Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu

30/04/2025 12:14

Cuộc chia ly 21 năm của cả đất nước đã khép lại vào ngày 30-4-1975. Lúc này, lời ước nguyện “rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngừng” của Đoàn Chuẩn - Từ Linh trong bài hát nổi tiếng mà lận đận Gửi người em gái miền Nam đã thành hiện thực, cho dù trễ hẹn đến hai thập niên.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 1.

Tập nhạc Đoàn Chuẩn Từ Linh - Những tình khúc mùa thu in tại Sài Gòn khoảng 1971 và phiên bản Gửi người em gái.

Bài hát được xem như đại diện cuối cùng của trào lưu âm nhạc lãng mạn miền Bắc phải đợi gần hai thập niên nữa mới lại vang lên trên các sân khấu và băng đĩa. Bài ca đã thành huyền thoại đại diện cho một tình yêu bị lỡ dở vì đất nước chia cắt và cả khát vọng tái ngộ. Vẻ đẹp của bài ca và tình tự gửi gắm trong đó vẫn luôn khiến người ta tò mò về "người em gái" ngoài đời và một tái ngộ như lời ca đã vẽ nên.

Đầu những năm 1950, đời sống giải trí tại các đô thị có phần sôi động, tương phản với không khí chiến tranh đang diễn ra ở các vùng nông thôn và rừng núi. Hà Nội trở thành một điểm đến vừa quyến rũ vừa bí ẩn, như Graham Greene đã đưa vào cuốn tiểu thuyết nổi tiếng Người Mỹ trầm lặng.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 2.

Đó chính là thời điểm Đoàn Chuẩn tạo ra một khung trời thu đất Bắc diễm ảo, một sự tương phản với thực tế chiến tranh: "Anh mong chờ mùa thu, trời đất kia ngả màu xanh lơ, đàn bướm kia đùa vui trên muôn hoa, bên những bông hồng đẹp xinh" (Thu quyến rũ). 

Sự mộng mơ của lời ca phản ánh chính đời sống của Đoàn Chuẩn và cả người bạn đồng tác giả Từ Linh, "hai ông chỉ biết rong chơi, việc nhà tôi lo hết" như lời bà Nguyễn Thị Xuyên (vợ của Đoàn Chuẩn) kể.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 3.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn tặng hoa ca sĩ Cẩm Vân trong đêm nhạc 10-12-1988 tại CLB Hữu Nghị, TP.HCM - Ảnh tư liệu Chu Hồng Vũ

Đúng lúc đó, nữ danh ca của Đài phát thanh Huế, Mộc Lan, ra Hà Nội biểu diễn. Mộc Lan lúc này đã có cuộc hôn nhân cùng ca sĩ Châu Kỳ. Còn Đoàn Chuẩn, lúc này ông đã có 4 đứa con cùng người vợ lo việc nhà cửa và kinh doanh, để mặc cho ông chồng tự do rong chơi. Mối quan hệ sẵn sự ngang trái dường như là gia vị trong một cuộc sống ở những đô thị tạm chiếm, tương phản với thực tế chiến tranh khốc liệt.

Tân nhạc lúc này đã phát huy thế mạnh của một thể loại ngắn gọn, dễ phổ biến và thể hiện được tâm tư tình cảm theo hướng hiện đại, khác với các vở ca kịch truyền thống tương đối dài như chèo, cải lương. 

Đoàn Chuẩn và Mộc Lan như hai nhân vật của một cuốn phim lãng mạn Mỹ lúc bấy giờ phổ biến trong các rạp chiếu bóng, cũng là những nơi thường dành nửa tiếng trước buổi chiếu để trình diễn ca nhạc.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 4.

Nhạc sĩ Đoàn Chuẩn và nhạc sĩ Thẩm Oánh sau đêm nhạc 10-12-1988 tại CLB Hữu Nghị, TP.HCM - Ảnh tư liệu Chu Hồng Vũ

Những câu chuyện về Đoàn Chuẩn và Mộc Lan tạo ra một chùm các giai thoại đô thị. Chẳng hạn trong một buổi biểu diễn, để làm quen, "hàng tuần anh Chuẩn có gởi hoa từ Hà Nội đến Đài Pháp Á tặng tôi, khổ nỗi là mỗi tuần tôi chỉ đến Đài Pháp Á có một lần, có đôi khi hoa đã héo! 

