ThS. Vũ Thị Ngọc Bích
Học viện Cán bộ Thành phố Hồ Chí Minh
Email: bichvu13@gmail.com
Tóm tắt
Giảng dạy và nghiên cứu khoa học là 2 hoạt động có mối quan hệ hữu cơ, 2 nhiệm vụ cơ bản chiến lược của các trường chính trị. Trong đó, việc giảng viên các trường tích cực tham gia nghiên cứu khoa học là một trong những biện pháp quan trọng và cần thiết để nâng cao chất lượng đào tạo, đáp ứng tốt hơn nhu cầu ngày càng khắt khe của xã hội trong công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức địa phương. Nghiên cứu khoa học cũng là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong xây dựng các trường chính trị đạt chuẩn theo Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn. Trong bài viết này, tác giả phân tích thực tế nghiên cứu khoa học của các trường chính trị địa phương hiện nay và kiến nghị giải pháp mang tính đột phá để thúc đẩy hoạt động này là xây dựng quy định khen thưởng việc công bố các công trình khoa học.
Từ khóa: Chế độ khen thưởng, công trình khoa học, trường chính trị
Summary
Teaching and scientific research are intrinsically linked and constitute two fundamental strategic tasks of political schools. In particular, the active participation of lecturers in scientific research is a crucial and necessary measure to improve training quality and better meet the increasing demands of society in the education and professional development of local officials, civil servants, and public employees. Scientific research also plays an especially important role in the process of building standard political schools, as outlined in Regulation No. 11-QD/TW dated May 19, 2021, by the Party Secretariat. This article analyzes the current state of scientific research at local political schools and proposes a breakthrough solution to enhance this activity, the development of reward regulations for the publication of scientific works.
Keywords: Reward policy, scientific publication, political schools
ĐẶT VẤN ĐỀ
Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế đã khẳng định, cùng với giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ là quốc sách hàng đầu, là động lực phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện cần thiết để giữ vững độc lập dân tộc và xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.
Trong những năm gần đây, công tác nghiên cứu khoa học (NCKH) tại các trường chính trị đã nhận được nhiều sự quan tâm. Yếu tố cốt lõi ảnh hưởng đến hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức của các trường chính trị là chất lượng NCKH của giảng viên. Năng lực NCKH cũng là tiền đề tạo dựng thương hiệu và uy tín của giảng viên. NCKH giúp giảng viên củng cố được hệ thống lý luận, sử dụng các luận điểm khoa học để nhìn nhận, phân tích, đối chiếu thực tiễn. NCKH còn nâng cao năng lực tư duy, sự sáng tạo và khả năng làm việc độc lập cũng như năng lực tổng hợp của giảng viên. Có thể khẳng định, giảng viên giỏi phải là một giảng viên có năng lực NCKH mạnh.
Mặc dù hoạt động NCKH của các trường chính trị trong những năm qua đã có những bước chuyển biến rõ rệt, nhưng để phù hợp với tình hình phát triển mới, khi các trường chính trị đang nỗ lực để đạt trường chính trị chuẩn mức 1 và mức 2, đảm bảo vai trò cốt lõi của mình trong hoạt động của trường chính trị, hoạt động NCKH cần được đánh giá và có sự điều chỉnh phù hợp.
TỔNG QUAN NGHIÊN CỨU
Khái quát về nghiên cứu khoa học
NCKH là quá trình hệ thống và phân tích thông tin để tạo ra kiến thức mới, giải quyết vấn đề hoặc đạt được sự hiểu biết sâu rộng hơn về một lĩnh vực cụ thể. NCKH thường bao gồm việc thu thập, sắp xếp và phân tích dữ liệu để đưa ra các kết luận dựa trên bằng chứng.
NCKH là một hoạt động xã hội, hướng vào việc tìm kiếm những điều mà khoa học chưa biết: hoặc phát hiện bản chất sự vật, phát triển nhận thức khoa học về thế giới hoặc là sáng tạo phương pháp mới và phương tiện kĩ thuật mới để cải tạo thế giới.
Xét theo tính chất của sản phẩm nghiên cứu, NCKH bao gồm:
- Nghiên cứu cơ bản (Fundamental research): các nghiên cứu nhằm phát hiện thuộc tính, cấu trúc bên trong của các sự vật, hiện tượng.
- Nghiên cứu ứng dụng (Applied research): vận dụng thành tựu của các nghiên cứu cơ bản để giải thích sự vật, hiện tượng; tạo ra các giải pháp, qui trình công nghệ, sản phẩm để áp dụng vào đời sống và sản xuất.
- Nghiên cứu triển khai (Implementation research): vận dụng các nghiên cứu cơ bản và ứng dụng để tổ chức triển khai, thực hiện ở qui mô thử nghiệm
Đối với các trường chính trị, xu hướng là tập trung vào các công trình nghiên cứu ứng dụng và nghiên cứu triển khai, trong đó nghiên cứu ứng dụng là chủ yếu.
Nội dung nghiên cứu khoa học ở trường chính trị địa phương
Theo Quy chế Nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (Ban hành theo Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG ngày 21/12/2021 của Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh), hoạt động NCKH ở các trường chính trị địa phương bao gồm:
- Nghiên cứu đề án, đề tài khoa học cấp nhà nước, cấp bộ, cấp tỉnh, cấp cơ sở (cấp trường), địa phương.
- Xây dựng chương trình, biên soạn tài liệu phục vụ đào tạo, bồi dưỡng của trường, địa phương.
- Biên soạn lịch sử trường, lịch sử đảng bộ địa phương, lịch sử ngành.
- Viết đề dẫn, bài tham luận, bài kết luận của hội thảo, tọa đàm khoa học quốc tế, cấp quốc gia, cấp bộ, cấp khu vực, cấp tỉnh, cấp cơ sở (cấp trường), cấp khoa.
- Tham gia hội đồng nghiệm thu đề án, đề tài, chương trình, giáo trình, tài liệu giảng dạy, học tập.
- Viết bài công bố trên báo, tạp chí in và điện tử; trang thông tin điện tử của trường, địa phương, trung ương, quốc tế; kỷ yếu khoa học, bản tin.
- Khảo sát thực tế phục vụ công tác đào tạo, bồi dưỡng; tổng kết thực tiễn.
- Viết sáng kiến - kinh nghiệm phục vụ công tác quản lý, giảng dạy, học tập.
Tiêu chí nghiên cứu khoa học của trường chính trị chuẩn
Tiêu chí này được quy định trong Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 của Ban Bí thư về trường chính trị chuẩn.
Đối với trường chính trị đạt chuẩn mức 1:
- Mỗi năm thực hiện ít nhất 3 đề tài cấp trường, tổ chức ít nhất 3 cuộc hội thảo hoặc tọa đàm khoa học cấp trường; xuất bản được tạp chí hoặc bản tin “Thông tin lý luận và thực tiễn” ít nhất 3 kỳ/năm.
- Năm năm thực hiện ít nhất 3 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương, tổ chức ít nhất 3 cuộc hội thảo hoặc tọa đàm cấp tỉnh hoặc tương đương, xuất bản ít nhất 5 cuốn sách chuyên khảo, tham khảo hoặc kỷ yếu khoa học.
Đối với trường chính trị đạt mức 2:
- Thực hiện ít nhất 5 đề tài khoa học cấp tỉnh hoặc tương đương.
- Tham mưu tổ chức ít nhất 1 cuộc hội thảo khoa học cấp bộ.
- Xuất bản tạp chí hoặc bản tin “thông tin lý luận và thực tiễn” ít nhất 4 kỳ/năm.
Ngoài tiêu chí cụ thể về hoạt động NCKH, tổng kết thực tiễn, các tiêu chuẩn khác về trường chính trị chuẩn mức 1, mức 2 cũng được quy định cụ thể như yêu cầu về đội ngũ tiến sĩ, giảng viên chính, giảng viên cao cấp…
THỰC TRẠNG HOẠT ĐỘNG NGHIÊN CỨU KHOA HỌC Ở CÁC TRƯỜNG CHÍNH TRỊ ĐỊA PHƯƠNG VÀ XU HƯỚNG PHẤN ĐẤU TRỞ THÀNH TRƯỜNG CHÍNH TRỊ CHUẨN
Trong những năm qua, công tác NCKH được quan tâm và đạt được kết quả bước đầu; hoạt động NCKH chủ yếu ở cấp khoa, phòng và cấp trường. Từ năm 2021, Quy định số 11-QĐ/TW của Ban Bí thư được ban hành, đã giúp cho các trường chính trị địa phương xác định rõ hơn mục tiêu nghiên cứu khoa học. Quy chế NCKH của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cũng tạo điều kiện để giảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ NCKH. Theo xu hướng nâng cao chất lượng đội ngũ các bộ quản lý, giảng viên của các trường chính trị địa phương, đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên trường chính trị theo học sau đại học ngày càng nhiều, đặc biệt là xu hướng chuyên môn ngày càng cao ở bậc học tiến sĩ.
