Phát triển bền vững thị trường trái phiếu doanh nghiệp Việt Nam trong bối cảnh hội nhập: Thực trạng và giải pháp

Bên cạnh hệ thống tín dụng ngân hàng, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp, ngày càng được xác định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho khu vực sản xuất kinh doanh

NCS, ThS. Lê Văn Quang

Lê Tuấn Dũng

Học viện Ngân hàng

Email tác giả liên hệ: lequang@hvnh.edu.vn

Tóm tắt

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp có vai trò quan trọng giúp doanh nghiệp đa dạng hóa nguồn tài trợ, giảm phụ thuộc tín dụng ngân hàng, đồng thời thúc đẩy phát triển thị trường vốn và tăng tính ổn định của hệ thống tài chính. Tuy nhiên, theo Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp tính đến hết năm 2024 chỉ khoảng 443.458 tỷ đồng, chiếm 11,2% GDP cả nước, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực như Malaysia (54,3% GDP), Singapore (34,3% GDP), Thái Lan (25,5% GDP). Bên cạnh đó, những điều kiện cơ bản như tổ chức định giá trái phiếu, tổ chức định mức tín nhiệm… đều còn rất hạn chế, đã và đang ảnh hưởng đến phát triển thị trường này theo hướng bền vững, nên cần triển khai các giải pháp đồng bộ từ nhiều bên liên quan.

Từ khoá: Phát triển bền vững, trái phiếu doanh nghiệp, thị trường trái phiếu, hệ thống tài chính, Việt Nam

Summary

The corporate bond market plays a crucial role in enabling enterprises to diversify their sources of funding, reduce reliance on bank credit, promote capital market development, and enhance the stability of the financial system. However, as of the end of 2024, the size of corporate bond issuance in Vietnam stood at only VND 443,458 billion, accounting for 11.2% of the country’s GDP, significantly lower than regional peers such as Malaysia (54.3% of GDP), Singapore (34.3%), and Thailand (25.5%) (Vietnam Bond Market Association - VBMA, 2024). In addition, foundational conditions such as bond valuation institutions and credit rating agencies remain underdeveloped, which continues to hinder the sustainable development of the market. Therefore, comprehensive and coordinated solutions from multiple stakeholders are needed.

Keywords: Sustainable development, corporate bonds, bond market, financial system, Vietnam

ĐẶT VẤN ĐỀ

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, thị trường tài chính đóng vai trò then chốt trong việc huy động và phân bổ nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, bên cạnh hệ thống tín dụng ngân hàng, thị trường trái phiếu, đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), ngày càng được xác định là kênh dẫn vốn trung và dài hạn quan trọng cho khu vực sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, quy mô thị trường TPDN vẫn còn nhỏ lẻ, chưa tương xứng với tiềm năng. Đến hết năm 2024, quy mô phát hành chỉ đạt 443.458 tỷ đồng, tương đương 11,2% GDP - một tỷ lệ khá khiêm tốn so với các nước trong khu vực như: Malaysia (54,3%), Singapore (34,3%) hay Thái Lan (25,5%). Thị trường sơ cấp tập trung chủ yếu vào một số tập đoàn lớn, trong khi thị trường thứ cấp còn kém phát triển, thiếu thanh khoản và chưa hình thành hệ sinh thái hỗ trợ chuyên sâu như tổ chức định giá hay xếp hạng tín nhiệm. Trong khi đó, xu hướng hội nhập kinh tế đòi hỏi thị trường tài chính quốc gia, bao gồm cả thị trường TPDN, phải đáp ứng các chuẩn mực quốc tế về minh bạch, kỷ luật thị trường và quản trị rủi ro. Việc phát triển thị trường TPDN theo hướng bền vững không chỉ là yêu cầu nội tại để đáp ứng nhu cầu vốn ngày càng lớn của doanh nghiệp, mà còn là điều kiện cần để nâng cao năng lực chống chịu và tính cạnh tranh của nền kinh tế trong bối cảnh hội nhập. Do đó, phát triển bền vững thị trường TPDN đang là yêu cầu cấp thiết trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, nhằm nâng cao hiệu quả phân bổ vốn, hỗ trợ tăng trưởng doanh nghiệp và bảo đảm an toàn tài chính quốc gia.

