
Tổng thống Nga Vladimir Putin (Ảnh: Reuters).
Vào ngày 19/4, Tổng thống Nga Vladimir Putin bất ngờ tuyên bố một "lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh", kéo dài từ 18h tối 19/4 đến rạng sáng 21/4. Ông chủ Điện Kremlin mô tả đây là một cử chỉ "nhân đạo".
Chưa đầy 10 ngày sau đó, Tổng thống Putin tiếp tục tuyên bố ngừng bắn, kéo dài từ ngày 8/5 đến ngày 10/5, nhân dịp Nga kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng (9/5). Nhà lãnh đạo Nga nói rằng lệnh ngừng bắn được đưa ra "với lý do nhân đạo".
Một số nhà phân tích cho rằng Moscow dường như sử dụng lệnh ngừng bắn để gửi tín hiệu đến Nhà Trắng rằng trong cuộc chiến này, Nga là bên dàn xếp hòa bình. Nga cáo buộc Ukraine phớt lờ "cành ô liu" hòa bình và tìm cách kéo dài xung đột.
"Tổng thống đã cân nhắc vấn đề nhân đạo. Đây là dấu hiệu thiện chí của nguyên thủ quốc gia Nga", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov giải thích về lệnh ngừng bắn kéo dài 3 ngày.
Igor Korotchenko, nhà phân tích quân sự và tổng biên tập tạp chí National Defense, nhận định lệnh ngừng bắn do Tổng thống Putin công bố vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng đã nhấn mạnh cam kết của Nga trong việc giải quyết nhanh chóng cuộc xung đột ở Ukraine.
"Nga được thúc đẩy bởi những cân nhắc nhân đạo và tinh thần thiện chí. Bằng cách tuyên bố ngừng bắn trong lễ kỷ niệm quan trọng này, Nga tái khẳng định cam kết đàm phán giải quyết xung đột ở Ukraine phù hợp với lợi ích của Nga", chuyên gia Korotchenko cho biết.
Ông Korotchenko lưu ý rằng lệnh ngừng bắn này được đề xuất vào thời điểm quân đội Nga đã giành lại vùng biên giới Kursk và đang tiến công vào các vị trí của lực lượng Ukraine dọc tiền tuyến.
Theo Michael Maloof, cựu chuyên gia phân tích cấp cao của Lầu Năm Góc, lệnh ngừng bắn vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng là tín hiệu cho thấy mong muốn đàm phán của Tổng thống Putin.
"Tổng thống Nga muốn chấm dứt xung đột và còn thời điểm nào đáng nhớ hơn lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng vào ngày 9/5", chuyên gia Maloof cho biết.
Theo ông Maloof, việc Nga gần đây giành lại quyền kiểm soát tỉnh Kursk đã tước đi mọi đòn bẩy và quân bài mặc cả của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, gia tăng áp lực buộc nhà lãnh đạo Ukraine phải chấp nhận lệnh ngừng bắn.
Chuyên gia cũng nhấn mạnh, trong khi Tổng thống Zelensky vẫn hy vọng rằng Anh và Pháp có thể cung cấp hỗ trợ quân sự cho Ukraine, họ không thể làm gì nếu không có sự hậu thuẫn của Mỹ.
Theo chuyên gia, kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, bất chấp lời kêu gọi ngừng bắn và đàm phán, Kiev đã nhiều lần "nuốt lời". Ông đề cập đến những lần Ukraine bị cáo buộc vi phạm trong thời gian thực thi lệnh ngừng bắn 30 ngày đối với cơ sở hạ tầng năng lượng và lệnh ngừng bắn dịp lễ Phục sinh gần đây.
Hoài nghi về lệnh ngừng bắn
Theo lệnh ngừng bắn mới nhất, Điện Kremlin tuyên bố trong 72 giờ, mọi hoạt động quân sự sẽ chấm dứt. Điện Kremlin cũng nhấn mạnh Nga mong muốn Ukraine sẽ tuân thủ lệnh ngừng bắn này.
"Chúng tôi tin rằng phía Ukraine nên noi gương và tuân thủ lệnh ngừng bắn. Trong trường hợp phía Ukraine vi phạm, các lực lượng vũ trang Nga sẽ có phản ứng thích đáng và hiệu quả", Điện Kremlin cảnh báo.
