Thỏa thuận đất hiếm Mỹ - Ukraine khó sinh ra lợi nhuận trong 10 năm tới?

02/05/2025 16:13

() - Chuyên gia cảnh báo thỏa thuận khoáng sản giữa Mỹ và Ukraine dường như sẽ mất hàng chục năm để bắt đầu có lợi nhuận.

Thỏa thuận đất hiếm Mỹ - Ukraine khó sinh ra lợi nhuận trong 10 năm tới? - 1

Chuyên gia dự đoán sẽ còn một khoảng thời gian rất dài để Mỹ và Ukraine có thể thu được lợi nhuận từ đất hiếm (Ảnh: Reuters).

Thỏa thuận khoáng sản quan trọng giữa Mỹ và Ukraine mới ký gần đây khó có thể mang lại lợi nhuận tài chính đáng kể trong ít nhất một thập niên tới, các chuyên gia trong ngành nói với Reuters, viện dẫn những thách thức lớn đối với đầu tư khai mỏ ở Ukraine, quốc gia đang bị chiến sự tàn phá.

Thỏa thuận được ký ngày 30/4 này thiết lập một quỹ đầu tư và trao cho Mỹ quyền tiếp cận đặc biệt đối với các dự án phát triển tài nguyên thiên nhiên mới của Ukraine, bao gồm dầu khí, lithium, graphite và các nguyên tố đất hiếm.

"Nếu ai đó nghĩ rằng tất cả những khoáng sản này sẽ lập tức được khai thác ào ạt từ Ukraine, họ đang mơ mộng", Adam Webb, trưởng bộ phận khoáng sản tại công ty tư vấn Benchmark Minerals Intelligence, nói với Reuters.

"Sẽ rất khó để các nhà đầu tư đổ tiền vào đó khi họ có những lựa chọn đầu tư vào khoáng sản chiến lược ở các quốc gia không có chiến tranh", ông giải thích.

Việc phát triển các mỏ khoáng sản thường mất 10 đến 20 năm ngay cả ở những quốc gia khai khoáng phát triển như Canada hay Australia, trong khi Ukraine phải đối mặt với những trở ngại lớn hơn nhiều.

Nhiều mỏ khoáng sản ở Ukraine có dữ liệu địa chất hạn chế, và cuộc chiến với Nga đã khiến cơ sở hạ tầng then chốt, bao gồm hệ thống giao thông và năng lượng, bị hư hại nghiêm trọng.

Tổng thống Mỹ Donald Trump, người đang cố gắng làm trung gian hòa giải giữa Kiev và Moscow, đã thúc giục Ukraine ký thỏa thuận, lập luận rằng Mỹ nên thu được nhiều hơn từ sự hỗ trợ của mình cho Ukraine, quốc gia đã phụ thuộc rất lớn vào viện trợ của Washington kể từ năm 2022.

Dù còn nhiều bất trắc, các quan chức Ukraine vẫn coi thỏa thuận là một dấu mốc chính trị có thể giúp hồi sinh sự ủng hộ từ Mỹ dưới thời ông Trump, đặc biệt dưới dạng viện trợ vũ khí và tài chính.

Một thiếu sót quan trọng trong thỏa thuận là điều khoản mà Kiev từ lâu mong muốn: Các đảm bảo an ninh có thể giúp ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo của Nga sau một lệnh ngừng bắn. Quy mô đầu tư dự kiến đổ vào quỹ này cũng vẫn chưa rõ ràng.

Theo Reuters, tốc độ cấp phép khai thác mỏ mới của Ukraine vốn đã chậm chạp từ trước. Trong giai đoạn 2012 đến 2020, chỉ có một số ít giấy phép được cấp cho các nguồn tài nguyên quan trọng. Trong số 24 dự án khai thác khoáng sản tiềm năng được Benchmark Minerals Intelligence xác định, có tới 7 dự án nằm ở những khu vực mà Nga đang kiểm soát.

Trong khi đó, Phó Thủ tướng thứ nhất kiêm Bộ trưởng Kinh tế Ukraine Yuliia Svyrydenko cho biết Quỹ Đầu tư Tái thiết Mỹ - Ukraine, được thành lập trong khuôn khổ thỏa thuận về tài nguyên khoáng sản, có thể bắt đầu hoạt động chỉ vài tháng sau khi được Quốc hội Ukraine (Verkhovna Rada) phê chuẩn.

"Nhiệm vụ của chúng tôi là thực hiện việc này càng nhanh càng tốt, nhưng hiện tại rất khó để dự đoán chính xác. Tôi nghĩ sẽ mất vài tháng, chắc chắn không phải vài năm. Chúng tôi đang nói về khung thời gian tính bằng tháng. Và tất nhiên, chúng tôi muốn giải quyết tất cả các vấn đề kỹ thuật khác liên quan đến quỹ", quan chức này cho hay. 

Bạn đang đọc bài viết "Thỏa thuận đất hiếm Mỹ - Ukraine khó sinh ra lợi nhuận trong 10 năm tới?" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.