Giải pháp tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo

Qua đánh giá thực trạng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) giai đoạn 2020-2024, nhóm tác giả đề xuất giải pháp nhằm tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị này trong giai đoạn 2025-2030.

Phạm Thái Ngọc

Khoa Kinh tế - Luật, Trường Đại học Đồng Tháp, Việt Nam

Nguyễn Sỹ Toàn

Học viên cao học, Trường Đại học Đồng Tháp, Việt Nam

Email: nguyensytoan1982@gmail.com

Tóm tắt

Tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong quá trình đổi mới, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập. Qua đánh giá thực trạng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo (Bà Rịa - Vũng Tàu) giai đoạn 2020-2024, cho thấy kết quả không đạt kế hoạch đã đề ra. Trên cơ sở nghiên cứu này, nhóm tác giả đề xuất giải pháp nhằm tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp của đơn vị này trong giai đoạn 2025-2030.

Từ khoá: tăng thu, hoạt động sự nghiệp, Vườn quốc gia Côn Đảo

Summary

Increasing revenue from public service activities is a key objective in the reform and quality improvement process of public service units. This study evaluates the current state of revenue generation from service activities at the Management Board of Con Dao National Park (Ba Ria – Vung Tau) during the period 2020–2024, revealing that the results did not meet the planned targets. Based on this analysis, the authors propose solutions to enhance the unit’s revenue from service activities for the period 2025–2030.

Keywords: Revenue enhancement, public service activities, Con Dao National Park

ĐẶT VẤN ĐỀ

Đổi mới, nâng cao chất lượng các đơn vị sự nghiệp công lập (ĐVSNCL) là chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước hiện nay và tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra. Là ĐVSNCL trực thuộc UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Ban Quản lý (BQL) Vườn quốc gia Côn Đảo cũng thực hiện cơ chế tài chính theo quy định chung đối với ĐVSNCL và lộ trình đổi mới ĐVSNCL của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Theo số liệu báo cáo tại Phương án tự chủ tài chính số 01/PA-VQG ngày 6/6/2023 và Báo cáo quyết toán tài chính giai đoạn từ năm 2020 đến năm 2024 của BQL Vườn quốc gia Côn Đảo, có thể thấy mức tự chủ chi thường xuyên không đạt so với kế hoạch đã giao (năm 2021, 2022, 2023 và 2024 chỉ đạt lần lượt 15%, 4%, 8%, 9% và 10%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch giao là 20%; chỉ có năm 2020 đạt 15% trên kế hoạch 15%).

Nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại BQL Vườn quốc gia Côn Đảo gồm thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh; thu từ dịch vụ thuê môi trường rừng; thu từ hoạt động kinh doanh, cho thuê tài sản công và Nhà nước không hạn chế tỷ lệ tăng thu đối với các nguồn thu này. Mặc dù BQL Vườn quốc gia Côn Đảo có nhiều tiềm năng lợi thế để phát triển nguồn thu hoạt động sự nghiệp, nhưng kết quả thu còn thấp, chưa tương xứng với tiềm năng. Các khung pháp lý đã được phê duyệt, nhưng kế hoạch triển khai thu hoạt động sự nghiệp của BQL Vườn quốc gia Côn Đảo còn manh mún, nhỏ lẻ, thực hiện theo năm mà chưa có tầm chiến lược dài hạn; chưa mạnh dạn đầu tư nguồn lực tài chính để phát triển…

Xuất phát từ thực tiễn trên, nghiên cứu này được thực hiện, từ đó đề xuất các giải pháp góp phần giúp BQL Vườn quốc gia Côn Đảo nâng cao nguồn thu sự nghiệp, từ đó nâng mức độ tự chủ tài chính, phấn đấu trở thành ĐVSNCL tự chủ hoàn toàn về tài chính.

CỞ SỞ LÝ LUẬN VÀ KHUNG PHÂN TÍCH

Cơ sở lý luận

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 3 Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ, “cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công” là các quy định về quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong việc thực hiện quy định về danh mục sự nghiệp công; giá, phí và lộ trình tính giá dịch vụ sự nghiệp công; phân loại mức độ tự chủ tài chính; tự chủ sử dụng nguồn tài chính; tự chủ trong hoạt động liên doanh, liên kết; quản lý, sử dụng tài sản công và các quy định khác có liên quan.

Khung phân tích nguồn thu hoạt động sự nghiệp

Theo Bùi Thị Minh và cộng sự (2024), để nâng cao mức độ tự chủ tài chính, các Vườn quốc gia cần đánh giá thực trạng nguồn thu thực tế, từ đó đưa ra các chiến lược hiệu quả. Theo báo cáo quyết toán tài chính từ năm 2020 đến năm 2024, nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Vườn quốc gia Côn Đảo gồm: thu yến sào tự nhiên; thu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của đơn vị; thu từ cho thuê, kinh doanh tài sản công theo đề án được cấp thẩm quyền phê duyệt; nguồn thu từ dịch vụ thuê môi trường rừng. Do đó, nhóm tác giả đánh giá thực trạng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Vườn quốc gia Côn Đảo sẽ tập trung vào các nguồn thu kể trên.

ĐÁNH GIÁ THỰC TRẠNG NGUỒN THU HOẠT ĐỘNG SỰ NGHIỆP TẠI VƯỜN QUỐC GIA CÔN ĐẢO GIAI ĐOẠN 2020-2024

Thống kê khách tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo

Số lượng khách tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo có xu hướng tăng dần, năm 2024 tăng 11.262 khách so với năm 2023. Đặc biệt, lượng khách nước ngoài tăng mạnh, chỉ riêng năm 2024 đã tăng 5.335 người so với tổng lượng khách của 4 năm 2020-2023 (10.124 khách). Tuy nhiên, Hình 1 cho thấy có sự chênh lệch rất lớn giữa khách tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo so với tổng số khách tham quan di tích lịch sử và so với tổng lượng khách đến Côn Đảo. Việc thu hút không quá 10% lượng khách đến tham quan Côn Đảo vào tham quan Vườn Quốc gia Côn Đảo là vấn đề rất lớn đặt ra cho những người tổ chức du lịch sinh thái trong Vườn quốc gia Côn Đảo.

Hình 1: Khách tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo 2020-2024 so với khách đến Côn Đảo và tham quan di tích lịch sử

Giải pháp tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo
Nguồn: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo

Kết quả hoạt động các nguồn thu sự nghiệp tại Vườn quốc gia Côn Đảo

Kết quả hoạt động thu sự nghiệp năm 2020

Năm 2020, nguồn thu sự nghiệp của BQL Vườn quốc gia Côn Đảo không lớn, chỉ khoảng 5,5 tỷ đồng và chủ yếu từ 4 nguồn thu là: yến sào, dịch vụ du lịch sinh thái, cho thuê và kinh doanh tài sản, thu hợp đồng điều tra hiện trạng rừng.

Hình 2: Tỷ lệ doanh thu các nguồn sự nghiệp trong tổng thu năm 2020

Hình 3: Tỷ lệ lợi nhuận các nguồn sự nghiệp trong tổng lợi nhuận năm 2020

Nguồn: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo

Kết quả hoạt động thu sự nghiệp năm 2021

Năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, nguồn thu hoạt động sự nghiệp của BQL Vườn quốc gia Côn Đảo giảm mạnh, chỉ đạt 2,9 tỷ đồng (giảm 53% so với năm 2020). Các nguồn thu sự nghiệp khác giảm do ảnh hưởng dịch bệnh là bất khả kháng, nhưng nguồn thu yến sào giảm mạnh (giảm 700 triệu đồng so với năm 2020) là vấn đề đáng quan tâm.

Hình 4: Tỷ lệ doanh thu các nguồn sự nghiệp trong tổng thu năm 2021

Hình 5: Tỷ lệ lợi nhuận các nguồn sự nghiệp trong tổng lợi nhuận năm 2021

Nguồn: BQL Vườn Quốc Gia Côn Đảo

Kết quả hoạt động thu sự nghiệp năm 2022

Năm 2022, nguồn thu sự nghiệp có dấu hiệu tăng trở lại sau đại dịch COVID-19, tăng hơn năm 2021 khoảng 500 triệu đồng, nhưng cũng chỉ đạt khoảng 61% so với năm 2020. Nguồn thu từ yến sào chưa có dấu hiệu tăng trở lại, chỉ tương đương mức thu năm 2020; thu điều tra hiện trạng rừng giảm nhiều so với các năm trước (chỉ bằng 6,6% so với năm 2020 và bằng 15% so với năm 2021), cho thấy đây là nguồn thu mang tình thời vụ, không bền vững, phụ thuộc và việc có nhà đầu tư thuê điều tra hay không, BQL Vườn quốc gia Côn Đảo không chủ động được nguồn thu này.