Đáp lại đề xuất ngừng bắn của Nga, Ukraine đặt câu hỏi tại sao Nga không thể cam kết ngừng bắn ngay lập tức và kêu gọi thực hiện lệnh ngừng bắn trong ít nhất 30 ngày.
"Nếu Nga thực sự muốn hòa bình, họ phải ngừng bắn ngay lập tức", Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha tuyên bố, đồng thời nói thêm: "Tại sao phải đợi đến ngày 8/5?".
Nhiều người đã đặt câu hỏi rằng, liệu đây có phải là nỗ lực chân thành của Nga nhằm chấm dứt giao tranh không? Hay chỉ đơn giản là một hình thức tuyên truyền của Điện Kremlin để gây ấn tượng với Tổng thống Mỹ Donald Trump?
Những người chỉ trích Điện Kremlin sẽ hoài nghi về mục đích thực sự của Nga khi tuyên bố ngừng bắn.
Theo Oleksandr Merezkho, người đứng đầu ủy ban đối ngoại của quốc hội Ukraine, khi đề xuất lệnh ngừng bắn, Tổng thống Putin có thể kỳ vọng ngăn chặn mọi cuộc tấn công có thể xảy ra của Ukraine vào ngày 9/5, thời điểm Nga thường tổ chức các lễ kỷ niệm lớn.
"Đây là một động thái hoàn toàn mang tính tuyên truyền. Những tuyên bố ngừng bắn đơn phương trước đây của ông Putin chưa bao giờ có hiệu quả", ông Merezkho nhận định.
Trong thời gian ngừng bắn ngắn ngủi vào dịp Lễ Phục sinh, cả Ukraine và Nga đều cáo buộc nhau vi phạm lệnh ngừng bắn nhiều lần.
Những bình luận gần đây của Tổng thống Trump cho thấy nhà lãnh đạo Mỹ chưa thực sự tin tưởng vào nỗ lực hòa bình của Nga.
Trong một bài đăng trên mạng xã hội Truth Social vào cuối tuần trước, ông Trump đã viết rằng "không có lý do gì" để Tổng thống Putin lệnh "phóng tên lửa vào các khu vực dân sự, thành phố và thị trấn ở Ukraine trong những ngày qua".
"Điều đó khiến tôi nghĩ rằng có lẽ ông ấy không muốn chấm dứt xung đột. Ông ấy chỉ đang lợi dụng tôi, và điều này phải được xử lý theo cách khác, thông qua "ngân hàng" hay "trừng phạt thứ cấp"? Quá nhiều người đang chết", ông Trump bình luận.
Trong tuyên bố ngừng bắn nhân dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Nga khẳng định sẵn sàng khởi động đàm phán hòa bình vô điều kiện nhằm giải quyết tận gốc các nguyên nhân gây ra khủng hoảng Ukraine, đồng thời mong muốn thúc đẩy hợp tác mang tính xây dựng với các đối tác quốc tế.
Lệnh ngừng bắn mới của Tổng thống Putin kéo dài hơn so với lệnh ngừng bắn trước đó. Một giả thuyết được đặt ra là Nga muốn gửi thông điệp tới Mỹ về thiện chí hòa bình, trong bối cảnh chính quyền Trump dường như ngày càng thất vọng và mất kiên nhẫn với tiến trình giải quyết xung đột.
Bình luận về lệnh ngừng bắn mới của Nga, Thư ký báo chí Nhà Trắng Karoline Leavitt cho biết: "Tổng thống đã nói rõ rằng ông muốn thấy một lệnh ngừng bắn vĩnh viễn trước tiên để chấm dứt giết chóc, chấm dứt đổ máu. Tổng thống ngày càng thất vọng với các nhà lãnh đạo của cả hai nước", bà Leavitt nói.
Tháng trước, chính quyền Trump đã hối thúc cả Nga và Ukraine đồng ý ngừng bắn toàn diện vô điều kiện trong 30 ngày. Ukraine đã ký vào thỏa thuận, nhưng Nga không đồng ý.