NỘI HÀM CỦA PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP

Hiện nay, chưa có một định nghĩa thống nhất cụ thể cho khái niệm “phát triển bền vững thị trường TPDN”, mà ở mỗi góc độ nghiên cứu lại có cách tiếp cận khác nhau, nhưng tựu trung đều dựa trên nội dung của phát triển tài chính bền vững. Nghiên cứu này tổng hợp 2 quan điểm về phát triển tài chính bền vững gồm: (1) Phát triển tài chính bền vững là quá trình đổi mới tài chính song song với cải thiện thể chế và tổ chức trong hệ thống tài chính, hướng đến mục tiêu giảm thiểu bất cân xứng thông tin, hoàn thiện chức năng của thị trường, tăng cường khả năng ký kết hợp đồng, giảm chi phí giao dịch và nâng cao tính cạnh tranh (Hartmann và cộng sự, 2007); (2) Phát triển tài chính bền vững dựa trên 3 trụ cột: Chiều sâu thị trường (thể hiện qua quy mô và tính thanh khoản); Khả năng tiếp cận thị trường (khả năng cá nhân và tổ chức tiếp cận dịch vụ tài chính); Hiệu suất (năng lực cung ứng dịch vụ tài chính với chi phí thấp nhưng bảo đảm thu nhập ổn định và sự vận hành hiệu quả của thị trường vốn) (Svirydzenka, 2016). Kế thừa nội dung của 2 quan điểm này, nghiên cứu đưa ra quan niệm: Phát triển bền vững thị trường TPDN là việc xây dựng và duy trì một thị trường TPDN ổn định, minh bạch, hiệu quả và có khả năng thu hút dòng vốn dài hạn nhằm hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp và nền kinh tế.

Theo đó, phát triển bền vững thị trường TPDN cần đảm bảo các khía cạnh sau:

Thứ nhất, sự tăng lên về quy mô thị trường, làm tăng thêm giá trị của thị trường và sự biến đổi tích cực về cơ cấu thị trường.

Thứ hai, sự phát triển của thị trường TPDN tác động và làm thay đổi cơ cấu thị trường tài chính, cải thiện chất lượng của thị trường thông qua việc thực hiện chức năng cơ bản nhất là phân bổ vốn trong vai trò là cầu nối giữa nguồn cung và cầu của nguồn vốn. Phát triển thị trường TPDN bền vững góp phần gia tăng nguồn vốn cho đầu tư sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp theo hướng tới sản xuất xanh, sạch, thân thiện với môi trường, đóng góp vào sự phát triển của toàn xã hội.

Thứ ba, sự phát triển bền vững của thị trường TPDN cũng có tác động qua lại với nhiều nhân tố, trong đó nhân tố nội lực của nền kinh tế có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của thị trường. Cụ thể, sự phát triển bền vững này trong mối liên hệ với: (i) Khung pháp lý minh bạch và ổn định thể hiện qua hệ thống quy định rõ ràng, nhất quán giúp bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư và doanh nghiệp phát hành; kiểm soát rủi ro và tăng cường tính minh bạch trong phát hành, giao dịch trái phiếu; (ii) Cơ chế giám sát và quản lý rủi ro hiệu quả thông qua cơ quan quản lý cần có biện pháp kiểm soát rủi ro gian lận, nợ xấu, và đảm bảo tính bền vững của thị trường. Hệ thống xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp đáng tin cậy giúp nhà đầu tư đánh giá rủi ro; (iii) Tính thanh khoản cao và đa dạng nhà đầu tư: Thị trường thứ cấp phát triển tốt giúp nhà đầu tư dễ dàng mua bán trái phiếu. Thu hút nhiều loại nhà đầu tư như tổ chức tài chính, quỹ đầu tư, cá nhân nhằm giảm rủi ro tập trung; (iv) Phát triển các sản phẩm trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững: Khuyến khích phát hành trái phiếu doanh nghiệp có mục đích bảo vệ môi trường, phát triển xã hội. Tăng cường tiêu chuẩn môi trường, xã hội, quản trị (ESG) trong đánh giá trái phiếu; (v) Ứng dụng công nghệ số trong thị trường trái phiếu. Sử dụng blockchain, big data để nâng cao minh bạch, bảo mật và hiệu quả trong phát hành và giao dịch.

