Vì sao Ukraine "bồn chồn" trước kịch bản ông Trump và ông Putin gặp nhau?

() - Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố muốn gặp người đồng cấp Nga Vladimir Putin càng sớm càng tốt dường như đang gây ra áp lực vô hình lên Ukraine.
Vì sao Ukraine bồn chồn trước kịch bản ông Trump và ông Putin gặp nhau? - 1

Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Nga Vladimir Putin gặp nhau năm 2017 (Ảnh: AFP).

Tổng thống Nga Vladimir Putin dường như đang tiến gần đến mục tiêu mà ông mong muốn.  

Theo Telegraph, các lãnh đạo châu Âu từng kỳ vọng việc ông Putin không tham dự các cuộc đàm phán hòa bình với Ukraine ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ khiến Tổng thống Mỹ Donald Trump mất kiên nhẫn.

Nhưng thực tế đã diễn ra hoàn toàn ngược lại. Thay vì cùng các đồng minh phương Tây gia tăng áp lực lên Nga, Tổng thống Trump đã có một động thái gây bất ngờ khi nói rằng tiến trình hòa đàm sẽ chỉ có đột phá nếu ông gặp ông Putin trực tiếp.

"Chẳng có chuyện gì xảy ra đâu cho đến khi tôi và ông Putin gặp mặt", ông Trump tuyên bố ngay trước thềm cuộc gặp của Nga - Ukraine ở Istanbul, cuộc trao đổi trực tiếp đầu tiên sau 3 năm giữa 2 nước.

Sau đó, ông Trump tuyên bố muốn gặp ông Putin càng sớm càng tốt.

Các chuyên gia nhận định, lời đề nghị của ông Trump có thể phát thông điệp tới Nga rằng, họ rõ ràng có lợi thế hơn so với Ukraine trên bàn đàm phán.

Trong mắt ông Putin, cuộc gặp trực tiếp với Tổng thống Mỹ - một cuộc gặp mà Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky sẽ không được mời - được cho sẽ củng cố vị thế cường quốc của Nga. Nó gợi nhớ đến các hội nghị thượng đỉnh thời Chiến tranh Lạnh, khi Liên Xô và Mỹ gặp nhau như hai thế lực ngang hàng để bàn chuyện vận mệnh thế giới.

Và đây cũng chính là kịch bản khiến sẽ khiến giới chức Ukraine lo ngại. Trong một cuộc gặp như vậy, ông Putin sẽ nêu ra quan điểm một cách rõ ràng với ông Trump, trong khi Ukraine không được góp tiếng nói.

Ukraine từng lên tiếng rằng, những cuộc họp liên quan tới vận mệnh và tương lai của nước này cần có sự tham gia của Kiev. Nhưng nếu cuộc gặp chỉ có lãnh đạo Nga và Mỹ có thể sẽ dẫn tới những thỏa thuận giữa 2 cường quốc. Ukraine lúc này có thể bị rơi vào thế "chuyện đã rồi" và cuối cùng phải chấp nhận dưới sức ép.

Theo logic của ông Trump, cách duy nhất để hiểu ông Putin muốn gì và sẵn sàng nhượng bộ đến đâu là phải nói chuyện trực tiếp với nhà lãnh đạo Nga.

"Chúng tôi sẽ gặp nhau, và tôi nghĩ chúng tôi sẽ giải quyết được chuyện này hoặc cũng có thể không. Nhưng ít nhất thì chúng tôi sẽ biết điều đó có được không", ông Trump nói.

Ngoài Ukraine, các lãnh đạo châu Âu dường như cũng bất ngờ với diễn biến này. Họ từng kỳ vọng Mỹ, đồng minh lâu năm, sẽ cứng rắn hơn, nhưng ông Trump đang chọn cách tiếp cận khác với những phát biểu cảnh báo mà họ từng đưa ra trước đó.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết EU đang chuẩn bị vòng trừng phạt thứ 18 đối với Nga, bổ sung vào gói trừng phạt đã được thông qua trong tuần này.

Tuy nhiên, câu hỏi là nếu thiếu các động thái mạnh mẽ của Mỹ, châu Âu có thể gây áp lực tới đâu lên Nga.  

Trong khi ông Trump nói muốn gặp ông Putin "ngay khi có thể sắp xếp", thì Nga vẫn tỏ ra thận trọng chiến lược, khi dường như mọi thứ vẫn như họ tính toán.

Người phát ngôn của ông Putin, ông Dmitry Peskov, đã nhanh chóng gọi đây là một "hội nghị thượng đỉnh", đồng thời nhấn mạnh "tầm quan trọng của sự kiện này không thể bị đánh giá thấp".

Tuy nhiên, ông Peskov cũng cảnh báo rằng sẽ không có cuộc gặp nào diễn ra sớm, và cần "công tác chuẩn bị kỹ lưỡng và kéo dài" trước khi hai nhà lãnh đạo có thể ngồi với nhau.

Hệ quả đầu tiên chính là cuộc đàm phán hòa bình tại Istanbul - vốn được kỳ vọng sẽ tạo ra bước ngoặt - nay trở thành một sự kiện không có nhiều ý nghĩa.

Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio thậm chí còn dự báo trước thất bại này. Trước khi các cuộc thương lượng bắt đầu, ông đã phát biểu rằng ông "không nghĩ có điều gì mang tính xây dựng sẽ thực sự xảy ra".