
Đuôi một chiếc tiêm kích Rafale của Ấn Độ dường như bị Pakistan bắn hạ (Ảnh: X/Dassault).
Truyền thông Trung Quốc nói về trận không chiến Pakistan - Ấn Độ
Không quân Pakistan (PAF) tuyên bố, tiêm kích J-10C - do Trung Quốc sản xuất - trong một cuộc không chiến chớp nhoáng đã hạ 5 máy bay phản lực của Ấn Độ trên bầu trời Kashmir và các khu vực khác, bao gồm cả tiêm kích Rafale thế hệ 4 và 5.
Những tuyên bố trên, mặc dù chưa có bằng chứng trực quan, các phương tiện truyền thông Trung Quốc và một số nhà quan sát quân sự xác nhận.
Ngược lại, phía Ấn Độ, đặc biệt các chuyên gia quân sự, đã bác bỏ, gọi chúng là thông tin sai lệch, đặc biệt là vì Islamabad chưa cung cấp bằng chứng - chẳng hạn như bản ghi âm buồng lái, dữ liệu radar hoặc dữ liệu của tên lửa - để chứng minh.
Một quan chức tình báo cấp cao giấu tên của Pháp sau đó nói rằng Pakistan đã bắn hạ 1 chiếc Rafale của Ấn Độ, ám chỉ đến các thông tin ghi nhận việc 1 máy bay bị rơi ở Bhatinda, Punjab. Mặc dù điều này làm dấy lên một số giả thuyết, cho đến nay vẫn chưa có bằng chứng cụ thể nào.
Báo Global Times của Trung Quốc dẫn phát biểu của Ngoại trưởng Pakistan Ishaq Dar nhấn mạnh rằng "Pakistan đã tung J-10C vào tham chiến" để đáp trả các cuộc tấn công của Ấn Độ.
"Pakistan, quốc gia đã nhập khẩu phần lớn thiết bị quốc phòng, bao gồm cả J-10C, tuyên bố đã hạ 5 máy bay của Ấn Độ, bao gồm 1 chiếc Rafale của Pháp", Global Times cho hay.
Truyền thông Trung Quốc nói chung đã đưa tin đậm nét về cuộc đối đầu "vô tiền khoáng hậu" giữa Ấn Độ và Pakistan, trong khi cư dân mạng nước này cũng tranh luận về vụ Rafale bị bắn hạ.
Một bài viết chỉ ra rằng máy bay Pakistan đã dùng tác chiến điện tử để vô hiệu hóa Rafale của đối phương trước khi tung đòn chớp nhoáng hạ gục chúng, trong khi bài viết khác mô tả đây là "thất bại nghiêm trọng nhất trên bầu trời mà Ấn Độ phải đối mặt trong nhiều thập niên".
Đề cập đến vụ 1 chiếc Rafale của IAF dường như bị hạ đo ván, Hu Shisheng, Phó Tổng thư ký Ủy ban Học thuật của Viện Quan hệ Quốc tế Hiện đại Trung Quốc, cho biết, cuộc tấn công này có thể sẽ có tác động đáng kể đến cải cách quân sự của Ấn Độ, đặc biệt là về mặt mua sắm máy bay chiến đấu.
Ông cho rằng Ấn Độ có thể xem xét lại việc mua các tiêm kích tiên tiến hơn của Mỹ, chẳng hạn như F-35 của Mỹ, hoặc tăng đầu tư vào nghiên cứu và phát triển cho các máy bay thế hệ thứ 6.
Rafale có thực sự bị bắn hạ?
Bộ trưởng Ngoại giao Pakistan Ishaq Dar cho biết, tiêm kích J-10C cất cánh đúng thời điểm dựa trên thông tin tình báo vô cùng chính xác mà họ thu thập trước đó.
"Có chỉ thị chỉ nhắm vào các máy bay phản lực của Ấn Độ đã khai hỏa", ông nói với các nhà lập pháp Pakistan hôm 7/5. "Đây là lý do tại sao chỉ có 5 chiếc bị bắn hạ. Nếu chỉ thị khác đi, sẽ có tới 10-12 chiếc bị bắn hạ", Ngoại trưởng Dar nhấn mạnh. Nhưng hơn 24 giờ sau, Pakistan vẫn chưa đưa ra bằng chứng để hỗ trợ cho tuyên bố này.
Một số tài khoản mạng xã hội có liên hệ với Pakistan đã đăng tải hình ảnh phần đuôi xác máy bay mang số sê-ri 001, cho rằng đây là chiếc Rafale EH đầu tiên mà Ấn Độ nhận từ Pháp. Bức ảnh được cho là chụp tại thành phố Bathinda của Ấn Độ.
Không quân Ấn Độ có 36 chiếc Rafale, đặt mua theo hợp đồng liên chính phủ vào năm 2016.
Nếu được xác nhận, đây sẽ là lần đầu tiên một chiếc Rafale bị rơi trong giao tranh. Đây cũng là tổn thất do không chiến đầu tiên của Không quân Ấn Độ kể từ sau trận Balakot 2019, khi họ mất 1 chiếc MiG-21 Bison trong cuộc đối đầu với Pakistan.