THỰC TRẠNG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP Ở VIỆT NAM

Tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp sơ cấp

Quy mô phát hành thị trường trái phiếu doanh nghiệp tăng trưởng mạnh

Năm 2021, quy mô phát hành đạt 658.009 tỷ đồng, tăng 63% so với lượng phát hành ròng 2020. Năm 2022, sau đại dịch COVID-19, quy mô phát hành TPDN đạt 255.163 tỷ đồng, giảm 61,2% so với năm 2021. Thị trường TPDN hồi phục mạnh mẽ từ sau năm 2023 sau khi các chính sách tháo gỡ khó khăn của Chính phủ được ban hành. Giá trị TPDN phát hành mới đạt mức 321.000 tỷ đồng với tổng cộng 336 đợt phát hành. Năm 2024, có 429 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 410.544 tỷ đồng và 22 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.914 tỷ đồng (Bảng 1).

Bảng 1: Quy mô phát hành trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam giai đoạn 2020-2024

Đơn vị: Tỷ đồng

Năm

2020

2021

2022

2023

2024

Quy mô phát hành đại chúng

27.581

30.136

10.589

34.000

32.914

Quy mô phát hành riêng lẻ

403.468

627.873

244.574

287.000

410.544

Tổng quy mô phát hành

431.049

658.009

255.163

321.000

443.458

Tỷ lệ phát hành đại chúng (%)

6,4

4,58

4,15

10,6

7,4

Tỷ lệ phát hành riêng lẻ (%)

93,6

95,42

95,85

89,4

92,6

Nguồn: VBMA (2020-2024)

Ngoài ra, tỷ lệ dư nợ TPDN trên GDP cũng có xu hướng giảm từ từ 17,1% năm 2020 xuống 11,2% trong năm 2024 (Hình 1). Như vậy, kênh hỗ trợ vốn từ thị trường TPDN vẫn chưa phát huy hiệu quả, sự phụ thuộc vốn của DN vào kênh tín dụng ngân hàng vẫn là chủ yếu.

Hình 1: Tỷ lệ dư nợ trái phiếu doanh nghiệp trên dư nợ tín dụng và GDP giai đoạn 2020-2024

Đơn vị: %

Nguồn: VBMA (2020-2024)

Cơ cấu kỳ hạn và lãi suất phát hành theo chuẩn quốc tế

Bình quân lãi suất TPDN trong nước tương đương với lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến của các ngân hàng thương mại (NHTM). Bình quân lãi suất phát hành TPDN riêng lẻ vào khoảng 8,91%/năm (Bảng 2). Trong đó, 81,4% khối lượng TPDN có lãi suất dưới 11%/năm, 16,8% khối lượng có lãi suất từ 11%-13% và 1,3% có lãi suất trên 13% /năm; lãi suất phát hành cao nhất ở mức 14,5%/năm. Bình quân lãi suất phát hành trái phiếu của các NHTM đạt 7,04%/năm; doanh nghiệp bất động sản có lãi suất phát hành bình quân là 10,45%/năm; lãi suất phát hành phổ biến từ 9,5%-11%/năm. TPDN được phát hành đa dạng với các kỳ hạn từ 1-15 năm. Cơ cấu kỳ hạn trên thị trường TPDN tại Việt Nam cũng có sự phân loại rõ ràng, tập trung chính ở 2 kỳ hạn từ 3-5 năm và trên 5 năm (Bảng 2).

Bảng 2: Kỳ hạn phát hành và lãi suất bình quân trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2024

Chỉ tiêu

Năm 2020

Năm 2021

Năm 2022

Năm 2023

Năm 2024

Kỳ hạn phát hành bình quân (năm)

4,07

3,8

4,19

3,8

5,1

Lãi suất bình quân (%)

9,38

7,75

8,06

10,1

7

Nguồn: VBMA (2020-2024)

Cơ cấu doanh nghiệp phát hành trái phiếu có sự tách biệt nhất định

Trong giai đoạn 2020-2024, NHTM là nhà phát hành lớn nhất trên thị trường TPDN tính theo cả 2 phương thức phát hành riêng lẻ và phát hành ra công chúng. Năm 2024 cho thấy xu hướng gia tăng tỷ trọng phát hành riêng lẻ của nhóm tài chính ngân hàng, chiếm 67% tổng giá trị phát hành (GTPH) đạt 300.000 tỷ đồng. Nhóm bất động sản ghi nhận mức sụt giảm 17,8%, chỉ đạt 62.310 tỷ đồng, chiếm 20% tổng GTPH. Nhóm tập đoàn đa ngành và các nhóm ngành khác chiếm 13% tổng GTPH (Hình 2).

