TS. Hà Văn Sơn
Trường Đại học Kinh Tế TP. Hồ Chí Minh (UEH)
Email: hason@ueh.edu.vn
ThS. Huỳnh Tấn Kiệt
Chi cục Thống kê tỉnh Đồng Tháp
Email: huynhtankiet2005@gmail.com
Tóm tắt
Nghiên cứu này nhằm tìm ra các nhân tố tác động đến thu hút khách du lịch nội địa với mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp. Kết quả nghiên cứu cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng đến thu hút khách du lịch nội địa với mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung tỉnh Đồng Tháp gồm: Nhân lực phục vụ; Vui chơi, giải trí và mua sắm; Hoạt động ẩm thực; Cơ sở hạ tầng; An ninh an toàn; Tài nguyên du lịch và Giá cả dịch vụ, trong đó nhân tố nhân lực phục vụ tác động mạnh nhất đến thu hút khách du lịch nội địa.
Từ khoá: Du lịch sinh thái, du lịch nội địa, du lịch sinh thái miệt vườn
Summary
This study aims to identify the factors influencing the attraction of domestic tourists to the garden ecotourism model in Lai Vung District, Dong Thap Province. The research findings indicate that the factors affecting domestic tourist attractions include: service personnel, entertainment and shopping activities, culinary experiences, infrastructure, safety and security, tourism resources, and service pricing. Among these, service personnel exert the most enormous influence on attracting domestic tourists.
Keywords: Ecotourism, domestic tourism, garden ecotourism
GIỚI THIỆU
Trước những điều kiện và tình hình mới đó, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp với nhiều nỗ lực của chính quyền địa phương và cộng đồng đã tự mạnh dạn khơi dậy tiềm năng phát triển du lịch mang nét đặc trưng khác biệt mới mẻ và phù hợp với định hướng phát triển du lịch chung của tỉnh Đồng Tháp. Nổi bật nhất là tổ chức thành công Lễ hội Quýt hồng huyện Lai Vung. Tính đến nay toàn Huyện có 15 điểm tham quan vườn cây ăn trái, đã tiếp đón 46.870 lượt khách trong dịp Tết nguyên đán Quý Mão năm 2023, với doanh thu trên 14,5 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Kết quả đạt được vừa qua là một thực tiễn chứng minh khả năng thành công của du lịch Lai Vung.
Tuy nhiên, sự phát triển du lịch của Lai Vung vẫn còn chậm, kinh tế chưa cao, tỷ trọng lượt khách, doanh thu du lịch so với cả tỉnh còn khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng địa phương; chưa thu hút được các nhà đầu tư lớn, chưa có các khu vui chơi, giải trí phức hợp quy mô lớn; hạ tầng giao thông kết nối, phục vụ phát triển du lịch còn yếu, một số tuyến đường xuống cấp; chưa đáp ứng yêu cầu phát triển du lịch trong tình hình mới … Chính vì vậy, nghiên cứu “Các nhân tố tác động đến thu hút khách du lịch nội địa với mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung” trong thời điểm này là rất cần thiết.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ MÔ HÌNH NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyết
Khái niệm miệt vườn
Theo quan niệm dân gian, từ “miệt” để chỉ vùng đất, một xứ miền, một dãy đất, mà ở đó mỗi miệt có một đặc trưng riêng biệt. Phạm Trung Lương (2000) khái niệm miệt vườn là một dạng đặc biệt của hệ sinh thái nông nghiệp. Miệt vườn là các khu chuyên canh cây ăn quả, trồng hoa cây cảnh… rất hấp dẫn với khách du lịch. Tính cách sinh hoạt của cộng đồng người dân nơi đây pha trộn với tính cách giữa người nông dân và tiểu thương. Đặc điểm này đã hình thành nên những giá trị văn hóa bản địa riêng gọi là văn minh miệt vườn và cùng với cảnh quan miệt vườn tạo thành một dạng tài nguyên du lịch sinh thái đặc sắc”.
