ThS. Đồng Quý An
Trường Đại học Công nghệ Đông Á
Email: andongquy@gmail.com
Tóm tắt
Nghiên cứu nhằm đánh giá các yếu tố ảnh hưởng tới kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại Hà Nội. Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu từ 267 sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại một số trường đại học trên địa bàn Hà Nội. Qua phân tích, kết quả nghiên cứu cho thấy, môi trường sống, môi trường học tập, phong cách chi tiêu, thái độ tài chính có ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý tài chính. Từ đó, nghiên cứu đưa ra một số kiến nghị nhằm phát triển kỹ năng quản lý tài chính cá nhân trong sinh viên.
Từ khóa: Kỹ năng, quản lý tài chính, sinh viên, phong cách chi tiêu, thái độ tài chính
Summary
This study aims to evaluate determinants of personal financial management skills among Business administration students in Hanoi. Data were collected from 267 students majoring in Business Administration at several universities across Hanoi. The analysis reveals that living environment, learning environment, spending habits, and financial attitudes all have significant impacts on students' financial management skills. From this finding, the study proposes several recommendations to improve personal financial management skills among students.
Keywords: Skills, financial management, students, spending habits, financial attitudes
GIỚI THIỆU
Theo Joo (2008), quản lý tài chính là một trong những yếu tố quan trọng quyết định tình hình tài chính của một cá nhân. Về mặt lý thuyết, kỹ năng quản lý tài chính đề cập đến các hành động xác định, thu thập, phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính để đạt được mục tiêu tài chính đã hoạch định (Weston và Brigham, 1981).
Môi trường giáo dục đại học là nơi hầu hết sinh viên lần đầu tiên quản lý tài chính của mình một cách độc lập mà không có sự giám sát đầy đủ của phụ huynh. Sinh viên đang trong giai đoạn chuyển tiếp tới việc độc lập tài chính, đồng thời cũng phải lập kế hoạch cho bản thân. Điều này sẽ ảnh hưởng đến thành công của họ trong tương lai. Nếu sinh viên không được trang bị kiến thức, chuyên môn trong lĩnh vực tài chính thì khả năng mắc sai lầm trong việc quản lý nguồn tài chính cá nhân sẽ cao hơn. Vì vậy, sinh viên cần được dạy cách quản lý tài chính để có thể sử dụng tiền của mình một cách hiệu quả (Roberts và cộng sự, 2001). Việc trau dồi kiến thức tài chính và hiểu biết về tài chính sẽ giúp sinh viên quản lý kế hoạch tài chính cá nhân, để họ có thể tối đa hóa giá trị thời gian của tiền và thu được lợi ích lớn hơn cũng như cải thiện mức sống (Lusardi, 2012).
Nghiên cứu này nhằm xác định các yếu tố ảnh hưởng đến kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên. Trên cơ sở đó, nghiên cứu đưa ra một số khuyến nghị nhằm nâng cao khả năng quản lý tài chính cá nhân, qua đó, giúp giảm thiểu những tác động tiêu cực đến chất lượng cuộc sống và học tập của sinh viên.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Nghiên cứu của Leach và cộng sự (1999) cho rằng, sinh viên đại học được coi là nhóm có nguy cơ cao liên quan đến bất ổn tài chính do họ có xu hướng vay mượn để tài trợ cho việc học tập, sinh hoạt và đặc biệt là chi tiêu cá nhân cho sở thích của mình. Do đó, nhóm này có khả năng cao phải đối mặt với một khoản nợ lớn sau khi tốt nghiệp và trước khi bước vào thị trường việc làm. Bằng chứng thực nghiệm còn cho thấy khả năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên còn hạn chế, đặc biệt là khi lập kế hoạch tiết kiệm dài hạn (Jorgensen và Savla, 2010).
