Dư luận vẫn chưa hết bàng hoàng, xót xa về vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 ngày 19/7 cướp đi sinh mạng của 35 người, khiến 4 người mất tích. Nhiều người tới Vịnh Hạ Long cùng ngày 19/7 hay trước đó đều cảm thấy hú hồn khi bản thân cũng tham gia những chuyến đi hoàn toàn thiếu thông tin và kỹ năng về ứng phó các tình huống rủi ro trên biển.
Chị Nguyễn Thị Thu (phường Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, giữa tháng 7, chị cùng công ty đi du lịch tại Hạ Long. Theo lịch trình, ngày thứ 2, đoàn đi du thuyền 3 tầng tham quan Vịnh Hạ Long.
Nhớ lại chuyến đi hôm ấy, chị Thu kể, khi lên tàu, thuyền trưởng hay thủy thủ không hướng dẫn bất cứ điều gì về các quy định an toàn. Du khách vì thế không hề biết lối thoát hiểm ở đâu, áo phao cất ở vị trí nào.
“Ai cũng tập trung trải nghiệm tham quan mà không để tâm đến vấn đề an toàn. Khi trời yên biển lặng không sao, nhưng dông lốc bất ngờ như hôm 19/7 hoặc xảy ra sự cố nào đó thì chúng tôi không biết nên ứng phó thế nào”, chị Thu cho hay.
Từ vụ việc đau lòng xảy ra tại Hạ Long, nhiều ý kiến cho rằng, mỗi cá nhân nên trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về an toàn và xử lý tình huống trước khi khởi hành du lịch tàu biển. Đơn vị chở khách tham quan cũng cần chấn chỉnh hoạt động đón tiếp khách và đảm bảo an toàn cho khách khi đi tàu.
Cải tiến công nghệ cảnh báo sẽ hạn chế rủi ro
Tiến sĩ Phạm Hà, Chủ tịch LuxGroup - đơn vị sở hữu nhiều phương tiện du lịch biển tại Quảng Ninh, Nha Trang – chia sẻ, có nhiều nguyên nhân dẫn đến các vụ lật tàu như: Thời tiết (gió bão, sóng lớn), kỹ thuật trong thiết kế thân vỏ, va chạm với tàu thuyền khác, đâm phải đá ngầm, vận hành không đúng kỹ thuật, kinh nghiệm của người điều khiển tàu…
Con tàu trong vụ tai nạn ngày 19/7 có mớn nước (độ chìm của tàu - khoảng cách theo chiều thẳng đứng) quá thấp, gần bằng mặt nước, trong khi phần trên lại rất cao. Thiết kế này khiến tàu dễ bị lật ngang khi có gió mạnh, gây nguy hiểm chết người vì nước không ngấm dần mà lật úp đột ngột.
Mặc dù các tàu lưu thông trên vịnh phải có thiết kế đảm bảo cân bằng và được cơ quan đăng kiểm phê duyệt, nhưng vẫn có những mẫu tàu cũ vẫn còn lưu hành. Theo ông Hà, cần xem xét các thiết kế tàu này.

Tàu Vịnh Xanh 58 là loại tàu vỏ sắt đóng năm 2015 (Ảnh: Hải Nam).
Hiện tượng như dông, lốc trên sông nước, vịnh là "thảm họa của thiên nhiên" và không thể tránh khỏi 100%, song có thể đưa ra cảnh báo. Từ vụ việc đau lòng ngày 19/7, TS Phạm Hà cho rằng, nên cải tiến hệ thống cảnh báo hiện tại để giảm thiểu rủi ro, giúp công tác cứu hộ, cứu nạn nhanh chóng kịp thời hơn.
Hiện tại, việc thông báo về dông bão cho tàu thuyền thường được thực hiện thủ công, qua Zalo và đội nhóm. Các bản tin dự báo thời tiết chỉ được công bố 6 giờ một lần.
Khoảng trống thông tin giữa các bản tin này có thể là nguyên nhân của nhiều tai nạn. Trong khi nhiều nước trên thế giới đã có hệ thống điện tử, thông báo trực tiếp qua tin nhắn, truy cập thông tin dự báo thời tiết khu vực chi tiết qua internet hoặc bộ đàm, cung cấp dữ liệu chính xác về tốc độ gió, dông lốc theo thời gian thực. Người dân và tàu thuyền vì thế chủ động ứng phó, kịp thời né tránh nguy hiểm.