Du lịch sinh thái miệt vườn
Theo tác giả Bùi Lan Hương (2010), thì du lịch miệt vườn là loại hình du lịch cung cấp sản phẩm du lịch cho khách dựa trên nền tảng các vườn cây ăn trái tập trung, có quy mô tương đối lớn và phải gắn với cảnh quan sông nước. Du lịch sinh thái miệt vườn cung cấp cho du khách cơ hội tiếp cận với thiên nhiên và trải nghiệm cuộc sống nông thôn một cách gần gũi, sản phẩm là các khu vườn cây trái, vườn hoa kiểng, các khu vườn sinh thái…
Tổng quan nghiên cứu
Theo Gearing và cộng sự (1974), có 6 nhân tố ảnh hưởng đến khả năng thu hút du khách của điểm đến Thổ Nhĩ Kỳ, gồm:(1) các yếu tố tự nhiên; (2) các yếu tố xã hội; (3) các yếu tố lịch sử; (4) các cơ sở giải trí và mua sắm; (5) cơ sở hạ tầng, thức ăn và nơi lưu trú ảnh hưởng đến khả năng thu hút điểm đến của nước Thổ Nhĩ Kỳ.
Từ quan điểm khách có hài lòng với điểm đến du lịch sẽ cho thấy điểm đến đó sẽ có sức thu hút khách, xuất phát từ quan điểm này, Tribe và Snaith (1998) phát triển mô hình HOLSAT đánh giá sự hài lòng về kỳ nghỉ của du khách ở Varadero, Cuba thông qua vận dụng và phát triển mô hình SERVQUAL (service quality). Kết quả cho thấy, các nhân tố ảnh hưởng tới sự hài lòng về kỳ nghỉ của du khách ở Varadero, Cuba, gồm: (1) tài nguyên thiên nhiên và điều kiện vật chất; (2) môi trường; (3) các dịch vụ ăn uống - tham quan - giải trí - mua sắm; (4) giá cả dịch vụ; (5) chỗ ở; (6) chuyển tiền; (7) di sản và văn hóa.
Cũng xuất phát từ quan điểm trên, Kozak và cộng sự (2009) xây dựng mô hình nghiên cứu khả năng thu hút khách du lịch của điểm đến với 4 nhóm nhân tố như sau: (1) chất lượng dịch vụ; (2) cơ sở hạ tầng; (3) cơ sở vật chất và hoạt động; (4) sự hấp dẫn của văn hóa, tự nhiên.
Mô hình nghiên cứu
Trên cơ sở các nghiên cứu có liên quan, nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình.
Hình: Mô hình nghiên cứu đề xuất
![]() |
Nguồn: Đế xuất của nhóm tác giả |
Một số giả thuyết được đưa ra như sau:
H1: Tài nguyên du lịch có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
H2: Cơ sở hạ tầng có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
H3: Hoạt động vui chơi, giải trí và mua sắm có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
H4: Hoạt động ẩm thực có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
H5: Nhân lực phục vụ có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
H6: An ninh và an toàn có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
H7: Giá cả dịch vụ có tác động tích cực (+) đến Thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung.
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng thông qua thu thập dữ liệu sơ cấp từ khảo sát 213 đối tượng khách hàng du lịch trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái tại Lai Vu tỉnh Đồng Tháp bằng bảng câu hỏi thiết kế theo thang đo Likert 5 cấp độ và thực hiện lấy mẫy thuận tiện. Khảo sát được thực hiện từ tháng 9/2024 đến tháng 12/2024. Dữ liệu được mã hóa và đưa vào phân tích định lượng bằng phần mềm SPSS 27.0.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kiểm định thang đo Cronbach’s Alpha
Kết quả kiểm định thang đo Cronbach’s Alpha cho thấy, các thành phần nghiên cứu đều đạt các yêu cầu đặt ra, bao gồm giá trị Cronbach’s Alpha nằm trong khoảng từ 0,7 đến 0,8. Cụ thể, giá trị Cronbach’s Alpha của các thành phần: Nhân lực phục vụ; Vui chơi, giải trí và mua sắm; Hoạt động ẩm thực; Cơ sở hạ tầng; An ninh an toàn; Tài nguyên du lịch và Giá cả dịch vụ lần lượt là: 0,857; 0,804; 0,781; 0,869; 0,887; 0,747; 0,825 và giá trị Cronbach’s Alpha của thành phần Thu hút khách du lịch là 0,863. Các hệ số tương quan biến tổng của các biến quan sát đều > 0,3, nên không có sự tự tương qua. Do đó, tất cả các biến quan sát đều được đưa vào phân tích nhân tố khám phá (EFA).
