
Người lao động làm việc trong nhà máy sợi - Ảnh tư liệu: HỒNG PHÚC
Kết quả kinh doanh của một số doanh nghiệp trong ngành dệt may Việt Nam đang cho thấy những tín hiệu tích cực trong quý 1-2025, với tình hình khả quan, thậm chí tăng trưởng vượt kỳ vọng.
Thị trường Mỹ tiếp tục đóng góp quan trọng
Theo báo cáo tài chính quý 1-2025 vừa công bố, Công ty cổ phần Sợi Thế Kỷ (HoSE: STK) ghi nhận doanh thu quý đầu năm đạt hơn 376 tỉ đồng, tăng hơn 41% so với cùng kỳ do tăng doanh số bán hàng.
Ngoài ra nhờ doanh số bán cùng giá bán cao hơn cùng kỳ, khoản lợi nhuận gộp đã tăng mạnh và biên lợi nhuận gộp đạt gần 21%, góp phần giúp khoản lãi sau thuế vọt lên 35,6 tỉ đồng, tương đương tăng hơn 4.900% so với quý 1-2024.
Bà Nguyễn Phương Chi - giám đốc chiến lược Sợi Thế Kỷ - cho biết trong 90 ngày đầu năm, công ty có 13 khách hàng mới.
Một số tiêu chí lựa chọn nguồn cung theo khảo sát của Hiệp hội Công nghiệp thời trang Mỹ - Nguồn: STK
Ba tháng đầu năm 2025, Mỹ tiếp tục là thị trường xuất khẩu dệt may lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch 3,8 tỉ USD, tăng hơn 15% so với cùng kỳ. Các doanh nghiệp trong ngành đang nỗ lực đa dạng hóa thị trường, giúp xuất khẩu sang Nhật Bản và EU đều tăng trưởng hai con số, lần lượt là 12% và 13,5%.
Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Hàn Quốc giữ nguyên ở mức 800 triệu USD, đi ngang so với cùng kỳ.
Sản phẩm ít bị thay thế
Liên quan đến chính sách thuế đối ứng từ chính quyền Mỹ, đại diện Sợi Thế Kỷ nhận định các sản phẩm dệt may làm từ sợi nhân tạo của Việt Nam ít bị thay thế tại thị trường Mỹ do nắm giữ thị phần lớn, có khả năng sản xuất đa dạng và đáp ứng nhanh đơn hàng nhờ chuỗi cung ứng phát triển.
Ngoài Mỹ, các doanh nghiệp cũng đang tích cực mở rộng sang các thị trường như EU, Canada, Úc và Trung Đông, để giảm thiểu rủi ro từ sự thay đổi chính sách ở một số quốc gia.
Theo số liệu từ Văn phòng Dệt may Mỹ (OTEXA), Việt Nam hiện là nước xuất khẩu dệt may lớn thứ hai vào thị trường Mỹ, chỉ sau Trung Quốc, cho cả sản phẩm dệt may từ sợi nhân tạo và sợi cotton. Điều này mở ra cơ hội thu hút thêm đơn hàng, nhất là trong bối cảnh hàng Trung Quốc đang chịu mức thuế cao hơn.
Bà Nguyễn Phương Chi cho rằng tại thị trường Mỹ, dù thị phần khối lượng xuất khẩu của Việt Nam (17-19%) nhỏ hơn nhiều so với Trung Quốc (43-46%), nhưng nếu xét theo thị phần trị giá xuất khẩu, Việt Nam không hề thua kém. Điều đó cho thấy hàng dệt may Việt Nam có một lợi thế cạnh tranh quan trọng trong bối cảnh hiện tại đó là giá trị cao hơn trên mỗi đơn vị hàng hóa.
