ThS. Nguyễn Thị Lệ Huyền
Trường Đại học Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh
Email: ntl.huyen@hutech.edu.vn
Tóm tắt
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế tri thức, năng lực tự học trở thành yếu tố then chốt quyết định sự thành công nghề nghiệp của sinh viên, đặc biệt đối với khối ngành kinh tế ở Việt Nam. Bài viết phân tích thực trạng năng lực tự học trong sinh viên khối ngành kinh tế hiện nay, để đề xuất giải pháp chiến lược phát triển phù hợp như: thiết kế chương trình đào tạo tích hợp kỹ năng tự học, phát triển hệ thống hỗ trợ học tập (mentor, thư viện số, diễn đàn học thuật), nâng cao nhận thức và động lực tự học cho sinh viên. Nghiên cứu đồng thời nhấn mạnh vai trò của xã hội, nhà trường và bản thân sinh viên trong việc xây dựng môi trường học tập tích cực, chủ động, sáng tạo, nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường lao động trong thời kỳ mới.
Từ khóa: Năng lực tự học, khối ngành kinh tế, kinh tế tri thức, Việt Nam
Summary
In the context of globalization and the rapid development of the knowledge economy, self-learning competence has become a key factor determining students’ career success, especially for those in the field of economics in Vietnam. This paper analyzes the current status of self-learning competence among economics students and proposes strategic development solutions such as: designing training programs that integrate self-learning skills, developing learning support systems (mentors, digital libraries, academic forums), and enhancing students' awareness and motivation for self-learning. The study also emphasizes the roles of society, educational institutions, and students themselves in building a positive, proactive, and creative learning environment to meet the demands of the labor market in the new era.
Keywords: Self-learning competence, economics majors, knowledge economy, Vietnam
ĐẶT VẤN ĐỀ
Thời đại ngày nay, tri thức trở thành nguồn lực then chốt cho sự phát triển của mỗi quốc gia. Trong bối cảnh đó, yêu cầu đối với nguồn nhân lực, đặc biệt trong lĩnh vực kinh tế, không chỉ dừng lại ở việc nắm vững chuyên môn mà còn phải có khả năng thích ứng nhanh, đổi mới sáng tạo. Điều này đặt ra yêu cầu nguồn nhân lực cần có năng lực tự học được hiểu là khả năng cá nhân chủ động thiết lập mục tiêu học tập, tự lựa chọn phương pháp, tổ chức và kiểm soát quá trình tiếp thu kiến thức nhằm phát triển bản thân một cách liên tục (Knowles, 1975). Theo đó, trong giáo dục hiện đại, lý thuyết học tập suốt đời và học tập tự định hướng (Self-directed learning theory) nhấn mạnh vai trò trung tâm của người học trong quá trình chiếm lĩnh tri thức và phát triển kỹ năng. Đặc biệt trong khối ngành kinh tế - nơi đòi hỏi sự nhạy bén với những biến động của thị trường, chính sách kinh tế, công nghệ tài chính… thì năng lực tự học không chỉ là phương tiện nâng cao hiệu quả học tập, mà còn là yêu cầu để sinh viên (tương lai của lực lượng lao động có tri thức) có khả năng hội nhập và phát triển nghề nghiệp bền vững.
Tiếp cận từ thực tế hiện nay, yêu cầu của thị trường lao động đòi hỏi sinh viên khối ngành kinh tế phải không ngừng cập nhật kiến thức, sáng tạo mô hình kinh doanh mới, tự chủ trong khởi nghiệp và làm chủ công nghệ mới như blockchain, AI trong kinh tế số. Trong khi, công cuộc đổi mới giáo dục đã nhấn mạnh yêu cầu “dạy cách học” và “học cách học”, song năng lực tự học của sinh viên, đặc biệt ở khối ngành kinh tế, vẫn còn nhiều hạn chế. Phương pháp giảng dạy truyền thống, sự thụ động trong tiếp cận tri thức, cũng như môi trường học tập chưa thực sự khuyến khích đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp, khiến sinh viên chưa phát huy tối đa tiềm năng tự học của mình. Do đó, việc nghiên cứu và xây dựng chiến lược phát triển năng lực tự học cho sinh viên khối ngành kinh tế ở Việt Nam hiện nay mang tính cấp thiết, không chỉ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đại học, mà còn xây dựng thế hệ lao động trẻ năng động, sáng tạo, có khả năng làm chủ tri thức và thích ứng trong mọi hoàn cảnh.
