ThS. Võ Thị Thảo Nguyên
ThS. Bành Trần Tường Vân
Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh
Email: bttvan-qtr@hcmulaw.edu.vn
Tóm tắt
Nghiên cứu này phân tích mối quan hệ giữa trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và phát triển bền vững, trong đó doanh nghiệp được xác định là cầu nối quan trọng, giúp chuyển giao các sáng kiến trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp từ quy mô vi mô lên tầm vĩ mô nhằm đạt được mục tiêu phát triển bền vững. Thông qua việc tổng hợp các tài liệu học thuật và các ví dụ thực tiễn từ các tập đoàn lớn như Coca-Cola, Microsoft, Tesla..., nghiên cứu đã làm sáng tỏ cách thức các doanh nghiệp có thể đồng bộ hóa các hoạt động trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp với chiến lược phát triển bền vững để giải quyết các vấn đề toàn cầu. Dựa trên phân tích đó, bài báo đề xuất 10 chiến lược kinh doanh có trách nhiệm nhằm góp phần thực hiện 17 Mục tiêu Phát triển bền vững của Liên hợp quốc.
Từ khóa: Doanh nghiệp, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, phát triển bền vững
Summary
This article analyzes the relationship between corporate social responsibility (CSR) and sustainable development, emphasizing the role of enterprises as a crucial bridge in scaling up CSR initiatives from the micro to the macro level to achieve sustainable development goals. By synthesizing academic literature and real-world examples from major corporations such as Coca-Cola, Microsoft, and Tesla, the article elucidates how businesses can align CSR activities with sustainable development strategies to address global challenges. Based on this analysis, the article proposes ten responsible business strategies to contribute to the achievement of the United Nations' 17 Sustainable Development Goals.
Keywords: Enterprises, corporate social responsibility, sustainable development
GIỚI THIỆU
Thế giới đang đối mặt với những thách thức chưa từng có: biến đổi khí hậu đã đẩy nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng lên 1,1°C so với thời kỳ tiền công nghiệp; bất bình đẳng xã hội gia tăng nghiêm trọng; tài nguyên thiên nhiên đang suy thoái nhanh chóng... Những vấn đề này không chỉ đặt ra thách thức lớn trong tiến trình phát triển mà còn đòi hỏi sự chuyển mình căn bản trong cách thức vận hành của cả tổ chức và cá nhân. Trong đó, vai trò của doanh nghiệp trong việc định hình tương lai bền vững trở nên cấp bách hơn.
Từ những hoạt động từ thiện đơn giản như quyên góp cho cộng đồng, trong những năm gần đây, vấn đề trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp (CSR) đã phát triển thành một chiến lược kinh doanh toàn diện, tích hợp các yếu tố đạo đức, xã hội và môi trường. Trong bối cảnh đó, vào năm 2015, Liên hợp quốc đã đưa ra Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs), cụ thể hóa khái niệm phát triển bền vững (SD) và kêu gọi sự tham gia của tất cả các bên, đặc biệt là các doanh nghiệp, nhằm giải quyết những vấn đề toàn cầu như xóa đói nghèo (SDG 1), bình đẳng giới (SDG 5) và hành động khí hậu (SDG 13).
Mặc dù vậy, mối quan hệ giữa CSR và SD vẫn là chủ đề gây tranh cãi trong học thuật. Nhiều nghiên cứu lập luận rằng, CSR là hình thức tự điều chỉnh của doanh nghiệp ở quy mô vi mô, tập trung vào các sáng kiến cụ thể như từ thiện hay quản trị đạo đức, trong khi SD lại là chính sách toàn cầu từ trên xuống, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế. Ngược lại, một số nghiên cứu khác cho rằng CSR và SD có thể được tích hợp thông qua bền vững doanh nghiệp (CS), với CSR đóng vai trò là điểm khởi đầu và SD là mục tiêu cuối cùng. Sự khác biệt này phản ánh các quan điểm đa dạng về phạm vi, mục tiêu và cách tiếp cận của hai khái niệm.
Xuất phát từ thực tế trên, nghiên cứu hướng tới 3 mục tiêu chính: phân tích mối quan hệ giữa CSR và SD; khám phá vai trò của CS qua các ví dụ thực tiễn; đề xuất chiến lược trách nhiệm doanh nghiệp dựa trên mô hình “triple bottom line” (Elkington, 1998).