Duy nhất có lần anh Chuẩn gởi tặng tôi xấp vải màu xanh may áo dài, tôi viết vỏn vẹn có mấy chữ báo tin cho anh Chuẩn: Em đã nhận được vải. Cảm ơn anh. Đó là tình cảm giữa nghệ sĩ với nhau" (Trần Hữu Ngư, "Gặp gỡ ca sĩ Mộc Lan: Tôi thích nhất… 3 Hòn!", Những bài ca đi qua tôi trong chiến tranh).

Bài hát đầu tiên ghi dấu ấn Mộc Lan là Gửi gió cho mây ngàn bay - được Đoàn Chuẩn và Từ Linh sáng tác trên đường từ Hải Phòng đi Đồ Sơn. Sau này bài hát được Đoàn Chuẩn chép trên những tờ giấy mỏng màu xanh gửi cho cô, đúng như lời bài hát viết trực tiếp cho Mộc Lan: "Kèm vào thư lá thư xanh màu yêu, cánh hoa duyên kiếp này, tìm em trong ý thu". 

Đó là bài hát Dạ lan hương (tức Cánh hoa duyên kiếp), không giấu giếm ẩn ý về tên của Mộc Lan, cũng như Chuyển bến là ca khúc ghi dấu sự chia tay, cũng có nét nhắc tới tên của cô: "Đào phai cho lan hương nở cánh, tình phai cho ai kia chuyển bến, gặp nữa chi bằng lảng tránh nhau, gặp nhau ta cũng không bớt sầu, bớt thương".

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 5.

Ca sĩ Mộc Lan biểu diễn cùng ban hợp ca Tiếng Tơ Đồng

Những mối tình của Đoàn Chuẩn đã trở thành huyền thoại phố phường, cùng với sự giãi bày tâm sự của Đoàn Chuẩn trong ca từ tựa như những trang nhật ký tình yêu, người đời nghe nhạc ông thường sẵn lòng tưởng tượng ra câu chuyện yêu và bóng hồng trong đó, là cơ sở để người ta tin rằng có một người em gái cụ thể trong Gửi người em gái miền Nam - ca khúc độc đáo viết năm 1956, hưởng ứng cuộc vận động sáng tác cho đề tài đấu tranh thống nhất nước nhà.

Vào thời điểm này, với riêng Đoàn Chuẩn, Mộc Lan là một hình bóng của ký ức miền Nam gần và cụ thể nhất.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 6.
Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 7.

Sau mối tình với Mộc Lan, Đoàn Chuẩn có một mối tình khác với ca sĩ trẻ Thanh Hằng - là cảm hứng cho những ca khúc nổi tiếng như Lá đổ muôn chiều, Tà áo xanh. Ông cùng Từ Linh điều hành một sân khấu ca nhạc tại rạp Đại Đồng. Tuy nhiên, mối tình này cũng tan vỡ vào cuối năm 1955, trùng với thời điểm đất nước bị chia cắt, gây ra những chấn thương văn hóa sâu sắc cho người Việt.

Phép chữa lành đầu tiên chính là viết nên những tiếng lòng mang khát vọng sum họp, đoàn tụ. Từ một lớp học bồi dưỡng sáng tác của Ban nhạc Hội Văn nghệ Việt Nam cuối năm 1955, Đoàn Chuẩn, với sự khuyến khích của nhạc sĩ Văn Chung và một số nhạc sĩ từ chiến khu về, đã hứa "sẽ mạnh dạn đưa sáng tác của tôi ra để anh chị em giúp đỡ cho tôi tiến bộ" ("Hoạt động đầu năm của ngành nhạc", Văn Nghệ 22-3-1956).

Hưởng ứng không khí sáng tác về chủ đề thống nhất nước nhà, bài hát mới của Đoàn Chuẩn đã có nhiều tháng phác thảo. Ít người biết được lời ca ban đầu có những câu nhiều xúc cảm hoài niệm và xót xa: "Cành hoa tim tím bé xinh xinh đêm nay tàn… 

Màu hoa thương nhớ quá nhắc khi người đi cũng tự mùa thu. Chân hoang mang về đâu trong đêm mưa… Một mai khi em qua bến Hiền Lương. Tôi có người yêu dấu, tuổi chớm dâng hương, mắt nồng rộn ý yêu thương… Nhưng chân ấy dẫm bùn lầy gót hôi tanh, ngập giữa khuôn giày nào đâu gót hài xanh" (chép từ bản nhạc phác thảo, tư liệu gia đình).