Phân tích EFA
Kết quả kiểm định KMO và Bartlett trong phân tích nhân tố cho thấy, hệ số KMO = 0,731 > 0,5 và P-value trong kiểm định Bartlett có giá trị 1 và với phương pháp rút trích Principal Component và phép quay Varimax, phân tích nhân tố đã rút trích được 7 nhân tố từ 31 biến quan sát, với phương sai trích là 65,35% (> 50%) đạt yêu cầu (Bảng 1).
Bảng 1: Kết quả phân tích EFA
| Nhân tố | ||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 | 6 | 7 | |
TNDL1 |
| 0,805 |
|
|
|
|
|
TNDL2 |
| 0,787 |
|
|
|
|
|
TNDL3 |
| 0,833 |
|
|
|
|
|
TNDL4 |
| 0,813 |
|
|
|
|
|
TNDL5 |
| 0,669 |
|
|
|
|
|
CSHT1 |
|
|
|
| 0,840 |
|
|
CSHT2 |
|
|
|
| 0,651 |
|
|
CSHT3 |
|
|
|
| 0,763 |
|
|
CSHT4 |
|
|
|
| 0,847 |
|
|
GTMS1 |
|
|
|
|
| 0,773 |
|
GTMS2 |
|
|
|
|
| 0,747 |
|
GTMS3 |
|
|
|
|
| 0,790 |
|
GTMS4 |
|
|
|
|
| 0,715 |
|
HDAT1 |
|
|
| 0,869 |
|
|
|
HDAT2 |
|
|
| 0,880 |
|
|
|
HDAT3 |
|
|
| 0,754 |
|
|
|
HDAT4 |
|
|
| 0,873 |
|
|
|
NLPV1 | 0,760 |
|
|
|
|
|
|
NLPV2 | 0,752 |
|
|
|
|
|
|
NLPV3 | 0,891 |
|
|
|
|
|
|
NLPV4 | 0,806 |
|
|
|
|
|
|
NLPV5 | 0,892 |
|
|
|
|
|
|
ATTT1 |
|
|
|
|
|
| 0,640 |
ATTT2 |
|
|
|
|
|
| 0,757 |
ATTT3 |
|
|
|
|
|
| 0,757 |
ATTT4 |
|
|
|
|
|
| 0,777 |
GCDV1 |
|
| 0,792 |
|
|
|
|
GCDV2 |
|
| 0,788 |
|
|
|
|
GCDV3 |
|
| 0,729 |
|
|
|
|
GCDV4 |
|
| 0,748 |
|
|
|
|
GCDV5 |
|
| 0,740 |
|
|
|
|
Kết quả phân tích hồi quy
Kết quả kiểm định mô hình cho thấy, hệ số R2 hiệu chỉnh = 0,576, nghĩa là 5 biến độc lập giải thích được 57,6% biến thiên của biến phụ thuộc. Kết quả phân tích ANOVA cho thấy, Sig.= 0,000
Bảng 2: Kết quả phân tích hồi quy
Mô hình | Hệ số chưa chuẩn hóa | Hệ số chuẩn hóa | t | Sig. | Thống kê đa cộng tuyến | ||
B | Sai số chuẩn | Beta | Tolerance | VIF | |||
(Hằng số) | 0,006 | 0,220 |
| 0,029 | ,977 |
|
|
TNDL | 0,113 | 0,032 | 0,167 | 3,503 | ,001 | 0,877 | 1,140 |
CSHT | 0,151 | 0,033 | 0,213 | 4,520 | ,000 | 0,901 | 1,110 |
GTMS | 0,179 | 0,031 | 0,272 | 5,709 | ,000 | 0,884 | 1,132 |
HDAT | 0,182 | 0,031 | 0,264 | 5,816 | ,000 | 0,967 | 1,034 |
