Từ 4/4 tới sáng 11/4, phim Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối mang về doanh thu hơn 101,3 tỷ đồng. Bối cảnh chính của phim là hệ thống địa đạo ở Củ Chi (huyện Củ Chi, TPHCM).
Có thể nói, đây được coi là một trong những bộ phim thành công của điện ảnh Việt Nam về đề tài chiến tranh.

Sự lan tỏa của bộ phim được xem là một trong những đòn bẩy khiến tour khám phá vùng đất thép Củ Chi nóng hơn bao giờ hết. Dịp 30/4 năm nay cũng đồng thời là dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền Nam, chính vì thế các tour tìm hiểu lịch sử, về nguồn thu hút đông khách khám phá, trải nghiệm.
Ông Nguyễn Ngọc An, Phó tổng giám đốc Lữ hành Vietluxtour cho biết, nhờ sức hút của bộ phim, khách quan tâm và tìm mua tour trải nghiệm địa đạo Củ Chi tăng vọt.

"Nhằm giúp khách dễ dàng hơn trong việc tiếp cận các sản phẩm dịch vụ, chúng tôi khuyến mãi 15% với chùm tour chuyên đề văn hóa - lịch sử.
Trong đó có nhiều sản phẩm hấp dẫn với mức giá đa dạng. Thậm chí, có cả tour kéo dài nửa ngày với giá 300.000 đồng để khách tìm hiểu lịch sử nhưng không có nhiều thời gian", ông An nói.
Đến thời điểm này, một số tour ghi nhận lượng khách tăng vọt như: "Dấu ấn vùng đất Sài Gòn - Gia Định - TPHCM" khám phá nửa ngày, giá trọn gói 299.000 đồng/khách. Một số tour khác như "Biệt động Sài Gòn" đi nửa ngày, giá trọn gói 790.000 đồng/khách; tour "Ký ức Sài Gòn - Chợ Lớn" giá trọn gói 690.000 đồng/khách.
Một số tour khác như "Củ Chi đất thép thành đồng" giá 850.000 đồng/khách; tour "Huyền thoại về đặc công rừng Sác" giá 1 triệu đồng/khách. Những giá tour này chưa bao gồm vé máy bay khứ hồi Hà Nội - TPHCM.
Theo đại diện của công ty lữ hành Saigontourist, chỉ tính riêng tháng 3 và đầu tháng 4 năm nay, đơn vị này liên tục tổ chức chuỗi chương trình dành cho các đoàn đại biểu từng đi qua những ngày tháng rực lửa để góp phần tạo nên đại thắng mùa xuân 1975, thống nhất đất nước.

Đoàn khách từ miền Bắc tới thăm địa đạo Củ Chi (Ảnh: Vietluxtour).
Ngoài ra, công ty sẽ làm đa dạng các sản phẩm sau đại lễ 30/4, có ưu đãi với đối tượng khách là cựu chiến binh, người cao tuổi. Hành trình khám phá đưa du khách tới Củ Chi, Cần Giờ, Dinh Độc Lập, Bến Nhà Rồng, hầm vũ khí biệt động Sài Gòn.
Tương tự, Tổng giám đốc Flamingo Redtours Nguyễn Công Hoan nhận định năm nay du khách quan tâm nhiều đến các sản phẩm tour về nguồn dịp 30/4.
Trong đó nổi bật có tour về thăm thủ đô kháng chiến Tân Trào (Tuyên Quang). Tour tuyến được xây dựng nhiều kịch bản để phù hợp với đối tượng khách, đáp ứng nhu cầu từ giáo dục truyền thống lịch sử tới tham quan khám phá. Chuyến đi 2 ngày có giá 1,85 triệu đồng/khách.
Chia sẻ với phóng viên về xu hướng khách Việt chọn tour lịch sử năm nay, bà Trần Thị Bảo Thu, Giám đốc Tiếp thị Truyền thông Vietluxtour cho biết, khoảng 30% du khách đi tour nội địa sẽ chọn các sản phẩm văn hóa - lịch sử Sài Gòn cho kỳ nghỉ lễ của mình.
Mỗi tuần, đơn vị đều có 1-2 đoàn khách nội địa và quốc tế tham quan tour địa đạo Củ Chi.

Một nữ du khách trải nghiệm trong đường hầm ở địa đạo (Ảnh: Jessie Carr).
Khi phóng viên đặt câu hỏi về tiềm năng tour địa đạo Củ Chi nói riêng cũng như tour tìm hiểu lịch sử Việt Nam nói chung với khách nước ngoài, đại diện một đơn vị lữ hành tại TPHCM đánh giá, đa phần các đoàn khách quốc tế đều có phản hồi tích cực về điểm đến này.
"Nhiều vị khách bày tỏ sự thán phục, ngạc nhiên trước tinh thần chiến đấu dũng cảm và mưu trí của dân tộc Việt Nam, đồng thời mong muốn điểm đến được bảo tồn, quảng bá tốt để các thế hệ sau có cơ hội được tới thăm, trải nghiệm", vị đại diện cho hay.
Địa đạo Củ Chi là một hệ thống phòng thủ trong lòng đất ở huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM chừng 70km về hướng Tây Bắc.
Lịch sử địa đạo Củ Chi gắn liền với cuộc kháng chiến chống Pháp giai đoạn 1946-1948. Công trình được quân và dân các xã xây dựng để ẩn nấp, cất giấu vũ khí, quân tư trang.
Hệ thống đường hầm nằm sâu dưới lòng đất từ 3m đến 12m, gồm 3 tầng, dài hơn 200km, chịu được sức công phá của nhiều loại bom hạng nặng.
Trong giai đoạn năm 1961-1965, công trình được phát triển thành nhiều nhánh thông với nhau. Phía trên công trình còn được trang bị nhiều hố đinh, bãi mìn, phục vụ cho cuộc chiến đấu của quân và dân ta.
Sau chiến tranh, địa đạo Củ Chi đã trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia.