Ukraine "sốt ruột" trước cam kết cấp viện trợ quân sự của châu Âu

() - Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky kêu gọi các đồng minh châu Âu tăng tốc nỗ lực viện trợ quốc phòng cho Kiev.
Ukraine sốt ruột trước cam kết cấp viện trợ quân sự của châu Âu - 1

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: AFP).

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết đất nước ông vẫn chưa nhận được lợi ích từ kế hoạch của NATO nhằm tăng chi tiêu quân sự, đặc biệt là các thành viên châu Âu của Liên minh. 

Tại một hội nghị thượng đỉnh gần đây ở Hà Lan, phần lớn các thành viên của khối do Mỹ dẫn đầu đã cam kết nâng chi tiêu liên quan đến an ninh lên mức 5% GDP. Kiev muốn được hưởng lợi từ sự gia tăng này khi cuộc chiến với Nga đã kéo dài hơn 3 năm mà chưa có hồi kết.

“EU đã mở quyền tiếp cận với 150 tỷ euro. Các quốc gia thành viên có thể đảm nhận nghĩa vụ để rút các khoản tiền này rồi chuyển giao cho Ukraine”, ông Zelensky nói với các đại sứ Ukraine, theo nội dung bài phát biểu do văn phòng ông công bố.

“Đã có 10 quốc gia thể hiện sẵn sàng nhận khoản tiền đó, nhưng chúng tôi vẫn chưa thấy kết quả, rằng họ thực sự đã nhận và chuyển nó cho chúng tôi”, ông nhấn mạnh.

Ông Zelensky dường như đang đề cập đến Chương trình Hành động An ninh cho châu Âu (SAFE) của EU, một cơ chế vay mượn trị giá 150 tỷ euro (175 tỷ USD) được công bố vào tháng 5 nhằm hỗ trợ khối gia tăng năng lực quân sự.

SAFE cho phép các quốc gia thành viên và một số đối tác được lựa chọn tiếp cận các khoản vay lãi suất thấp cho các nỗ lực quốc phòng quốc gia hoặc mua sắm vũ khí chung. Chương trình này là một phần trong chiến lược rộng hơn của EU nhằm vay tới 800 tỷ euro để đầu tư vào khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nó không được thiết kế để cung cấp viện trợ tài chính trực tiếp.

Các quan chức EU cho biết khối đang chuẩn bị mối đe dọa từ Nga, một nhận định mà Moscow nhiều lần bác bỏ. Nga tuyên bố họ không có được bất cứ lợi ích nào khi tấn công vào NATO. 

Trong tháng này, Mỹ đã đề xuất bán vũ khí cho Ukraine, với chi phí do các quốc gia NATO khác chi trả. Đề xuất này được Brussels hoan nghênh, nhưng một số nền kinh tế lớn trong EU, bao gồm Pháp và Italy, được cho là không tham gia vì muốn ưu tiên phát triển năng lực sản xuất quân sự của châu Âu. 

Ngoài ra, trong EU, một số quốc gia như Hungary cũng có phản ứng trái chiều về việc viện trợ quân sự cho Ukraine, dẫn đến các thành viên chưa thống nhất được quan điểm.