MỐI QUAN HỆ GIỮA NĂNG LỰC TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN VỚI PHÁT TRIỂN NGUỒN NHÂN LỰC
Phát triển năng lực tự học đóng vai trò đặc biệt quan trọng đối với sinh viên khối ngành kinh tế trong bối cảnh giáo dục đại học đổi mới mạnh mẽ và thị trường lao động biến động không ngừng. Trong xu thế hiện đại, giáo dục không còn đơn thuần truyền thụ kiến thức mà hướng tới việc hình thành ở người học năng lực tự nghiên cứu, tư duy độc lập và khả năng học tập suốt đời. Năng lực tự học giúp sinh viên thích ứng nhanh với phương pháp đào tạo mới lấy người học làm trung tâm, chủ động khám phá, chiếm lĩnh tri thức thay vì thụ động tiếp nhận. Đặc biệt, đối với sinh viên kinh tế - nhóm ngành có sự gắn bó chặt chẽ với các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đổi mới công nghệ và quản trị doanh nghiệp thì việc chủ động học hỏi, cập nhật xu thế kinh tế - xã hội mới đóng vai trò quyết định đối với sự phát triển nghề nghiệp.
Trong bối cảnh Việt Nam đẩy mạnh xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp trong giới trẻ, năng lực tự học trở thành nền tảng không thể thiếu. Sinh viên có năng lực tự học vững vàng sẽ chủ động tìm tòi kiến thức liên ngành, nghiên cứu các mô hình kinh doanh mới, công nghệ mới, từ đó hình thành những ý tưởng sáng tạo và triển khai thành các dự án khởi nghiệp thực tiễn. Quá trình tự học còn rèn luyện cho sinh viên khả năng tư duy phản biện, năng lực giải quyết vấn đề sáng tạo, kỹ năng lập kế hoạch và quản lý dự án, những kỹ năng cốt lõi cho hành trình khởi nghiệp thành công. Nhiều mô hình khởi nghiệp trẻ trong lĩnh vực fintech, thương mại điện tử, logistics, marketing số... xuất phát từ chính những sinh viên có tinh thần tự học cao, dám nghĩ, dám làm và không ngừng đổi mới.
Bên cạnh đó, phát triển năng lực tự học còn góp phần nuôi dưỡng phẩm chất tự chủ, kiên trì và tinh thần trách nhiệm cá nhân. Sinh viên có năng lực tự học sẽ biết cách xây dựng lộ trình học tập, tự đặt mục tiêu phát triển bản thân và chủ động thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thị trường và công nghệ. Đây cũng chính là nhóm đối tượng có khả năng tham gia sâu rộng vào hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia, góp phần tạo ra giá trị mới, giải quyết các vấn đề xã hội và thúc đẩy sự phát triển kinh tế bền vững.
Phát triển năng lực tự học cho sinh viên khối ngành kinh tế không chỉ là yêu cầu cấp thiết của giáo dục hiện đại mà còn là chiến lược dài hạn nhằm xây dựng một thế hệ nguồn nhân lực kinh tế có khả năng đổi mới sáng tạo, tự khởi nghiệp, tự kiến tạo cơ hội nghề nghiệp trong nền kinh tế tri thức. Đầu tư vào năng lực tự học cho sinh viên chính là đầu tư cho tương lai khởi nghiệp quốc gia, cho một nền kinh tế sáng tạo và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số và toàn cầu hóa.
THỰC TRẠNG NĂNG LỰC TỰ HỌC TRONG SINH VIÊN KHỐI NGÀNH KINH TẾ
Tại Việt Nam, quá trình hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới cùng với sự bùng nổ của công nghệ số đã tạo ra nhiều cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít thách thức đối với việc học tập của sinh viên. Việc tự học không chỉ đơn thuần là bổ sung kiến thức chuyên môn, mà còn là quá trình hình thành kỹ năng nghiên cứu, phân tích, xử lý thông tin và thích ứng linh hoạt với những thay đổi trong môi trường kinh doanh.
