
Căng thẳng giữa Nga và EU leo thang (Ảnh: AFP).
Ngày 22/7, Bộ Ngoại giao Nga tuyên bố đã mở rộng đáng kể danh sách các đại diện của Liên minh châu Âu (EU) và các quốc gia châu Âu bị cấm nhập cảnh vào Nga.
Bộ Ngoại giao Nga cho biết động thái này là phản ứng trực tiếp đối với các gói trừng phạt mà EU thông qua vào ngày 20/5 và 18/7, mà Moscow gọi là “phạm luật và thù địch”.
"Danh sách những người bị cấm nhập cảnh vào Nga, bao gồm đại diện các thể chế châu Âu, các quốc gia thành viên EU và các nước châu Âu khác tham gia vào chính sách chống Nga, đã được mở rộng đáng kể", thông cáo của Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
Trong danh sách cấm nhập cảnh có nhân viên cơ quan thực thi pháp luật, tổ chức nhà nước và thương mại của các nước EU; Công dân của các nước EU và các quốc gia phương Tây khác liên quan đến việc cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine; Những người bị Nga cáo buộc xâm phạm toàn vẹn lãnh thổ, tổ chức phong tỏa tàu và hàng hóa Nga tại Biển Baltic.
Danh sách cũng bao gồm các quan chức và tổ chức châu Âu liên quan đến điều mà Moscow gọi là “cuộc đàn áp” đối với quan chức Nga, bao gồm cả các hành động bắt giữ và trục xuất người dân từ lãnh thổ Ukraine; Những người tham gia hoặc ủng hộ việc thành lập tòa án quốc tế xét xử lãnh đạo Nga, cũng như ủng hộ tịch thu tài sản quốc gia Nga hoặc chuyển lợi nhuận từ các tài sản đó cho Ukraine; Các chính trị gia và quan chức với “phát ngôn bài Nga”.
Ngoài ra, Moscow cũng tuyên bố trừng phạt các thành viên Nghị viện châu Âu và đại biểu quốc hội các nước EU đã bỏ phiếu cho các nghị quyết “chống Nga”.
Động thái này đánh dấu một bước leo thang mới trong quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Nga và EU trong bối cảnh cuộc chiến tại Ukraine chưa có dấu hiệu hạ nhiệt và phương Tây ngày càng gia tăng sức ép bằng các biện pháp trừng phạt kinh tế, ngoại giao và pháp lý.
Nga tuyên bố các biện pháp mới nhằm bảo vệ lợi ích quốc gia và đáp trả hành động can thiệp từ phương Tây, trong khi EU và các nước đồng minh vẫn tiếp tục ủng hộ Ukraine bằng các gói viện trợ quân sự, tài chính và áp lực chính trị đối với Moscow.
Ngày 18/7, EU đã thông qua gói trừng phạt thứ 18 nhằm vào Nga, sau nhiều tuần trì hoãn do vấp phải sự phản đối từ Slovakia và Malta. Đây được cho là một trong những gói trừng phạt cứng rắn nhất của EU với Nga.
Trong số các biện pháp được thông qua, đáng chú ý là lệnh trừng phạt mới đối với 26 công ty, bị cáo buộc hỗ trợ Nga né tránh các lệnh trừng phạt trước đó. Trong số này có 11 công ty đặt trụ sở bên ngoài Nga.
Đây là dấu hiệu cho thấy EU đang mở rộng phạm vi trừng phạt ra ngoài biên giới Nga, nhắm vào các bên trung gian và đối tác thương mại có vai trò trong việc duy trì chuỗi cung ứng công nghệ, linh kiện và hàng hóa lưỡng dụng phục vụ cho cỗ máy quân sự của Nga.
Các biện pháp trừng phạt mới bao gồm đóng băng tài sản, cấm giao dịch, và hạn chế xuất khẩu các mặt hàng chiến lược. EU tuyên bố sẽ tiếp tục tăng cường giám sát và phối hợp với các quốc gia đồng minh để ngăn chặn hiệu quả việc lách trừng phạt, đặc biệt qua các quốc gia thứ ba.