
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 19/4 bất ngờ tuyên bố một "lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh", kéo dài từ 18h tối 19/4 đến rạng sáng 21/4 (giờ Moscow). Bộ Quốc phòng Nga tuyên bố lực lượng Nga sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn, "với điều kiện Kiev cũng làm như vậy".
Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích chính sách an ninh cấp cao tại Văn phòng Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, nói với hãng tin Sputnik rằng lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh của Tổng thống Putin thể hiện rõ mong muốn của Nga là chấm dứt cuộc khủng hoảng Ukraine.
"Tôi nghĩ Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng muốn xúc tiến mọi việc. Điều này làm tăng mong muốn của ông Trump trong việc đổi mới mối quan hệ ngoại giao giữa Nga - Mỹ và cuối cùng là công nhận Nga là đối tác chiến lược bình đẳng", ông Maloof nói.
Theo Tổng thống Putin, hiệu quả của lệnh ngừng bắn sẽ "kiểm tra sự chân thành của Ukraine trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình". Ông cũng cho biết thước đo thực sự về ý định hòa bình của Ukraine sẽ được tiết lộ qua các hành động của nước này trong suốt thời gian diễn ra lễ Phục sinh.
Gilbert Doctorow, nhà phân tích về quan hệ quốc tế và các vấn đề của Nga tại Brussels, nói rằng thông báo ngừng bắn vào lễ Phục sinh của Tổng thống Putin là một tín hiệu cho thấy Moscow đã sẵn sàng cho hòa bình.
"Đề xuất của ông Putin là một động thái tuyệt vời của Nga", chuyên gia Doctorow lưu ý, tuy nhiên, ông không kỳ vọng Kiev sẽ chấp nhận lệnh ngừng bắn do Moscow đề xuất.
Nga muốn xoa dịu Mỹ?
Thông báo của Tổng thống Putin được đưa ra chỉ vài giờ sau khi Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio và Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố, Washington cần một dấu hiệu khẩn cấp trong những ngày tới cho thấy Điện Kremlin nghiêm túc về đạt được giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột Ukraine.
Theo các nhà phân tích, một lệnh ngừng bắn thực sự đòi hỏi các bên phải đàm phán trước với nhau và chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để lệnh ngừng bắn có hiệu lực. Tuy nhiên, trong trường hợp này, phía Nga đã đơn phương đưa ra lệnh ngừng bắn và động thái này diễn ra hoàn toàn bất ngờ.
Các nhà phân tích cho rằng, hành động vội vã đột ngột của Nga dường như nhằm xoa dịu Mỹ và đáp lại yêu cầu của Nhà Trắng về việc Moscow phải bật tín hiệu sẵn sàng ngừng giao tranh ở Ukraine.
Tổng thống Donald Trump trước đó tuyên bố ông mong đợi phản hồi từ Nga về thỏa thuận hòa bình được đề xuất với Ukraine vào cuối tuần này.
Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng vào ngày 17/4, Tổng thống Trump nhắc lại rằng ông muốn nhanh chóng chấm dứt xung đột Ukraine. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng muốn nghe phản hồi của Nga về đề xuất ngừng bắn toàn diện ngay trong tuần này.
"Chúng tôi muốn nghe từ họ trong tuần này. Thực ra là rất sớm thôi và chúng tôi sẽ chờ xem. Nhưng chúng tôi muốn việc giết chóc phải chấm dứt", ông Trump nói.
Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio cảnh báo Washington có thể từ bỏ nỗ lực đạt được thỏa thuận hòa bình giữa Moscow và Kiev nếu cảm thấy không có tiến triển nào về vấn đề này.
"Nếu không thể chấm dứt chiến tranh ở Ukraine, chúng tôi sẽ rời đi. Chúng ta cần phải xác định rất nhanh ngay bây giờ, ý tôi nói là trong vòng vài ngày, liệu điều này (đạt thỏa thuận hòa bình) có khả thi hay không", Ngoại trưởng Rubio nói hôm 18/4.
Đáp lại, Điện Kremlin mô tả các cuộc đàm phán đang diễn ra về xung đột Ukraine là "khó khăn", nhưng Nga vẫn cam kết đạt được một giải pháp.
Earl Rasmussen, một trung tá đã nghỉ hưu với hơn 20 năm phục vụ trong quân đội Mỹ và là cố vấn quốc tế, cho rằng Ukraine chưa sẵn sàng ngừng bắn và quân đội Nga phải chuẩn bị cho các hành động vi phạm lệnh ngừng bắn có thể xảy ra của Kiev.
