
Các máy bay ném bom Tu-95 của Nga (Ảnh minh họa: Pravda).
Theo nguồn tin tình báo mã nguồn mở từ AMK Mapping, hôm 18/7, hai máy bay ném bom chiến lược Tu-95MS của Nga đã cất cánh từ căn cứ không quân Belaya ở tỉnh Irkutsk, cách biên giới Ukraine khoảng 3.800km.
Được hỗ trợ bởi hai máy bay tiếp dầu Il-78, các máy bay này đã bay qua phần lớn lãnh thổ Nga và phóng khoảng 9 tên lửa hành trình Kh-101 từ khu vực thường được sử dụng ở Engels, tỉnh Saratov.
Belaya là một căn cứ xa xôi ở phía Đông Siberia, chưa từng được ghi nhận là điểm xuất phát cho các đợt không kích vào Ukraine. Việc lựa chọn nơi này cho thấy Nga đang chủ ý thay đổi quy luật tấn công, nhằm làm rối loạn hệ thống phòng thủ và radar của Ukraine.
Sau khi hoàn tất sứ mệnh, cả hai chiếc Tu-95MS và máy bay tiếp dầu Il-78 đều hạ cánh xuống căn cứ Engels-2 ở Saratov.
Với việc kết hợp đường bay kéo dài và tiếp nhiên liệu giữa không trung, Nga có thể triển khai tấn công từ bất kỳ nơi nào trong lãnh thổ rộng lớn của mình, đồng thời giữ cho kẻ thù trong trạng thái bị động. Đây được xem là chiến lược tăng độ bất ngờ và giảm nguy cơ bị đánh trả cho lực lượng máy bay ném bom vốn đã cũ nhưng vẫn hiệu quả của Nga.
Chiến thuật tấn công mới của Nga
Cả hai máy bay ném bom Tu-95MS của Nga đều là loại được thiết kế từ thời Chiến tranh Lạnh, với khả năng mang theo tên lửa hành trình tầm xa. Tên lửa Kh-101 mà chúng sử dụng có tầm bắn hơn 2.500km, tích hợp hệ thống dẫn đường vệ tinh và quán tính, có khả năng tấn công chính xác vào các mục tiêu chiến lược như cơ sở quân sự, trung tâm hạ tầng quan trọng.
Các máy bay Il-78 đóng vai trò then chốt, tiếp nhiên liệu trên không trong suốt hành trình dài gần 4.000km, giúp Tu-95 duy trì độ cao và thời gian bay cần thiết. Việc điều phối giữa máy bay ném bom và máy bay tiếp dầu cho thấy trình độ kỹ thuật và khả năng duy trì hoạt động đường dài của Không quân Nga.
Nga dường như đang tận dụng lợi thế chiều sâu chiến lược để gây rối loạn khả năng ứng phó của Ukraine. Việc thay đổi điểm xuất phát cuộc tấn công không chỉ làm phức tạp hệ thống radar và theo dõi của đối phương, mà còn kéo giãn tài nguyên phòng không vốn đã hạn chế của Ukraine.
Các tuyến bay bất thường từ Irkutsk buộc Ukraine phải mở rộng phạm vi giám sát và tái phân bổ lực lượng phòng không, vốn chủ yếu tập trung vào các căn cứ không quân gần biên giới như Engels hay Olenya.
Bên cạnh đó, chiến thuật này cũng giảm nguy cơ Nga mất máy bay ném bom vào các đợt phản công hoặc máy bay không người lái cảm tử của Ukraine, điều từng xảy ra với một số căn cứ gần tiền tuyến.
Việc Nga lần đầu tiên sử dụng Belaya làm điểm xuất phát có thể báo hiệu một giai đoạn mới trong chiến lược không kích: khai thác tối đa lãnh thổ rộng lớn để phân tán và đánh lạc hướng đối phương. Nếu mô hình này được lặp lại, Ukraine sẽ phải đối mặt với chi phí rất lớn để mở rộng hệ thống cảnh báo sớm, triển khai radar tầm xa, và dự phòng cho các kịch bản tấn công từ nhiều hướng.
Ngoài ra, sử dụng máy bay tiếp dầu cho phép Nga duy trì tính linh hoạt cao, thậm chí có thể mở rộng tầm tấn công từ các căn cứ xa hơn ở vùng Viễn Đông. Đây là đòn tâm lý nghiêm trọng, khi Ukraine nhận ra rằng không còn khu vực nào trong không phận Nga là hoàn toàn “an toàn” để loại trừ khỏi khả năng khởi phát tấn công.
Điều này đặt ra một thách thức ngày càng lớn cho hệ thống phòng không Ukraine và cả cho các đối tác phương Tây đang hỗ trợ Kiev.
Nếu xu hướng này tiếp tục, không gian tác chiến trên không sẽ ngày càng trở nên phức tạp, buộc Ukraine và NATO phải đầu tư mạnh hơn vào các giải pháp phát hiện và ngăn chặn tầm xa, một nhiệm vụ khó khăn trong bối cảnh xung đột đã kéo dài hơn 3 năm.