
Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev (Ảnh: Sputnik).
"Nếu có một giải thưởng quốc gia cho lao động cần mẫn ở Mỹ, thì tổng thống đương nhiệm sẽ nhận được giải thưởng này trong 100 ngày đầu tiên tại nhiệm, đặc biệt là vì đã phát động cuộc chiến thuế quan", Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev bình luận trên Telegram hôm 1/5.
Theo cựu Tổng thống Nga Medvedev, các nước láng giềng gần gũi của Mỹ, cùng với Anh và toàn bộ châu Âu, đang phải hứng chịu các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump.
Ông Medvedev cho rằng nền kinh tế Trung Quốc có thể chống chịu trước bất kỳ sức ép nào từ Mỹ.
"Đối với Trung Quốc, họ có nguồn tài nguyên khổng lồ và thị trường nội địa khổng lồ, đó là lý do nền kinh tế của họ chắc chắn sẽ chống chịu được trước bất kỳ áp lực nào. Vì vậy, ông Trump đã gặp phải rủi ro ở đây", quan chức Nga nhận định.
Theo ông Medvedev, Nga gần như không có giao dịch thương mại với Mỹ, vì vậy "mức thuế quan tàn khốc mới" không áp dụng với Moscow.
"Các mức thuế đó sẽ không có ý nghĩa gì vì số biện pháp trừng phạt (áp lên Nga) đã lên tới 30.000", cựu Tổng thống Nga nhấn mạnh.
Kể từ khi xung đột với Ukraine leo thang năm 2022, Mỹ đã áp hàng loạt biện pháp trừng phạt lên Nga, nhắm vào các thể chế tài chính, thương mại và xuất khẩu năng lượng.
Dù Tổng thống Donald Trump từng bày tỏ mong muốn hợp tác đôi bên cùng có lợi với Nga, ông cũng không ngần ngại cảnh báo tăng cường sức ép, bao gồm cả trừng phạt, nếu nhận thấy Moscow không đàm phán thiện chí về Ukraine.
Thượng nghị sĩ Lindsey Graham tuần này cho biết đã giành được sự ủng hộ rộng rãi tại Thượng viện Mỹ cho một dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt cứng rắn mới đối với Nga và áp thuế cao với các quốc gia mua những mặt hàng xuất khẩu chủ chốt của Moscow.
Nga lâu nay chỉ trích các lệnh trừng phạt phương Tây là bất hợp pháp và khẳng định chúng không gây thiệt hại kinh tế lâu dài. Moscow cũng thể hiện sẵn sàng tìm giải pháp xung đột khi đơn phương công bố các lệnh ngừng bắn.
Tổng thống Trump hồi tháng 4 tuyên bố áp thuế với hơn 185 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng không áp thuế với Nga.
"Lý do chúng tôi không áp thuế quan đối ứng với Nga là bởi vì thực tế chúng tôi không làm ăn với Nga, họ đang trong tình trạng chiến tranh", ông Trump nói.
Một quan chức Nhà Trắng cũng giải thích, Nga không có tên trong danh sách áp thuế đối ứng "vì các lệnh trừng phạt từ cuộc xung đột ở Ukraine đã khiến thương mại giữa Mỹ và Nga bằng 0".
Các nước như Cuba, Triều Tiên cũng được miễn trừ áp dụng thuế đối ứng do đang gánh chịu các lệnh trừng phạt nặng nề từ Mỹ.
Trong khi đó, ông Trump đã mạnh tay áp thuế với hàng hóa Trung Quốc, ban đầu là mức thuế 20% với toàn bộ hàng hóa Trung Quốc. Mức thuế này đã tăng lên 145% sau các động thái trả đũa thuế quan qua lại giữa Washington và Bắc Kinh. Trong khi đó, Trung Quốc cũng áp thuế 125% với hàng hóa Mỹ.
Sau khi bị áp thuế đối ứng từ phía Mỹ, Bắc Kinh đáp trả bằng cách nâng thuế đối với hàng hóa Mỹ và không chủ động đề nghị đàm phán, cho rằng đối thoại chỉ có thể diễn ra trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau và bình đẳng.