
Trực thăng tham gia cứu hỏa sau vụ nổ cảng ở Iran ngày 26/4 (Ảnh: AFP).
Các quan chức Israel khẳng định với kênh truyền hình Channel 12 rằng nước này không liên quan đến vụ nổ tại Shahid Rajaee, thành phố Bandar Abbas, miền Nam Iran. Đây là cảng lớn nhất và hiện đại nhất của Iran, một trung tâm xuất khẩu dầu quan trọng ở eo biển Hormuz.
Khoảng trưa 26/4 theo giờ địa phương, một vụ nổ lớn làm rung chuyển cảng Shahid Rajaee, khiến ít nhất 14 người thiệt mạng, hơn 750 người bị thương.
Lính cứu hỏa vẫn đang chiến đấu với ngọn lửa cho đến tận đêm khuya. Theo truyền thông địa phương đám cháy ngày càng dữ dội và có thể lan sang các khu vực khác. Toàn bộ khu vực cảng đang bị đe dọa do chứa nhiều hóa chất dễ cháy nổ.
Các nhà chức trách đã phong tỏa khu vực và các cơ sở hải quan lân cận để tiến hành điều tra, nghi ngờ rằng việc lưu trữ hóa chất kém có thể là nguyên nhân.

Mảnh vỡ vương vãi sau vụ nổ (Ảnh: AFP).
"Nguyên nhân gây ra vụ nổ là do hóa chất bên trong các container. Trước đó, giới chức trách đã đưa ra cảnh báo cho cảng này sau các cuộc thanh tra và chỉ ra các nguy cơ", Hossein Zafari, người phát ngôn của Cơ quan Quản lý Khủng hoảng Iran, nói với hãng tin ILNA.
Tuy nhiên, người phát ngôn chính phủ Fatemeh Mohajerani nói với IRNA rằng nguyên nhân chính xác vẫn chưa được xác định chính thức, đồng thời cảnh báo không nên vội vã đưa ra kết luận.
Nổ rung chuyển cảng lớn nhất Iran, gần 800 người thương vong (Video: RT).
Để ứng phó với những lo ngại về chất lượng không khí, Bộ Y tế Iran đã ban bố tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng tại Bandar Abbas, cảnh báo về khả năng lây lan các chất ô nhiễm nguy hiểm bao gồm amoniac, lưu huỳnh dioxit và nitơ dioxit.
Người dân được khuyến cáo nên ở trong nhà, tránh các hoạt động ngoài trời và đóng cửa sổ. Các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm những người mắc bệnh về hô hấp hoặc tim, trẻ em, phụ nữ mang thai và người già, được khuyên nên đeo khẩu trang.
Một số quốc gia, bao gồm Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Oman, Ả Rập Xê Út, Iraq, Nhật Bản và Nga, đã bày tỏ lời chia buồn sau thảm họa. Nga, Iraq và Ả rập Xê út cho biết họ sẵn sàng cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào mà Iran đề nghị.
Cảng Shahid Rajaee là một cơ sở chiến lược nằm trên eo biển Hormuz, cách Tehran khoảng 1.050km về phía Đông Nam. Hàng năm, cảng này thông qua khoảng 70 triệu tấn hàng hóa, bao gồm dầu và vận chuyển nói chung.
Cảng Shahid Rajaee từng bị nhắm mục tiêu trong một cuộc tấn công mạng được cho là có liên quan đến Israel vào năm 2020.
Các quan chức Iran không đổ lỗi cho bất kỳ tác nhân bên ngoài nào về sự cố hôm qua, nhưng Ngoại trưởng Abbas Araghchi đầu tuần này cho biết "các cơ quan an ninh của Iran đang trong tình trạng báo động cao".
Công ty an ninh tư nhân Ambrey cho biết cảng Shahid Rajaee đã tiếp nhận một lô hàng hóa chất nhiên liệu tên lửa vào tháng 3. Hóa chất được sử dụng để tạo ra nhiên liệu rắn cho tên lửa sẽ được sử dụng để bổ sung cho kho tên lửa của Iran, vốn đã cạn kiệt do các cuộc tấn công trực tiếp vào Israel thời gian qua. Tuy nhiên, Tehran đã bác bỏ thông tin.