Ông Putin: Hy vọng Nga không phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine

04/05/2025 20:17

() - Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết cho đến thời điểm hiện tại Moscow không phải sử dụng vũ khí hạt nhân trong chiến dịch quân sự ở Ukraine và hy vọng trong tương lai cũng vậy.

Ông Putin: Hy vọng Nga không phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine - 1

Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).

"Chúng tôi không cần phải sử dụng vũ khí hạt nhân. Và tôi hy vọng là sẽ không cần thiết", Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời phóng viên ngày 4/5.

Ông nói thêm: "Chúng ta có đủ sức mạnh và phương tiện để đưa chiến dịch bắt đầu vào năm 2022 đến kết quả hợp lý với kết quả mà Nga mong muốn".

Năm ngoái, Tổng thống Putin phê chuẩn học thuyết hạt nhân sửa đổi, hạ thấp ngưỡng sử dụng hạt nhân, vạch lằn ranh đỏ mới với phương Tây.

Theo học thuyết, hoạt động răn đe hạt nhân sẽ nhằm vào "một đối thủ tiềm tàng, có thể bao gồm các quốc gia riêng lẻ và các liên minh quân sự (khối, liên minh) coi Nga là đối thủ tiềm tàng và sở hữu vũ khí hạt nhân và/hoặc vũ khí hủy diệt hàng loạt khác, hoặc có năng lực chiến đấu đáng kể của các lực lượng đa nhiệm".

Học thuyết quy định Nga cũng sẽ tiến hành răn đe hạt nhân đối với các quốc gia cung cấp lãnh thổ, hải phận, không phận và tài nguyên của họ để tấn công Nga.

Học thuyết sửa đổi nêu rõ, bất kỳ cuộc tấn công nào của một cường quốc phi hạt nhân được hỗ trợ bởi một cường quốc hạt nhân sẽ bị coi là cuộc tấn công chung nhằm vào Nga. Bất kỳ cuộc tấn công nào của một thành viên trong khối quân sự cũng sẽ bị coi là cuộc tấn công của toàn bộ liên minh.

Theo học thuyết, Tổng thống Nga là người có thẩm quyền tối cao về việc sử dụng vũ khí hạt nhân.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết, việc sửa đổi học thuyết là cần thiết để phù hợp với bối cảnh hiện tại.

Nga cũng phóng tên lửa siêu vượt âm tầm trung thế hệ mới Oreshnik vào cơ sở công nghiệp quân sự ở Ukraine. Tuy nhiên, ông Putin cũng nêu rõ, Oreshnik không phải là vũ khí hủy diệt hàng loạt mà là vũ khí có độ chính xác cao không mang theo đầu đạn hạt nhân và Oreshnik hiện không có đối thủ trên thế giới.

Moscow từng cảnh báo đáp trả hạt nhân nếu NATO can thiệp sâu vào cuộc xung đột ở Ukraine như triển khai quân đến nước này hay cấp cho Kiev những vũ khí tầm xa tấn công sâu vào lãnh thổ Nga. Mặc dù vậy, đến nay, không có dấu hiệu nào cho thấy Moscow sẽ thực hiện một cuộc tấn công bằng vũ khí hạt nhân vào Ukraine.

Một số đối tác phương Tây đang để ngỏ phương án đưa lực lượng quân sự đến Ukraine theo hình thức lực lượng gìn giữ hòa bình sau khi Kiev và Moscow đạt được thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng.

Tuy nhiên, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nhấn mạnh, lực lượng quân sự nước ngoài chỉ triển khai ở Ukraine sau khi xung đột với Nga kết thúc.

"Không ai mạo hiểm gửi quân đội của họ đến Ukraine để bị lôi kéo vào hành động quân sự", ông nói.

Ông Zelensky xác nhận sự tồn tại của liên minh bao gồm các quốc gia sẵn sàng xem xét việc gửi các lực lượng quân sự đến Ukraine sau cuộc xung đột.

Trang RBC tháng trước đưa tin, Anh và Pháp đang dẫn đầu các cuộc thảo luận về kịch bản triển khai lực lượng quân sự từ 30 quốc gia đến Ukraine, nhưng thời gian và địa điểm triển khai vẫn chưa chắc chắn. Hiện chỉ có 5-6 nước, bao gồm cả các quốc gia vùng Baltic, bày tỏ mong muốn tham gia.

Ông Zelensky cho biết, các cuộc thảo luận về lực lượng này đang diễn ra theo hai hình thức. Hình thức đầu tiên liên quan đến một lực lượng lớn không có sự đảm bảo an ninh trực tiếp từ Mỹ. Hình thức thứ hai liên quan đến một số lượng quân ít hơn, nhưng có sự tham gia của các cơ chế tương tự như Điều 5 của Hiến chương NATO, trong đó một cuộc tấn công vào một quốc gia được coi là một cuộc tấn công vào toàn bộ liên minh này.

Bạn đang đọc bài viết "Ông Putin: Hy vọng Nga không phải sử dụng vũ khí hạt nhân ở Ukraine" tại chuyên mục Thế giới. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.