
Lính Ukraine ở Donetsk (Ảnh: Getty).
Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Fox News vào ngày 6/5, Đặc phái viên Mỹ về Ukraine Keith Kellogg cho biết Ukraine đề xuất thành lập một khu phi quân sự do Kiev và Moscow cùng kiểm soát.
Ông Kellogg mô tả đề xuất này là một vùng đệm mà cả Nga và Ukraine cùng lùi lại 15km, tạo ra một khu vực phi quân sự rộng 30km do các quan sát viên từ các nước thứ ba giám sát.
Đặc phái viên Mỹ cho biết thỏa thuận này có thể đi kèm với lệnh ngừng bắn "tại chỗ", nghĩa là cả hai bên sẽ duy trì quyền kiểm soát lãnh thổ mà họ đang kiểm soát.
"Ukraine sẵn sàng đóng băng xung đột tại chỗ, điều mà tôi gọi là lệnh ngừng bắn tại chỗ. Và sau đó trong một khoảng thời gian, họ sẵn sàng thiết lập một khu phi quân sự. Về cơ bản, họ nói rằng, "Chúng tôi sẽ lùi lại 15km, Nga sẽ lùi lại 15km". Vì vậy, có 30km thực sự có thể giám sát được", ông Kellogg giải thích.
Đề xuất này trái ngược với yêu cầu của Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó Moscow muốn các lực lượng Ukraine phải rút khỏi các tỉnh Donetsk, Lugansk, Zaporizhzhia và Kherson. Đây là những khu vực ở Ukraine mà Nga đã tuyên bố sáp nhập vào năm 2022, nhưng Moscow cho đến nay vẫn chưa kiểm soát hoàn toàn các vùng lãnh thổ này.
Ông Kellogg cho biết trở ngại chính để đạt được thỏa thuận là việc Tổng thống Putin không chấp nhận lệnh ngừng bắn.
"Tôi nghĩ chúng ta đã gần đạt được thỏa thuận. Tôi tin rằng người duy nhất có thể thực hiện được điều đó là Tổng thống Donald Trump, miễn là ông Putin đồng ý. Và đó là một trong những trở ngại của chúng ta đối với tiến trình này, khi tổng thống Nga hiện tại không đồng ý với điều đó", ông Kellogg cho biết thêm.
Phản hồi tuyên bố của ông Kellogg, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow chưa nhận được bất kỳ đề xuất nào từ Kiev liên quan đến việc thành lập khu phi quân sự dọc theo tiền tuyến.

Các khu vực Nga tuyên bố sáp nhập ở Ukraine (Ảnh: Sky).
Nga: Ngừng bắn không mang lại giải pháp lâu dài
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov cho rằng không thể tìm được giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng Ukraine nếu chỉ thông qua lệnh ngừng bắn hoặc ngừng giao tranh dọc theo giới tuyến.
"Việc chỉ ngừng bắn hoặc ngừng giao tranh dọc theo giới tuyến không thể mang lại giải pháp lâu dài cho vấn đề này. Để có được nền hòa bình lâu dài, cần phải loại bỏ tận gốc nguyên nhân của cuộc xung đột", ông Lavrov giải thích.
Theo nhà ngoại giao hàng đầu của Nga, các mối đe dọa đối với an ninh của Moscow phát sinh từ việc NATO mở rộng về phía đông và các nỗ lực lôi kéo Ukraine vào liên minh này.
Điện Kremlin hôm 29/4 cho biết, việc nối lại các cuộc đàm phán trực tiếp với Kiev là ưu tiên hàng đầu đối với Moscow.
Người phát ngôn Điện Kremlin cho rằng, Nga coi vấn đề liệu ông Volodymyr Zelensky có còn là nhà lãnh đạo hợp pháp của Ukraine hay không chỉ là mối quan tâm thứ yếu, vì điều quan trọng hơn là việc nối lại đàm phán trực tiếp với Kiev.