Kết quả đạt được
Năng lực tự học của sinh viên khối ngành kinh tế trong giai đoạn hiện nay đã có nhiều chuyển biến tích cực, thể hiện ở một số khía cạnh nổi bật. Trước hết, nhận thức của sinh viên về tầm quan trọng của tự học đã được nâng cao rõ rệt. Khác với trước đây, khi việc học chủ yếu dựa vào sự hướng dẫn trực tiếp của giảng viên, hiện nay, nhiều sinh viên đã hiểu rằng, tự học là một phần tất yếu để bồi dưỡng kiến thức, rèn luyện kỹ năng thực hành, cập nhật thông tin mới và thích ứng với sự thay đổi nhanh chóng của nền kinh tế tri thức. Họ nhận thức rằng, trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt của thị trường lao động, người học không thể chỉ dựa vào kiến thức trên giảng đường, mà cần chủ động tự trau dồi và phát triển bản thân liên tục.
Bên cạnh đó, sinh viên ngành kinh tế cho thấy khả năng ứng dụng công nghệ thông tin vào quá trình tự học tương đối thành thạo. Với sự hỗ trợ của internet và các nền tảng học trực tuyến như: Coursera, edX, Udemy, hoặc các hệ thống thư viện số, sinh viên có thể tiếp cận các khóa học chất lượng cao từ các trường đại học hàng đầu trên thế giới. Việc khai thác các công cụ số như: phần mềm quản lý thời gian, ứng dụng ghi chú, hệ thống lưu trữ đám mây và các công cụ hỗ trợ học tập đã giúp sinh viên nâng cao hiệu quả tự học, đồng thời tăng khả năng học tập linh hoạt theo nhu cầu và điều kiện cá nhân.
Kỹ năng tra cứu và xử lý thông tin của sinh viên cũng được đánh giá là một điểm mạnh đáng ghi nhận. Trước sự bùng nổ thông tin trên internet, nhiều sinh viên đã rèn luyện được khả năng tìm kiếm, chọn lọc và tổng hợp dữ liệu có hệ thống. Không chỉ dừng lại ở việc thu thập thông tin, sinh viên còn bước đầu biết phân tích, so sánh và đánh giá tính xác thực của các nguồn tài liệu, góp phần nâng cao chất lượng kiến thức tự học. Đây là một kỹ năng nền tảng quan trọng trong việc phát triển tư duy phản biện và khả năng nghiên cứu độc lập, những yêu cầu cốt lõi đối với nguồn nhân lực kinh tế trong thời đại số hóa.
Đáng chú ý, tính tự giác và chủ động trong học tập của sinh viên kinh tế đã được cải thiện đáng kể. Nhiều sinh viên đã biết lập kế hoạch học tập cá nhân cụ thể, xây dựng lộ trình học tập dài hạn gắn với mục tiêu nghề nghiệp, đồng thời tự đặt ra các tiêu chí đánh giá tiến độ và hiệu quả tự học của bản thân. Quá trình tự học không còn mang tính chất thụ động mà đã dần mang đậm tính chủ động, sáng tạo. Một số sinh viên còn tích cực tham gia các hoạt động ngoại khóa học thuật như: câu lạc bộ nghiên cứu khoa học, các hội thảo chuyên đề, cuộc thi ý tưởng kinh doanh, vừa để củng cố kiến thức, vừa để rèn luyện kỹ năng tự nghiên cứu và giải quyết vấn đề thực tiễn.
