
Tổng thống Mỹ Donald Trump (Ảnh: AFP).
Khi các vị vua Hồi giáo cố gắng tặng cựu Tổng thống Mỹ Martin Van Buren (nhiệm kỳ 1837-1841) những món quà xa xỉ, ông đã làm đúng theo quy định của Hiến pháp: Hỏi ý kiến Quốc hội.
Năm 1839, hai con sư tử sống được Quốc vương Morocco gửi tặng Van Buren tại Lãnh sự quán Mỹ ở Tangiers. Một năm sau, Quốc vương Oman tìm cách tặng ông "ngựa, ngọc trai và nhiều thứ giá trị khác" thông qua các tàu vận chuyển.
"Tôi thấy có nghĩa vụ phải trình vấn đề này lên Quốc hội để họ quyết định xử lý như thế nào", ông Van Buren viết cho các nghị sĩ.
Sau đó, Quốc hội Mỹ nói rõ là ông không được nhận. Theo Washington Post, sư tử sau đó được đưa tới sở thú, ngựa bị bán, còn ngọc trai thì hiện được trưng bày tại Viện Smithsonian.
Dưới logic của Tổng thống Donald Trump - người đã quá mệt mỏi với các chuyên cơ cũ kỹ 40 năm tuổi, lựa chọn của ông Van Buren là không sáng suốt.
Ông Trump đang rất muốn nhận một chiếc Boeing 747 trị giá 400 triệu USD do Hoàng gia Qatar tặng để sử dụng làm chuyên cơ Không lực Một.
"Tôi có thể giả vờ tỏ ra kém sáng suốt mà nói "chúng tôi không cần máy bay miễn phí đâu. Chúng ta phát quà miễn phí cho thiên hạ, thì giờ cũng nhận một món chứ", ông Trump nói với phóng viên hôm 12/5.
Theo kế hoạch, sau khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc và các chuyên cơ Không lực Một mới được Boeing bàn giao theo kế hoạch đã chậm trễ nhiều năm, thì chiếc máy bay hạng sang này sẽ được đưa vào thư viện tổng thống của ông.
Tuy nhiên, Nhà Trắng thừa nhận hiện "vẫn đang xử lý các chi tiết pháp lý". Qatar cũng nói rằng chưa có quyết định chính thức, trong khi Nhà Trắng khẳng định món quà này sẽ không ảnh hưởng đến các quyết định của tổng thống.
Những vấn đề còn tồn tại
Vấn đề đầu tiên là về pháp lý. Nếu ông Trump nhận chiếc chuyên cơ hạng sang, điều này có thể vi phạm điều khoản "lợi tức từ nước ngoài" trong Hiến pháp, vốn nêu rõ rằng Tổng thống phải xin phép Quốc hội nếu muốn nhận bất kỳ món quà nào từ nước ngoài.
Vẫn có cách để bỏ qua điều khoản này. Ông Trump nghĩ rằng nếu Qatar chuyển chiếc máy bay cho Lầu Năm Góc, điều đó có thể giúp "hợp pháp hóa" hành động nhận quà.
"Nếu chúng ta có thể nhận một chiếc 747 như là khoản đóng góp cho Bộ Quốc phòng để sử dụng trong vài năm trong lúc các máy bay khác đang được sản xuất, tôi nghĩ đó là một cử chỉ rất tốt", ông Trump nói.
Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo những hệ lụy từ động thái này.
"Việc trộn lẫn lợi ích tài chính cá nhân với chức vụ tổng thống đã tạo ra rất nhiều vấn đề. Đó là lý do vì sao các tổng thống trước đây đều đã bán hết tài sản hoặc chuyển vào ủy thác vì nó tạo ra nghi ngờ rằng tổng thống có thể hành động vì lợi ích riêng thay vì lợi ích quốc gia", Jessica Tillipman, giáo sư Trường Luật Đại học George Washington, cho biết.
Giáo sư Tillipman nhấn mạnh rằng, ngoài yếu tố pháp lý, vấn đề đạo đức trong việc nhận món quà là điều không thể bỏ qua: "Chúng ta đều biết món quà đó tồn tại, và suốt phần còn lại của nhiệm kỳ tổng thống, bất cứ khi nào ông Trump đàm phán với Qatar, món quà này sẽ luôn là chủ đề trong dư luận".
Ngoài những câu hỏi pháp lý và đạo đức, giới chuyên gia lo ngại rằng Cơ quan Mật vụ Mỹ khó có thể tin tưởng vào một chiếc máy bay từng được sử dụng bởi chính phủ nước ngoài. Nhà sử học Garrett Graff cho rằng đó là một rủi ro quá lớn.
"Ý tưởng đặt một chiếc máy bay từng nằm dưới sự kiểm soát của chính phủ nước ngoài hơn một thập kỷ vào trung tâm của các vòng bảo vệ và hệ thống liên lạc mật là điều không thể chấp nhận được, cả dưới góc độ phản gián lẫn an ninh vật lý", ông Graff nhận định.
"Muốn giảm thiểu rủi ro nghe lén, định vị, tấn công mạng hay phá hoại thì ít nhất phải tháo tung máy bay ra đến tận khung, nhưng ngay cả vậy, tôi cũng không đặt tổng thống Mỹ lên đó", ông nhấn mạnh.
Việc chế tạo một chuyên cơ đáp ứng chuẩn an ninh cho tổng thống là rất khó khăn. Thực tế là Boeing đang chậm tiến độ nhiều năm và vượt hàng tỷ USD so với ngân sách trong dự án thay thế bộ đôi chuyên cơ Không lực Một. Một phần nguyên nhân là các công nhân tham gia dự án phải có chứng nhận an ninh cấp cao.
Việc ông Trump cho biết có thể đồng ý nhận máy bay cũng gây ra tranh cãi trong lưỡng đảng Mỹ khi một số nghị sĩ từ phe Cộng hòa cho rằng Washington có đủ khả năng sản xuất chuyên cơ. Trong khi đó, phe Dân chủ cáo buộc ông Trump sử dụng chức vụ để thực hiện động thái có lợi cho bản thân.