
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trong cuộc gặp tại Nhà Trắng (Ảnh: Reuters).
Phát biểu tại Paris ngày 18/4 sau khi gặp các nhà lãnh đạo châu Âu và Ukraine, Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio tuyên bố Tổng thống Donald Trump vẫn quan tâm đến thỏa thuận hòa bình Nga - Ukraine, nhưng cũng có những ưu tiên khác trên thế giới. Do đó, nếu các cuộc đàm phán hòa bình không có tiến triển, Mỹ sẽ buộc phải chấm dứt nỗ lực làm trung gian.
"Nếu không thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, chúng tôi sẽ rời đi. Chúng ta cần phải xác định rất nhanh ngay bây giờ, ý tôi nói là trong vòng vài ngày, liệu điều này (đạt thỏa thuận hòa bình) có khả thi hay không", Ngoại trưởng Rubio phát biểu sau khi gặp gỡ các quan chức châu Âu và Ukraine để đàm phán tại Paris.
Tổng thống Donald Trump bước vào Nhà Trắng với niềm tin rằng ông có đủ khả năng để nhanh chóng chấm dứt cuộc xung đột nghiêm trọng nhất ở châu Âu kể từ Thế chiến II. Nhưng sau 3 tháng nhậm chức, nhà lãnh đạo Mỹ cũng không giấu nổi sự hoài nghi về khả năng giải quyết nhanh chóng cuộc chiến Ukraine.
"Tổng thống đã dành 87 ngày trên cương vị cao nhất của chính phủ để liên tục nỗ lực chấm dứt cuộc chiến này", Ngoại trưởng Rubio nói, khi chiến sự Ukraine vẫn tiếp diễn.
Trả lời câu hỏi của phóng viên về phát biểu của Ngoại trưởng Marco Rubio rằng Mỹ có thể ngừng làm trung gian hòa đàm Nga - Ukraine, Tổng thống Trump cho biết: "Nếu vì lý do nào đó, một trong hai bên khiến mọi thứ trở nên rất khó khăn, chúng tôi sẽ nói rằng các vị thật ngớ ngẩn và chúng tôi sẽ bỏ đi. Nhưng hy vọng là chúng tôi sẽ không phải làm vậy".
Ông Trump cho biết ông không xác định "số ngày cụ thể" để mong muốn đạt được thỏa thuận trước khi rời đi, nhưng ông cần thấy đàm phán tiến triển nhanh chóng.
"Tôi phải thấy được sự nhiệt tình, nghiêm túc của các bên muốn chấm dứt cuộc chiến này", ông nói thêm.
Bất chấp nỗ lực ngoại giao con thoi của chính quyền Trump, đến nay Nga và Ukraine chỉ nhất trí một lệnh ngừng bắn một phần tạm thời và ít có tính ràng buộc. Hai bên tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn vào hạ tầng năng lượng của đối phương.
Nhà Trắng xác nhận Tổng thống Trump đang mất kiên nhẫn với cả Tổng thống Nga và Ukraine trong việc tìm kiếm một giải pháp cho cuộc xung đột.
Chiến thuật của Mỹ
Giáo sư Michael A. Allen tại Đại học Boise State, một nhà khoa học chính trị và chuyên gia về quan hệ quốc tế, cho rằng lời đe dọa "rút lui" của Ngoại trưởng Rubio có thể là một chiến thuật đàm phán nhằm buộc Nga phải nỗ lực hơn để đạt được lệnh ngừng bắn.
"Nhìn vào ẩn ý và xem xét những gì ông Rubio đang nói, thì sự thất vọng lần này của Mỹ không phải đối với Ukraine, mà là với Nga. Mỹ không nhận được các thỏa thuận mới, các cam kết từ Nga hướng tới một lệnh ngừng bắn ổn định", chuyên gia Allen nói.
Chuyên gia Allen cho biết chính quyền Trump nhận ra rằng Nga đang kéo dài thời gian.
Theo Mark N. Katz, chuyên gia về chính sách đối ngoại Nga, Ngoại trưởng Rubio không nói rõ Ukraine và châu Âu sẽ phản ứng ra sao nếu Mỹ thực sự "rút lui".
"Tôi nghĩ điều đó phụ thuộc vào việc ông Trump đổ lỗi cho ai về việc không đạt được thỏa thuận", ông Katz, giáo sư danh dự về chính phủ và chính trị tại Đại học George Mason, cho biết.
"Nếu ông Trump đổ lỗi cho Nga, và có một số dấu hiệu cho thấy ông Trump mất kiên nhẫn với ông Putin, thì có khả năng các cuộc đàm phán sẽ kết thúc, viện trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine sẽ tiếp tục, thậm chí có thể tăng lên. Đó là một khả năng", chuyên gia Katz nêu rõ.
"Mặt khác, nếu ông Trump đổ lỗi cho ông Zelensky, một câu hỏi cơ bản được đặt ra là viện trợ của Mỹ cho Ukraine có tiếp tục không? Nếu không, chính quyền Trump có chấp nhận sự hỗ trợ của châu Âu không? Ông ấy ủng hộ hay ông ấy cố gắng can thiệp", chuyên gia đặt câu hỏi.
