
Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) và Thống đốc California Gavin Newsom (Ảnh: EPA).
Thống đốc California Gavin Newsom ngày 16/4 cho biết chính quyền của ông đã khởi kiện chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump về thẩm quyền liên quan đến việc áp đặt thuế quan rộng khắp thế giới.
"Tổng thống Donald Trump không có thẩm quyền để đơn phương áp đặt mức tăng thuế lớn nhất trong lịch sử", ông Newsom bình luận.
Vụ kiện được đệ trình lên tòa án quận phía bắc California.
Trong đơn kiện, chính quyền California lập luận rằng việc Tổng thống Donald Trump sử dụng Đạo luật Quyền hạn Kinh tế Khẩn cấp Quốc tế (IEEPA) để áp thuế đối với Mexico, Canada và Trung Quốc hoặc thuế suất 10% đối với tất cả hàng nhập khẩu là "bất hợp pháp".
Đạo luật này cho phép Tổng thống đóng băng và chặn các giao dịch để ứng phó với các mối đe dọa từ nước ngoài nhưng không cho phép Tổng thống áp dụng thuế quan. California lập luận rằng việc ban hành mức thuế quan như vậy cần phải có sự chấp thuận của quốc hội.
Đáp lại đơn kiện của California, Nhà Trắng cho biết: "Thay vì tập trung vào tội phạm tràn lan, tình trạng vô gia cư và tình trạng không đủ khả năng chi trả của California, ông Gavin Newsom đang dành thời gian cố gắng ngăn chặn những nỗ lực mang tính lịch sử của Tổng thống Trump nhằm giải quyết tình trạng khẩn cấp quốc gia về thâm hụt thương mại hàng hóa dai dẳng của đất nước".
Sau khi nhậm chức hồi tháng 1, Tổng thống Mỹ Donald Trump bắt tay thực hiện các cam kết đưa ra trong chiến dịch tranh cử, trong đó có việc áp thuế đối với hàng hóa các nước để ngăn chặn tình trạng mà chính quyền của ông gọi là "mất cân bằng thương mại".
Đáng chú ý, đầu tháng này, ông Trump tuyên bố đánh thuế 10% hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ, và áp thuế cao hơn (từ 11% đến 50%) với khoảng 60 quốc gia, vùng lãnh thổ. Riêng với Trung Quốc, mức thuế tích lũy cao nhất lên đến 245% theo thông tin từ Nhà Trắng.
Ông Newsom, một đảng viên Dân chủ, cho biết thuế quan về cơ bản đã dẫn đến chi phí tăng cao và có thể gây thiệt hại hàng tỷ USD cho California, nơi có nền kinh tế lớn nhất và là tiểu bang nhập khẩu lớn nhất trong số các tiểu bang của Mỹ.
Chính quyền của ông Newsom lo ngại rằng ngành công nghiệp hạnh nhân của California, một ngành xuất khẩu nông sản lớn, sẽ mất hàng tỷ USD khi các quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ và Liên minh châu Âu áp dụng thuế quan trả đũa.
Nhiều doanh nghiệp đã nói với các giới chức bang rằng họ sẽ bắt đầu chuyển chi phí thuế quan cho người tiêu dùng.
Ngân sách của bang có thể bị ảnh hưởng lớn do thị trường chứng khoán lao dốc vì California phụ thuộc quá nhiều vào doanh thu thuế thu nhập chủ yếu từ đầu tư và cổ phiếu của những người nộp thuế giàu nhất.
Thuế quan cũng có thể cản trở khả năng lập kế hoạch cho tương lai và thanh toán cho các dịch vụ của tiểu bang.
California là tiểu bang nhập khẩu lớn nhất và xuất khẩu lớn thứ hai trong số các tiểu bang của Mỹ, với hơn 675 tỷ USD thương mại hai chiều, hỗ trợ hàng triệu việc làm.
Mexico, Canada và Trung Quốc là những đối tác quan trọng của California, vì gần một nửa lượng hàng nhập khẩu của California đến từ các quốc gia này, tổng cộng là 203 tỷ USD trong tổng số hơn 491 tỷ USD hàng hóa mà California nhập khẩu vào năm ngoái.