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 8.

Cuối cùng, bài hát đã ra đời với tên gọi Gửi người em gái miền Nam, bắt đầu từ mùa xuân 1956 và sau một số chỉnh sửa, đã được nhạc sĩ Hồ Bắc, biên tập viên của Đài Tiếng nói Việt Nam, tổ chức ghi âm với giọng ca của tài tử Ngọc Bảo.

Nhạc sĩ Hồ Bắc nêu rằng bài hát có mục đích kêu gọi binh lính phía bên kia, làm cho những người ra đi "nhớ Hà Nội" khi phát trong chương trình "Tiếng hát gửi vào Nam". Những người ở miền Nam đã nghe được và lan truyền lại với một phiên bản lời chỉnh sửa, được ấn hành trong tập nhạc Đoàn Chuẩn Từ Linh - Những tình khúc mùa thu vào khoảng năm 1971 với tên gọi Gửi người em gái.

Trong lời ca đầy đủ được Đoàn Chuẩn công bố sau này, bóng dáng "người em gái" (thay đổi từ "người yêu dấu") hiện lên gắn với những loài hoa: màu "tim tím" của cành hoa violet, rừng đào phong kín - hai loại hoa quen thuộc ngày Tết ở Hà Nội, đối ứng với "hoa mai rơi ngập chân em phương xa" và nhất là "em tôi mơ miền xưa qua hương lan", tạo ra một liên kết với "hoa lan hương màu trắng, như duyên em thầm kín" trong Cánh hoa duyên kiếp hay "đào phai cho lan hương nở cánh" trong Chuyển bến, khiến người nghe có thể suy luận là dành cho Mộc Lan.

Người em gái vào Nam của Đoàn Chuẩn dường như mang nỗi đau riêng được tô đậm trong nỗi đau chung: "Rồi từ ngày ấy sống trong Nam nơi kim tiền, ngục trần giam hãm tấm thân xinh đôi mắt hiền. Đời nghèo không lối thoát, em tôi đành thôi, cúi đầu mà đi"... hẳn ít nhiều gợi nhớ đến đời tình duyên lận đận của Mộc Lan.

Bài hát chỉ được phát đôi lần trên làn sóng điện rồi ngừng. Một lý do có thể là bài hát quá đỗi lãng mạn so với sắc thái đấu tranh mạnh mẽ đương thời, đồng thời các hình ảnh về "em tôi đi, màu son lên đôi môi, khăn san bay lả lơi trên vai ai" đặt trong giai điệu có phần lả lướt du dương khiến cho Gửi người em gái miền Nam tựa như một khúc vĩ thanh của "nhạc tiền chiến".

Sau đó, Đoàn Chuẩn sống bằng công việc dạy đàn, còn Từ Linh về làm ở Công ty Bách hóa Hà Nội. Giữa một Hà Nội nghèo khó thời chiến tranh, hai kẻ tri âm tri kỷ vẫn có nhau nhưng câu chuyện cũ chỉ còn nhắc đến trong những cuộc gặp gỡ riêng tư.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 9.

Năm 1975, đất nước thống nhất. Đoàn Chuẩn và Từ Linh đã chờ đợi ngày này từ lâu. Cả hai đều có những mối quan hệ bạn bè trong Nam. Vào thời điểm đi lại giữa hai miền còn khó khăn, hai ông với sự nhạy bén đã xin được giấy mua vé máy bay. Năm 1976, cụ bà thân sinh ra Đoàn Chuẩn qua đời, việc vào Nam bị hoãn lại. Từ Linh đã đi vào trước.

Đọc những bức thư Đoàn Chuẩn gửi cho Từ Linh những ngày cuối năm 1976 và đầu năm 1977, có thể thấy sự mong ngóng của ông lớn chừng nào.

Một vấn đề là tiền bạc, song Đoàn Chuẩn vẫn viết: "Anh đương rất lúng túng chưa biết làm cách nào, nhưng nghĩ bụng như chú, trời sinh voi thì sinh cỏ. Nếu có giấy thì phải đi mà đi thì phải có tiền. 