NLPV | 0,167 | 0,028 | 0,276 | 5,949 | ,000 | 0,931 | 1,074 |
ATTT | 0,140 | 0,031 | 0,213 | 4,454 | ,000 | 0,871 | 1,148 |
GCDV | 0,106 | 0,032 | 0,150 | 3,275 | ,001 | 0,948 | 1,055 |
Nguồn: Tính toán từ dữ liệu khảo sát của nhóm tác giả
KẾT LUẬN VÀ HÀM Ý QUẢN TRỊ
Nghiên cứu đã chỉ ra, có 7 nhân tố tác động đến thu hút khách du lịch nội địa trải nghiệm mô hình du lịch sinh thái miệt vườn huyện Lai Vung gồm: Nhân lực phục vụ; Vui chơi, giải trí và mua sắm; Hoạt động ẩm thực; Cơ sở hạ tầng; An ninh an toàn; Tài nguyên du lịch và Giá cả dịch vụ. Trong đó, nhân tố Nhân lực phục vụ (β = 0,276) và kế tiếp là nhân tố Vui chơi, giải trí, mua sắm (β = 0,272) có ảnh hưởng mạnh đến việc thu hút khách du lịch.
Dựa vào kết quả nghiên cứu, nhóm tác giả đề xuất một số giải pháp sau:
Một là, tận dựng thế mạnh tài nguyên du lịch sinh thái và ẩm thực địa phương và các chính sách hỗ trợ từ chính quyền. Lai Vung có tài nguyên du lịch sinh thái phong phú, đặc biệt là các vườn cây trái trù phú, trĩu quả. Do đó, cần tăng cường quảng bá và phát triển các tour du lịch sinh thái, khám phá vườn cây trái và các hoạt động văn hóa địa phương. Cần kết hợp với chính sách hỗ trợ từ chính quyền địa phương để phát triển các tour du lịch sinh thái, tập trung vào trải nghiệm văn hóa và ẩm thực đặc sắc của vùng. Nâng cao chất lượng dịch vụ ẩm thực: Tổ chức các sự kiện ẩm thực đặc sắc, giới thiệu rộng rãi các món ăn địa phương.
Hai là, tối ưu hóa lợi thế về hạ tầng giao thông. Khuyến khích đầu tư mô hình du lịch sông nước kết hợp tham quan vườn trái cây, xây dựng bến tàu khách du lịch phục vụ khai thác loại hình du lịch đường thủy trên tuyến sông Hậu. Phát triển các tour du lịch kết hợp đưa đón du khách, giúp du khách lẻ dễ dàng tiếp cận các điểm du lịch sinh thái và tham gia các hoạt động văn hóa địa phương. Bằng cách tận dụng đầy đủ các điểm mạnh sẵn có và kết hợp chúng với các cơ hội từ môi trường bên ngoài. Lai Vung có thể nhanh chóng và hiệu quả phát triển du lịch sinh thái, đồng thời tạo ra sự độc đáo và khác biệt.
Ba là, cải thiện cơ sở hạ tầng và dịch vụ du lịch thông qua hỗ trợ từ chính quyền và kêu gọi đầu tư tư nhân. Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng du lịch, nâng cao khả năng kết nối giao thông đến các khu du lịch. Cần hoàn thiện hệ thống công nghệ thông tin và tăng cường chuyển đổi số trong ngành du lịch, bao gồm việc số hóa thông tin và tài liệu về các điểm du lịch, cũng như xây dựng cơ sở dữ liệu số để phát triển hệ sinh thái du lịch thông minh. Chú trọng mời gọi đầu tư vào phát triển cơ sở vật chất và dịch vụ du lịch, bao gồm các khu vui chơi giải trí và hoạt động trải nghiệm tại các điểm du lịch quan trọng. Đồng thời, huyện tập trung thu hút nhà đầu tư sử dụng công nghệ mới và thân thiện với môi trường, nhằm nâng cao giá trị và khả năng cạnh tranh của ngành du lịch tại Lai Vung.
Bốn là, nâng cao trình độ và kỹ năng nghề cho lao động ngành du lịch thông qua các chương trình đào tạo và tập huấn. Phát triển nguồn nhân lực du lịch bảo đảm số lượng và chất lượng, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, nâng cao chất lượng nhân lực du lịch về quản lý, kỹ năng nghề du lịch, chú trọng đào tạo lao động lành nghề. Từng bước xây dựng đội ngũ các nhà quản lý, năng động, sáng tạo, chuẩn hóa tiêu chuẩn cả về chuyên môn, nghiệp vụ, ngoại ngữ cho lực lượng phục vụ. Đối với vấn đề lao động trong ngành du lịch chưa đáp ứng yêu cầu về trình độ chuyên môn và kỹ năng nghề, Lai Vung có thể tận dụng các kế hoạch đào tạo và tập huấn từ chính quyền địa phương và các tổ chức liên quan để nâng cao trình độ cho người lao động. Tăng cường hợp tác, liên kết về đào tạo, đa dạng các hình thức đào tạo; chú trọng đào tạo kỹ năng nghề và kỹ năng mềm cho lực lượng lao động trực tiếp phục vụ du lịch, đặc biệt là đội ngũ hướng dẫn viên du lịch địa phương; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng cho cộng đồng dân cư tham gia kinh doanh du lịch và góp phần quảng bá điểm đến, hình ảnh du lịch của địa phương.
Năm là, phát triển sản phẩm du lịch đa dạng và độc đáo dựa trên các đề án và kế hoạch phát triển du lịch của chính quyền. Tận dụng cơ hội từ các dự án phát triển du lịch của chính quyền để mang đến những sản phẩm du lịch đa dạng và thú vị, từng bước thoát khỏi sự đơn điệu trong các hoạt động du lịch. Chú trọng vào việc tạo ra nhiều sản phẩm du lịch trải nghiệm, du khách tham gia vào những hoạt động nông nghiệp, học hỏi về kỹ thuật canh tác từ những người làm vườn và khám phá các làng nghề, để thu hút những du khách tìm kiếm trải nghiệm văn hóa địa phương. Thúc đẩy sự kết nối và cải thiện chất lượng trong chuỗi giá trị của các sản phẩm du lịch, đặc biệt quan tâm đến quản lý điểm đến và các khu vực động lực phát triển du lịch, để đảm bảo môi trường an toàn, văn minh và thân thiện. Phát triển hệ thống sản phẩm du lịch có tính liên kết cao, bao gồm du lịch sinh thái - nghỉ dưỡng, du lịch nông nghiệp kết hợp với chương trình xây dựng nông thôn mới và trải nghiệm làng nghề. Tập trung vào khai thác ẩm thực đặc sắc của Đồng Tháp liên kết với sản phẩm OCOP để tạo ra các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc trưng và cạnh tranh, từng bước xây dựng thương hiệu du lịch Lai Vung và hình ảnh địa phương.
Sáu là, tăng cường quảng bá du lịch và thu hút khách thông qua các sự kiện và lễ hội văn hóa. Tập trung vào việc tổ chức các sự kiện và lễ hội văn hóa, ví dụ như lễ hội Quýt Hồng, nhằm giới thiệu văn hóa địa phương và thu hút du khách. Đẩy mạnh hợp tác và liên kết với TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long để phát triển sản phẩm du lịch vùng MêKong, thu hút thêm nhiều du khách. Hợp tác với các doanh nghiệp lữ hành kinh nghiệm để phát triển các tuyến du lịch mới, đặc biệt là các tuyến du lịch đường thủy trên sông Mê Kông.
