
Hệ thống tên lửa Patriot (Ảnh: AFP).
Mỹ chỉ còn khoảng 25% số tên lửa Patriot cần thiết cho các kế hoạch quân sự, một phần do viện trợ cho Trung Đông làm cạn kho vũ khí, Guardian dẫn 4 nguồn tin nắm rõ sự việc, đưa tin.
Lượng dự trữ tên lửa đánh chặn Patriot của Mỹ đã giảm mạnh đến mức Lầu Năm Góc lo ngại điều này có thể làm tổn hại các hoạt động quân sự tiềm tàng của Mỹ. Do đó, Thứ trưởng Quốc phòng Steve Feinberg đã ra lệnh tạm ngừng một số lô hàng để tiến hành kiểm tra điểm đến của các loại vũ khí.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 7/7 tuyên bố sẽ “gửi thêm vũ khí phòng thủ" cho Ukraine, song không nói rõ liệu các hệ thống Patriot có nằm trong số đó.
Trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, ông Trump khẳng định ông không ra lệnh dừng viện trợ, mà chỉ yêu cầu rà soát lại kho đạn của Mỹ, chứ không ra lệnh đóng băng hoàn toàn.
Tuy nhiên, các nguồn tin cho biết quyết định dừng một số chuyến hàng, được đưa ra từ tháng trước, dựa trên dữ liệu từ hệ thống theo dõi đạn dược toàn cầu của Lầu Năm Góc, vốn quy định mức tối thiểu cần thiết để thực hiện các kế hoạch tác chiến của quân đội Mỹ.
Kể từ khi bắt đầu chương trình viện trợ quân sự cho Ukraine dưới thời Tổng thống tiền nhiệm Joe Biden, một số loại đạn dược thiết yếu đã liên tục ở dưới ngưỡng tối thiểu này.
Theo các nguồn tin, chính quyền Trump bắt đầu xem xét tình trạng cạn kiệt của các kho tên lửa Patriot và các loại đạn dược khác từ khoảng tháng 2. Vấn đề trở nên cấp bách hơn khi Mỹ triển khai thêm tên lửa đánh chặn tới Trung Đông để hỗ trợ hoạt động quân sự ở Israel.
Tình hình càng xấu đi sau khi ông Trump ra lệnh tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran vào tháng trước, dẫn đến Tehran trả đũa, khiến Mỹ đã phóng khoảng 30 tên lửa Patriot để đánh chặn các tên lửa đạn đạo của Iran.
Việc tiêu hao nhanh chóng số lượng Patriot và đạn dược khác đã dẫn đến một "bản ghi nhớ khuyến nghị" từ Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách chính sách Elbridge Colby. Tài liệu này đề xuất các phương án bảo tồn vũ khí và được gửi lên văn phòng của ông Feinberg.
Sau đó, ông Feinberg đưa ra quyết định, và Bộ trưởng Quốc phòng Pete Hegseth đã phê duyệt. Một phần viện trợ sẽ tiếp tục, nhưng chưa rõ có bao gồm đạn dược thiết yếu hay không
Các quan chức Nhà Trắng và Lầu Năm Góc xác nhận rằng một số lô vũ khí sẽ tiếp tục được chuyển tới Ukraine theo chỉ đạo của Tổng thống Trump, nhưng không nêu rõ liệu các loại đạn dược đang ở mức nguy cấp có nằm trong số này hay không.
Mỹ viện trợ vũ khí cho Ukraine theo hai kênh chính gồm: Rút trực tiếp từ kho của Lầu Năm Góc; sáng kiến Hỗ trợ An ninh Ukraine (USAI), theo đó Lầu Năm Góc ký hợp đồng với các nhà sản xuất để chế tạo vũ khí cho Ukraine.
Các nguồn tin cho biết cả hai kênh viện trợ đều bị ảnh hưởng bởi lệnh tạm ngưng, vì Lầu Năm Góc ưu tiên bổ sung kho dự trữ của chính mình, sử dụng chính các nhà thầu đang sản xuất vũ khí cho Ukraine theo chương trình USAI.