Đến đâu hay đến đó. Chắc chú cũng có lúc nghĩ anh Chuẩn đã có giấy rồi mà chưa buồn đi chăng, hay chưa quyết tâm chăng? Hạ hồi phân giải vậy! Chú viết cho anh tình hình bạn bè ra sao, anh thấy nản quá. Chắc chú cũng rất buồn vì không có anh trong ấy lúc này, nhưng biết làm thế nào. Gặp chú sau" (thư ngày 25-12-1976).

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 10.

Đoàn Chuẩn hào hứng với việc đi Sài Gòn đến độ ông như reo lên trong thư viết cho người đồng tác giả của mình: "Còn ăn mặc anh cũng khỏi phải lo vì họ có gì mặc nấy, và mình có gì mặc nấy, hai anh em có bao giờ nghĩ về mặc đâu" và "hễ ra hãng lấy được vé máy bay, là hôm sau anh ra bưu điện điện cho chú ngay… là anh đến với chú ngay!" (thư ngày 1-1-1977).

Một lá thư khác cho biết Từ Linh kể vào Sài Gòn được bạn bè và người quen tiếp đãi chu đáo. Đoàn Chuẩn được ca sĩ Ngọc Long (em của ca sĩ Anh Ngọc), lúc này mở tiệm cà phê và thu băng ghi âm tại nhà ở đường Hòa Hưng, gửi ra Hà Nội băng cối có các bài hát của Đoàn Chuẩn - Từ Linh.

Về cuốn băng này, anh Hà Thạch An, con trai Từ Linh, kể để chiều chồng, vợ Từ Linh đã dành dụm tiền cho ông mua một cái đài Akai để chạy băng. Hai ông bí mật mở nghe với nhau trong một góc tối, sau đó kéo nhau lên tàu điện, mặc cho nó kéo đến đâu thì đến, nhập vai kẻ lênh đênh nơi trời sóng trong bài hát của chính mình.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 11.

Đoàn Chuẩn và Từ Linh năm 1950 tại Hải Phòng. Tư liệu gia đình nhạc sĩ Từ Linh

Sự nôn nóng của Đoàn Chuẩn trong những lá thư gửi Từ Linh chứa một nỗi mong đợi khác. Ông từ chối chuyến đi chơi Vũng Tàu và Đà Lạt bằng xe hơi của người em họ, "cứ cho anh em mình đi chơi Sài Gòn bằng ô tô thôi, cũng già rồi".

Đoàn Chuẩn chờ đợi một cuộc hẹn của đời người, không phải ai khác mà chính là Mộc Lan. Nhưng lần này, ông không phải chàng công tử giàu có năm xưa mà là kẻ đi chơi mà tiền chưa biết có cách nào, "đến đâu hay đến đó".

Còn người xưa của ông đang chật vật với cuộc sống khó khăn sau ngày giải phóng. Từng là một giọng ca quen thuộc của ban hợp ca Tiếng Tơ Đồng do nhạc sĩ Hoàng Trọng phụ trách trong thập niên 1960, giờ đây ở độ tuổi 47, Mộc Lan đã qua thời đỉnh cao, cũng như không gian văn hóa thay đổi khiến cho cô lui vào hậu trường. Cuộc gặp gỡ của hai số phận lần này khác với 24 năm trước, khi họ đều là những người bên lề của đời sống nghệ thuật của thời bao cấp.

Tác giả Trần Áng Sơn, em trai ca sĩ Mộc Lan, kể lại: "Ông tặng Mộc Lan mấy chiếc kẹp tóc nhỏ, như những cái tăm, mà tình cảm gửi trong đó, có đong, đếm hết đời vẫn chưa vơi nổi!" (Những trang sách khép mở, tập 2).

Sau cuộc tái ngộ, Đoàn Chuẩn dường như đã viết thêm lời ca cho các bài hát Cánh hoa duyên kiếp và Chuyển bến, ghi dấu tâm trạng của ngày gặp lại ở tuổi xế chiều, tương phản với cảm xúc ngọt ngào của lời ca nguyên khởi 24 năm trước: "Đêm hôm nay chợt nhớ tới em xưa. 