Theo nghiên cứu của Watchravesringkan (2008), sinh viên đại học học cách quản lý tài chính của mình từ bạn bè và các thành viên trong gia đình. Điều này xảy ra chủ yếu trong suốt thời thơ ấu của họ. Do đó, quá trình chuyển đổi từ tuổi thiếu niên sang tuổi trưởng thành đòi hỏi thanh niên phải được trang bị kiến thức, kỹ năng, giá trị và thái độ tài chính phù hợp về quản lý tài chính cá nhân (Shim, 2010).
Bên cạnh đó, hành vi tài chính của một người có thể bị ảnh hưởng bởi hiểu biết về tài chính của họ. Ở đây, kiến thức tài chính được định nghĩa là thước đo mức độ một cá nhân có thể hiểu và sử dụng thông tin liên quan đến tài chính cá nhân bao gồm: kiến thức, thái độ, hành vi và khả năng đưa ra quyết định tài chính. Lusardi (2012) khẳng định, hiểu biết về tài chính là yếu tố quan trọng nhất trong các kỹ năng. Vì vậy, kiến thức tài chính và quản lý rủi ro tốt sẽ dẫn đến việc ra quyết định tài chính hiệu quả hơn (Husniyah và cộng sự, 2017).
Hơn nữa, các học giả tin rằng thái độ tài chính tích cực góp phần tạo ra hành vi tài chính thuận lợi, từ đó dẫn đến kế hoạch quản lý tốt hơn (Roberts và cộng sự, 2001). Vì vậy, thái độ về tiền bạc có thể dự đoán thói quen tài chính của một người. Các nghiên cứu trước đây đã tìm thấy mối quan hệ đáng kể giữa thái độ về tiền bạc và mức độ rủi ro của các vấn đề tài chính (Dowling và cộng sự, 2009).
Mô hình nghiên cứu
Trên cơ sở lý thuyết trên và tình hình thực tiễn trong thời điểm thực hiện khảo sát, tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1.
Hình 1: Mô hình nghiên cứu đề xuất
![]() |
Nguồn: Đề xuất của tác giả
Phương trình nghiên cứu có dạng như sau:
![]() |
Trong đó:
KNTC là biến phụ thuộc phản ánh kỹ năng quản lý tài chính cá nhân.
Các biến độc lập gồm: Phong cách tài chính (PCTC), Môi trường học tập (MTHT), Thái độ tài chính (TDTC), Yếu tố gia đình (GD) và Môi trường sống (MTS).
PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Tác giả tiến hành thu thập dữ liệu sơ cấp thông qua phiếu điều tra khảo sát trực tuyến. Đối tượng là sinh viên ngành Quản trị kinh doanh tại một số cơ sở giáo dục đại học tại Hà Nội. Sau đó, tác giả sử dụng phương pháp lấy mẫu thuận tiện nhằm khảo sát thu thập dữ liệu phản hồi của các sinh viên. Phiếu điều tra sử dụng thang đo Likert 5 mức độ thể hiện từ thấp đến cao được sắp xếp từ 1-5 như sau: (1) Hoàn toàn không đồng ý; (2) Không đồng ý; (3) Trung lập; (4) Đồng ý; (5) Hoàn toàn đồng ý. Tổng số phiếu hợp lệ để đưa vào xử lý dữ liệu là 267 phiếu.
Số liệu thu thập được thống kê và xử lý thông qua phần mềm Excel và SPSS 26.0. Nghiên cứu kiểm định độ tin cậy của thang đo thông qua hệ số Cronbach's Alpha, tiếp đó tiến hành phân tích nhân tố khám phá EFA để kiềm tra tính đơn hướng của các thang đo trong nghiên cứu. Cuối cùng, nghiên cứu sử dụng phương pháp hồi quy đa biến nhằm đánh giá tác động của các nhân tố tới kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên (Các số thập phân trong nghiên cứu được viết theo chuẩn quốc tế).