Hình 6: Tỷ lệ doanh thu các nguồn sự nghiệp trong tổng thu năm 2022

Hình 7: Tỷ lệ lợi nhuận các nguồn sự nghiệp trong tổng lợi nhuận năm 2022

Nguồn: BQL Vườn Quốc Gia Côn Đảo

Kết quả hoạt động thu sự nghiệp năm 2023

Năm 2023, tổng các nguồn thu hoạt động sự nghiệp tăng không nhiều so với năm 2022 (chỉ tăng 780 triệu đồng). Mức tăng này chủ yếu đến từ phát sinh thu đột xuất nguồn thu khác 495 triệu đồng. Về mặt tổng quan, nguồn thu sự nghiệp năm 2023 tương đương năm 2022, Vườn quốc gia Côn Đảo chưa có giải pháp phù hợp để tăng nguồn thu.

Hình 8: Tỷ lệ doanh thu các nguồn sự nghiệp trong tổng thu năm 2023

Hình 9: Tỷ lệ lợi nhuận các nguồn sự nghiệp trong tổng lợi nhuận năm 2023

Nguồn: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo

Kết quả hoạt động thu sự nghiệp năm 2024

Năm 2024, tổng thu hoạt động sự nghiệp tăng hơn khoảng 500 triệu đồng so với năm 2023, chủ yếu từ dịch vụ du lịch sinh thái và cho thuê tài sản. Điểm sáng năm 2024 chính là tỷ lệ lợi nhuận du lịch sinh thái tăng hơn so với năm trước (thu du lịch sinh thái chiếm 33,8% tổng doanh thu, nhưng lợi nhuận chiếm 44,9% doanh thu). Nhìn chung, đến năm 2024, thu hoạt động sự nghiệp của Vườn quốc gia Côn Đảo chưa có dấu hiệu khởi sắc mạnh mẽ, thậm chí mức thu năm 2024 là 4.692 triệu đồng còn thấp hơn năm 2020 là 5.588 triệu đồng.

Hình 10: Tỷ lệ doanh thu các nguồn sự nghiệp trong tổng thu năm 2024

Hình 11: Tỷ lệ lợi nhuận các nguồn sự nghiệp trong tổng lợi nhuận năm 2024

Nguồn: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo

Đánh giá chung

Hình 12: Doanh thu theo các hoạt động sự nghiệp năm 2020-2024

Giải pháp tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại Ban Quản lý Vườn quốc gia Côn Đảo
Nguồn: BQL Vườn quốc gia Côn Đảo

Trong tổng doanh thu hoạt động sự nghiệp của BQL Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn 5 năm (2020-2024), doanh thu từ yến sào, du lịch sinh thái, cho thuê và kinh doanh tài sản chiếm tỷ lệ cao nhất. Mặc dù tiềm năng phát triển nguồn thu hoạt động sự nghiệp của Vườn quốc gia Côn Đảo rất đa dạng và phong phú, nhưng nhìn chung vẫn chưa thực sự phát triển, thiếu điểm đến du lịch có tính đặc trưng cao, đẳng cấp chất lượng. Các hoạt động du lịch mới chỉ dựa vào thiên nhiên; việc tôn tạo, cải tạo, xây dựng thành những điểm du lịch chuẩn mực, cao cấp chưa thực hiện được.

Do vậy để tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp, BQL Vườn quốc gia Côn Đảo cần tập trung thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ từ con người, chất lượng, sản phẩm dịch vụ, cơ sở hạ tầng và cần đặc biệt tập trung vào những nguồn thu lợi thế đặc thù của Vườn quốc gia Côn Đảo. Nghiên cứu đã phỏng vấn các chuyên gia thuộc các công ty lữ hành du lịch, nhà đầu tư thuê môi trường rừng để đề xuất các giải pháp dưới đây.