“Ở Vịnh Hạ Long, đa số tàu thuyền cứ vào trong vịnh là mất sóng. Vì vậy, cần sớm phủ sóng khu vực vịnh, trang bị GPS, Internet trên toàn bộ khu vực để tất cả tàu thuyền kịp thời nhận cảnh báo, phát tín hiệu cấp cứu (bằng hình ảnh, LED, ánh sáng) và các tàu khác có thể hỗ trợ kịp thời khi xảy ra sự cố. Việc phủ sóng cũng giúp trải nghiệm của khách hàng khi tham quan du lịch”, TS Phạm Hà nói.
Bên cạnh đó, để hạn chế rủi ro từ các vụ lật tàu, thuyền, TS Phạm Hà cho rằng, cần chú trọng về nhân lực trong ngành tàu thuyền, người làm trên tàu cần có đầy đủ chứng chỉ chuyên môn, bằng cấp để đảm bảo an ninh, an toàn.
Hệ thống đăng kiểm phải hoạt động chuẩn chỉnh theo đúng quy phạm pháp luật, kiểm tra định kỳ và phê duyệt thiết kế thân vỏ, giảm thiểu rủi ro tai nạn.
Làm gì để tránh nguy hiểm khi tàu bị lật?
Theo TS Phạm Hà, tất cả tàu thuyền cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu. Trước khi tàu khởi hành, nhân viên cần có hướng dẫn chi tiết về sơ đồ tàu, vị trí các thiết bị an toàn (áo phao, bè nổi), lối thoát hiểm, khu vực an toàn và cách xử lý khi có hỏa hoạn hoặc sự cố, tương tự như hướng dẫn trên máy bay.
Áo phao được trang bị sẵn tại khoang nghỉ và khu vực boong. Ngoài áo phao, các tàu còn trang bị phao bè, vật nổi…
“Khách du lịch thường chủ quan khi thời tiết tốt, ít quan tâm đến áo phao hoặc lối thoát hiểm, mải mê ngắm cảnh chụp ảnh mà quên mất các kỹ năng cơ bản khi lên tàu. Vì vậy, nhân viên trên tàu phải là người chủ động nhắc nhở và hướng dẫn khách về các tình huống có thể xảy ra”, TS Phạm Hà nhấn mạnh.
Tàu thuyền tham quan vịnh hay các đảo có nhiều loại: Tourist Boat (tàu khách du lịch, di chuyển theo lịch trình), du thuyền (có nhiều trải nghiệm, đa dạng kích cỡ) và du thuyền riêng (thuộc sở hữu cá nhân). Yêu cầu về an toàn và quy định mặc áo phao cho từng loại tàu sẽ khác nhau, tùy vào loại hình và trải nghiệm của khách.
Các phương tiện vận chuyển hành khách thông thường, đường dài chỉ phải mặc áo phao khi có tình huống nguy hiểm, nguy cơ mất an toàn và thuyền trưởng sẽ có hướng dẫn cụ thể.

Theo TS Phạm Hà, tất cả tàu thuyền cần đặt yếu tố an toàn lên hàng đầu (Ảnh: Phạm Hà).
TS Phạm Hà nhấn mạnh cần ghi nhớ 4 nguyên tắc sau khi xảy ra tình huống lật, chìm tàu:
- Tuân theo sự hướng dẫn của thuyền trưởng: Khi tàu không may có dấu hiệu bị lật, chìm, du khách cần giữ bình tĩnh và tuân thủ tuyệt đối chỉ dẫn của thuyền trưởng. Với tàu nhỏ, không tập trung dồn hết người về một bên.
- Cần tìm ngay áo phao hoặc bất kỳ vật nổi nào như ván gỗ, thùng, can nhựa. Khi tàu lật, thoát ra khỏi mặt nước nhanh nhất có thể (ưu tiên tự thoát trước khi cứu người khác).
- Lư ý khi xuống nước: Sau khi xuống nước, cần nhanh chóng bơi ra xa khu vực tàu lật để tránh bị cuốn vào dòng xoáy, tránh xa vết dầu loang, phát tín hiệu cấp cứu để kêu gọi sự giúp đỡ từ các tàu thuyền lân cận.
- Bình tĩnh giúp xử lý tình huống: Khi xảy ra sự cố, sự bình tĩnh đóng vai trò quan trọng. Cần bình tĩnh, không vùng vẫy khi tiếp nước vì càng sợ, vùng vẫy càng mạnh thì càng tốn nhiều sức và mau bị chìm.
Tìm cách bám ngay lập tức vào bất kỳ vật thể nổi nào gần mình, nằm ngửa và thả lỏng người theo phương pháp thả trôi, giữ cho mặt, miệng và các ngón chân nổi trên mặt nước, cố giữ sức và duy trì sự sống đợi cứu hộ.