Sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiếp cận thực tế nghề nghiệp: Cơ hội và thách thức

Nghiên cứu này nhằm phân tích thực trạng sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, làm rõ cơ hội và thách thức dưới góc nhìn của sinh viên và doanh nghiệp, từ đó gợi ý các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics.

ThS. Đặng Thành Luân

Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Văn Hiến

Email: luandt@vhu.edu.vn

ThS. Trương Thị Thanh Nga

Khoa Kinh tế - Quản trị, Trường Đại học Văn Hiến

Tóm tắt

Thị trường dịch vụ logistics Việt Nam đang ngày càng phát triển mạnh mẽ, tuy nhiên nguồn lao động logistics chưa đáp ứng nhu cầu phát triển của thị trường và công nghệ. Nghiên cứu này phân tích thực trạng để làm rõ cơ hội và thách thức trong quá trình sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiếp cận môi trường làm việc thực tế, dưới cả 2 góc nhìn của sinh viên và doanh nghiệp. Qua đó, nghiên cứu đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao khả năng tiếp cận thực tế nghề nghiệp cho sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Từ khóa: Logistics, quản lý chuỗi cung ứng, thực tế nghề nghiệp

Summary

Vietnam's logistics service market is experiencing rapid growth; however, the logistics workforce has yet to meet the demands of market expansion and technological advancement. This study examines the current state of student engagement with real-world working environments in the field of Logistics and supply Chain Management, considering perspectives from both students and enterprises. Based on the findings, the study proposes several solutions to enhance students' practical career readiness in the field of Logistics and supply chain management.

Keywords: Logistics, supply chain management, career readiness

GIỚI THIỆU

Tại Việt Nam, logistics và quản lý chuỗi cung ứng đang nổi lên như một lĩnh vực dịch vụ quan trọng với tốc độ tăng trưởng nhanh, bình quân 14-16%/năm và quy mô thị trường đạt khoảng 40-42 tỷ USD. Theo bảng xếp hạng Agility 2024, Việt Nam được xếp hạng 10/50 thị trường logistics mới nổi toàn cầu. Thị trường thương mại điện tử ước tính đạt 35 tỷ USD vào năm 2025 tạo nhu cầu lớn về các dịch vụ logistics. Sự phát triển mạnh mẽ này sẽ kéo theo nhu cầu nhân lực từ khoảng 1,2 triệu người lên 2,5 triệu người vào năm 2030 (Bộ Công Thương, 2024).

Hiện nay, Việt Nam có trên 59 trường đại học tuyển sinh và đào tạo về logistics cùng hơn 50 cơ sở đào tạo có đào tạo ngành/lĩnh vực nhân lực logistics và quản lý chuỗi cung ứng, với mục tiêu đào tạo khoảng 10.000 nhân lực logistics có tay nghề cao mỗi năm. Tuy nhiên, mặc dù số lượng sinh viên logistics tốt nghiệp ngày càng tăng, song các doanh nghiệp vẫn phản ánh tình trạng thiếu hụt nhân lực có chất lượng cao. Khảo sát của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ logistics Việt Nam (VLA) năm 2024 cho thấy, chỉ 4% nhân lực thông thạo tiếng Anh, 30% doanh nghiệp phải đào tạo lại nhân viên; có đến 60-80% doanh nghiệp đánh giá năng lực nhân sự logistics chỉ ở mức trung bình hoặc thấp. Phần lớn doanh nghiệp phải tự đào tạo bổ sung qua công việc thực tế, thậm chí một số tập đoàn lớn phải lập trung tâm đào tạo nội bộ riêng về logistics và chuỗi cung ứng. Từ góc độ doanh nghiệp cho thấy, việc tuyển dụng nhân sự đúng chuyên ngành rất khó; đồng thời, chương trình đào tạo hiện nay còn chưa gắn liền với thực tiễn, chủ yếu là học lý thuyết khô khan. Chính vì vậy, nhiều sinh viên mới ra trường không thể thực hiện được những nghiệp vụ cơ bản.

