
Máy bay chiến đấu của Không quân Hàn Quốc (Ảnh: Twitter).
Quân đội Hàn Quốc đã bị chỉ trích vì kỷ luật lỏng lẻo sau một loạt các sự cố lớn trong những tháng gần đây, bao gồm vụ mới nhất liên quan đến việc phi công Không quân vô tình thả rơi hai bệ súng và thùng dầu phụ từ cường kích KA-1 trong quá trình huấn luyện vào ngày 18/4.
Theo tuyên bố của Không quân Hàn Quốc ngày 21/4, sau khi điều tra lời khai của tổ bay và các yếu tố liên quan, họ xác định sự cố xảy ra do thao tác bất cẩn của phi công ngồi ghế sau.
Tuyên bố cũng cho biết, cường kích KA-1 khi đó đang làm nhiệm vụ huấn luyện bắn đạn giả ban đêm và hai phi công phải đeo kính nhìn đêm. Phi công ngồi ghế sau thấy khó chịu vì luồng khí từ điều hòa thổi vào, nên tìm cách điều chỉnh mức độ gió nhưng đã vô tình bấm nhầm nút cắt vũ khí khẩn cấp nằm phía trên cửa gió điều hòa.
Nút này được thiết kế để lập tức thả vũ khí, thùng dầu phụ khỏi giá treo của máy bay mà không cần quy trình kích hoạt thông thường, nhằm bảo đảm an toàn và giảm tải trọng máy bay trong trường hợp khẩn cấp. Nó thường được đánh dấu màu đỏ hoặc vạch chéo đen vàng nổi bật so với xung quanh.
Không quân thông báo đã tìm thấy và thu hồi được hai bệ súng bằng cách huy động một trực thăng HH-60 và 270 binh sĩ. Nhưng họ đã không tìm thấy hai thùng nhiên liệu rỗng và cho biết sẽ tiếp tục nhiệm vụ này cho đến khi tìm thấy. Hoạt động huấn luyện đã bị đình chỉ sau khi sự cố xảy ra và sẽ được nối lại vào chiều 22/4.
Sự việc may mắn không gây ra thương vong về người hay thiệt hại vật chất dưới mặt đất. Tuy nhiên, một loạt các sự cố xảy ra trong bối cảnh quân đội Hàn Quốc đang trong tình trạng thiếu hụt lãnh đạo làm bùng lên những chỉ trích và gây ra những lo ngại về an ninh do các dấu hiệu cho thấy thế trận phòng thủ suy yếu.
"Chúng tôi xin lỗi đã một lần nữa khiến công chúng lo ngại vì vụ tai nạn này và sẽ xây dựng, triển khai các biện pháp thiết thực để bảo đảm sự việc không tái diễn", Không quân Hàn Quốc cho biết hôm 21/4.
Cựu Bộ trưởng quốc phòng Kim Yong-hyun và một số chỉ huy đơn vị chủ chốt khác đã bị bắt và bị giam giữ vì liên quan trong tuyên bố thiết quân luật sai lầm của cựu Tổng thống Yoon Suk-yeol vào ngày 3/12. Thứ trưởng Quốc phòng Kim Seon-ho đang giữ chức quyền bộ trưởng quốc phòng.
"Nhìn bề nổi, chuỗi tai nạn có vẻ chỉ là sự thiếu kỷ luật trong quân đội, nhưng thực chất là sự tích tụ của quá trình huấn luyện quân sự không đầy đủ", tiến sĩ Yang Uk, nghiên cứu viên về chiến lược quân sự và hệ thống vũ khí tại Viện Nghiên cứu Chính sách ASAN, nhận định.
Theo chuyên gia trên, "đó là kết quả của sự không nhất quán trong huấn luyện quân sự, với việc chính quyền của ông Moon Jae-in đã dừng và thu hẹp một số cuộc tập trận quan trọng và sau đó chính quyền ông Yoon Suk-yeol không khôi phục lại động lực của các cuộc tập trận".
Theo quan điểm của tiến sĩ Yang, điều mà quân đội Hàn Quốc vô cùng cần vào lúc này là sự nhất quán trong quá trình huấn luyện.
Vụ tai nạn mới nhất này xảy ra chỉ 1 tháng sau khi một máy bay trinh sát trên không không người lái lớn Heron do Israel sản xuất đâm vào một trực thăng tiện ích Surion đang đỗ tại một sân bay tại một căn cứ của quân đội Hàn Quốc ở Yangju, tỉnh Gyeonggi.
Vụ việc gây ra hỏa hoạn lớn, trong khi cả trực thăng và máy bay không người lái đều bị phá hủy. Không có thương vong hoặc thương tích, nhưng quân đội Hàn Quốc được cho là đã phải chịu tổn thất ít nhất 23 tỷ won.
Sau khi tiến hành một cuộc điều tra nội bộ về vấn đề này, quân đội Hàn Quốc vào ngày 9/4 đổ lỗi do "một cơn gió mạnh đột ngột". Quân đội nước này giải thích rằng, gió lớn đã đẩy UAV, đang cố gắng hạ cánh trên đường băng, về phía trực thăng.
Hai tuần trước khi xảy ra vụ tai nạn này, hai máy bay chiến đấu KF-16 của Hàn Quốc đã vô tình thả 8 quả bom không đối đất bên ngoài bãi tập trong một cuộc tập trận bắn đạn thật, trong một vụ đánh bom nhầm chưa từng có vào một ngôi làng gần biên giới liên Triều.
Vụ việc khiến 38 người bị thương, chủ yếu là dân thường. Ít nhất 166 công trình và 12 phương tiện bị phá hủy hoàn toàn hoặc hư hại.
Không quân Hàn Quốc đã viện dẫn lỗi do phi công KF-16 nhập sai số cuối cùng trong dãy 7 chữ số của vĩ độ mục tiêu. Kể từ đó, hai phi công và hai chỉ huy đơn vị Không quân đã bị các nhà điều tra của Bộ Quốc phòng bắt giữ vì tội sơ suất dẫn đến thương tích.