Châu Âu tham gia cuộc đua khoáng sản giữa các siêu cường

28/04/2025 12:15

() - Châu Âu không thể ngồi yên trước việc Trung Quốc có lợi thế mạnh mẽ về các khoáng sản quan trọng, trong khi Mỹ cũng đang tìm cách tiếp cận các kho khoáng sản dồi dào của Ukraine, Canada hay Greenland.

Châu Âu tham gia cuộc đua khoáng sản giữa các siêu cường  - 1

Ảnh minh họa (Ảnh: Dailynews.co.tz).

Châu Âu muốn giảm phụ thuộc vào các nguồn cung cấp khoáng sản như Trung Quốc vào cuối thập niên này. Khi căng thẳng địa chính trị leo thang, một câu hỏi được đặt ra là khi nào khối này có thể theo kịp các đối thủ cạnh tranh.

Các cường quốc thế giới đang cạnh tranh để dẫn đầu trong cuộc đua về các loại khoáng sản cần thiết cho sản xuất những công nghệ mới như vi mạch, pin mặt trời và xe điện.

Tổng thống Donald Trump đã kích hoạt quyền lực thời chiến để thúc đẩy ngành sản xuất của nước Mỹ, và cân nhắc sử dụng sức mạnh kinh tế, quân sự và ngoại giao để tiếp cận kho khoáng sản giàu có của Canada, đảo Greenland (Đan Mạch) và Ukraine.

Trung Quốc đang sử dụng sự gần như độc quyền của họ trên thị trường tinh chế khoáng sản để giành lợi thế trước các đối thủ chính trị.

Châu Âu đang ở đâu trong mặt trận mới này giữa các cường quốc thế giới?

Theo chính sách của EU, nhu cầu của khối đối với một số nguyên tố dự kiến tăng mạnh trong những thập niên tới. Nhu cầu sử dụng lithium, một nguyên liệu rất cần thiết để sản xuất pin cho xe điện, được dự báo tăng 12 lần đến năm 2030 và 21 lần vào năm 2050.

Sự phụ thuộc nặng nề về khoáng sản vào các quốc gia thứ 3 khiến EU trở nên dễ tổn thương. Ví dụ, châu Âu phụ thuộc 100% vào các nguyên tố đất hiếm của Trung Quốc, 99% boron từ Thổ Nhĩ Kỳ, và 71% bạch kim từ Nam Phi.

Trung Quốc đã hạn chế xuất khẩu một số loại khoáng sản tới châu Âu, bao gồm các khoáng sản cần thiết cho những lĩnh vực quan trọng, từ hàng không vũ trụ đến bán dẫn.

EU đang đánh cược vào Luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA), được ban hành vào tháng 3 năm ngoái, nhằm ngăn chặn sự sụp đổ của chuỗi cung ứng khoáng sản.

Mục đích của luật là giảm thiểu những rủi ro bằng cách khai thác thêm các khoáng sản trên đất châu Âu, trong khi đó theo đuổi quan hệ đối tác với các quốc gia giàu tài nguyên mà "cùng chí hướng" - 14 thỏa thuận đã được ký, trong đó có Serbia, Australia, Greenland, Chile và Congo.

Bộ luật liệt kê 34 loại khoáng sản được cho là "hiếm", trong đó 17 loại được ưu tiên là "chiến lược" gồm lithium, than chì, niken, côban, đồng và đất hiếm.

Luật cũng đặt mục tiêu rằng vào năm 2030, EU sẽ khai thác 10%, xử lý 40% và tái chế 25% số nguyên liệu thô chiến lược tiêu thụ hàng năm.

Ông Edoardo Righetti, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn CEPs, giải thích: "Tái chế nguyên liệu thô là hướng đi hấp dẫn cho châu Âu, vì chúng ta có năng lực khai thác và tiềm năng khai thác hạn chế".

"Nhưng với phần lớn số nguyên liệu đó, tỷ lệ tái chế vẫn còn tương đối thấp. Chúng ta chưa có đủ công nghệ để đạt tới giai đoạn cuối của vòng đời. Còn nhiều vấn đề về cấu trúc, bao gồm chi phí tái chế, công nghệ thu gom kém phát triển hoặc kém hiệu quả", ông nói thêm.

