
Một robot chiến đấu của Ukraine (Ảnh: Forbes).
Trước tình trạng thiếu hụt nhân lực trầm trọng trong cuộc chiến với Nga, giới chức Ukraine vừa công bố kế hoạch triển khai tới 15.000 robot mặt đất không người lái (UGV) trong năm 2025, một bước nhảy vọt chưa từng có, nhằm đưa máy móc thay thế con người trên tuyến đầu. Nhưng phía sau con số ấn tượng đó là vô vàn thách thức về công nghệ, hậu cần.
"Khi không còn đủ người, Ukraine buộc phải dùng đến máy móc. Đây không phải lựa chọn, mà là yêu cầu sống còn", bà Kateryna Bondar, chuyên gia tại Trung tâm AI Wadhwani thuộc Viện CSIS (Mỹ), nhận định.
Kể từ năm 2022, sản lượng UAV của Ukraine đã tăng từ vài nghìn chiếc lên đến 2 triệu trong năm ngoái. Nhưng robot mặt đất - với khối lượng lên đến cả tấn - thì lại là một câu chuyện hoàn toàn khác.
Bộ Quốc phòng Ukraine cho biết đã chi 2,5 triệu USD để mua UGV trong nửa cuối năm 2024, nhưng chỉ trong quý I/2025, con số này đã vọt lên 150 triệu USD, tương đương mức tăng gấp 100 lần.
Các mẫu UGV hiện tại rất đa dạng: từ xe bọc thép nhỏ vận chuyển hậu cần, máy gỡ mìn, xe cứu thương không người lái đến những robot được trang bị súng máy hoặc chất nổ. Nhưng trên thực tế, chỉ khoảng 10-15 trong số hơn 50 mẫu UGV được quân đội phê duyệt đang được sử dụng thường xuyên ngoài chiến trường, một con số khá khiêm tốn so với kỳ vọng.
Vì sao khó triển khai UGV hàng loạt?
Nguyên nhân không nằm ở công nghệ chế tạo mà ở tính thực tiễn. "Thử tưởng tượng phải đưa một cỗ máy nặng cả tấn ra tiền tuyến. Nếu chạy bằng xăng dầu thì phải chở thêm nhiên liệu. Nếu dùng pin thì lại cần máy phát điện để sạc. Cả một cơn ác mộng hậu cần", bà Bondar nói.
Chưa kể, giá thành cũng là trở ngại lớn. Một UGV nhỏ cũng tiêu tốn từ 2.000 - 3.000 USD, loại tiên tiến có thể lên đến 10.000 USD, đắt hơn gấp hàng chục lần so với một UAV tự sát FPV. Với chi phí như vậy, robot mặt đất chỉ thực sự hữu ích khi làm được những việc mà UAV không thể.
Một điểm mạnh hiện tại là khả năng hậu cần. Nhiều UGV đã tham gia vận chuyển tiếp tế cho tiền tuyến, thay thế con người trong những nhiệm vụ "đi dễ khó về" khi phải băng qua vùng hỏa lực của UAV cảm tử Nga. Tuy nhiên, việc sử dụng UGV để sơ tán thương binh lại chưa phổ biến vì độ tin cậy chưa cao, chỉ được xem là "phương án cuối cùng".
Ngay cả trong một ca sơ tán thành công được truyền thông Ukraine đưa tin, để đưa 3 thương binh vượt gần 18km qua vùng pháo kích Nga, chiến dịch vẫn cần tới hơn 50 người phối hợp, từ điều khiển UGV, vận hành UAV hỗ trợ, đến bảo vệ điện tử và giám sát.
Một nghịch lý khác là: để vận hành một UGV chiến đấu, cần tới 4 người, gồm lái chính, điều khiển vũ khí, và đội UAV 2 người làm nhiệm vụ trinh sát. Nghĩa là để thay thế một binh sĩ, lại phải dùng tới cả nhóm người và thiết bị hỗ trợ. Giải pháp dài hạn là trí tuệ nhân tạo và tự động hóa, nhưng điều đó vẫn còn xa vời.
"Ngay cả xe tự lái dân sự còn đang loay hoay trên đường nhựa, thì robot chiến đấu trên chiến trường càng rối rắm hơn", bà Bondar nói. Trong môi trường bị gây nhiễu GPS, liên lạc đứt đoạn và mìn bẫy khắp nơi, để một UGV tự định hướng, né chướng ngại, đánh giá tình huống và ra quyết định là điều cực kỳ khó khăn. Dù một số nguyên mẫu đang được thử nghiệm, nhưng để triển khai quy mô lớn thì "ít nhất phải mất vài năm nữa".
Phép thử táo bạo
Dù còn nhiều trở ngại, Ukraine vẫn đang thử nghiệm chiến thuật đột phá với robot. Cuối năm ngoái, Lữ đoàn Vệ binh Quốc gia số 13 đã tiến hành đợt tấn công hoàn toàn bằng thiết bị không người lái, kết hợp UAV trinh sát, UAV cảm tử và hàng chục UGV trên mặt đất. Sau khi robot giành được vị trí, bộ binh mới tiến vào củng cố.
Chiến lược này được gọi là "đột kích không cần lính", một nỗ lực nhằm thử nghiệm chiến thuật, thu thập dữ liệu và chuẩn hóa mô hình để có thể triển khai rộng rãi sau này. Trong phòng thủ, vai trò của robot thậm chí còn rõ nét hơn, với các ụ súng tự động điều khiển từ xa, có thể kết hợp với UAV trinh sát để đối phó quân Nga.
Dù đầy rẫy thách thức, nhưng các chuyên gia tin rằng UGV vẫn sẽ đóng vai trò ngày càng quan trọng. Với dân số ngày một suy giảm và xung đột kéo dài, Ukraine không còn lựa chọn nào khác ngoài "cơ giới hóa chiến sự".
Với 15.000 robot trong kế hoạch và hơn 800.000 quân nhân đang phục vụ, trước mắt UGV vẫn là lực lượng hỗ trợ, chuyên thực hiện các nhiệm vụ nguy hiểm nhất để giảm thiểu thương vong. Nhưng nếu AI và công nghệ tự hành phát triển đúng hướng, viễn cảnh "robot ra trận thay người" sẽ không còn là khoa học viễn tưởng, chỉ còn là vấn đề thời gian.