Hình 2: Cơ cấu trái phiếu doanh nghiệp phát hành theo ngành trong năm 2024

Nguồn: VBMA (2024)

Cơ cấu nhà đầu tư trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp vẫn chủ yếu là các ngân hàng và công ty chứng khoán

Các ngân hàng mua khoảng 40%-45% tổng khối lượng TPDN phát hành, tiếp sau là các công ty chứng khoán mua khoảng 35%-40% tổng khối lượng trái phiếu phát hành, các nhà đầu tư còn lại là doanh nghiệp bảo hiểm, các tổ chức khác và nhà đầu tư cá nhân.

Xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp phát hành trái phiếu doanh nghiệp tăng cao

Xếp hạng tín nhiệm đóng vai trò quan trọng trong việc xác định mức độ rủi ro của một doanh nghiệp phát hành trái phiếu. Việc có các tổ chức xếp hạng tín nhiệm độc lập sẽ giúp nhà đầu tư đưa ra quyết định sáng suốt và giảm thiểu các rủi ro không cần thiết. Hiện tại, một số công ty quản lý quỹ đã bắt đầu sử dụng công cụ xếp hạng tín nhiệm và đường cong lãi suất để đánh giá rủi ro của các mã TPDN. Tuy nhiên, độ bao phủ của xếp hạng tín nhiệm vẫn còn thấp và cần được phát triển rộng hơn. Trong giai đoạn 2020-2024, số lượng các doanh nghiệp công bố xếp hạng đã tăng lên (Hình 3)

Hình 3: Số lượng tổ chức công bố xếp hạng lần đầu giai đoạn 2020-2024

Nguồn: VIS Rating (2020-2024)

Năm 2024 đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong sự phát triển của hoạt động xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam, với 51 tổ chức lần đầu công bố kết quả xếp hạng, bao gồm 8 ngân hàng và 43 doanh nghiệp. Con số này thể hiện mức tăng trưởng 122% so với năm 2023, phản ánh nhu cầu về việc nâng cao uy tín tín dụng và cải thiện sự minh bạch tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thị trường trái phiếu nội địa đang tìm kiếm sự phát triển theo hướng bền vững hơn.

Chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp được tăng lên

Chất lượng thị trường TPDN được thể hiện thông qua các tiêu chí về tình hình chậm trả gốc, lãi; tình hình xử lý chậm trả; số lượng TPDN phát hành mới; mức độ tín nhiệm của tổ chức phát hành (TCPH) (Bảng 3).

Bảng 3: Chất lượng thị trường trái phiếu doanh nghiệp giai đoạn 2020-2024

Tiêu chí

Thực tiễn thị trường

Xu hướng

Chậm trả gốc, lãi

Trong giai đoạn 2020-2024, tỷ lệ chậm trả lũy kế đến hết năm 2024 là 14,3%. Trong đó, 21 TCPH chậm trả lần đầu trong năm 2024, giảm so với 79 trong năm 2023.

• Ngành năng lượng có tỷ lệ chậm trả tích lũy cao nhất ở mức 42%.

• Ngành bất động sản, nhà ở chiếm 62% tổng giá trị trái phiếu chậm trả trên thị trường.

Giảm

Tình hình xử lý chậm trả

Tỷ lệ thu hồi nợ gốc chậm trả tăng lên 24.8% vào cuối năm 2024, tăng 6% so với năm 2023. Cụ thể, các TCPH đã trả 21.000 tỷ đồng dư nợ gốc trái phiếu chậm trả trong năm 2024. 80% số trái phiếu chậm trả có tỷ lệ thu hồi nợ gốc đang ở mức dưới 5% so với tổng giá trị.

Tăng

Phát hành mới

Quy mô phát hành gia tăng liên tục trong giai đoạn 2020-2024. Điển hình tổng giá trị phát hành trong năm 2024 đạt 443.458 tỷ đồng, tăng 37% so với năm 2023. 80% lượng phát hành mới đến từ TCPH thuộc ngành ngân hàng và bất động sản nhà ở.