MỘT SỐ KHÁI NIỆM LIÊN QUAN
Trách nhiệm xã hội doanh nghiệp
Khái niệm trách nhiệm xã hội doanh nghiệp (CSR) lần đầu xuất hiện trong công trình nghiên cứu của Howard Bowen (1953). Theo đó, CSR là “nghĩa vụ của doanh nhân trong việc theo đuổi các chính sách phù hợp với mục tiêu và giá trị xã hội”. Ban đầu, CSR bị giới hạn trong quan điểm kinh tế cổ điển của Milton Friedman (1970), người lập luận rằng trách nhiệm duy nhất của doanh nghiệp là tối đa hóa lợi nhuận cho cổ đông trong khuôn khổ pháp luật. Tuy nhiên, quan điểm này bị thách thức từ thập niên 1970, khi Carroll (1979) đề xuất mô hình kim tự tháp CSR với 4 cấp độ: kinh tế (nền tảng lợi nhuận), pháp lý (tuân thủ quy định), đạo đức (hành xử công bằng) và tự nguyện (đóng góp xã hội).
Ngày nay, CSR đã được hiện thực hóa qua những hoạt động đa dạng, như chương trình tái chế của IKEA với mục tiêu giảm 50% chất thải từ 2015-2020, tiết kiệm 200 triệu USD chi phí; các dự án tài trợ cộng đồng của Coca-Cola (triển khai 500 dự án nước sạch tại châu Phi, phục vụ 10 triệu người) hay cam kết đa dạng hóa lực lượng lao động của Microsoft (tăng tỷ lệ lãnh đạo nữ từ 25% năm 2015 lên 40% năm 2022).
Tuy nhiên, CSR cũng đang đối mặt với thách thức về tính xác thực. Nghiên cứu của TerraChoice (2010) chỉ ra rằng 95% các sản phẩm quảng cáo là “xanh” có ít nhất một tuyên bố không chính xác. Do đó, việc đo lường và minh bạch các hoạt động CSR trở nên hết sức cần thiết. Các khung báo cáo toàn diện như Global Reporting Initiative (GRI) đã được hơn 10.000 công ty áp dụng vào năm 2020, giúp doanh nghiệp đánh giá khách quan và khẳng định tính xác thực của các sáng kiến CSR, từ đó đóng góp hiệu quả vào mục tiêu phát triển bền vững.
Phát triển bền vững
Khái niệm phát triển bền vững (SD) xuất hiện tại Báo cáo Brundtland (1987) và sau đó được củng cố qua 17 Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs) của Liên hợp quốc vào năm 2015. Dù có gần 300 định nghĩa khác nhau (Johnston et al., 2007), định nghĩa của Ủy ban Thế giới về Môi trường và Phát triển (WCED) vẫn phổ biến nhất, nhấn mạnh việc phát triển cần được cân bằng giữa nhu cầu hiện tại và khả năng của các thế hệ tương lai. SD hoạt động ở quy mô vĩ mô, giải quyết các vấn đề toàn cầu cấp bách như biến đổi khí hậu, đói nghèo và bất bình đẳng giới. SD đòi hỏi sự hợp tác chặt chẽ giữa chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự, điển hình như SDG 13 với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính 45% so với mức năm 2010 vào năm 2030; SDG 5 thúc đẩy bình đẳng giới với mục tiêu tăng tỷ lệ lao động nữ lên 50% tại các nước đang phát triển vào năm 2030. Bên cạnh đó, doanh nghiệp tham gia SD thông qua các sáng kiến như Hiệp ước Toàn cầu Liên hợp quốc (UN Global Compact), trong đó 12.000 công ty cam kết tuân thủ 10 nguyên tắc về quyền lao động, bảo vệ môi trường và chống tham nhũng, góp phần đầu tư 5 tỷ USD vào các dự án SDGs từ năm 2015 đến 2022 (UN Global Compact, 2023). Theo Chương trình Phát triển của Liên hợp quốc (UNDP), SD không chỉ là mục tiêu cần hướng tới mà còn là động lực kinh tế mạnh mẽ, với tiềm năng tạo ra giá trị kinh tế lên tới 12.000 tỷ USD và hỗ trợ tạo ra 380 triệu việc làm.
Bền vững doanh nghiệp
Bền vững doanh nghiệp (CS) được hiểu là cách thức mà doanh nghiệp áp dụng các nguyên tắc SD tại cấp độ tổ chức. Theo Dyllick và Hockerts (2002), CS là “đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan hiện tại mà không làm tổn hại khả năng đáp ứng nhu cầu của các bên liên quan tương lai”. Khái niệm này dựa trên 3 chiều cơ bản: kinh tế (hướng tới lợi nhuận bền vững), sinh thái (giảm thiểu tác động môi trường) và xã hội (hỗ trợ cộng đồng).
