
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt các loại nước uống có đường - Ảnh: THANH HIỆP
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp
25/04/2025 20:30
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt các loại nước uống có đường - Ảnh: THANH HIỆP
Theo đó, Bộ Tài chính đề xuất áp
Chuyên gia, đại biểu Quốc hội lo ngại đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt có thể gây khó cho doanh nghiệp sản xuất đồ uống - Ảnh: Q.ĐỊNH
* TS Nguyễn Minh Thảo (Viện Nghiên cứu chính sách và chiến lược - Ban Chính sách, chiến lược trung ương):
Thuế tiêu thụ đặc biệt có làm giảm tiêu thụ nước giải khát có đường?
Theo tôi, thuyết minh dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) chưa chỉ rõ việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với nước giải khát có đường đã bảo đảm tính công bằng hay chưa, liệu có giảm được việc tiêu thụ nước giải khát có đường hay không. Cơ quan soạn thảo cũng chưa chỉ rõ được tác động khi áp thuế với nước giải khát có đường. Tất cả lập luận của cơ quan soạn thảo chỉ dẫn chiếu khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới về nguy cơ thừa cân, béo phì khi sử dụng nước giải khát có đường. Tuy nhiên, cơ quan soạn thảo không chỉ rõ được bao nhiêu phần trăm trẻ em thừa cân, béo phì do sử dụng nước giải khát có đường.
Về nguyên tắc khi chưa có đánh giá tác động toàn diện thì nên chăng chưa đề xuất áp thuế. Còn nếu có những bằng chứng rõ ràng thì đề xuất thuế ở mức phù hợp, bảo đảm hoạt động sản xuất của doanh nghiệp và hiệu quả điều tiết hành vi tiêu dùng. Với bối cảnh doanh nghiệp khó khăn hiện nay thì thời hạn đề xuất áp thuế nên từ năm 2028 để hỗ trợ doanh nghiệp duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nước giải khát có rất nhiều loại chứa đường nhưng lập luận của cơ quan soạn thảo là chưa đủ thuyết phục để thực hiện áp thuế theo tiêu chuẩn Việt Nam. Trên thị trường có nhiều sản phẩm nước giải khát có đường khác không theo tiêu chuẩn Việt Nam nhưng chứa rất nhiều đường. Vì thế, việc áp thuế có khả năng tạo ra sự không công bằng, gây hệ lụy nhất định với chuỗi sản xuất doanh nghiệp ngành đồ uống.
Đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp chịu ảnh hưởng thuế quan thương mại hiện nay cần có sự cân nhắc kỹ khi ban hành văn bản pháp luật có tác động lớn đến doanh nghiệp.
Người dân mua nước ngọt tại một siêu thị ở TP.HCM - Ảnh: QUANG ĐỊNH
* Ông Nguyễn Văn Việt (chủ tịch Hiệp hội Bia, rượu, nước giải khát Việt Nam):
Nên quan tâm tới sức khỏe doanh nghiệp
Mỗi năm ngành đồ uống trong đó có doanh nghiệp nước giải khát đóng góp trên 60.000 tỉ đồng tiền thuế, tương đương khoảng 3% tổng thu ngân sách và tạo ra hàng triệu việc làm. Vì thế cần quan tâm tới sức khỏe doanh nghiệp, nuôi dưỡng nguồn thu và sức cầu tiêu dùng nội địa. Khi doanh nghiệp suy yếu, việc làm giảm, thu nhập lao động bị ảnh hưởng, sức mua suy giảm, đà phục hồi kinh tế sẽ chậm lại.
* Ông Nguyễn Duy Hưng (chủ tịch Ủy ban Quan hệ doanh nghiệp và pháp chế, Tập đoàn Tân Hiệp Phát):
Cần tính tới hiệu quả tổng thể
Các doanh nghiệp trong ngành nước giải khát đồng ý với chủ trương bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng, hạn chế các bệnh không lây nhiễm, giảm tăng cân, béo phì. Tuy nhiên các chính sách thuế cần lưu ý các hiệu quả tổng thể.
