
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (Ảnh: Tass).
"Việc nhận thức được rằng Thế chiến III là không thể chấp nhận được cũng thể hiện rõ ở nhiều quốc gia khác không phải là thành viên BRICS, bao gồm cả trong các tuyên bố của giới lãnh đạo Mỹ", Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố sau cuộc họp của Ngoại trưởng các nước BRICS (gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) tại Brazil hôm 29/4.
"Đặc biệt, Phó Tổng thống Mỹ JD Vance đã nói về vấn đề này gần đây, cảnh báo tất cả những người đang thúc giục chính quyền Ukraine tiếp tục chiến tranh, những người đang cố gắng lôi kéo châu Âu vào cuộc xung đột này bằng cách triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình và các lực lượng khác ở Ukraine", ông Lavrov cho biết.
Ngoại trưởng Nga đã đề cập đến tuyên bố của lãnh đạo các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc từ tháng 1/2022, trong đó tái khẳng định thỏa thuận giữa Liên Xô và Mỹ rằng không thể giành chiến thắng trong một cuộc chiến tranh hạt nhân và phải ngăn chặn cuộc chiến này.
"Mục tiêu này đang rất cấp bách, đặc biệt trước những hành động và lời kêu gọi thiếu suy nghĩ, hung hăng xuất phát từ giới lãnh đạo các nước Liên minh châu Âu và London", ông Lavrov cảnh báo.
Nhà ngoại giao cấp cao của Nga lưu ý rằng những nỗ lực nhằm ngăn chặn Thế chiến III "hoàn toàn phù hợp với lập trường của BRICS".
"Tuy nhiên, sức mạnh của riêng BRICS vẫn không đủ để biến điều đó thành hiện thực", Ngoại trưởng Nga cho biết.
Theo ông Lavrov, "điều rất quan trọng là phải xác định với các quốc gia trong nhóm 5 nước hạt nhân" về lập trường theo tinh thần các tuyên bố của Liên hợp quốc, trong đó công nhận sự cần thiết của việc ngăn chặn một cuộc xung đột hạt nhân toàn cầu.
Nga cảnh báo quân đội nước ngoài ở Ukraine
Trước đó, trong cuộc phỏng vấn được hãng tin TASS công bố hôm 24/4, Thư ký Hội đồng An ninh Nga Sergei Shoigu cảnh báo sự hiện diện của "lực lượng gìn giữ hòa bình" nước ngoài trên "lãnh thổ lịch sử của Nga" có thể gây ra một cuộc đối đầu trực tiếp giữa Moscow và NATO, từ đó có khả năng leo thang thành Thế chiến III.
Theo ông Shoigu, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Nga, "các chính trị gia ở châu Âu" thừa nhận rủi ro này.
Ông Shoigu cho rằng tên gọi "lực lượng gìn giữ hòa bình" đang được sử dụng để che giấu mục tiêu thực sự là giành quyền kiểm soát lãnh thổ và tài nguyên của Ukraine. Theo ông, lực lượng này nên được mô tả chính xác là lực lượng "xâm chiếm" hoặc "chiếm đóng".
Ông Shoigu cũng tuyên bố Nga đã phản đối sự hiện diện của lực lượng quân sự NATO tại Ukraine ngay cả trước khi xung đột nổ ra. Ông cho biết một trong những lý do chính khiến Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào tháng 2/2022 là do mối đe dọa về cơ sở hạ tầng quân sự của NATO được triển khai tới Ukraine.
Theo ông Shoigu, trước khi chiến sự nổ ra, Anh đã xây dựng một căn cứ hải quân tại thành phố Ochakov thuộc vùng Nikolayev của Ukraine. Ông cho biết cơ sở này được sử dụng để huấn luyện lực lượng đặc nhiệm hải quân Ukraine và đóng vai trò là nền tảng để tiến hành các hoạt động chống lại Nga.
Vào tháng 1 năm ngoái, Kiev và London đã ký thỏa thuận Đối tác 100 năm, trong đó cam kết xem xét việc thiết lập cơ sở hạ tầng quốc phòng tại Ukraine, bao gồm các căn cứ quân sự, trung tâm hậu cần và kho dự trữ thiết bị.
Tháng trước, Thủ tướng Anh Keir Starmer và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết họ sẵn sàng lãnh đạo một liên minh các nước châu Âu để hỗ trợ Kiev bằng lực lượng bộ binh và máy bay nếu Ukraine và Nga đạt được lệnh ngừng bắn.
Các nhà lãnh đạo quốc phòng từ một số quốc gia thành viên NATO - do Anh và Pháp dẫn đầu - đã thảo luận về ý tưởng bố trí lực lượng "gìn giữ hòa bình" tại Ukraine. Họ tuyên bố rằng lực lượng này sẽ đóng góp vào "hòa bình lâu dài" giữa Nga và Ukraine.
Tuy nhiên, Nga đã cảnh báo việc triển khai lực lượng NATO, hoặc quân đội từ các thành viên của khối theo "liên minh tự nguyện" đến Ukraine dưới bất kỳ lý do nào.
Nga đã nhiều lần cảnh báo về việc triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine, nói rằng họ sẽ bị coi là mục tiêu hợp pháp. Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov tuyên bố kế hoạch của phương Tây nhằm đưa lực lượng gìn giữ hòa bình đến Ukraine nhằm củng cố sự hiện diện chống Nga tại đó thay vì theo đuổi một giải pháp thực sự.