Tăng

Hồ sơ tín nhiệm

của TCPH

25% số TCPH trong năm 2024 có hồ sơ tín nhiệm ở mức “dưới trung bình” hoặc yếu hơn, cải thiện so với mức 34% trong năm 2023.Tỷ lệ các TCPH có các chỉ tiêu thành phần ở mức yếu trong hồ sơ tín nhiệm thấp hơn so với các năm trước đó, ở cả TCPH là tổ chức tài chính (FI) và doanh nghiệp phi tài chính.

Cải thiện

Vi phạm phát hành

Nhiều doanh nghiệp lớn vi phạm pháp luật trong phát hành, phân phối trái phiếu riêng lẻ và bị bắt giữ trong năm 2022 làm cho niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào TPDN đã suy giảm xuống mức rất thấp.

Tăng

Nguồn: Tổng hợp của nhóm tác giả

Tình hình phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp thứ cấp

Trong thời gian đầu khi thành lập sàn giao dịch chứng khoán TP. Hồ Chí Minh và Hà Nội, các TPDN được phát hành chủ yếu theo hình thức phát hành riêng lẻ, do vậy, số TPDN được niêm yết trên Sở Giao dịch chứng khoán (SGDCK) không nhiều, ít hoạt động so với thị trường phát hành. Thanh khoản trên thị trường thứ cấp rất hạn chế, với ít giao dịch được ghi nhận. Tuy có số liệu giao dịch thấp, việc giao dịch TPDN vẫn được tổ chức và quản lý theo những quy định hiện hành. Theo dữ liệu từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX), doanh số giao dịch tăng trưởng vượt bậc từ 250,6 tỷ đồng/phiên trong tháng đầu tiên vận hành lên 4.092,9 tỷ đồng/phiên tính tại ngày 30/6/2024 (HNX, 2024). Điều đó khiến quy mô và giá trị giao dịch TPDN trên sở giao dịch có sự gia tăng mạnh mẽ (Bảng 4).

Bảng 4: Giá trị giao dịch trái phiếu doanh nghiệp qua Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội

Năm

Giá trị giao dịch (tỷ đồng)

2020

33.086

2021

23.440

2022

93.270

2023

218.150

2024

832.189

Nguồn: VBMA (2020-2024)

Đối với Việt Nam, thị trường TPDN có một ưu điểm là có thể kế thừa một phần kinh nghiệm và hạ tầng của thị trường trái phiếu chính phủ (TPCP) đã phát triển tương đối hoàn chỉnh. Tuy nhiên, thực trạng thị trường TPDN tại Việt Nam hiện nay thể hiện sự yếu kém, ngoài 3 hệ thống là: Hệ thống thỏa thuận giao dịch OTC (theo mô hình Interdealer là chủ đạo); Hệ thống giao dịch tại Sở (theo mô hình Multi-dealer là chủ đạo); Hệ thống thanh toán, thì chưa có hệ thống công nghệ thông tin liên quan đến TPDN như thường thấy trên các thị trường TPDN các nước trong khu vực.

MỘT SỐ HẠN CHẾ TRONG PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TẠI VIỆT NAM

Bên cạnh những kết quả đạt được, phát triển bền vững thị trường TPDN tại Việt Nam vẫn còn một số hạn chế như sau:

Quy mô thị trường vẫn còn quá nhỏ so với kênh tín dụng ngân hàng. Tại Việt Nam, thị trường vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng. Thị trường tín dụng ngân hàng vẫn là kênh huy động vốn chủ yếu của nền kinh tế. Theo số liệu của Ngân hàng Thế giới, tỷ lệ tín dụng cho khu vực tư nhân năm 2024 tại Việt Nam đạt 140% GDP, trong khi đó, tỷ lệ giá trị TPDN/GDP lại là một con số rất nhỏ, chỉ 11,2%.