Tuy nhiên, hoạt động NCKH ở các trường chính trị địa phương hiện nay chưa thật sự mạnh mẽ và theo kịp được tốc độ phát triển NCKH của các cơ sở giáo dục hiện nay.
Theo Thông tư số 20/2020/TT-BGDĐT ngày 27/7/2020 của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định chế độ làm việc của giảng viên cơ sở giáo dục đại học, định mức NCKH cho giảng viên là 270 giờ chuẩn. Quy chế cũng đã quy đổi giờ chuẩn nghiên cứu khoa học đối với các loại công bố khoa học khác nhau. Tuy nhiên, cách thức quy đổi hiện nay dễ dẫn đến tình trạng “tránh nặng tìm nhẹ”. Ví dụ: bài báo khoa học quốc tế có chỉ số là 300 giờ chuẩn/bài, nhưng nếu công bố trên tạp chí Q1 sẽ gặp khó khăn hơn nhiều so với tạp chí Q2, Q3, Q4; bài báo khoa học đăng ở tạp chí trong nước dưới 1 điểm đều quy đổi thành 90 giờ chuẩn/bài, nhưng tạp chí 0,25 điểm khác tạp chí 0,5 điểm, lại càng khác với tạp chí 0,75 điểm. Điều này dễ dẫn đến tình trạng giảng viên muốn công bố bài báo thì sẽ chọn tạp chí quốc tế Q4 thay vì các tạp chí có chỉ số Q cao hơn; công bố bài báo trong nước thì sẽ chọn bài tạp chí trong nước 0,25 điểm thay vì tạp chí 0,5 điểm, 0,75 điểm hay 1 điểm.
Bên cạnh đó, các trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phấn đấu đạt chuẩn mức 1, mức 2 theo các tiêu chí cũng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, chủ yếu là do khó đáp ứng các yêu cầu về số lượng và chất lượng các công bố khoa học. Ví dụ: nghiên cứu sinh tối thiểu phải có 1-2 bài tạp chí có chỉ số để dự tuyển và 3 bài tạp chí trong nước 0,75 điểm để làm đầu ra. Nếu là tiêu chí bình thường, thì nghiên cứu sinh cần trên dưới 10 bài tạp chí trong nước 0,5 đến 0,75 điểm, ngoài ra phải có công bố hội thảo khoa học quốc tế hoặc tạp chí quốc tế uy tín để chứng minh năng lực nghiên cứu ở trình độ tiến sĩ.
Cùng với đó, quy định tiêu chuẩn về NCKH ở các trường chính trị địa phương đối với cán bộ quản lý, giảng viên không có nhiều tính thách thức. Có thể trong thời gian đi học, nghiên cứu sinh sẽ nỗ lực đạt các tiêu chuẩn NCKH để hoàn thành bậc học. Nhưng khi quay trở lại nhà trường, có thể mất đi động lực trực tiếp làm NCKH hoặc không có điều kiện cần thiết để phát triển con đường nghiên cứu của mình. Ví dụ: để công bố một bài tạp chí quốc tế có uy tín cần nhiều công sức, thời gian và tiền bạc. Khi đã học xong, tiến sĩ ở trường chính trị địa phương có thể lựa chọn những hình thức công bố khác thay vì công bố quốc tế. Điều này có thể làm thui chột và lãng phí nguồn nhân lực chất lượng cao ở các trường chính trị địa phương.
Hoạt động NCKH tại trường cũng có những khó khăn, hạn chế như: ý thức NCKH trong mỗi giảng viên chưa thực sự trở thành nhu cầu tự thân; chất lượng các công bố khoa học chưa đồng đều; điều kiện phục vụ nghiên cứu mặc dù đã được cải thiện rất nhiều, nhưng vẫn còn ở mức thiếu so với yêu cầu; kinh phí đầu tư cho NCKH chưa cao; sự phối hợp giữa lý luận nhà trường và thực tiễn cơ sở còn hạn chế; các giảng viên có chuyên môn nhưng vẫn phải xử lý các thủ tục hành chính và tài chính với quá nhiều quy định, thủ tục. Cơ chế thu hút, ưu đãi giảng viên tham gia hoạt động NCKH chưa thực sự hiệu quả; sự liên kết giữa nhà trường với các cơ quan, đơn vị để tạo đầu ra cho nghiên cứu chưa mạnh; các đề tài ứng dụng có thể tạo ra sản phẩm cuối cùng để ứng dụng thực tế hoặc thương mại hóa chưa nhiều.