Ngoài ra, sự linh hoạt trong phương pháp học tập cũng là một ưu điểm nổi bật. Sinh viên không chỉ giới hạn việc học trong khuôn khổ sách vở, mà còn kết hợp nhiều phương pháp khác nhau như: học qua case study (tình huống thực tế), học theo dự án, học nhóm, thảo luận chuyên sâu, hoặc tự học thông qua trải nghiệm thực tiễn tại doanh nghiệp. Chính sự đa dạng hóa phương pháp học đã góp phần giúp sinh viên phát triển tư duy toàn diện, vừa củng cố lý thuyết, vừa rèn luyện năng lực vận dụng kiến thức vào thực tế kinh doanh.
Một số hạn chế
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, năng lực tự học của sinh viên khối ngành kinh tế tại Việt Nam hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều hạn chế đáng lưu ý, ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả học tập và khả năng thích ứng với yêu cầu thực tiễn.
Trước hết, một trong những hạn chế lớn nhất là sinh viên còn thiếu kỹ năng tự học bài bản và có hệ thống. Mặc dù nhiều sinh viên đã nhận thức được tầm quan trọng của tự học, song họ thường thiếu phương pháp học tập hiệu quả. Các kỹ năng thiết yếu như: lập kế hoạch học tập dài hạn, thiết lập mục tiêu học tập rõ ràng, phân bổ thời gian hợp lý, ghi chú khoa học, hệ thống hóa kiến thức và tự đánh giá quá trình học tập, chưa được hình thành một cách vững chắc. Thực tế cho thấy, không ít sinh viên tự học một cách cảm tính, thiếu định hướng cụ thể, dẫn đến tình trạng học theo phong trào, học “nước đến chân mới nhảy”, làm giảm hiệu quả và chất lượng tiếp thu kiến thức.
Thứ hai, khả năng học tập chủ động và tư duy phản biện của sinh viên còn hạn chế. Nhiều sinh viên trong quá trình tự học vẫn mang nặng thói quen thụ động, phụ thuộc vào tài liệu sẵn có hoặc sự hướng dẫn của giảng viên, thay vì tự mình đặt câu hỏi, tìm tòi, nghiên cứu vấn đề. Việc tiếp nhận kiến thức thường mang tính ghi nhớ máy móc mà chưa chú trọng đến việc phân tích, đánh giá, phản biện hoặc sáng tạo ra những cách tiếp cận mới đối với nội dung học tập. Điều này dẫn đến khả năng vận dụng kiến thức vào thực tế còn yếu, sinh viên khó khăn trong việc giải quyết các tình huống phát sinh ngoài khuôn khổ sách vở.
Thứ ba, tình trạng thiếu kiên trì và kỷ luật trong quá trình tự học cũng là một hạn chế phổ biến. Trong môi trường học tập hiện nay, sinh viên phải đối mặt với nhiều yếu tố gây xao nhãng như: mạng xã hội, các hoạt động giải trí trực tuyến, dẫn đến việc khó duy trì sự tập trung và liên tục trong học tập. Nhiều sinh viên có xu hướng bỏ dở kế hoạch học tập khi gặp khó khăn, thiếu tinh thần tự vượt qua trở ngại, dễ dàng từ bỏ mục tiêu ban đầu. Điều này không chỉ làm gián đoạn quá trình tiếp thu kiến thức, mà còn ảnh hưởng tiêu cực đến sự hình thành thói quen tự học lâu dài.
Thứ tư, kỹ năng khai thác và xử lý thông tin của sinh viên mặc dù đã được cải thiện, nhưng vẫn còn nhiều hạn chế. Không ít sinh viên gặp khó khăn trong việc xác định nguồn thông tin đáng tin cậy, thiếu kỹ năng phân tích, tổng hợp và đánh giá các tài liệu tham khảo. Hệ quả là việc học tập đôi khi bị lệ thuộc vào những nguồn tài liệu thiếu chính xác, hoặc sinh viên chỉ sao chép, trích dẫn một cách máy móc mà không thực sự hiểu sâu vấn đề. Tình trạng “quá tải thông tin” (information overload) cũng khiến nhiều sinh viên hoang mang, mất phương hướng trong quá trình tự học.