Cấu trúc thị trường trái phiếu mất cân bằng. Hiện nay, trên thị trường trái phiếu Việt Nam, ngoài trái phiếu chính quyền địa phương ít phát hành, còn có 2 loại hình trái phiếu là: (1) TPCP và trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh; (2) TPDN. Tuy nhiên, tại Việt Nam, phân khúc TPCP nắm phần chủ yếu trên thị trường, với tỷ trọng trong tổng dư nợ thị trường vượt trội so với TPDN. TPDN không chỉ chiếm một lượng rất nhỏ, không đáng kể, mà chủ yếu là của các doanh nghiệp có quy mô lớn và uy tín. Bên cạnh đó, cơ cấu ngành, tình hình tài chính, tài sản đảm bảo và tình trạng xếp hạng tín nhiệm của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu bất cân đối. Theo VBMA (2024), về cơ cấu ngành của các doanh nghiệp phát hành trái phiếu, nhóm tổ chức tín dụng và bất động sản chiếm 67% giá trị phát hành vào năm 2024. Hơn nữa, 80% giá trị TPDN của ngành bất động sản phát hành thuộc về các doanh nghiệp chưa niêm yết.

Thị trường giao dịch thứ cấp chưa phát triển. Gần 99% TPDN tại Việt Nam được phát hành theo hình thức riêng lẻ, cao hơn rất nhiều so với kinh nghiệm quốc tế (như tại Mỹ, tỷ lệ phát hành riêng lẻ chỉ chiếm khoảng 12%, tại Đức là 10%, tại Hàn Quốc là 0,4-15%). Sự thống trị tuyệt đối của các đợt phát hành riêng lẻ cùng với thị trường giao dịch phi tập trung thiếu tính thanh khoản khiến tính minh bạch về thông tin TPDN trên thị trường thứ cấp còn kém.

Sản phẩm còn khá đơn giản, chưa đa dạng hóa và chưa đủ hấp dẫn với nhà đầu tư. TPDN trên thị trường hiện nay chủ yếu tập trung ở phân khúc trung hạn, trả lãi coupon cố định hoặc thả nổi. Trái phiếu có kỳ hạn trên 10 năm chiếm tỷ lệ phát hành rất thấp, khoảng 12%. Các trái phiếu kèm quyền mua/chứng quyền đã được phát hành nhưng chiếm tỷ lệ rất thấp trong tổng khối lượng phát hành. Chưa có các hình thức như trái phiếu gắn với chỉ số lạm phát, trái phiếu nội tệ phát hành trên thị trường quốc tế. Chưa có sự phát triển mạnh mẽ của thị trường TPDN xanh.

Thị trường chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tổ chức chuyên nghiệp. Hiện nay, các NHTM trong nước là nhà đầu tư lớn nhất trên thị trường TPDN. Nhà đầu tư trên thị trường TPDN chưa đa dạng, thiếu vắng các nhà đầu tư chuyên nghiệp dài hạn, các nhà đầu tư có tổ chức, các quỹ đầu tư mục tiêu, quỹ hưu trí nên nhu cầu đầu tư trên thị trường thiếu bền vững.

Nhiều doanh nghiệp lớn vi phạm pháp luật trong phát hành, phân phối trái phiếu riêng lẻ trong năm 2022 làm cho niềm tin của nhà đầu tư cá nhân vào TPDN đã suy giảm xuống mức rất thấp.

Thiếu vắng các tổ chức định mức tín nhiệm và các dịch vụ định mức tín nhiệm. Ngoài ra, hệ thống công nghệ thông tin hỗ trợ hoạt động của thị trường TPDN vẫn chưa hoàn thiện.

GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG THỊ TRƯỜNG TRÁI PHIẾU DOANH NGHIỆP TRONG GIAI ĐOẠN TỚI

Để khắc phục các hạn chế trong phát triển thị trường TPDN, đồng thời để thị trường này phát triển bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế, cần triển khai đồng bộ các giải pháp từ nhiều bên liên quan như sau:

Nhóm giải pháp đối với doanh nghiệp

Một là, tái cấu trúc doanh nghiệp, nâng cao giá trị doanh nghiệp tạo sự hấp dẫn cho các nhà đầu tư đối với trái phiếu doanh nghiệp. Trước tiên, doanh nghiệp cần tối ưu hóa cơ cấu tài chính thông qua giảm tỷ lệ nợ vay để cải thiện hệ số an toàn tài chính, giúp TPDN được đánh giá có rủi ro thấp hơn. Tái cơ cấu các khoản vay ngắn hạn thành dài hạn, giảm áp lực thanh khoản. Tăng vốn chủ sở hữu thông qua phát hành cổ phiếu hoặc giữ lại lợi nhuận để củng cố nền tảng tài chính. Ngoài ra, doanh nghiệp cần nâng cao giá trị TPDN trên cơ sở hợp tác với các tổ chức xếp hạng tín nhiệm (như FiinRatings tại Việt Nam hoặc S&P, Moody’s quốc tế) để đánh giá và công bố xếp hạng tín nhiệm, giúp nhà đầu tư đánh giá rủi ro tốt hơn. Cung cấp thông tin tài chính minh bạch, bao gồm báo cáo kiểm toán độc lập.

