
Nga vẫn đang cung cấp khí đốt cho châu Âu nhưng đã giảm về lượng so với thời điểm trước năm 2022 (Ảnh: Sputnik).
Trong bối cảnh quan hệ năng lượng giữa châu Âu và Nga gần như đóng băng vì căng thẳng tại Ukraine, 8 nguồn tin am hiểu tiết lộ với truyền thông Anh rằng các quan chức Mỹ và Nga dường như đã có những cuộc thảo luận kín về khả năng Washington hỗ trợ khôi phục hoạt động xuất khẩu khí đốt của Moscow sang châu Âu.
Sau khi xung đột Ukraine nổ ra năm 2022, Liên minh châu Âu (EU) đã cắt giảm nhập khẩu khí đốt Nga. Tuy nhiên, với việc Tổng thống Donald Trump thúc đẩy giải pháp hòa bình tại Ukraine, khả năng tan băng trong quan hệ năng lượng giữa Nga và châu Âu được cho đang dần hiện rõ.
Theo các nguồn tin thân cận với quá trình đàm phán, việc mở đường để Nga trở lại thị trường khí đốt EU có thể là một phần trong thỏa thuận hòa bình giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin.
Dù phần lớn châu Âu đã tìm nguồn cung thay thế, một số nước vẫn tiếp tục mua khí đốt Nga và nhiều quốc gia khác có thể nối lại nhập khẩu nếu hòa bình lập lại ở Ukraine.
Trước chiến sự, Nga nắm giữ 40% thị phần khí đốt châu Âu và con số này hiện giảm còn 19%. Sản lượng hiện nay chủ yếu là khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) và khí vận chuyển qua đường ống TurkStream đi qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Việc Mỹ tham gia vào tiến trình khôi phục xuất khẩu khí đốt Nga không chỉ giúp Moscow vượt qua rào cản chính trị tại châu Âu, mà còn mang lại cho Washington quyền giám sát một phần lượng khí đốt Nga quay lại thị trường EU, theo 2 nguồn tin ngoại giao và 1 nguồn tin từ Nhà Trắng.
Hồi tháng 4, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow sẵn sàng nối lại xuất khẩu khí đốt và tin rằng vẫn còn nhiều khách hàng tiềm năng ở châu Âu. Một số quốc gia như Hungary và Slovakia vẫn tiếp tục mua khí đốt qua tuyến TurkStream, trong khi Bỉ, Pháp, Hà Lan và Tây Ban Nha vẫn mua LNG từ công ty Novatek của Nga theo hợp đồng dài hạn.
Về khả năng Mỹ tham gia, 5 nguồn tin đã đề cập đến việc nhà đầu tư Mỹ mua cổ phần trong hệ thống đường ống Nord Stream nối Nga với Đức, đường ống đi qua Ukraine, hoặc trực tiếp trong Gazprom.
Các công ty Mỹ cũng có thể đóng vai trò bên mua, nhập khẩu khí đốt từ Nga rồi bán lại cho châu Âu. Hai nguồn tin cho biết các phương án này được xem là cách giúp làm dịu sự phản đối chính trị tại châu Âu.
Bất chấp những tín hiệu tích cực từ phía Mỹ và Nga, EU vẫn giữ lập trường cứng rắn và các trở ngại pháp lý đang chờ đợi.
Brussels đang đề xuất cấm các hợp đồng khí đốt mới với Nga từ cuối năm 2025 và chấm dứt nhập khẩu theo hợp đồng cũ vào cuối năm 2027, kế hoạch sẽ cần sự phê chuẩn từ Nghị viện châu Âu cùng đa số các nước thành viên. Hungary và Slovakia hiện là hai nước phản đối đề xuất này.
Trong khi đó, ông Trump cho biết ông kỳ vọng đạt được một thỏa thuận hòa bình tại Ukraine trong thời gian tới, mở đường để cả Nga và Ukraine tăng cường hợp tác kinh tế với Mỹ. Tổng thống Putin tuyên bố Nga sẵn sàng nối lại xuất khẩu khí đốt sang châu Âu ngay lập tức nếu có "ý chí chính trị".
"Một khi đối thoại giữa Nga và Mỹ tiếp tục ở mức độ như hiện tại, khả năng rất cao là khí đốt Nga sẽ quay lại châu Âu, có sự tham gia của các bên trung gian Mỹ", một nguồn tin hiểu biết về đàm phán cho biết.