Theo chuyên gia Katz, Tổng thống Putin không nghĩ rằng ông cần phải đạt được thỏa thuận ngừng bắn. Chuyên gia nhận định ông Putin sẽ không nhượng bộ trừ khi cái giá mà Nga phải trả tăng lên.

Phái đoàn Mỹ, Ukraine đàm phán ở Ả rập Xê út (Ảnh: Reuters).
Lựa chọn tiếp theo của Mỹ
Một câu hỏi được đặt ra là Mỹ sẽ hành động như thế nào sau khi Ngoại trưởng Marco Rubio cảnh báo khả năng Washington sẽ "rút lui" khỏi các nỗ lực đàm phán hòa bình.
Một lựa chọn của Washington có thể là tăng gấp đôi sự hỗ trợ quân sự của Mỹ cho Ukraine. Bất chấp những nỗ lực của Tổng thống Trump nhằm thuyết phục Nga ngừng bắn, Moscow vẫn chưa sẵn sàng cho điều này. Nga phản đối đề xuất ngừng bắn 30 ngày do Tổng thống Trump đề xuất, ngay cả khi Ukraine đã đồng ý.
Nếu Mỹ chuyển giao thêm hàng tỷ USD vũ khí cho Ukraine, điều này sẽ đi ngược lại với chính sách mà Tổng thống Trump đã theo đuổi từ trước khi nhậm chức. Ông Trump từng không ủng hộ việc tiếp tục viện trợ quân sự cho Ukraine, thậm chí đòi Kiev phải bù đắp cho những gì mà Washington đã chi cho cuộc chiến.
Tuy vậy, việc Mỹ tiếp thêm động lực cho Ukraine bằng viện trợ quân sự mới có thể giúp quân đội Kiev phản kháng mạnh hơn trên chiến trường, từ đó buộc Nga phải đánh giá lại vị thế đàm phán của mình.
Các lệnh trừng phạt mới, cứng rắn hơn của Mỹ đối với ngành dầu khí của Nga và các nước mua dầu của Nga cũng được coi là một biện pháp tiềm năng để gây áp lực tối đa lên Moscow.
Tổng thống Trump từng tuyên bố, nếu không thể đạt được thỏa thuận về việc ngăn chặn xung đột ở Ukraine, và nếu đó là lỗi của Nga, ông sẽ áp thuế thứ cấp đối với tất cả các mặt hàng dầu mỏ mà Nga xuất khẩu.
Vấn đề đặt ra là, chương trình nghị sự của Tổng thống Mỹ và Nga có nhiều mục tiêu nhằm tái cấu trúc quan hệ song phương và mang lại nhiều lợi ích hơn cho cả hai nước, bao gồm các thỏa thuận năng lượng, thăm dò không gian và hợp đồng khai thác mỏ. Việc giải quyết xung đột Ukraine chỉ là một trong những mục tiêu như vậy và ông Trump có thể không muốn mạo hiểm.
Tại hội nghị ở Paris, Ngoại trưởng Rubio đã để ngỏ một lựa chọn thứ hai có nhiều khả năng xảy ra hơn. Đó là Mỹ sẽ rút khỏi nỗ lực giải quyết xung đột Ukraine, để lại vai trò này cho Ukraine và các nước châu Âu ủng hộ Kiev.
"Đó không phải là cuộc chiến của chúng ta. Chúng ta không phải là người bắt đầu. Mỹ đã giúp đỡ Ukraine trong 3 năm qua và chúng tôi muốn kết thúc điều đó, đó không phải là cuộc chiến của chúng ta", ông Rubio nhấn mạnh, ám chỉ đến khả năng Mỹ rời đi, để lại Ukraine và các nước châu Âu tự mình đối mặt với Nga.
Kịch bản này sẽ đặt ra một thách thức lớn trong bối cảnh Ukraine cạn kiệt nguồn lực và châu Âu thiếu sự chuẩn bị để củng cố tiền tuyến trước sức mạnh quân sự áp đảo của Nga.
Chính quyền Trump khẳng định vẫn chưa hoàn toàn từ bỏ. Chỉ vài giờ sau bình luận của Ngoại trưởng Rubio, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance cho biết Nhà Trắng "lạc quan" rằng họ vẫn có thể chấm dứt chiến tranh.
Rất nhiều cuộc họp đã diễn ra. Đặc phái viên của Tổng thống Trump, ông Steve Witkoff, đã trao đổi 3 lần với Tổng thống Nga Vladimir Putin, trong đó ông đã lắng nghe suy nghĩ của nhà lãnh đạo Điện Kremlin về Ukraine trong nhiều giờ. Ngoại trưởng Rubio đã điện đàm với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và gặp gỡ các quan chức Ukraine và các nhà lãnh đạo châu Âu tại Paris. Tuy nhiên, không có nhiều tiến triển trong việc giải quyết xung đột.
Hiện chưa rõ việc chính quyền Trump "dọa" từ bỏ nỗ lực chấm dứt xung đột Ukraine là một chiến thuật đàm phán hay chỉ đơn giản là vì Mỹ thiếu sự tập trung cho tiến trình đàm phán phức tạp.