CS khác với CSR ở chỗ nó tập trung vào chiến lược dài hạn và tích hợp toàn diện 3 trụ cột của SD, thay vì chỉ các sáng kiến cụ thể. Để làm rõ hơn cách thức áp dụng CS vào thực tiễn, có thể xem xét một số ví dụ tiêu biểu, chẳng hạn như kế hoạch sống bền vững đầy tham vọng của Unilever về việc giảm 50% lượng khí thải carbon trong toàn bộ chuỗi cung ứng vào năm 2030; duy trì mức tăng trưởng doanh thu 5% hàng năm và đảm bảo 70% sản phẩm đạt tiêu chuẩn bền vững vào năm 2022. Tương tự, BMW đã đầu tư 10 tỷ euro vào sản xuất xe điện và tái chế pin từ năm 2019, qua đó chiếm được 20% thị phần xe điện tại châu Âu, vừa đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của thị trường vừa góp phần hỗ trợ mục tiêu giảm phát thải. Trong khi đó, 13.000 công ty đã thực hiện đo lường hiệu quả qua các chỉ số như của Carbon Disclosure Project (CDP), báo cáo lượng phát thải hàng năm và đạt mức giảm trung bình 15% khí thải trong giai đoạn 2018-2022 (CDP, 2022). Baumgartner và Ebner (2010) nhấn mạnh rằng CS không chỉ là nghĩa vụ mà còn là lợi thế cạnh tranh, giúp doanh nghiệp thích ứng và vượt qua các áp lực từ môi trường và xã hội.
MỐI QUAN HỆ GIỮA CSR, CS VÀ SD TRONG HỌC THUẬT
CSR và CS: Sự giao thoa và khác biệt
Cả CSR và CS đều xuất phát từ lý thuyết “triple bottom line” của Elkington (1998), nhấn mạnh 3 trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường. Mặc dù chung nền tảng, nhưng 2 khái niệm này lại khác nhau đáng kể về phạm vi và mục tiêu. Van Marrewijk (2003) cho rằng CSR chủ yếu tập trung vào “khía cạnh cộng đồng” - thể hiện qua đối thoại với cổ đông và báo cáo bền vững - trong khi CS nhấn mạnh “nguyên tắc đại diện”, tức là tạo ra giá trị lâu dài và quản lý môi trường một cách tổng thể. Steurer et al. (2005) đề xuất mô hình 4 vòng tròn đồng tâm, trong đó CSR được xem là một cách tiếp cận quản lý nằm trong phạm vi rộng hơn của CS, và cả 2 đều góp phần hỗ trợ phát triển bền vững (SD). Ebner và Baumgartner (2006) mở rộng thêm quan điểm này khi phân tích rằng CSR chính là khía cạnh xã hội của CS, tập trung vào phát triển nhân viên, cải thiện quan hệ cộng đồng và mối liên hệ với cổ đông, trong khi CS bao quát hơn với các yếu tố kinh tế và sinh thái. Ví dụ, chương trình từ thiện của Walmart - một hoạt động thuộc phạm vi CSR - đã đầu tư 1,5 tỷ USD vào giáo dục cộng đồng trong giai đoạn 2010-2020, trong khi chiến lược giảm phát thải của công ty - thuộc phạm vi CS - đặt mục tiêu đạt trạng thái không phát thải vào năm 2040 với việc giảm 20 triệu tấn CO₂ mỗi năm. Sự khác biệt này còn thể hiện rõ qua cách thức triển khai: CSR thường được thực hiện thông qua các hoạt động ngắn hạn như tài trợ, trong khi CS lại là chiến lược dài hạn, ví dụ như đầu tư vào năng lượng tái tạo.
Tuy nhiên, CSR đôi khi bị chỉ trích là “greenwashing” khi các cam kết về bảo vệ môi trường chỉ mang tính hình thức và không được hỗ trợ bởi các hoạt động CS thiết thực. Một ví dụ tiêu biểu là trường hợp BP, bị cáo buộc phóng đại cam kết môi trường sau vụ tràn dầu Deepwater Horizon năm 2010, dẫn đến chi phí khắc phục lên tới 65 tỷ USD. Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tích hợp chặt chẽ CSR với CS để đảm bảo tính bền vững thực sự, không chỉ trên mặt báo cáo mà còn trong các hoạt động dài hạn của doanh nghiệp.
CS và SD: Từ vi mô đến vĩ mô
Vermeulen & Witjes (2016) nhấn mạnh tính dài hạn của CS, buộc doanh nghiệp đặt ra mục tiêu phù hợp với tầm nhìn bền vững toàn cầu. Ví dụ, Tesla đã cam kết sản xuất xe điện và phát triển năng lượng mặt trời, đạt doanh thu 81,5 tỷ USD năm 2022, qua đó hỗ trợ trực tiếp các Mục tiêu Phát triển bền vững SDG 7 và SDG 13.
Trong khi đó, SD đòi hỏi sự phối hợp đồng bộ ở quy mô toàn cầu. Thỏa thuận Paris 2015 là một minh chứng điển hình, khi 195 quốc gia cam kết giảm 30% lượng khí thải nhằm giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2°C vào năm 2030. Sự khác biệt cơ bản giữa CS và SD nằm ở quy mô tác động: CS tập trung vào các hành động cụ thể của doanh nghiệp, còn SD lại hướng tới việc tạo ra thay đổi hệ thống có tác động lan tỏa rộng khắp. Tuy nhiên, nhờ hiệu ứng domino, các sáng kiến CS như Google sử dụng 100 % năng lượng tái tạo năm 2022 và tiết kiệm 1,2 triệu tấn CO₂ sẽ góp phần thúc đẩy những mục tiêu SD rộng lớn hơn.
CSR, CS và SD: Mối quan hệ tích hợp
Ashrafi et al. (2018) cho rằng CS chính là “mục tiêu tối thượng” mà các doanh nghiệp hướng tới, trong đó CSR đóng vai trò như một giai đoạn chuyển tiếp giúp doanh nghiệp đóng góp hiệu quả vào SD. Nếu CSR chỉ giới hạn trong hoạt động từ thiện, thì nó sẽ không đủ sức đáp ứng những thách thức toàn diện của SD. Tuy nhiên, khi được tích hợp cùng với CS, CSR biến thành một công cụ chiến lược mạnh mẽ, tạo điều kiện chuyển giao và lan tỏa giá trị bền vững. Ví dụ, sáng kiến “Creating Shared Value” của Nestlé đã thành công trong việc kết hợp mục tiêu lợi nhuận với việc cải thiện dinh dưỡng cộng đồng, phục vụ tới 166 triệu người trong giai đoạn 2019-2022, qua đó hỗ trợ trực tiếp các Mục tiêu Phát triển Bền vững SDG 2 và SDG 3. Khảo sát PwC vào năm 2015 cho thấy, 71% doanh nghiệp toàn cầu điều chỉnh CSR để hỗ trợ SDGs, với 41% tập trung vào SDG 13 và 34% vào SDG 8. Sự tích hợp này không chỉ mang tính lý thuyết mà còn thực tiễn, với các công ty như Patagonia (doanh thu tăng 30% từ sản phẩm tái chế) và Siemens (5 tỷ euro đầu tư công nghệ xanh) minh họa cách CSR và CS thúc đẩy SD.
GỢI Ý KINH DOANH CÓ TRÁCH NHIỆM HƯỚNG ĐẾN SDGs
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và những thách thức về môi trường, xã hội ngày càng gia tăng, việc định hướng kinh doanh có trách nhiệm trở thành một xu thế tất yếu. Nhóm tác giả đề đề xuất 10 chiến lược kinh doanh được xây dựng dựa trên mối quan hệ tích hợp giữa CSR, CS và SD (Bảng). Các chiến lược này không chỉ dựa trên cơ sở lý thuyết vững chắc như lý thuyết “triple bottom line”, khái niệm hiệu suất dài hạn và vai trò chuyển tiếp của CSR hướng đến SD, mà còn được minh họa bằng các ví dụ thực tiễn từ những doanh nghiệp hàng đầu.