Nghiên cứu này nhằm phân tích thực trạng sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiếp cận với môi trường làm việc thực tế, làm rõ cơ hội và thách thức dưới góc nhìn của sinh viên và doanh nghiệp, từ đó gợi ý các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực logistics.

THỰC TRẠNG ĐÀO TẠO VÀ TIẾP CẬN THỰC TẾ CỦA SINH VIÊN

Để đánh giá thực trạng đào tạo và tiếp cận thực tế của sinh viên, nghiên cứu sử dụng phương pháp định tính dựa trên nguồn dữ liệu thứ cấp được tổng hợp từ các báo cáo tình hình logistics Việt Nam, tình hình đào tạo, nhu cầu lao động đối với nhân lực logistics. Kết quả nghiên cứu cho thấy bức tranh tổng quan về đào tạo nhân lực logistics ở Việt Nam đang có nhiều chuyển biến tích cực, nhưng vẫn tồn tại khoảng cách lớn giữa nhà trường và doanh nghiệp.

Bên cạnh chương trình chính quy, nhiều trường đại học và cơ sở đào tạo nghề tại Việt Nam đã triển khai các khóa học ngắn hạn và chương trình chuyên sâu về logistics, kết hợp chặt chẽ với doanh nghiệp nhằm tăng cường kỹ năng thực hành cho người học, tiêu biểu như: Đại học Kinh tế Quốc dân, Trường Đại học Ngoại thương, Trường Đại học Giao thông vận tải, Trường Đại học Thương mại, Trường Đại học Hàng hải Việt Nam và Trường Đại học Thăng Long… Ngoài ra, các chương trình hợp tác quốc tế do Bộ Công Thương và Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam (VALOMA) tổ chức đã mở rộng cơ hội trao đổi học thuật, thực tập tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore cho học viên; đồng thời phát triển nhiều khóa đào tạo ngắn hạn về quản lý chuỗi cung ứng, vận tải đa phương thức và logistics xanh.

Trong giai đoạn 2022-2024, hơn 1.000 học viên đã hoàn thành chương trình Quản lý giao nhận vận tải quốc tế (FIATA Diploma in Freight Forwarding - FD) và Văn bằng quốc tế về Logistics và quản trị chuỗi cung ứng (FIATA Higher Diploma in Supply Chain Management - FHD) do VLA hợp tác triển khai. Chương trình doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (nay là Bộ Tài chính) tài trợ đã tổ chức 12 khóa đào tạo với 240 học viên. Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) cũng thực hiện các khóa đào tạo tại chỗ, đào tạo chính thức hơn 300 học viên vào năm 2022, 97 học viên ngắn hạn cùng 132 học viên nội bộ vào năm 2023.

Giai đoạn 2023-2024 ghi nhận sự mở rộng đào tạo logistics tại Việt Nam, khi nhu cầu chuyên gia logistics gia tăng mạnh nhờ hội nhập kinh tế toàn cầu và sự phát triển của thương mại điện tử. Sinh viên được đào tạo lý thuyết kết hợp thực hành tại các doanh nghiệp lớn như VinFast và Thế giới di động. Nhiều chương trình liên kết quốc tế được triển khai (như chương trình cử nhân thương mại ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng giữa Trường Đại học Ngoại thương và Đại học Curti - Australia) cũng như gắn kết trường - doanh nghiệp (như Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh hợp tác với Tập đoàn Đèo Cả thành lập Viện Nghiên cứu - Đào tạo Đèo Cả - DCI). Ngoài ra, sinh viên cũng được tiếp cận các công nghệ hiện đại như phần mềm quản lý kho và công cụ phân tích dữ liệu ngay trong quá trình học tập.