Hai là, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro, góp phần bảo vệ quyền lợi của các nhà đầu tư TPDN. Doanh nghiệp cần phải đảm bảo được sự minh bạch về tài chính và đảm bảo độ trung thực, tin cậy của báo cáo tài chính. Điều này tất yếu đòi hỏi công tác kiểm toán định kỳ phải được làm tốt. Tiếp theo đó, lãnh đạo doanh nghiệp cũng cần phải thay đổi tư duy khi lập phương án sử dụng vốn, nhà đầu tư phải được cung cấp đủ thông tin chính xác, đầy đủ để đánh giá, thẩm định dự án đầu tư.

Ba là, thúc đẩy phát hành TPDN trên thị trường quốc tế. Quá trình phát hành trái phiếu quốc tế khá phức tạp và đòi hỏi doanh nghiệp phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng cho đợt phát hành như: phương án huy động và sử dụng vốn hiệu quả, đáp ứng đủ điều kiện và qui định phát hành trái phiếu quốc tế, đánh giá xếp hạng tín nhiệm theo tiêu chuẩn và thông lệ quốc tế…

Nhóm giải pháp đối với cơ quan quản lý nhà nước

Thứ nhất, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô. Để có thị trường TPDN phát triển sâu rộng, trước hết nền kinh tế phải phát triển ổn định. Khi kinh tế phát triển, thu nhập của người dân được cải thiện, tỷ lệ tiết kiệm tăng cùng với sự thay đổi trong thói quen đầu tư của người dân sẽ khiến nguồn vốn của thị trường TPDN sẽ dồi dào hơn. Do đó, Chính phủ cần ổn định các chính sách như chính sách lãi suất, chính sách cung tiền, chính sách tỷ giá, chính sách sách tăng trưởng kinh tế và kiềm chế lạm phát trong thời gian dài để tạo niềm tin và động lực cho các nhà đầu tư mua TPDN.

Thứ hai, hoàn thiện các khung pháp lý của thị trường TPDN Việt Nam theo hướng chặt chẽ hơn nhưng vẫn tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi trong hoạt động huy động vốn. Đồng thời, tiếp tục hoàn thiện và tổ chức triển khai cơ chế chính sách mới nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường

Thứ ba, nâng cao vai trò và trách nhiệm của các cơ quan quản lý trong quản lý thị trường TPDN. Cần có quy định cụ thể trách nhiệm của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam là những cơ quan quản lý chuyên ngành trong quản lý giám sát hoạt động phát hành, cung cấp dịch vụ về TPDN đối với công ty chứng khoán và các tổ chức tín dụng. Cần có sự tập trung đầu mối quản lý thị trường TPDN tại Ủy ban Chứng khoán Nhà nước theo hướng phân biệt cách thức quản lý giám sát giữa trái phiếu phát hành ra công chúng (được cấp phép) với phát hành TPDN riêng lẻ (hậu kiểm thông qua các tổ chức cung cấp dịch vụ).

Tài liệu tham khảo:

1. Hartmann, P., Heider, F., Papaioannou, E., Duca, M. L. (2007). The Role of Financial Markets and Innovation in Productivity and Growth in Europe. Occational paper series, 72(2), 34-42.

2. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam - VBMA (2020-2024). Báo cáo phát triển thị trường trái phiếu Việt Nam các năm từ năm 2020 đến năm 2024.

3. Svirydzenka K. (2016). Introducing a new broad - based index of financial development. IMF Working Paper, No. 16/5

4. Tổng cục Thống kê (2020-2024), Báo cáo Tình hình kinh tế - xã hội các năm từ năm 2021 đến năm 2024.

5. VIS Rating (2020-2024), Báo cáo xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp các năm từ năm 2020 đến năm 2024.

Ngày nhận bài: 15/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 7/7/2025; Ngày duyệt đăng: 8/7/2025