Ngoài tuyên bố bắn hạ Rafale, một số tài khoản liên kết với Pakistan trên nền tảng mạng xã hội X cũng đang đăng tải video MiG-29 của Ấn Độ bị rơi. Tuy nhiên, video này quay vào tháng 9/2024, khi Không quân Ấn Độ mất 1 chiếc MiG-29 ở khu vực Barmer thuộc Rajasthan.
Giữa "rừng" tuyên bố và phản biện này, một loạt hình ảnh khác xuất hiện trên mạng xã hội cho thấy xác một quả tên lửa ở Hoshiarpur, Ấn Độ, mà các chuyên gia và truyền thông phương Tây cho là PL-15E có nguồn gốc từ Trung Quốc. Điều này càng làm dấy lên suy đoán rằng một chiếc J-10C của Pakistan có thể đã khai hỏa tên lửa để bắn hạ chiến đấu cơ Ấn Độ trong một cuộc chạm trán trên không.
Đây chỉ là các dự đoán không thể xác nhận. Hơn nữa, ngay cả khi mảnh xác nói trên là của PL-15E thì cũng không có bằng chứng nào đủ thuyết phục rằng tên lửa đã bắn hạ mục tiêu.
Một số báo cáo và cộng đồng mạng đã dành nhiều lời đánh giá cho J-10C, lập luận rằng Pakistan hạ Rafale của Ấn Độ vì tiêm kích do Trung Quốc sản xuất có tầm phát hiện xa hơn Rafale, cùng với khả năng tác chiến điện tử tiên tiến.
Thông tin trên có thể không đúng, vì theo tin tức công khai, radar RBE2 mảng pha quét điện tử chủ động (AESA) tiên tiến trên Rafale có tầm phát hiện 240km, xa hơn so với khoảng 200km của J-10C.
Trước đó, truyền thông Trung Quốc dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Quốc phòng Pakistan Khwaja Asif cho biết các máy bay chiến đấu J-10C đã can thiệp thành công vào hệ thống radar và liên lạc của Rafale, khiến máy bay mất nhận thức tình huống và buộc phải hạ cánh xuống Srinagar vào ngày 29/4. Sự cố vẫn chưa được xác minh.
Theo Fabian Hoffman, nhà nghiên cứu chính sách quốc phòng tại Đại học Oslo (Na Uy), các quy tắc giao tranh cũng có thể ngăn cản phi công Ấn Độ bắn trước hoặc giáng trả máy bay Pakistan. Ngoài ra, các đánh giá và tính toán thiếu chính xác của Ấn Độ có thể khiến vũ khí của Pakistan trông hiệu quả hơn, chuyên gia Hoffman viết trên trang Missile Matters.

Tiêm kích Rafale Ấn Độ (bên trái) đọ sức với chiến đấu cơ J-10C Pakisstan (Ảnh: Daily Pakistan).
Công ty Trung Quốc trở thành tâm điểm
Một số hãng thông tấn như Reuters, New York Times và CNN đã đăng tải tuyên bố của Pakistan về thắng lợi trong trận không chiến này.
Kết quả là, cổ phiếu của Công ty Máy bay Thành Đô (AVIC) của Trung Quốc đã tăng mạnh trong tuần qua, khi Pakistan tuyên bố rằng họ sử dụng máy bay chiến đấu J-10C do AVIC sản xuất để bắn hạ chiến đấu cơ của Ấn Độ - bao gồm cả máy bay Rafale tiên tiến do Pháp sản xuất - trong một trận không chiến rạng sáng 7/5.
Cụ thể, cổ phiếu của AVIC, công ty sản xuất J-10C và JF-17 đang có trong biên chế PAF, đã tăng hơn 61% trong 5 ngày liên tiếp, ngược lại, cổ phiếu của Dassault Aviation (Pháp), nhà chế tạo Rafale, giảm gần 9,5%.
Trung Quốc đã chi hàng tỷ USD để phát triển công nghệ quân sự và xung đột giữa Ấn Độ và Pakistan có thể là thử thách lớn đầu tiên của họ.
Xung đột leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan có thể đem đến cái nhìn thực tế đầu tiên về cách công nghệ quân sự tiên tiến của Trung Quốc hoạt động thế nào so với vũ khí trang bị đã qua thực chiến của phương Tây.
Trong 5 năm qua, Trung Quốc đã cung cấp 81% vũ khí nhập khẩu của Pakistan, theo dữ liệu từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Quốc tế Stockholm (SIPRI) tại Thụy Điển.
Những mặt hàng xuất khẩu đó bao gồm máy bay chiến đấu tiên tiến, tên lửa, radar và hệ thống phòng không mà các chuyên gia cho rằng sẽ đóng vai trò then chốt trong bất kỳ cuộc xung đột quân sự nào giữa Pakistan và Ấn Độ. Một số vũ khí do Pakistan sản xuất cũng đã được phát triển chung với các công ty Trung Quốc hoặc được chế tạo bằng công nghệ và chuyên môn của Trung Quốc.