Bên cạnh đó, sinh viên năm cuối các trường đại học thường được yêu cầu tham gia thực tập tại doanh nghiệp (4-6 tháng) và cuối các năm học đều có cơ hội được kiến tập (2-3 tháng) để tích lũy kinh nghiệm, hình dung môi trường làm việc, để không bị bỡ ngỡ khi ra làm việc. Thực tế cho thấy, những sinh viên tích cực tham gia thực tập hoặc kiến tập thường tự tin và thích nghi nhanh hơn khi tuyển dụng vào các công ty logistics. Đây chính là cơ hội lớn để sinh viên rút ngắn khoảng cách giữa lý thuyết và thực hành.

Mặc dù vậy, so với nhu cầu hàng trăm nghìn lao động mỗi năm, thực tế cho thấy, đóng góp của các cơ sở đào tạo chính quy hiện vẫn chưa đáp ứng đủ về số lượng, dẫn tới tình trạng thiếu hụt lao động có chuyên môn trong nhiều mảng của chuỗi cung ứng. Khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển TP. Hồ Chí Minh cho thấy, 53,3% doanh nghiệp logistics thiếu nhân viên có trình độ và kiến thức về logistics, chỉ có 5-7% được đào tạo bài bản và chỉ có 6,7% doanh nghiệp hài lòng với trình độ chuyên môn của nhân viên. Điều này phản ánh nhu cầu cấp thiết về việc nâng cao chất lượng đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong Ngành.

CƠ HỘI VÀ THÁCH THỨC TRONG TIẾP CẬN THỰC TẾ NGHỀ NGHIỆP CỦA SINH VIÊN

Cơ hội

Qua phân tích thực trạng trên cho thấy một số cơ hội giúp tăng cường sự tiếp cận thực tiễn nghề nghiệp cho sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng; đồng thời mang lại lợi ích cho doanh nghiệp trong việc phát triển nguồn nhân lực. Cụ thể như sau:

Thứ nhất, nhu cầu nhân lực cao, cơ hội việc làm rộng mở. Ngành Logistics Việt Nam hiện đang thiếu nhân lực ở mọi cấp độ, từ lao động vận hành đến nhân viên quản lý chuỗi cung ứng. Số liệu Bộ Công Thương (2024) cho thấy, 50% doanh nghiệp được khảo sát có nhu cầu tuyển thêm 15-20% nhân viên. So với nhiều ngành khác, tỷ lệ sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng ra trường có việc làm đúng ngành khá cao, nhất là những sinh viên tham gia mô hình đào tạo do doanh nghiệp dẫn dắt. Điển hình như Trường Cao đẳng Hàng hải I ghi nhận 100% sinh viên tham gia Chương trình hợp tác phát triển nguồn nhân lực giữa Australia và Việt Nam (Chương trình Aus4Skills) có việc làm ngay sau tốt nghiệp.

Thứ hai, chủ trương tăng cường gắn kết nhà trường - doanh nghiệp, hoàn thiện mô hình đào tạo nghề nghiệp do doanh nghiệp dẫn dắt đang được khuyến khích, với sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế như Chương trình Aus4Skills. Điều này mở ra cơ hội cho sinh viên được học tập trong môi trường thực tiễn nhiều hơn, đồng thời doanh nghiệp cũng hưởng lợi khi tham gia đào tạo.

Thứ ba, nhiều doanh nghiệp lớn ký kết thỏa thuận hợp tác dài hạn với các trường đại học để hỗ trợ học bổng, tiếp nhận thực tập sinh, phối hợp xây dựng chương trình học sát với thực tế. Đây là cơ hội để doanh nghiệp có thể định hình đầu ra cho sinh viên ngành Logistics, đảm bảo sinh viên có những kỹ năng mà doanh nghiệp cần.

Thách thức

Mặc dù có nhiều cơ hội, tuy nhiên sinh viên và doanh nghiệp vẫn phải đối mặt với không ít thách thức trong việc kết nối giữa đào tạo và thực tiễn nghề nghiệp ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng.

