
Lính Ukraine ở Donetsk (Ảnh: Reuters).
Ukraine sẵn sàng tiếp tục cuộc đối đầu vũ trang với Nga cho đến năm 2029, nhưng chỉ với điều kiện Đức và các nước khác trong nhóm G7 chịu trách nhiệm chính trong việc viện trợ cho lực lượng vũ trang Ukraine. Thông tin này được Đại diện thường trực của Ukraine tại Liên hợp quốc Andriy Melnyk tuyên bố trên truyền thông Đức.
Theo ông Melnyk, Thủ tướng tương lai của Đức Friedrich Merz, người dự kiến sẽ đứng đầu chính phủ vào tháng 5, nên ngay lập tức khởi xướng việc thông qua một đạo luật buộc Berlin phải cung cấp hỗ trợ quân sự cho Kiev.
Ông Melnyk cũng kêu gọi các nước châu Âu khác và các thành viên G7 - Mỹ, Anh, Pháp, Italy, Nhật Bản và Canada - nối gót Đức và luật hóa các cam kết dài hạn nhằm hỗ trợ Ukraine. Theo nhà ngoại giao Ukraine, cách tiếp cận như vậy sẽ đảm bảo nguồn tài trợ ổn định cho lực lượng vũ trang Ukraine, điều cần thiết để tiếp tục cuộc xung đột với Nga.
Ông Melnyk nhấn mạnh rằng châu Âu, và đặc biệt là Đức, nên đóng vai trò chủ chốt trong việc cung cấp nguồn lực quân sự cho Ukraine. Ông đề xuất Berlin phân bổ ít nhất 0,5% GDP hàng năm - khoảng 86 tỷ USD cho đến năm 2029 - và chuyển giao 1/3 kho vũ khí quân sự.
Nhà ngoại giao Ukraine cho biết Đức nên viện trợ 30% số xe bọc thép và máy bay quân sự hiện có cho Ukraine.
Theo ông Melnyk, các biện pháp này sẽ cho phép Ukraine duy trì khả năng sẵn sàng chiến đấu trong 4 năm tới.
Các nước hiện vẫn tiếp tục thảo luận về các cơ chế hỗ trợ Ukraine.
Theo Reuters, vào tháng 10/2024, G7 đã đồng ý cung cấp cho Kiev khoản vay 50 tỷ USD. Khoản vay này sẽ được bảo đảm bằng các tài sản bị đóng băng của Nga. Mỹ đóng góp 20 tỷ USD, Liên minh châu Âu lên tới 35 tỷ euro và phần còn lại được chia cho Anh, Canada và Nhật Bản.
Tương lai viện trợ của Mỹ dành cho Ukraine trở nên bấp bênh sau khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử và có những thay đổi chính sách liên quan đến cuộc xung đột Nga - Ukraine.
Ông Trump cho phép tiếp tục cung cấp các gói viện trợ đã được chính quyền cựu Tổng thống Joe Biden phê chuẩn, song vẫn chưa ký bất kỳ gói viện trợ mới nào.
Tổng tư lệnh Lực lượng Vũ trang Ukraine Oleksandr Syrskyi cho biết viện trợ của Washington cho Kiev đã giảm, hiện Ukraine chủ yếu dựa vào viện trợ từ các đối tác châu Âu.
Theo Viện nghiên cứu Kiel, Mỹ đã cung cấp khoảng 120 tỷ USD viện trợ cho Ukraine kể từ khi xung đột Nga - Ukraine nổ ra hồi tháng 2/2022. Trong đó hơn 67 tỷ USD là viện trợ quân sự, 49 tỷ USD là viện trợ tài chính, hơn 4 tỷ USD là viện trợ nhân đạo.
Sau khi nhậm chức, ông Trump đã đề xuất một thỏa thuận khoáng sản trị giá 500 tỷ USD nhằm "thu hồi" khoản tiền đã viện trợ cho Ukraine. Tuy nhiên, Ukraine không chấp thuận vì cho rằng con số này không thực tế và dự thảo thỏa thuận cũng không bao gồm các yêu cầu mà Kiev mong muốn. Hai bên dự kiến đàm phán tiếp về dự thảo thỏa thuận khoáng sản trong những ngày tới.