Thứ năm, động cơ tự học của sinh viên chưa thực sự mạnh mẽ và bền vững. Một bộ phận lớn sinh viên còn học tập chủ yếu để đối phó với kỳ thi, kiểm tra, hoặc để đạt điểm số tối thiểu nhằm đáp ứng yêu cầu tốt nghiệp, thay vì học để phát triển năng lực bản thân hoặc phục vụ nhu cầu nghề nghiệp lâu dài. Việc thiếu động cơ nội tại khiến quá trình tự học trở nên hình thức, thiếu chiều sâu, không tạo ra giá trị thực sự cho sự phát triển cá nhân. Bên cạnh đó, nhận thức về mối liên hệ giữa kiến thức học được với yêu cầu thực tiễn nghề nghiệp trong tương lai của sinh viên còn mơ hồ, dẫn đến thái độ học tập thiếu chủ động và đầu tư nghiêm túc.
Cuối cùng, khả năng vận dụng kiến thức tự học vào thực tế còn yếu. Nhiều sinh viên khi đối mặt với các bài tập tình huống, dự án mô phỏng kinh doanh hay các vấn đề thực tiễn vẫn gặp khó khăn trong việc vận dụng lý thuyết để phân tích, đánh giá và đề xuất giải pháp.
Nguyên nhân của hạn chế
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng năng lực tự học của sinh viên khối ngành kinh tế tại Việt Nam hiện nay, nhưng có thể kể đến các nguyên nhân chủ yếu sau:
(i) Phương pháp giáo dục truyền thống tại nhiều cơ sở đào tạo vẫn còn thiên về lối giảng dạy thuyết trình, truyền thụ kiến thức một chiều, khiến sinh viên quen với cách học thụ động, thiếu kỹ năng tự nghiên cứu và tự quản lý quá trình học tập.
(ii) Chương trình đào tạo ở một số cơ sở giáo dục đại học còn nặng tính lý thuyết, chưa chú trọng phát triển các kỹ năng tự học, tư duy phản biện và vận dụng kiến thức vào thực tiễn, dẫn đến tình trạng sinh viên học đối phó, ngắn hạn, không hình thành được thói quen học tập chủ động lâu dài.
(iii) Bản thân sinh viên, đó là chưa xác định rõ ràng mục tiêu cá nhân và lộ trình nghề nghiệp, khiến cho quá trình tự học của sinh viên thiếu tính bền vững và chiều sâu.
(iv) Thiếu hụt hệ thống hỗ trợ tự học như: thư viện số hiện đại, nguồn tài liệu tham khảo chất lượng cao, các chương trình cố vấn học tập cá nhân hóa, khó khăn trong việc tiếp cận tài liệu cập nhật hoặc tìm kiếm sự hướng dẫn phù hợp, dẫn đến sự trì trệ hoặc lệch hướng trong quá trình học tập.
(v) Áp lực học tập nặng nề từ việc chạy theo tín chỉ, điểm số cũng khiến sinh viên không còn nhiều thời gian và tâm trí đầu tư cho hoạt động tự học có chiều sâu.
GIẢI PHÁP PHÁT TRIỂN NĂNG LỰC TỰ HỌC CỦA SINH VIÊN KHỐI NGÀNH KINH TẾ
Để nâng cao năng lực tự học cho sinh viên khối ngành kinh tế, cần có sự phối hợp đồng bộ từ nhiều phía, trong đó tập trung vào 3 chủ thể chính: nhà trường, bản thân sinh viên và cộng đồng xã hội.
Từ phía nhà trường
Trước tiên, các cơ sở đào tạo cần đổi mới mạnh mẽ phương pháp giảng dạy theo hướng lấy người học làm trung tâm, tăng cường các hoạt động học tập chủ động như: thảo luận nhóm, dự án thực tế, nghiên cứu tình huống và học qua vấn đề (problem-based learning). Nhà trường nên thiết kế chương trình đào tạo tích hợp các học phần rèn luyện kỹ năng tự học, quản lý thời gian, tư duy phản biện và kỹ năng nghiên cứu khoa học cho sinh viên ngay từ những năm đầu đại học. Bên cạnh đó, việc xây dựng hệ thống thư viện điện tử hiện đại, cung cấp nguồn tài liệu học tập phong phú, mở rộng khoá học trực tuyến nội bộ (LMS - Learning Management System) và tổ chức các câu lạc bộ học thuật sẽ tạo điều kiện thuận lợi để sinh viên tự học hiệu quả hơn. Nhà trường cũng cần tăng cường hoạt động cố vấn học tập (academic advising), giúp sinh viên xác định rõ mục tiêu học tập, xây dựng kế hoạch phát triển cá nhân phù hợp với năng lực và định hướng nghề nghiệp.