Thách thức lớn nhất là độ chênh giữa chương trình đào tạo và yêu cầu công việc thực tế. Phương pháp giảng dạy truyền thống chú trọng về lý thuyết vẫn còn phổ biến, thiếu trang bị kỹ năng thực tiễn cho sinh viên, ít có thực hành mô phỏng, chưa đủ để sinh viên củng cố, trau dồi kỹ năng nghề nghiệp. Điều đó, dẫn đến kỹ năng nghiệp vụ thực tế của sinh viên còn yếu, kiến thức lý thuyết cũng không được vận dụng một cách phù hợp.

Bên cạnh đó, chương trình học mỗi trường một khác, chưa có bộ tiêu chuẩn nghề quốc gia về logistics để làm thước đo chung. VLA/VLI mới chỉ thử nghiệm Tiêu chuẩn kỹ năng nghề (OS/OSS) cho vị trí hàng nguy hiểm. Chỉ 14/40 trường đại học đã và đang kiểm định chương trình đào tạo logistics của mình. Hơn nữa, đội ngũ giảng viên am hiểu sâu về logistics (cả lý thuyết và thực tế) cũng rất hạn chế. Ở chiều ngược lại, phần lớn sinh viên ngành này chưa có cơ hội trải nghiệm môi trường quốc tế, thiếu kỹ năng mềm (chỉ 4% thành thạo tiếng Anh) nên chưa sẵn sàng cho thị trường lao động nhiều cạnh tranh trong logistics.

Mặc dù đã có nhiều chủ trương tăng cường hợp tác doanh nghiệp, song trên thực tế, cơ hội thực tập chất lượng cho sinh viên vẫn còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước chưa có chương trình thực tập bài bản, thậm chí e ngại nhận thực tập sinh do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động. Một số sinh viên phản ánh, họ chỉ được giao việc đơn giản (như photo tài liệu, nhập liệu) trong kỳ thực tập mà ít có cơ hội học hỏi thêm kỹ năng chuyên môn. Ngoài ra, việc cạnh tranh để được thực tập tại các công ty lớn khá cao. Không ít sinh viên gặp khó khăn trong việc kết nối với doanh nghiệp để xin thực tập hoặc mentor hướng dẫn. Còn từ phía nhà trường, việc tổ chức cho sinh viên đi thực tế thường xuyên gặp nhiều thách thức về chi phí, an toàn và thời gian.

MỘT SỐ GIẢI PHÁP

Nhằm cải thiện sự gắn kết giữa đào tạo và thực tế nghề nghiệp cho sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng trong thời gian tới, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện hiệu quả các chương trình gắn kết nhà trường - doanh nghiệp (các chương trình hợp tác, thực tập, tài trợ thiết bị, mời chuyên gia giảng dạy…) như mô hình viện đào tạo hợp tác với doanh nghiệp của Trường Đại học Giao thông Vận tải TP. Hồ Chí Minh và Tập đoàn Đèo Cả, Chương trình Aus4Skills …

Hai là, nhà trường cần đặt doanh nghiệp ở vị trí đồng sáng tạo, nghĩa là nhà trường không nên chỉ dừng ở việc gửi sinh viên đi thực tập, mà có thể mời doanh nghiệp tham gia đồng thiết kế chương trình, đồng giảng dạy và đánh giá sinh viên. Đối với các môn học thực hành thuộc chương trình đào tạo chính quy (như Nghiệp vụ sale logistics, Chứng từ logistics, Nghiệp vụ khai báo hải quan chuyên sâu, Quy trình xuất nhập khẩu hàng hóa...) cần tạo điều kiện cho giảng viên từ doanh nghiệp kết hợp đào tạo, khối lượng 30% lý thuyết và 70% thực hành hoặc có thể 90-100%. Đồng thời, cần linh động địa điểm đào tạo tại trường và/hoặc tại doanh nghiệp/thực địa. Sinh viên hoàn thành tốt môn học được doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn thực tập, trao cơ hội làm việc chính thức. Cụ thể hóa sản phẩm của chương trình thành các chứng chỉ, nghiệp vụ mà doanh nghiệp công nhận. Chương trình này yêu cầu mối quan hệ chặt chẽ, cam kết từ cả nhà trường và doanh nghiệp.