MỘT SỐ KIẾN NGHỊ
Từ thực tiễn hoạt động NCKH của các trường chính trị hiện nay, theo tác giả, việc thay đổi và nâng cao nhận thức về hoạt động NCKH tại các trường chính trị địa phương phù hợp với tình hình mới là cần thiết. Công tác NCKH cần phải trở thành một tiêu chí có sức nặng hơn trong tiêu chuẩn ưu tiên xem xét, đề bạt, bổ nhiệm, phân công công tác.
Bên cạnh đó, cần có đột phá trong các quy định về tài chính để cởi trói cho giảng viên, chú trọng đến sản phẩm, kết quả nghiên cứu, chuyển giao theo hình thức khoán sản phẩm hơn là đánh giá chi tiết các hoạt động, các mục chi. Việc khuyến khích lợi ích vật chất đối với các công bố khoa học là động lực thúc đẩy tính tích cực, tự giác phát triển năng lực NCKH của giảng viên trường chính trị địa phương. Bởi vì NCKH là một hoạt động đặc thù, không chỉ phụ thuộc vào việc tự ý thức nâng cao trình độ chuyên môn và gia tăng hàm lượng khoa học, thực tiễn vào bài giảng của giảng viên, mà còn phụ thuộc vào cơ chế, chính sách đối với các công trình, sản phẩm NCKH của giảng viên.
Thay vì thực hiện hoạt động NCKH theo cách truyền thống, các trường chính trị nên chuyển sang hình thức quản lý hoạt động NCKH theo hình thức hợp đồng khoán sản phẩm đầu ra và xây dựng quy định khen thưởng các công bố khoa học phù hợp với quy định tài chính hiện hành, nhất là các công bố có uy tín khoa học cao. Quy định khen thưởng các công bố khoa học đối với nhóm đối tượng giảng viên có chất lượng cao này có ý nghĩa quan trọng. Ngoài việc khuyến khích lợi ích vật chất, cơ chế khen thưởng các công bố khoa học sẽ tạo động lực để các giảng viên thuận lợi trong việc nâng cao trình độ ở bậc học cao hơn và tiếp tục theo đuổi hoạt động NCKH lâu dài sau khi đã hoàn thành việc học tập sau đại học, khuyến khích con đường NCKH của đội ngũ giảng viên. Điều này không chỉ giúp nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng của các trường chính trị mà còn góp phần tạo dựng lực lượng giảng viên nòng cốt có trình độ cao, đáp ứng xu hướng phấn đấu phát triển các trường chính trị địa phương lên chuẩn loại 1, loại 2.
Sau khi tham khảo nhiều công trình khoa học, tác giả đề xuất lựa chọn và phân loại công bố khoa học của cán bộ quản lý, giảng viên ở các trường chính trị như sau:
- Đối với đề tài, dự án khoa học và công nghệ cấp cơ sở theo sản phẩm đặt hàng công bố khoa học, ngoài báo cáo tổng kết đề tài, cần quy định hạn mức công bố tối thiểu các bài báo đăng tạp chí trong nước hoặc quốc tế uy tín.
- Đối với sản phẩm biên soạn tài liệu, cần quy định cụ thể về: sách biên dịch, sách chuyên khảo, giáo trình, sách tham khảo - chuyên đề, sách hướng dẫn học tập
- Đối với công bố khoa học dưới dạng bài báo tạp chí, hội thảo, cần đăng các bài NCKH như Bảng.
Bảng: Công bố khoa học dưới dạng bài báo tạp chí, hội thảo của cán bộ quản lý, giảng viên ở các trường chính trị
![]() |
Nguồn: Đề xuất của tác giả |
Các công bố này được xác định theo hình thức khoán sản phẩm và mức khen thưởng có thể được lựa chọn theo tình hình thực tế của từng trường và đúng với cơ chế tài chính theo quy định. Điều kiện để được thưởng các công bố khoa học này bao gồm:
- Chủ nhiệm đề tài, dự án phải là tác giả chính (tác giả đầu hoặc tác giả liên hệ) của bài báo được công bố. Ngoài ra, số lượng đồng tác giả trong bài báo là thành viên của trường chiếm từ 50% trở lên.