"Điều này khiến bất kỳ sự đối đầu nào giữa Ấn Độ và Pakistan trở thành môi trường thử nghiệm thực tế cho hoạt động xuất khẩu quân sự của Trung Quốc", Sajjan Gohel, giám đốc an ninh quốc tế tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương, một nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London (Anh), cho biết.
Cộng đồng mạng Trung Quốc dường như đã tận dụng tình hình này để quảng bá về sản phẩm. Những lời khen ngợi về việc J-10C tạm dẫn trước Rafale cũng có thể có lợi cho Trung Quốc, vốn đang tìm cách xuất khẩu dòng chiến đấu cơ sang các quốc gia thân thiện với Bắc Kinh.
Uzbekistan cũng đang cân nhắc chọn giữa J-10C và Rafale làm máy bay chiến đấu tiếp theo của mình. Ngoài ra, một số báo cáo trước đây đã chỉ ra rằng Ai Cập quan tâm đến việc mua J-10C. Do đó, các thông tin về trận không chiến mang lại ít nhiều điều tích cực cho Trung Quốc.
Với việc Pakistan được trang bị vũ khí chủ yếu từ Trung Quốc và Ấn Độ sở hữu hơn một nửa vũ khí từ Mỹ và các đồng minh của Washington, bất kỳ cuộc xung đột nào giữa hai nước láng giềng này thực sự có thể là cuộc đối đầu giữa công nghệ quân sự của Trung Quốc và phương Tây.

Trung Quốc giới thiệu rất nhiều hệ thống vũ khí trang bị hiện đại tại Triển lãm Hàng không Zhuhai 2024 (Ảnh: Getty).
Theo dữ liệu từ SIPRI, Mỹ vẫn là nước xuất khẩu vũ khí lớn nhất thế giới, chiếm 43% lượng vũ khí xuất khẩu toàn cầu trong giai đoạn 2020-2024. Con số này cao hơn 4 lần so với Pháp, nước đứng thứ 2, tiếp theo là Nga.
Trung Quốc đứng thứ 4, với gần 2/3 lượng vũ khí xuất khẩu của nước này được chuyển đến một quốc gia duy nhất: Pakistan.
Tuần trước, trong bối cảnh căng thẳng leo thang, Không quân Pakistan đã phát hành một video dài 3 phút giới thiệu các máy bay chiến đấu của mình. Video có sự góp mặt của JF-17 Block III được trang bị tên lửa PL-15, mô tả chúng là "cú đấm mạnh mẽ của PAF".
"Pakistan là nước mua vũ khí lớn nhất của Trung Quốc, bao gồm máy bay chiến đấu, hệ thống phòng không, tàu hải quân và UAV", Yang Zi, cộng tác viên nghiên cứu tại Trường Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, cho biết.
Chuyên gia Yang nói với CNBC rằng "cuộc xung đột này là minh chứng cho năng lực vũ khí do Trung Quốc sản xuất, xét đến hiệu suất của máy bay chiến đấu và hệ thống phòng không của Pakistan so với máy bay do Pháp và Nga sản xuất của Ấn Độ".
"Sự gia tăng cổ phiếu quốc phòng của Trung Quốc có thể phản ánh quan điểm rằng nếu chiến tranh Ấn Độ - Pakistan leo thang, Trung Quốc sẽ trang bị vũ khí cho Pakistan và thay thế mọi tổn thất", David Roche, chiến lược gia tại Quantum Strategy cho biết.
Ông nói thêm rằng mặc dù không rõ liệu những cuộc tấn công đó có liên quan đến chiến đấu không đối không hay các cuộc tấn công bằng tên lửa đất đối không trên bộ hay không, nhưng điều đó vẫn cho thấy Pakistan có "một số năng lực thành công, với sự hỗ trợ của Trung Quốc".
Thành công nhất định của Ấn Độ
Dù vậy, một số chuyên gia đã bày tỏ sự thận trọng. Tổn thất của Ấn Độ, nếu được xác nhận, có thể xuất phát nhiều hơn từ chiến thuật và kế hoạch kém của Không quân Ấn Độ hơn là từ những tiến bộ được nhận thấy trong vũ khí Trung Quốc.
Các chuyên gia cũng lưu ý rằng các cuộc không kích của Ấn Độ đã thành công trong việc đánh trúng nhiều mục tiêu ở Pakistan, cho thấy tên lửa của nước này đã xuyên thủng lưới lửa phòng không của Pakistan, được trang bị nhiều hệ thống có xuất xứ từ Trung Quốc, bao gồm cả tên lửa đánh chặn tầm xa HQ-9B.
Chuyên gia Gohel nhận định: "Nếu radar hoặc hệ thống tên lửa có nguồn gốc từ Trung Quốc không phát hiện hoặc ngăn chặn được các cuộc tấn công của Ấn Độ thì đó (cũng) là hình ảnh không tốt cho uy tín xuất khẩu vũ khí của Bắc Kinh".