Giới chức EU đang cố gắng vượt qua những rào cản bằng cách giảm gánh nặng hành chính lên các công ty, như bằng cách cung cấp tài chính và thiết lập khung thời gian cấp phép ngắn hơn từ 27 tháng đối với giấy phép khai thác và từ 15 tháng đối với giấy phép xử lý và tái chế.

Những lo ngại về xã hội/môi trường địa phương có thể cản trở các dự án?

Ủy ban châu Âu gần đây đã chọn ra 47 dự án "chiến lược" trong 13 quốc gia thành viên, những dự án đầu tiên trong số các dự án khai thác, tinh chế và tác chế thêm nhiều nguyên liệu thô ở trong nước.

Mục tiêu là đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thô "an toàn và bền vững" bằng cách tối đa hóa nguồn cung từ chính châu Âu, Ủy ban cho biết.

Tuy nhiên, các cộng đồng nông thôn trên khắp châu Âu có thể gặp phải nhiều thách thức. 

Kế hoạch khai thác lithium ở Bồ Đào Nha đã gặp phải sự phản đối mạnh mẽ, từ cả người dân và các tổ chức phi chính phủ về môi trường. Họ nhận thấy nguy cơ môi trường bị hủy hoại và tác động tới đời sống của những người sống trong vùng bị ảnh hưởng.

Sự phản đối tương tự cũng diễn ra ở Serbia, một ứng cử viên gia nhập EU, nơi các cuộc biểu tình nổ ra vào mùa hè năm ngoái trong bối cảnh có các kế hoạch mở hoạt động khai thác lithium lớn nhất châu Âu tại thung lũng Jadar màu mỡ, vốn được công bố chỉ vài tuần sau khi EU ký kết thỏa thuận về các nguyên liệu thô với chính phủ Serbia.  

Châu Âu có nguy cơ tụt hậu trong cuộc đua?

Luật chơi cũng đang thay đổi khi nhà lãnh đạo Mỹ Donald Trump đang tỏ ra quyết liệt hơn trong cuộc đua khoáng sản.

Tổng thống Mỹ đã đề cập một cách quyết liệt tới việc tiếp cận nguồn tài nguyên khoáng sản giàu có của Ukraine để đổi lại viện trợ quân sự từ Washinton, đe dọa sẽ sát nhập quốc gia láng giềng, giàu tài nguyên là Canada và muốn "mua" Greenland để nắm quyền kiểm soát các tài nguyên.

"Châu Âu đã ký một bản ghi nhớ về khoáng sản thô với Ukraine, nhưng cùng lúc đó chính quyền Trump thúc giục Ukraine ký vào một thỏa thuận trao đổi để tiếp tục nhận được viện trợ quân sự - hoặc để đền đáp cho viện trợ quân sự cho đến nay mà nhà Trắng mong muốn. Họ muốn tiếp cận, chủ yếu là tiếp cận toàn bộ lượng khoáng sản và Ukraine là một trong những cường quốc về tài nguyên khoáng sản toàn cầu", Robert Hodgson, phóng viên về năng lượng và môi trường của Euronews, nhận định.

Những thách thức về đạo đức cũng nảy sinh khi EU ký thỏa thuận tương tự với các vùng bị ảnh hưởng bởi xung đột, nơi tiền từ quá trình trao đổi khoáng sản được dùng để tài trợ cho các tổ chức vũ trang.

"Rwanda bị theo dõi gần đây vì quân đội Rwanda bị nghi đã hỗ trợ các nhóm phiến quân ở miền đông Congo. Và đã có những báo cáo từ Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ rằng khoáng sản bị buôn lậu qua biên giới vào Rwanda và xuất khẩu sang châu Âu - được gọi là khoáng sản xung đột", Hodgson nói thêm.

Giới chức EU hồi tháng 2 cho biết, thỏa thuận khoáng sản thô của khối với Rwanda đã được "xem xét lại" sau khi nhóm phiến quân M23 do Rwanda hậu thuẫn đã chiếm quyền kiểm soát lãnh thổ miền đông Congo, khiến dư luận quốc tế chỉ trích.

Ninh Trần

Theo Euro News

Bạn đang đọc bài viết "Châu Âu tham gia cuộc đua khoáng sản giữa các siêu cường" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.