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP

Nhằm tăng nguồn thu hoạt động sự nghiệp tại BQL Vườn quốc gia Côn Đảo giai đoạn đến năm 2030, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Cơ cấu tổ chức lại bộ máy, tăng cường nguồn nhân sự có trình độ về du lịch sinh thái

BQL Vườn quốc gia Côn Đảo cần tập trung đào tạo cán bộ có trình độ chuyên môn, kỹ năng du lịch bài bản tại các cơ sở đạo chuyên ngành về du lịch để làm nòng cốt tổ chức các hoạt động du lịch, đồng thời tham mưu cho BQL về chiến lược và giải pháp phát triển du lịch một cách hiệu quả, lâu dài, bền vững. Bên cạnh đó, BQL cần thường xuyên tổ chức kiểm tra kiến thức định kỳ nhân viên làm du lịch ở Vườn quốc gia Côn Đảo, đảm bảo đội ngũ này có nền kiến thức, sự hiểu biết về giá trị, chức năng, đặc điểm của các hệ sinh thái, tài nguyên thiên nhiên và kiến thức về du lịch để xây dựng các sản phẩm du lịch sinh thái; biết cách tạo sự hấp dẫn và thu hút khách du lịch, quảng bá, tiếp thị du lịch.

Tạo sự đa dạng sản phẩm du lịch sinh thái, đặc biệt chú trọng vào sản phẩm du lịch đặc thù

Điều kiện tự nhiên của Vườn quốc gia Côn Đảo là lợi thế rất lớn để tổ chức các dịch vụ du lịch sinh thái đa dạng và đặc thù. Do vậy các cuyên gia đề xuất BQL Vườn quốc gia cần tập trung vào sản phẩm du lịch đặc trưng như: trải nghiệm xem rùa biển đẻ trứng và thả rùa con về biển; tham quan, khám phá và chụp hình các đảo nhỏ; trải nghiệm khám phá và chụp hình chim Nicobar tại Hòn Tre Lớn; trecking khám phá hệ sinh thái rừng ban ngày; xem các loài động vật rừng kiếm ăn ban đêm; cắm trại đêm; thiết kế tour du lịch trọn gói cung cấp cho du khách những trải nghiệm đầy đủ thông qua sự kết hợp các loại hình sản phẩm trên.

Tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo

Trong thời gian tới, cần tiếp tục tăng cường quảng bá sản phẩm du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo. Trong đó, BQL cần chú trọng vào các hoạt động sau:

- Xây dựng cơ sở dữ liệu hệ sinh thái rừng để giới thiệu, giúp du khách nâng cao hiểu biết về môi trường tự nhiên, qua đó tạo sự thích thú khám phá du lịch thiên nhiên Vườn quốc gia Côn Đảo.

- Tăng cường quảng bá hình ảnh Vườn quốc gia Côn Đảo thông qua các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram, YouTube, Tiktok. Xây dựng các chiến dịch quảng cáo trực tuyến để thu hút du khách trẻ tuổi.

- Thiết lập quan hệ hợp tác với các công ty du lịch để đưa Vườn quốc gia Côn Đảo vào các tour du lịch phổ biến.

Thực hiện các giải pháp tăng sản lượng yến sào trở lại

Chuyên gia đề xuất thực hiện đồng bộ tốt từ khâu bảo vệ, thu hoạch, sơ chế, phân loại, đóng gói, bảo quản sản phẩm và chủ động được kỹ thuật quản lý phát triển yến hàng và khai thác yến sào tại Vườn quốc gia Côn Đảo. Như vậy, BQL Vườn quốc gia cần bố trí công nhân bảo vệ 24/24 giờ để canh gác bảo vệ yến, xua đuổi và diệt thiên địch tấn công chim yến tại các hang. Sau khi thu hoạch yến hàng năm phải tiến hành dọn dẹp, vệ sinh, cải tạo lòng hang, chống thấm, chống dột...; đồng thời tiếp tục đầu tư, sửa chữa cơ sở vật chất (chòi canh, vọng gác, đường đi lại, hồ nước, phương tiện, dụng cụ...) phục vụ cho công tác bảo vệ yến.