Từ phía bản thân sinh viên
Sinh viên cần chủ động thay đổi nhận thức về vai trò trung tâm của mình trong quá trình học tập, từ đó nâng cao tinh thần tự giác và trách nhiệm đối với việc tự học. Cụ thể, sinh viên cần rèn luyện kỹ năng lập kế hoạch học tập dài hạn và ngắn hạn, biết tự thiết lập mục tiêu học tập rõ ràng và khả thi, đồng thời thường xuyên tự đánh giá tiến trình học tập của bản thân để điều chỉnh kịp thời. Ngoài ra, sinh viên cần phát triển kỹ năng tìm kiếm, phân tích và xử lý thông tin từ nhiều nguồn khác nhau; đồng thời, nâng cao khả năng tư duy phản biện và vận dụng kiến thức vào thực tiễn. Một trong những chiến lược hiệu quả là sinh viên tham gia tích cực vào các dự án thực tế, nghiên cứu khoa học sinh viên, các cuộc thi học thuật chuyên ngành để vừa trau dồi kiến thức, vừa rèn luyện kỹ năng tự học, sáng tạo. Quan trọng hơn, sinh viên cần hình thành thói quen học tập suốt đời, chủ động cập nhật kiến thức, kỹ năng mới nhằm thích ứng với sự thay đổi không ngừng của thị trường lao động.
Từ phía cộng đồng và xã hội
Cộng đồng và xã hội đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập môi trường hỗ trợ cho quá trình tự học của sinh viên. Các doanh nghiệp, tổ chức nghề nghiệp cần phối hợp với nhà trường trong việc tổ chức các chương trình thực tập, hội thảo chuyên ngành, tọa đàm nghề nghiệp để cung cấp cơ hội cho sinh viên vận dụng kiến thức vào thực tế và phát triển kỹ năng tự học qua trải nghiệm thực tiễn. Ngoài ra, các cơ quan truyền thông và tổ chức xã hội cần đẩy mạnh công tác truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng về vai trò của tự học và học tập suốt đời; đồng thời, phổ biến rộng rãi các tài nguyên học tập mở, thư viện điện tử, khóa học trực tuyến miễn phí đến với sinh viên. Việc tạo ra các quỹ hỗ trợ học bổng, giải thưởng học thuật nhằm khuyến khích tinh thần học tập, nghiên cứu khoa học của sinh viên cũng là những giải pháp cần thiết từ phía cộng đồng để thúc đẩy sự phát triển bền vững năng lực tự học.
Để các chiến lược này đạt hiệu quả cao, cần có sự phối hợp đồng bộ giữa nhà trường, giảng viên, sinh viên và các tổ chức xã hội. Ngoài ra, việc thường xuyên kiểm tra, đánh giá và điều chỉnh các hoạt động hỗ trợ tự học là vô cùng cần thiết nhằm đảm bảo quá trình phát triển năng lực tự học của sinh viên diễn ra bền vững và phù hợp với yêu cầu thực tiễn./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Đặng Thành Hưng (2008). Tự học và dạy cách tự học trong nhà trường, Nxb Đại học Sư phạm, Hà Nội.
2. Knowles, M. S. (1975). Self-Directed Learning: A Guide for Learners and Teachers, New York: Association Press.
3. Nguyễn Cảnh Toàn (1996). Về vấn đề tự học, Nxb Giáo dục, Hà Nội.
4. Phạm Hồng Quang (2014). Tự học và tự đào tạo trong xã hội học tập, Nxb Đại học Quốc gia Hà Nội.
Ngày nhận bài: 25/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 26/5/2025; Ngày duyệt đăng: 27/5/2025 |