
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky (Ảnh: Getty).
Vào tối 10/5, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đề nghị Ukraine khởi động lại các cuộc đàm phán trực tiếp tại Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) mà nước này đã đơn phương từ bỏ vào năm 2022. Ông Putin cho biết Nga sẵn sàng quay lại bàn đàm phán mà không có bất kỳ điều kiện tiên quyết nào.
Đáp lại, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky yêu cầu Nga trước tiên phải đồng ý ngừng bắn trong 30 ngày, bắt đầu từ ngày 12/5.
"Chúng tôi hy vọng Nga sẽ chấp thuận lệnh ngừng bắn - toàn diện, lâu dài và đáng tin cậy - bắt đầu từ ngày mai, ngày 12/5, và Ukraine đã sẵn sàng thực hiện", ông Zelensky cho biết.
Đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Tổng thống Zelensky được đưa ra sau cuộc họp với các nhà lãnh đạo châu Âu tại Kiev hôm 10/5.
Theo ông Rodion Miroshnik, đại sứ lưu động của Bộ Ngoại giao Nga, phản ứng của Kiev trước lời đề nghị đàm phán hòa bình vô điều kiện của Nga cho thấy Tổng thống Zelensky muốn sử dụng lệnh ngừng bắn để tái vũ trang và tập hợp lại lực lượng quân sự của Ukraine.
"Đây có phải là đồng ý bắt đầu đàm phán mà không có điều kiện không?", ông Miroshnik đặt câu hỏi. Ông nói thêm rằng về cơ bản, Tổng thống Zelensky đang "đặt ra các điều kiện tiên quyết" cho các cuộc đàm phán hòa bình vô điều kiện.
Điện Kremlin đã bác bỏ sức ép từ bên ngoài xung quanh lệnh ngừng bắn do Ukraine đề xuất. Moscow nhiều lần cảnh báo Kiev có thể sử dụng lệnh tạm dừng giao tranh để tập hợp lại lực lượng và tăng cường sức mạnh quân sự.
Một số nhà phân tích cho rằng, đề xuất ngừng bắn 30 ngày của Tổng thống Zelensky có thể là một "cái bẫy".
Theo hãng tin Sputnik, bằng cách từ chối mọi lời đề nghị trước đó của Nga, Tổng thống Zelensky và các nước bảo trợ cứng rắn ở châu Âu đang cố gắng lôi kéo Nga vào một thỏa thuận ngừng bắn kéo dài 30 ngày, không hạn chế việc cung cấp vũ khí cho phương Tây và có thể giúp Ukraine có thời gian để tập hợp lại lực lượng và tái vũ trang.
Scott Ritter, cựu sĩ quan tình báo Thủy quân Lục chiến Mỹ, hiện là nhà quan sát quân sự và địa chính trị, nhận định Nga khó có thể chấp nhận yêu cầu ngừng bắn 30 ngày của Tổng thống Zelensky và các lãnh đạo châu Âu.
"Ngay khi Nga đồng ý ngừng bắn 30 ngày, hàng nghìn quân châu Âu sẽ đổ vào Ukraine… Sẽ là tự sát nếu Nga đồng ý ngừng bắn 30 ngày mà không giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột, đó là lý do Nga nhấn mạnh rằng trước tiên phải đàm phán. Trên thực tế, Nga đang hướng đến con đường hòa bình thực sự để giải quyết vấn đề để khi cuộc chiến này kết thúc, sẽ không có cuộc chiến nào khác trong 5, 10, 20 năm nữa", ông Ritter nhấn mạnh.
"Chúng ta cần hiểu rằng không nước nào, cả châu Âu, Mỹ hay Ukraine, đang tìm kiếm hòa bình thực sự, mà thay vào đó là tìm kiếm một thỏa thuận tạm thời cho phép Ukraine tập hợp lại về mặt quân sự, kinh tế và chính trị để tiếp tục cuộc xung đột", chuyên gia Ritter cho biết thêm.
Trung tá quân đội Mỹ đã nghỉ hưu Earl Rasmussen cũng hoài nghi về thiện chí của Ukraine trong việc tham gia vào tiến trình hòa bình.
"Chúng ta đã có một bên - Tổng thống Putin - luôn sẵn sàng đàm phán. Nhưng Ukraine vẫn luôn tránh xa đàm phán và vi phạm mọi lệnh ngừng bắn", ông Rasmussen nhấn mạnh.
Tổng thống Putin cho biết Nga đã 3 lần công bố lệnh ngừng bắn, nhưng Ukraine đều vi phạm.
"Đề xuất mới nhất của ông Putin là một cú phản đòn, không phải bằng tên lửa, mà bằng ngoại giao. Nhưng đừng mong đợi Kiev hoặc các nước bảo trợ NATO của họ sẽ chấp thuận. Họ không tìm kiếm hòa bình. Họ đang tìm kiếm một đòn giáng mở màn trong vòng tiếp theo", chuyên gia Rasmussen nhận định.
Trong khi cả thế giới đang chờ xem liệu Ukraine có chấp thuận đề xuất đàm phán mới nhất của Nga hay không, một số nhà phân tích vẫn hoài nghi về thiện chí cũng như khả năng của Kiev trong việc theo đuổi các cuộc đàm phán hòa bình trực tiếp mà không có điều kiện tiên quyết.
Khi được hỏi về phản ứng tiếp theo của Tổng thống Zelensky, chuyên gia Rasmussen đề cập đến sức ép từ cả bên trong và bên ngoài đối với nhà lãnh đạo Ukraine và điều này có thể ngăn cản bất kỳ cuộc đàm phán có ý nghĩa nào.
"Ông Zelensky sẽ không chấp nhận đàm phán vì ông ấy chịu sức ép từ các nước phương Tây. Có thể không phải từ Mỹ, nhưng chắc chắn là từ Pháp, Đức và Anh, chủ yếu là Anh. Ông ấy cũng phải chịu sức ép về việc phải tiếp tục cuộc xung đột này từ những người theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan trong chính phủ và quân đội Kiev", chuyên gia cho biết thêm.
Với cuộc xung đột đang diễn ra, ông Rasmussen thấy ít có cơ hội đạt được tiến triển ngoại giao ngay lập tức. "Tôi không cho rằng ông ấy sẽ chấp nhận đàm phán. Có thể tôi đã sai. Tôi hy vọng mình sai, nhưng tôi không nghĩ điều đó sẽ xảy ra", ông nói.
Ông cho rằng Mỹ có thể đóng vai trò quyết định trong việc ngăn chặn cuộc xung đột.
"Tổng thống Trump cần phải tham gia. Họ cần Mỹ có thể chấm dứt cuộc chiến này. Họ cần cắt giảm hỗ trợ cho Ukraine. Và họ cần đưa người châu Âu vào cuộc", ông Rasmussen nói thêm.