Ba là, về lâu dài, việc hình thành các trung tâm mô phỏng logistics tại trường sẽ là giải pháp hữu hiệu để sinh viên thực hành ngay trong quá trình học, ví dụ như mô phỏng hệ thống quản lý kho hàng (WMS), quản lý vận tải (TMS), cảng container… Khi những giải pháp này được triển khai đồng bộ, sinh viên sẽ có khả năng tiếp cận nhanh hơn, gần hơn với thức tế nghề nghiệp, doanh nghiệp không còn phải mất quá nhiều thời gian cho quá trình đào tạo lại.

Bốn là, để tăng cường nhu cầu về thực tập, nhà trường cần tạo cơ chế liên hệ với các hiệp hội như Hiệp hội Phát triển nhân lực logistics Việt Nam để thiết lập trang thông tin vị trí kiến tập, thực tập. Đặc biệt, yếu tố quan trọng là trang bị tinh thần sẵn sàng học tập suốt đời cho sinh viên, để cập nhật công nghệ mới liên tục xuất hiện, tăng cường các kỹ năng mềm, nâng cao năng lực ngoại ngữ…

KẾT LUẬN

Nghiên cứu đã phân tích thực trạng để làm rõ cơ hội và thách thức trong việc sinh viên ngành Logistics và quản lý chuỗi cung ứng tiếp cận thực tế nghề nghiệp dưới góc nhìn của cả sinh viên và doanh nghiệp. Cơ hội nổi bật đến từ nhu cầu nhân lực rất lớn của Ngành, sự mở rộng quy mô đào tạo và xu hướng tăng cường hợp tác giữa nhà trường với doanh nghiệp, tạo điều kiện cho sinh viên tích lũy kinh nghiệm và thuận lợi khi tìm việc. Ngược lại, thách thức chính đến từ khoảng cách giữa chương trình đào tạo và yêu cầu thực tiễn.

Để giải quyết bài toán này, cần một cách tiếp cận đồng bộ, trong đó nhà trường cần đổi mới chương trình theo hướng gắn liền thực tiễn, doanh nghiệp chủ động tham gia vào quá trình đào tạo và sinh viên tự nâng cao năng lực của bản thân. Kết quả nghiên cứu góp phần tăng cường mô hình hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp, giúp sinh viên ra trường đáp ứng tốt hơn yêu cầu công việc, đồng thời, doanh nghiệp có được nguồn nhân lực phù hợp để phát triển bền vững.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Angolia, M. G., Pagliari, L. R. (2018). Experiential learning for logistics and supply chain management using an SAP ERP software simulation. Decision Sciences Journal of Innovative Education, 16(2), 104-125.

2. Bộ Công Thương (2024). Báo cáo Logistics Việt Nam 2024 – Khu thương mại tự do. Hà Nội, Nxb Công Thương.

3. Hà Phương (2025). Ngành logistics thiếu cả thầy lẫn thợ, https://dansinh.dantri.com.vn/nhan-luc/nganh-logistics-thieu-ca-thay-lan-tho-20250214162228042.htm.

4. Mỵ Giang Sơn (2023). Một số phương pháp tiếp cận trong đổi mới thực tập nghề nghiệp của sinh viên đại học. Tạp chí Giáo dục, 23(15), 28-31.

5. Zuluaga, J. P. S., Camacho, S. (2025). Experiential learning at its best: problem-based learning and gamification in supply chain management. In Practical Applications of Experiential and Community-Engaged Learning Methods in Business (pp. 72-90). Edward Elgar Publishing.

Ngày nhận bài: 2/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 11/7/2025; Ngày duyệt đăng: 16/7/2025