Bảng: Mười chiến lược tích hợp CSR và CS để thực hiện SDGs
Bước |
Mô tả |
Ví dụ minh họa |
1. Đồng bộ hóa với SDGs |
Nhận diện và lựa chọn SDG phù hợp, sau đó gắn CSR như cầu nối từ hoạt động vi mô lên tầm vĩ mô về phát triển bền vững (Ashrafi et al., 2018). Theo PwC (2015), 71 % doanh nghiệp toàn cầu đã đồng bộ với SDGs để tận dụng cơ hội kinh tế; nghiên cứu 17 SDGs giúp xác định rõ đâu là mục tiêu thiết thực nhất (Sheehy & Farneti, 2021). |
Shell đầu tư 4 tỷ USD vào năng lượng tái tạo (2020-2022), cắt giảm 15% phát thải dầu mỏ, hỗ trợ SDG 7; H&M thu hồi 100.000 tấn vải (2019-2023), trong đó 60% từ nguyên liệu tái chế, đóng góp SDG 12. |
2. Đổi mới vì sự bền vững |
Đặt yếu tố “xanh” vào trung tâm chiến lược: đầu tư công nghệ sạch và dòng sản phẩm tái chế, hài hòa lợi ích kinh tế - xã hội - môi trường theo mô hình “triple bottom line” và tầm nhìn dài hạn của Hahn et al. (2017). |
Patagonia qua chương trình Worn Wear giảm 82% khí thải và tăng 30% doanh thu tái chế (2020-2023), thúc đẩy SDG 12; Tesla chi 6 tỷ USD cho R&D xe điện (2022), chiếm 70% thị phần Mỹ, giảm 10 triệu tấn CO₂, hỗ trợ SDG 13. |
3. Nhúng hoạt động bền vững |
Biến các giải pháp tiết kiệm năng lượng, giảm phát thải và tái sử dụng tài nguyên thành thói quen vận hành hàng ngày, như khuyến nghị của Hahn et al. (2017) và Dyllick & Hockerts (2002), đồng thời áp dụng mô hình 4 vòng tròn của Steurer et al. (2005) để mở rộng CSR thành phần cốt lõi. |
Google vận hành 100% bằng năng lượng tái tạo tại trung tâm dữ liệu (2022), tiết kiệm 1,2 triệu tấn CO₂, hỗ trợ SDG 7 và SDG 13; IKEA tái chế 85% chất thải (2018-2022), tiết kiệm 500 triệu USD, đóng góp SDG 12. |
4. Gắn kết nhân viên |
Khi nhân viên hiểu rõ SDGs và được trang bị kỹ năng bền vững, họ sẽ là “đại sứ” truyền cảm hứng: đào tạo liên tục chuyển CSR từ thiện thành chiến lược dài hạn, tăng gắn kết và năng suất theo Ebner & Baumgartner (2006) và Bowen (1953). |
Unilever tổ chức 10.000 buổi đào tạo SDGs từ 2010, thu hút 80% nhân viên, tăng 15% năng suất, hỗ trợ SDG 3 và SDG 5; Starbucks đào tạo 50.000 nhân viên về chuỗi cung ứng bền vững, nâng hiệu quả 20%. |
5. Minh bạch, đo lường & báo cáo |
“Không đo đếm, không quản trị được” - áp dụng khung GRI (2020) và thiết lập chỉ số dài hạn để minh bạch cam kết bền vững (Van Marrewijk, 2003; Hahn et al., 2017), đồng thời tránh rủi ro greenwashing (TerraChoice, 2010). |
Nike giảm 19% phát thải (2015-2020) và tăng 25% niềm tin nhà đầu tư qua báo cáo GRI, hỗ trợ SDG 13; Adidas cắt 30% phát thải (2022), thu hút 1 tỷ USD đầu tư xanh. |
6. Hợp tác & liên kết |
Kết nối với NGO, liên đoàn ngành và cơ quan chính phủ để khuếch đại tác động - CS sẽ thành động lực lan tỏa toàn cầu, theo Hahn et al. (2017) và WCED (1987). |
Coca-Cola & AWS tiết kiệm 2 tỷ lít nước cho SDG 6; WBCSD quy tụ 200 công ty vận động thuế carbon, góp phần thúc đẩy SDG 13. |
7. Tích hợp từ trên xuống |
Cam kết của lãnh đạo cao nhất là “kim chỉ nam” để CSR và CS hòa quyện (Ashrafi et al., 2018; Steurer et al., 2005): từ quyết sách chiến lược đến thực thi hàng ngày, mọi bộ phận đều hướng về mục tiêu phát triển bền vững. |
Siemens chi 5 tỷ EUR R&D công nghệ xanh (2022), 90% dự án hướng đến SDG 9; Unilever cam kết giảm 50% phát thải, minh chứng quản trị bền vững từ trên xuống. |
8. Chuỗi cung ứng bền vững |
Đặt tiêu chuẩn sinh thái và xã hội vào mọi khâu trong chuỗi cung ứng, vừa giảm chi phí, vừa tạo lợi thế cạnh tranh bền vững, như khuyến nghị của Hahn et al. (2017) và Baumgartner & Ebner (2010). |