Chán cho tình và ghét những giấc mơ. Trời còn mây, bướm yêu kia còn bay. Đến khi đôi cánh vàng vùi sâu bên gốc lan" và "Giờ đây khi đi qua đường cũ. Đường xưa gây hương yêu màu nhớ. Một lớp tro tàn phủ ái ân, để cho em khóc thầm nhớ anh". Đề từ các bài hát có ghi "Kỷ niệm M.L 1953-1977", đem lại một dư vị bí ẩn cho những bài hát riêng tư đã thành nơi ký thác tâm sự của một thế hệ.

Đoàn Chuẩn chính thức trở lại với khán giả miền Nam của ông vào ngày 10-12-1988, trong một chương trình ca nhạc tại TP.HCM. Quảng cáo trên báo Sài Gòn Giải Phóng cho hay: "Tại Câu lạc bộ Hữu Nghị, 31 Lê Duẩn, Q.1, lúc 19g30 T7 và CN 10 và 11.11.1988, Những ca khúc vang bóng một thời: Giới thiệu các ca khúc trữ tình chọn lọc từ tiền chiến đến nay, với các ca sĩ quen thuộc của TP và nhạc sĩ Đoàn Chuẩn cùng những ca khúc của tác giả".

Chương trình có sự góp mặt của ca sĩ cựu trào Tâm Vấn và các giọng ca hàng đầu khi đó là Thanh Lan, Cẩm Vân, và người ta được thưởng thức ngón đàn guitar Hawaii của chính Đoàn Chuẩn. Nhiều văn nghệ sĩ đã đến chia vui.

Nhân vật của Chuyển bến dường như không có mặt. Khác với nhiều ca sĩ cựu trào cùng thế hệ, Mộc Lan chọn cuộc sống ẩn dật. Người ta chỉ còn gặp Mộc Lan qua những băng đĩa cũ sao chép lại, gợi nhớ một dư âm xa xưa. Một vài bài phỏng vấn được thực hiện, song Mộc Lan khéo léo né tránh đề cập mối quan hệ cũ.

Truyền thông cũng bỏ quên mất giọng ca yêu kiều của quá khứ và bỏ lỡ cơ hội minh định câu chuyện về Gửi người em gái miền Nam. Giữa thập niên 1990, khi các băng đĩa nhạc Đoàn Chuẩn được thu âm thành các chương trình riêng, ông đã bị tai biến, ốm nặng cho đến khi qua đời năm 2001. Còn Mộc Lan cũng ra đi lặng lẽ vào năm 2015, khép lại một huyền thoại về mối tình Nam - Bắc.

Nhiều người ở miền Nam gần đây mới có cơ hội biết đến những ca từ về cuộc đoàn viên trong bài hát: "Rồi ngày thống nhất đến rất nhanh không ai ngừng, cầu chia giới tuyến đến mai đây san đất bằng. Nụ cười trong gió sớm, anh đến tìm em, giữa cầu Hiền Lương… Em Tháp Rùa yêu dấu! Còn đó trơ trơ. Lớp người đổi mới khác xưa. Thu đã qua những chiều, song ý thơ rất nhiều, ca tình yêu!".

Đấy là nỗi ước vọng thành thực của một người nghệ sĩ lãng mạn đã tìm cách thích ứng thời cuộc, đem lại ý nghĩa hướng tới số đông cho sự lãng mạn thay vì là những câu chuyện "đập gương xưa tìm bóng" riêng tư.

Nổi bật trong số các bài ca của Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Gửi người em gái miền Nam là một tác phẩm mang tính thế sự, chứa đựng trách nhiệm xã hội của người nghệ sĩ, thay vì là một khúc ca lãng mạn với mây gió hay một tà áo xanh trong sớm mùa thu cũ. Bài hát cũng nằm trong số những bài ca về chủ đề Hà Nội được yêu thích nhất, trở thành bảo tàng ký ức cho cuộc chia ly và sum họp của người Việt thế kỷ 20, tiếp tục là nơi hàn gắn những sự chia cắt trong tâm tưởng.

Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu - Ảnh 12.
NỘI DUNG:
NGUYỄN TRƯƠNG QUÝ
TRÌNH BÀY:
MẠNH TÁNH

Bạn đang đọc bài viết "Ký ức hàn gắn của những lá thư xanh màu yêu" tại chuyên mục Infographic. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.