
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Bloomberg).
Tuyên bố trên được đưa ra sau cuộc gặp tại London, Anh trong tuần này giữa các quan chức Mỹ, Anh, Đức, Pháp và Ukraine. Một bản đề xuất hòa bình do Ukraine và châu Âu soạn thảo và gửi Mỹ, trong đó kêu gọi thiết lập một cơ chế bảo đảm an ninh "giống Điều 5 NATO", với sự hậu thuẫn của Washington.
"Có những đề xuất và tầm nhìn từ phía Mỹ, một nhóm ở London đã làm việc về vấn đề này, bao gồm các đồng nghiệp của chúng tôi từ châu Âu và Mỹ", ông Zelensky nói với báo giới.
Tổng thống Ukraine làm rõ rằng Kiev và các đồng minh châu Âu không yêu cầu trực tiếp sự bảo vệ theo Điều 5 của NATO, mà là một cơ chế bảo đảm an ninh tương đương.
"Không phải là Điều 5, mà là các lực lượng và sự bảo vệ mà Điều 5 mang lại cho các quốc gia thành viên NATO", ông nhấn mạnh.
Ông Zelensky nói thêm rằng nếu Ukraine không được chấp thuận gia nhập NATO, "thì tại thời điểm này, chúng tôi cần các bảo đảm an ninh".
Ông cũng lưu ý những gì đang được thảo luận hiện nay vẫn là "các đề xuất, và các phản hồi của chúng tôi đối với các đề xuất đó", chứ chưa phải là các cam kết an ninh đã hoàn tất.
Trước đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố không đồng ý để Ukraine gia nhập NATO như một phần của thỏa thuận hòa bình nhằm kết thúc cuộc chiến hơn 3 năm qua với Nga.
Ngoài ra, trong bài phát biểu trước truyền thông hôm 25/4, ông Zelensky cũng đề cập tới phương án khác, trong đó Kiev cũng kỳ vọng Washington sẽ cung cấp hỗ trợ an ninh dài hạn theo mô hình mối quan hệ Mỹ - Israel.
Ông nhấn mạnh rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào với Moscow trong tương lai đều cần phải được Mỹ hậu thuẫn quân sự, tài chính và chính trị bền vững từ phía Mỹ.
"Các cuộc thảo luận ở London tập trung vào các đảm bảo an ninh từ phía Mỹ. Chúng tôi kỳ vọng các đảm bảo này phải mạnh mẽ ít nhất ngang bằng với những gì Israel đang nhận được. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng trông đợi vào sự hỗ trợ từ các đối tác châu Âu và đang tích cực xây dựng cơ sở hạ tầng cần thiết để thực hiện các cam kết đó", ông Zelensky nói.
Khái niệm hỗ trợ Ukraine theo "mô hình Israel" đã được đề cập lần đầu dưới thời Tổng thống Joe Biden, khi các quan chức phương Tây dần thừa nhận rằng Ukraine khó có thể được gia nhập NATO trong tương lai gần.
Thay vì các đảm bảo an ninh tập thể, họ tìm cách bảo đảm ít nhất là dòng chảy viện trợ vũ khí phương Tây được duy trì lâu dài, không bị gián đoạn.
Tuyên bố mới của ông Zelensky được đưa ra trong bối cảnh ông Trump đang thúc ép Kiev chấp nhận "đề xuất cuối cùng" nhằm kết thúc xung đột. Theo các nguồn tin, khuôn khổ đề xuất của Mỹ bao gồm việc đóng băng chiến sự tại đường ranh hiện tại và công nhận Crimea là lãnh thổ của Nga, điều mà ông Zelensky kiên quyết bác bỏ.
Ông Trump cùng một số quan chức cấp cao khác của Mỹ đã cảnh báo rằng nếu không đạt được tiến triển sớm, Washington có thể xem xét lại vai trò trung gian và chuyển sự chú ý sang các ưu tiên toàn cầu khác.
Theo truyền thông phương Tây, các quan chức Ukraine đã bắt đầu chuẩn bị cho khả năng Mỹ sẽ giảm hỗ trợ nếu đàm phán đổ vỡ.
Về phía Nga, Moscow từ lâu vẫn khẳng định sẵn sàng tham gia đàm phán. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Nga cũng nhiều lần nhấn mạnh rằng họ muốn một giải pháp lâu dài cho cuộc khủng hoảng, chứ không phải một thỏa thuận tạm thời để phương Tây có thêm thời gian tái vũ trang cho Ukraine.
Nga kiên quyết rằng bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào cũng phải thừa nhận thực tế lãnh thổ hiện nay và giải quyết tận gốc nguyên nhân xung đột, bao gồm mong muốn gia nhập NATO của Ukraine.