Starbucks giảm 30% nước dùng trong chế biến cà phê, hỗ trợ SDG 12 và SDG 15; Nestlé hợp tác với 500.000 nông dân, giảm 25% phát thải. |
9. Gắn kết cộng đồng |
Thiết kế chương trình hỗ trợ sinh kế, đào tạo và hạ tầng xã hội để cộng đồng cùng phát triển, theo Ebner & Baumgartner (2006) và Bowen (1953). |
The Body Shop nâng thu nhập cho 25.000 phụ nữ lên 15%, hỗ trợ SDG 1 và SDG 5; Coca-Cola cung cấp nước sạch cho 2 triệu người, đóng góp SDG 6. |
10. Thúc đẩy chính sách |
Biến tiếng nói doanh nghiệp thành đòn bẩy cho thay đổi chính sách: vận động luật môi trường và kinh tế tuần hoàn để mở rộng ảnh hưởng CSR lên tầm vĩ mô (Hahn et al., 2017; WCED, 1987). |
WBCSD vận động thuế carbon tại 50 quốc gia và kêu gọi 500 công ty cam kết Net Zero 2050, góp phần thúc đẩy SDG 13. |
Việc triển khai đồng thời 10 chiến lược này không chỉ là cách thức để doanh nghiệp gắn kết trách nhiệm xã hội (CSR) với năng lực cạnh tranh bền vững (CS), mà còn mở ra những cơ hội kinh tế rõ ràng thông qua việc giảm chi phí, tối ưu hoá quy trình và thu hút đầu tư xanh. Song hành với đó, lợi ích xã hội mà các chiến lược này mang lại từ việc tạo thêm việc làm chất lượng cao, nâng cao nhận thức cộng đồng về phát triển bền vững cho đến việc góp phần bảo vệ tài nguyên thiên nhiên cũng sẽ được duy trì trong dài hạn.
Tài liệu tham khảo:
1. Aguinis, H. (2010). Organizational responsibility: Doing good and doing well. In American Psychological Association eBooks (pp. 855-879). https://doi.org/10.1037/12171-024
2. Ashrafi, M., Adams, M., Walker, T. R., & Magnan, G. (2018). How corporate social responsibility can be integrated into corporate sustainability: a theoretical review of their relationships. International Journal of Sustainable Development & World Ecology, 25(8), 672-682. https://doi.org/10.1080/13504509.2018.1471628
3. Baumgartner, R. J., & Ebner, D. (2010). Corporate sustainability strategies: sustainability profiles and maturity levels. Sustainable Development, 18(2), 76-89. https://doi.org/10.1002/sd.447
4. Bowen, H. R. (1953). Social responsibilities of the businessman. Harper & Row.
5. Dyllick, T., & Hockerts, K. (2002). Beyond the business case for corporate sustainability. Business Strategy and the Environment, 11(2), 130-141. https://doi.org/10.1002/bse.323
6. Elkington, J. (1998). Cannibals with forks : the triple bottom line of 21st century business. New Society Publishers.
7. Johnston, P., Everard, M., Santillo, D., & Robèrt, K. H. (2007). Reclaiming the Definition of Sustainability (7 pp). Environmental Science and Pollution Research, 14(1), 60-66. https://doi.org/10.1065/espr2007.01.375
8. Mckinsey & Company. (2024, September 17). Women in the Workplace. McKinsey; McKinsey & Company. https://www.mckinsey.com/featured-insights/diversity-and-inclusion/women-in-the-workplace
9. Sarkar, S., & Searcy, C. (2016). Zeitgeist or chameleon? A quantitative analysis of CSR definitions. Journal of Cleaner Production, 135, 1423-1435. https://doi.org/10.1016/j.jclepro.2016.06.157
10. WCED. (1987). Report of the world commission on environment and development: Our common future. United Nations. https://sustainabledevelopment.un.org/content/documents/5987our-common-future.pdf
11. Van Marrewijk, M. (2003). Concepts and Definitions of CSR and Corporate Sustainability: Between Agency and Communion. Journal of Business Ethics, 44(2), 95-105. https://doi.org/10.1023/a:1023331212247
Ngày nhận bài: 15/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 21/5/2025; Ngày duyệt đăng: 23/5/2025 |