro; Nâng cao năng lực số cho nhân sự trong ngành tài chính ngân hàng; Phát triển các dịch vụ tài chính bền vững. Chuyển đổi số cũng cần đi đôi với các mục tiêu tài chính bền vững.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tào Nghiên cứu BIDV (2021). Đo lường quy mô kinh tế số - Kinh nghiệm quốc tế, khuyến nghị đối với Việt Nam. Truy cập từ: https://cafef.vn/do-luong-quy-mo-kinh-te-so-kinh-nghiem-quoc-te-va-khuyen-nghi-doi-voi-viet-nam-20210909115251503.chn.
2. Bộ Thông tin và Truyêng thông (2024). Dự Thảo luật Công nghiệp Công nghệ số.
3. Lê Quang Vinh (2024). Bàn về định nghĩa “tài sản số” ở Dự Thảo Luật Công nghiệp công nghệ số. Truy cập từ:
https://lapphap.vn/Pages/tintuc/tinchitiet.aspx?tintucid=211964#:~:text=Kho%E1%BA%A3n%201%20%C4%90i%E1%BB%81u%2014%20D%E1%BB%B1%20th%E1%BA%A3o%20Lu%E1%BA%ADt%20quy,ph%C3%A1p%20lu%E1%BA%ADt%20d%C3%A2n%20s%E1%BB%B1%2C%20s%E1%BB%9F%20h%E1%BB%AFu%20tr%C3%AD%20tu.
4. Nguyễn Đoan Hùng (2023). Tiếp cận tài sản số: Nhìn từ kinh nghiệm quốc tế. Truy cập từ: https://www.tinnhanhchungkhoan.vn/tiep-can-tai-san-so-nhin-tu-kinh-nghiem-quoc-te-post323461.html.
5. Quốc hội (2015). Bộ Luật dân sự số, 91/2015/QH13 ngày 24/11/2015.
6. Quốc hội (2019). Luật Chứng khoán, số 54/2019/QH14 ngày 26/11/2019.
7. Vũ Lê Minh (2025). Xây dựng khung pháp lý tài sản số: Những chế định cốt lõi, kinh nghiệm các nước và gợi mở cho Việt Nam. Truy cập từ:
https://phaply.net.vn/xay-dung-khung-phap-ly-tai-san-so-nhung-che-dinh-cot-loi-kinh-nghiem-cac-nuoc-va-goi-mo-cho-viet-nam-a259198.html#:~:text=%28Ph%C3%A1p%20l%C3%BD%29%20%E2%80%93%20V%E1%BB%9Bi%20s%E1%BB%B1%20ph%C3%A1t%20tri%E1%BB%83n%20c%E1%BB%A7a,l%C3%BD%20v%E1%BB
Ngày nhận bài: 23/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 20/5/2025; Ngày duyệt đăng: 23/5/2025 |