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định độ tin cậy của thang đo
Kết quả kiểm tra Cronbach's Alpha cho thấy, tất cả các hệ số của các nhóm biến quan sát đều lớn hơn 0.6. Tất cả các hệ số tương quan biến tổng đều lớn hơn 0.3 và việc loại bất kỳ biến nào cũng sẽ làm giảm độ tin cậy của thang đo. Nhìn chung, các thành phần nghiên cứu đều đảm bảo độ tin cậy để thực hiện các phân tích cần thiết của nghiên cứu. Như vậy, các biến quan sát đảm bảo đủ độ tin cậy để tiến hành phân tích tiếp theo.
Phân tích nhân tố khám phá EFA
Kết quả phân tích EFA trên phần mềm SPSS đối với nhóm nhân tố độc lập được trình bày tại Bảng 1.
Kết quả cho thấy, giá trị p-value = 0.000 của kiểm định Bartlett't cho phép ta an toàn bác bỏ giả thuyết H0 (H0: Phân tích nhân tố không phù hợp với dữ liệu). Chỉ số KMO = 0.784 cho thấy độ phù hợp của mô hình cao.
Bảng 1: Kết quả phân tích nhân tố EFA biến độc lập
![]() |
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả
Như vậy, sau khi tiến hành phân tích EFA, số biến quan sát không có gì thay đổi so với số biến đưa vào ban đầu (chỉ thay đổi thứ tự các biến quan sát trong từng nhân tố). Các điều kiện để sử dụng khi xoay nhân tố đều phù hợp để tiến hành các phân tích tiếp theo.
Phân tích hồi quy
Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy
![]() |
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả
Kết quả hồi quy Bảng 2 cho thấy, hầu như tất cả các biến đều có ý nghĩa thống kê (đều có mức ý nghĩa bé hơn 0.05). Tuy nhiên, biến GD có mức ý nghĩa = 0.534 > 0.05, do đó, biến này không có ý nghĩa trong mô hình hồi quy. Hay nói cách khác, với mức ý nghĩa 5%, biến GD không có tác động có ý nghĩa tới kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên. Như vậy, kết quả phân tích hồi quy cho thấy, có 4 nhân tố tác động đến Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên ngành Quản lý kinh doanh đó là: Phong cách tài chính, Môi trường học tập, Môi trường sống, Thái độ tài chính.
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, yếu tố Thái độ tài chính có ảnh lớn nhất đến Kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của sinh viên ngành Quản trị kinh doanh với hệ số beta = 0.469, tiếp đến lần lượt là yếu tố Phong cách tài chính (hệ số beta = 0.337), Môi trường sống (hệ số beta = 0.321) và Môi trường học tập (hệ số beta = 0.212). Điều đó cho thấy, thái độ tài chính là yếu tố rất quan trọng để sinh viên có kỹ năng quản lý tài chính cá nhân tốt.
Hàm ý quản trị
Thông qua kết quả nghiên cứu, tác giả đề xuất một số giải pháp và kiến nghị đối nhà trường cũng như chính bản thân mỗi cá nhân sinh viên trong việc hoàn thiện kỹ năng quản lý tài chính cá nhân cho sinh viên để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn, cụ thể như sau:
Một là, nâng cao kiến thức về quản lý tài chính cá nhân. Để có được nhận thức tốt về quản lý tài chính cá nhân thì học tập và rèn luyện để nâng cao kiến thức là phương pháp hiệu quả nhất. Trong thời đại chuyển đổi số, các kiến thức về quản lý tài chính cá nhân được công khai đa dạng trên môi trường internet. Những bài học được chia sẻ sẽ là kiến thức thực tế quý báu mà sinh viên có thể áp dụng để quản lý tài chính cho mình.
Hai là, mỗi sinh viên cần biết cách thực hiện chi tiêu thông minh, tránh rơi vào tình trạng không có khả năng thanh toán. Để quản lý tài chính cá nhân, trước hết mỗi người cần lập kế hoạch về những nguồn thu (chủ động và thụ động) và các khoản chi của mình. Sinh viên có thể tự tạo cho mình những quy tắc tài chính. Trong các khoản chi, phải để lại một khoản dự phòng để đối phó với những tình huống bất ngờ có thể xảy ra. Ngoài ra, thường xuyên kiếm tra lại các lịch sử giao dịch thu - chi, vì hiện tại phần lớn các giao dịch đều sử dụng tài khoản thanh toán trực tuyến.