Mục tiêu chính của chính sách là giảm tăng cân, béo phì thì chưa xác định được nước giải khát có đường là nguyên nhân chính, chủ yếu, duy nhất. Đường là một trong những nguyên nhân gây tăng cân, béo phì và nước giải khát có đường có một phần nhỏ chứa đường. Không có số liệu, kết luận nào về mối quan hệ giữa người bị bệnh tăng cân, béo phì với việc sử dụng nước giải khát có đường. Do đó nếu ban hành chính sách áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường sẽ dẫn đến tăng giá, làm xáo trộn hành vi người tiêu dùng, tác động đến cả chuỗi lợi ích liên quan như nông dân trồng trà, logistics, xây dựng...
* Ông Bùi Khánh Nguyên (phó tổng giám đốc đối ngoại truyền thông & phát triển bền vững, Công ty TNHH nước giải khát Coca-Cola Việt Nam):
Chính sách thuế nên công bằng
Chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cần dựa trên sự công bằng theo hai tiêu chí. Thứ nhất chính sách thuế phải dựa trên cơ sở khoa học, cần lưu ý nghiên cứu về mối quan hệ nhân quả. Nhóm sử dụng và nhóm đối chứng, cần có thêm nghiên cứu quy mô lớn hơn, độ tin cậy cao hơn. Thứ hai nếu đánh thuế thì cần áp dụng toàn diện, không nên chỉ nhắm vào một sản phẩm mà bỏ qua các sản phẩm có đường khác.
* Bà Nguyễn Minh Tâm (giám đốc đối ngoại, quan hệ chính phủ, Công ty Suntory Pepsico Việt Nam):
Sẽ ảnh hưởng đến nhiều ngành liên quan
Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt sẽ không chỉ tác động tới ngành đồ uống mà còn ảnh hưởng tới những ngành liên quan, như bán lẻ, bao bì, mía đường, vận chuyển, du lịch. Tăng thuế đột ngột sẽ làm giảm sức mua của người tiêu dùng, gián đoạn hoạt động kinh doanh và ảnh hưởng hoạt động đầu tư của doanh nghiệp trong nhiều ngành. Điều này làm trầm trọng hơn những bất lợi và thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp, nhất là khi Mỹ vừa áp thuế đối ứng.
Đề nghị giãn lộ trình áp thuế với nước giải khát sang năm 2027
Bộ Tài chính đề xuất áp thuế tiêu thụ đặc biệt với các loại nước giải khát theo tiêu chuẩn Việt Nam - Ảnh: THANH HIỆP
Trao đổi với Tuổi Trẻ chiều 24-4, đại diện Bộ Tài chính cho biết đã có đề xuất lùi thời hạn áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm đồ uống gồm nước giải khát có đường, rượu, bia... như kiến nghị trước đó.
Cơ sở để đưa ra đề xuất này, theo Bộ Tài chính, là việc Mỹ tuyên bố áp thuế đối ứng sẽ tác động mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh cũng như tâm lý của doanh nghiệp. Nên Chính phủ đã có chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu báo cáo Chính phủ xem xét một số vấn đề về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi.
"Sau khi báo cáo và được Chính phủ đồng ý, Bộ Tài chính đã có văn bản gửi sang Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội đề nghị giãn lộ trình thực hiện áp dụng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng rượu, bia, nước giải khát có đường... sang từ năm 2027 thay vì từ năm 2026 như phương án trước đó.
Đồng thời, mức thuế suất cho nhóm mặt hàng này cũng nhẹ hơn so với đề xuất dự thảo trình Quốc hội tại kỳ họp tháng 10-2024. Theo đó, đối với nước giải khát có đường, Bộ Tài chính đề xuất mức thuế 8% áp dụng từ năm 2027 và tăng lên 10% từ năm 2028. Còn đối với rượu và bia, thời gian áp dụng cũng từ 2027 với mức thuế tăng thêm 5% mỗi năm", đại diện Bộ Tài chính thông tin.