Ông Rasmussen nói thêm rằng Tổng thống Zelensky nên nhận ra rằng lệnh ngừng bắn là "dành cho binh sĩ và người dân của ông ấy".
Theo chuyên gia Maloof, mọi sự chú ý bây giờ đều đổ dồn vào phản ứng của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Trước đó, chuyên gia nhận định Tổng thống Zelensky đã cho thấy ông không thể duy trì các thỏa thuận, đặc biệt là lệnh ngừng bắn đối với các cơ sở năng lượng.
"Điều đó sẽ nói lên tất cả. Nó sẽ báo hiệu cho ông Trump liệu ông ấy có thực sự có thể đối phó với ông Zelensky hay không", chuyên gia nhận định.
Larry Johnson, cựu sĩ quan Cục Tình báo Trung ương Mỹ, nhận định tuyên bố ngừng bắn vào lễ Phục sinh của Tổng thống Putin không làm thay đổi các điều kiện của Nga về giải quyết xung đột Ukraine.
"Lệnh ngừng bắn tạm thời vào lễ Phục sinh là một món quà của Tổng thống Vladimir Putin, cũng như một thông điệp gửi đến ông Donald Trump, rằng ông Putin nghiêm túc về việc chấm dứt chiến tranh, nhưng phải thực hiện theo đúng cách", ông Johnson nhấn mạnh.
Lệnh ngừng bắn có thể khả thi?
Việc Tổng thống Putin bất ngờ công bố lệnh ngừng bắn có thể dẫn đến sự gián đoạn trong hoạt động hậu cần của Ukraine, khi lực lượng Kiev ngay lập tức phải ngừng giao tranh theo lệnh của nhà lãnh đạo Nga.
Một số vị trí tiền tuyến có thể rơi vào trạng thái đóng băng khi lệnh ngừng bắn được đưa ra, khi quân đội Ukraine chưa có sự chuẩn bị, thậm chí chưa sẵn sàng ngừng giao tranh.
Tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga có thể khiến quân đội Ukraine bối rối về việc thực thi lệnh ngừng bắn, cách ứng phó với các hành động vi phạm lệnh, thậm chí không biết phải làm gì khi lệnh này kết thúc.
Các nhà phân tích đã chỉ ra 2 kịch bản có thể xảy ra trong bối cảnh hiện nay.
Kịch bản thứ nhất là lệnh ngừng bắn có thể chứng minh nỗ lực của cả Nga và Ukraine trong việc chấm dứt giao tranh trong thời gian ngắn.
Trong khi đó, kịch bản có khả năng xảy ra cao hơn là hai bên sẽ tiếp tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn để chứng minh đối phương không đáng tin cậy, từ đó tiếp tục giao tranh sau khi lệnh ngừng bắn kết thúc.
Trước đó, Nga và Ukraine cũng nhất trí tạm dừng tấn công cơ sở hạ tầng năng lượng của nhau trong 30 ngày. Tuy nhiên, cả hai bên liên tục cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn này.
Sau khi công bố lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh, Tổng thống Putin đã chỉ đạo các lực lượng vũ trang Nga duy trì tình trạng báo động cao và sẵn sàng "đáp trả mọi hành động vi phạm hoặc khiêu khích" của quân đội Ukraine. Ông đã viện dẫn lệnh ngừng bắn về cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày do Mỹ làm trung gian hồi tháng 3, mà theo Bộ Quốc phòng Nga, Ukraine đã vi phạm khoảng 100 lần.
Trong khi đó, Tổng thống Zelensky cho biết các báo cáo từ quân đội Ukraine chỉ ra rằng Nga vẫn chưa dừng các cuộc tấn công vào tiền tuyến và Kiev sẽ phản ứng "theo cách tương tự" với các hành động của Nga, hoặc tuân thủ lệnh ngừng bắn thực sự hoặc đáp trả bằng hỏa lực.
"Sẽ có phản ứng tương thích đối với mọi cuộc tấn công của Nga", ông Zelensky nói sau khi Nga công bố lệnh ngừng bắn.
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha cũng tỏ ra hoài nghi về tuyên bố ngừng bắn của Tổng thống Putin, khi đề cập đến việc Moscow liên tục bác bỏ lệnh ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày do Mỹ đề xuất.
"Bây giờ ông Putin đã đưa ra tuyên bố về việc sẵn sàng ngừng bắn. 30 giờ thay vì 30 ngày. Chúng tôi có nhiều kinh nghiệm khi tuyên bố của ông ấy không trùng khớp với hành động. Chúng tôi biết rằng lời nói của ông ấy không đáng tin và chúng tôi sẽ xem xét hành động, không phải lời nói", nhà ngoại giao Ukraine nhấn mạnh.