- Tác giả phải ghi rõ trong bài báo là được trường chính trị tỉnh/thành phố tài trợ kinh phí thực hiện ở phần lời cảm ơn. Các bài báo này (là sản phẩm khoa học được đăng ký trong đề tài, dự án) sẽ không được nhận tiền thưởng kết quả công bố khoa học.
- Tác giả chính được hưởng 1/3 số tiền thưởng theo quy định (trường hợp có nhiều người được xem là tác giả chính, 1/3 số tiền thưởng của công trình sẽ được chia đều cho các tác giả chính); số tiền thưởng còn lại của công trình được chia đều cho tất cả các đồng tác giả (kể cả tác giả chính).
- Đối với các đề tài, dự án đã được nghiệm thu, có sản phẩm công bố khoa học vượt định mức về số lượng hoặc chất lượng so với sản phẩm đã đăng ký trong thuyết minh đề cương và hợp đồng thì được trường thưởng khuyến khích thêm. Phòng Quản lý đào tạo và NCKH tham mưu cho lãnh đạo trường mức thưởng khuyến khích cụ thể đối với từng đề tài dựa trên chất lượng sản phẩm khoa học đã công bố.
KẾT LUẬN
Việc xây dựng quy định khen thưởng các công bố khoa học tại các trường chính trị hiện nay là một bước đi quan trọng để thúc đẩy NCKH và nâng cao chất lượng giảng dạy. NCKH giúp cung cấp động lực cho cán bộ quản lý, giảng viên tham gia vào hoạt động NCKH, đóng góp vào việc phát triển kiến thức và giải quyết các vấn đề quan trọng trong xã hội một cách khoa học. Khen thưởng các công bố khoa học có thể thúc đẩy việc nghiên cứu và cập nhật kiến thức, giúp đội ngũ giảng dạy truyền đạt thông tin chính xác và sáng tạo hơn trong quá trình giảng dạy; giải quyết các thách thức và vấn đề xã hội quan trọng, đóng góp vào việc thay đổi và cải thiện cuộc sống của cộng đồng địa phương.
Nghiên cứu này đã đưa ra những đề xuất có thể tham khảo để nâng cao hoạt động NCKH tại các trường chính trị. Theo đó, cần sự quan tâm, chỉ đạo, đánh giá, đối chiếu các quy định hiện hành của các cấp lãnh đạo và các ý tưởng khác hỗ trợ đồng bộ, thì quy định khen thưởng các công bố khoa học tại các trường chính trị mới có thể trở thành chính sách trong thực tế.
Tài liệu tham khảo:
1. Ban Bí thư (2021). Quy định số 11-QĐ/TW ngày 19/5/2021 về trường chính trị chuẩn.
2. Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (2021). Quyết định số 6468-QĐ/HVCTQG, ngày 21/12/2021 ban hành Quy chế Nghiên cứu khoa học của trường chính trị tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
3. Nguyễn Thị Hồng (2021). Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học tại trường Chính trị tỉnh Lai Châu. https://truongchinhtri.laichau.gov.vn/index.php/nghien-cuu-khoa-hoc/nang-cao-chat-luong-nghien-cuu-khoa-hoc-tai-truong-chinh-tri-tinh-lai-chau-1100.html
4. Lý Minh Thu (2020). Phát huy tính tích cực của giảng viên trong công tác nghiên cứu khoa học ở Trường Chính trị Hoàng Văn Thụ tỉnh Lạng Sơn. http://truongchinhtrils.vn/node/1298.
5. Quách Bé Xíu (2018). Vai trò của hoạt động nghiên cứu khoa học đối với giảng viên trẻ Trường Chính trị tỉnh Cà Mau. https://truongchinhtri.camau.gov.vn/wps/portal/?1dmy&page=ct.chitiet&urile=wcm%3Apath%3A/truongchinhchilibrary/truongchinhtrisite/trangchu/nghiencuukhoahoc/hoithaokhoahoc/qmnnmnmzmn.
Ngày nhận bài: 05/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 26/6/2025; Ngày duyệt đăng: 02/7/2025 |