Cải thiện cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện phát triển du lịch

BQL Vườn quốc gia Côn Đảo cần tiếp tục nghiên cứu kết hợp nguồn kinh phí ngân sách, nguồn kinh phí thu phí tham quan Vườn quốc gia, nguồn quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp để xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp giữa nhiệm vụ chuyên môn và phát triển du lịch sinh thái, điển hình như:

- Triển khai dự án sửa chữa hệ thống điện năng lượng mặt trời tại các trạm bảo vệ rừng ở đảo nhỏ; thay hệ thống bình ắc quy phổ thông bằng bình tích điện thể hệ mới để nâng công suất điện từ 5Kw - 7Kw lên thành 20Kw - 25Kw mỗi trạm.

- Xây dựng thêm và bảo dưỡng, cải tạo các tuyến đường mòn du lịch sinh thái trong rừng, để phát triển tour du lịch trải nghiệm rừng tự nhiên của Vườn quốc gia và các bãi biển tại trạm ở đảo trung tâm Côn Sơn. Đây cũng là giải pháp tour hiệu quả khi Côn Đảo vào mùa gió chướng không thể đi ca nô tham quan các đảo nhỏ trên biển.

- Nghiên cứu, xây dựng, tạo mô hình đặc trưng; cải tạo những điểm thiên nhiên cảnh quan tiêu biểu tạo điểm nhấn cho du khách khi tham quan Vườn quốc gia Côn Đảo. Phải tạo ra được sản phẩm có hiệu ứng mạnh, để du khách đến đến Côn Đảo nhất định phải đến tham quan, chụp hình tại Vườn quốc gia.

- Nghiên cứu bổ sung nội dung liên doanh, liên kết để đẩy mạnh thu hút nguồn vốn đầu tư từ các doanh nghiệp hợp tác phát triển du lịch vào Đề án du lịch sinh thái Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.

Tài liệu tham khảo:

1. Bộ Tài chính (2017). Thông tư số 145/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 hướng dẫn cơ chế tài chính của ĐVSNCL theo Nghị định số 141/2016/NĐ-CP.

2. Bộ Tài chính (2022). Thông tư số 56/2022/TT-BTC ngày 16/9/2022 hướng dẫn một số nội dung về cơ chế tự chủ tài chính của ĐVSNCL; xử lý tài sản, tài chính khi tổ chức lại, giải thể ĐVSNCL.

3. Bùi Thị Minh, N., Đào Lan, P., & Nguyễn Thị Hồng, T. (2024). Tự chủ tài chính tại các vườn quốc gia trực thuộc bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn: Thực trạng và giải pháp. Tạp chí Kinh tế và Phát triển, (324), 78-87. https://js.ktpt.edu.vn/index.php/jed/article/view/1725

4. Chính phủ (2016). Nghị định số 141/2016/NĐ-CP ngày 10/10/2016 quy định cơ chế tự chủ của ĐVSNCL trong lĩnh vực sự nghiệp kinh tế và sự nghiệp khác.

5. Chính phủ (2021). Nghị định số 60/2021/NĐ-CP ngày 21/6/2021 quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công.

6. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2018). Quyết định số 1770/QĐ-UBND ngày 6/7/2018 phê duyệt kết quả tư vấn sắp xếp, đổi mới cơ chế hoạt động của 72 ĐVSNCL cấp tỉnh giai đoạn 2018 - 2021.

7. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2019). Quyết định số 3015/QĐ-UBND ngày 1/11/2019 quy định vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của BQL Vườn quốc gia Côn Đảo.

8. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2021). Quyết định số 2561/QĐ-UBND ngày 30/8/2021 về việc ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 60/2021/NĐ- CP ngày 21/6/2021 của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ tài chính của đơn vị sự nghiệp công trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

9. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2021). Quyết định số 3779/QĐ-UBND ngày 9/11/2021 phê duyệt Đề án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.

10. UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (2024). Quyết định số 1668/QĐ-UBND ngày 18/6/2024 phê duyệt Phương án quản lý rừng bền vững Vườn quốc gia Côn Đảo đến năm 2030.

Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 02/7/2025; Ngày duyệt đăng: 03/7/2025