Ba là, tăng cường chia sẻ kinh nghiệm từ các cố vấn học tập, giảng viên giảng dạy các môn cơ sở h, chuyên ngành để sinh viên có thêm kinh nghiệm về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Cố vấn học tập, giảng viên có chuyên môn, kinh nghiệm thực tế từ doanh nghiệp, các đối tác của cơ sở giáo dục (các nhà quản trị, nhà quản lý thành công) sẽ là những tấm gương phản chiếu rõ nhất. Nhà trường nên tổ chức nhiều hơn các buổi tọa đàm, chia sẻ của họ với sinh viên.
Bốn là, bổ sung các học phần về kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Hiện nay, trong chương trình đào tạo ngành Quản trị kinh doanh của tất cả các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam chưa có học phần bắt buộc nào liên quan tới kỹ năng quản lý tài chính cá nhân. Hơn nữa, việc quản trị bản thân cũng là một quá trình trau dồi những kiến thức về quản trị chung. Do vậy việc đưa các môn học liên quan đến tài chính vào quá trình giảng dạy là điều rất cần thiết, bởi từ tuổi học sinh đến vị thành niên sinh viên chưa được tiếp xúc nhiều về quản lý tài chính cũng như chưa được nhiều người truyển tải kiến thức. Mặt khác, đây là giai đoạn chuẩn bị của sinh viên khi bước ra ngoài xã hội, thì quản lý tài chính cá nhân là một kỹ năng rất quan trọng ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của sinh viên trong tương lai.
Tài liệu tham khảo:
1. Dowling, N. A., Corney, T., & Hoiles, L. (2009). Financial management practices and money attitudes as determinants of financial problems and dissatisfaction in young male australian workers. Journal of Financial Counseling and Planning, 20(2), 5-13.
2. Husniyah, A. R., Mohd Fazli, S., Norhasmah, S., Mohd Amim, O., Norhafifah, S., & Fatin Farwizah, M. R. (2017). Financial practices and physical health influencing financial health of Malaysian employees. Malaysian Journal of Consumer and Family Economics, 20(S2), 1-20.
3. Joo, S. H. (2008). Personal financial wellness. In J. J. Xiao (Ed.), Handbook of Consumer Finance Research (pp. 21-33). Springer.
4. Jorgensen, B. L., & Savla, J. (2010). Financial Literacy of Young Adults: The Importance of Parental Socialization. Family Relations, 59(4), 465-478.
5. Leach, L. J., Hayhoe, C. R., & Turner, P. R. (1999). Factors affecting perceived economic well-being of college students: A gender perspective. Journal of Financial Counseling and Planning, 10(2), 11-24.
6. Lusardi, A. (2012). Financial Literacy or Financial Capability? http://annalusardi.blogspot.com/2012/10/financial-literacy- or-financial.html
7. Roberts, J. A., & Jones, E. (2001). Money attitudes, credit card use, and compulsive buying among American college students. Journal of Consumer Affairs, 35(2), 213-240.
8. Shim, S., Barber, B. L., Card, N. A., Xiao, J. J., & Serido, J. (2010). Financial Socialization of First-year College Students: The Roles of Parents, Work, and Education. Journal of Youth And...Journal of Youth and Adolescence, 39(12), 1457-1470.
9. Watchravesringkan, K. (2008). Financial behavior of Hispanic Americans. In J. J. Xiao (Ed.), Handbook of Consumer Finance Research (pp. 271-285). New York: Springer.
10. Weston, J. F., & Brigham, E. F. (1981). Managerial Finance. Holt- Saunders.
Ngày nhận bài: 16/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 10/7/2025; Ngày duyệt đăng:16/7/2025. |