Phía Bộ Tài chính cũng cho biết theo Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, tại kỳ họp Quốc hội diễn ra vào tháng 5 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tiếp thu giải trình và chỉnh lý dự luật này để trình Quốc hội bấm nút thông qua.
Thái Lan đánh thuế để giảm lượng đường trong đồ uống
Nhiều loại đồ uống tại một cửa hàng tiện lợi ở Bangkok, Thái Lan - Ảnh: Patipat Janthong
Vào ngày 1-4, mức thuế mới dựa trên hàm lượng đường có trong các sản phẩm có đường và đồ uống tại Thái Lan chính thức có hiệu lực. Bộ Tài chính Thái Lan nhấn mạnh các nhà sản xuất đồ uống và sản phẩm có đường nếu không cải tiến công thức để giảm lượng đường, sẽ phải chịu mức thuế tiêu thụ đặc biệt cao hơn so với giai đoạn trước.
Kể từ năm 2017, Thái Lan đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với hàm lượng đường có trong sản phẩm, bên cạnh khoản thuế trước đó đã đánh vào đồ uống nhằm giảm việc tiêu thụ đồ uống có đường của người dân. Mức thuế mới vào ngày 1-4 là đợt tăng thuế lần thứ 4 của loại thuế này, với mức tăng 2 năm 1 lần kể từ năm 2017.
Mục tiêu của loại thuế này là nhằm khuyến khích các nhà sản xuất giảm hàm lượng đường trong sản phẩm, từ đó nâng cao sức khỏe cộng đồng, nhờ việc giảm các nguy cơ béo phì, tiểu đường, tăng huyết áp và nhiều bệnh khác. Trong lần tăng thứ 4, đồ uống có hàm lượng đường từ 10 - 14g/l sẽ chịu mức thuế tiêu thụ tăng từ 3 baht lên 5 baht (khoảng 3.800 đồng). Sản phẩm đồ uống có hàm lượng đường dưới 6g/l sẽ được miễn thuế.
Đồ uống có lượng đường từ 6 - 8g/l sẽ chịu thuế 1 baht (khoảng 778,48 đồng). Đối với đồ uống có hàm lượng đường từ 8 - 10g/l, mức thuế này sẽ là 3 baht (hơn 2.330 đồng). Đồ uống có hàm lượng đường từ 14 - 18g/l, cũng như có lượng đường từ 18g/l trở lên, vẫn sẽ chịu mức thuế không đổi ở mức 5 baht.
Cục Thuế tiêu thụ đặc biệt Thái Lan tin tưởng đợt tăng thuế cuối cùng này sẽ không làm tăng đáng kể giá đồ uống, cũng như sẽ không gây gánh nặng quá mức lên người tiêu dùng. Cục này cho biết các nhà sản xuất đã đáp ứng tốt với các mức thuế bằng cách giảm hàm lượng đường, chuyển sang sử dụng chất tạo ngọt nhân tạo, hoặc các chất thay thế đường khác trộn với đường tự nhiên. Đây là giải pháp được cho là ít gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng hơn.
Theo số liệu thống kê từ năm 2018 - 2023, nhiều nhà sản xuất đồ uống có đường tại Thái Lan đã điều chỉnh công thức để được hưởng mức thuế suất thấp. Biểu hiện của việc này là số lượng đồ uống có chứa 6g/l đường trở xuống (mức được miễn thuế) đã tăng từ 90 sản phẩm vào năm 2018 lên 4.736 sản phẩm vào năm 2023. Số lượng sản phẩm có lượng đường trong mức được hưởng thuế suất thấp cũng ghi nhận tăng trong giai đoạn này. Trong khi đó, số lượng sản phẩm có lượng đường cao và phải chịu mức thuế cao ghi nhận giảm. Như lượng đồ uống có hàm lượng đường vượt quá 14g/l đã giảm từ 819 sản phẩm xuống không còn sản phẩm nào trên thị trường Thái Lan hiện nay.