Bảy là, sử dụng tài nguyên du lịch sinh thái và văn hóa ẩm thực đặc sắc để vượt qua thách thức của tính mùa vụ. Phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, như: tour du lịch tham quan kết hợp với ẩm thực vùng miền, trải nghiệm sản xuất nông nghiệp, trải nghiệm làm nhà vườn… để thu hút du khách cả năm ngoài mùa cao điểm, giảm bớt sự phụ thuộc vào mùa vụ. Tổ chức các sự kiện, lễ hội, hoạt động giải trí quanh năm để duy trì sự hấp dẫn và thu hút du khách.
Tám là, tận dụng nguồn nhân lực hiền hòa, mến khách để cải thiện chất lượng dịch vụ trong thời gian quá tải. Cần phát huy tối đa lợi thế đặc thù là sự chân thành và mến khách của người dân Lai Vung để thu hút khách du lịch. Đào tạo và chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực để đáp ứng nhu cầu cao trong mùa du lịch, đảm bảo duy trì chất lượng dịch vụ.
Chín là, khai thác hạ tầng giao thông thuận lợi để giải quyết vấn đề vận chuyển và tiếp cận. Tận dụng hệ thống giao thông đường bộ và thủy tốt của Lai Vung để giảm nhẹ vấn đề giao thông trong thời gian cao điểm. Phát triển các tuyến đường thủy và cải thiện dịch vụ vận chuyển để hỗ trợ việc di chuyển của du khách. Tăng cường kết nối với các điểm du lịch trong khu vực với nhau để phân tán lượng khách và giảm áp lực lên cơ sở hạ tầng trong những ngày cao điểm.
Mười là, nâng cao khả năng cạnh tranh bằng cách phát triển các sản phẩm du lịch độc đáo, không dễ dàng bị sao chép bởi các điểm du lịch khác, như: trải nghiệm văn hóa địa phương, ẩm thực đặc sắc và hoạt động du lịch sinh thái. Tăng cường marketing và quảng bá du lịch thông qua các kênh truyền thông để nâng cao nhận thức về du lịch Lai Vung, tạo ra một thương hiệu du lịch mạnh mẽ và độc đáo. Bằng cách tận dụng đầy đủ các điểm mạnh sẵn có để đối phó với các thách thức hiện tại và tiềm ẩn, Lai Vung có thể bảo vệ và phát triển ngành du lịch sinh thái của mình một cách bền vững và hiệu quả./.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Abraham Pizam Youcheng Wang (2011). Destination Marketing and Management, Theories and Applications, CABI.
2. Crouch and Ritchie (1999). Destination Competitiveness and the Role of the Tourism Enterprise, Proceedings of the Fourth Annual Business, Turkey Congress, Istanbul, Congress Istanbul.
3. Kreg Lindberg và Donal.E. Hawkins (1999). Du lịch sinh thái, hướng dẫn cho các nhà lập kế hoạch và quản lý, Nxb Cục Môi trường.
4. P. Kotler, and Keller, K.L. (2006). Marketing Management, Pearson Prentice Hall, USA.
5. Oliver L. (1980). A Cognitive Model of the Antecedents and Consequences of Satisfaction Decisions, Journal of Marketing Research, 4, 460-469.
6. S. Vengesayi (2003). Destination Attractiveness and Destination Competitiveness: A Model of Destination evaluation, ANZMAC 2003 Conference Proceedings Adelaide, Monash University, 637-645.
7. Zhang H. Chen Y., Qiu L. (2012). A Review on Tourist Satisfaction of Tourism Destinations, Proceedings of 2nd International Conference on Logistics, Informatics and Service Science, DOI 10.1007/978.
Ngày nhận bài: 24/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 15/5/2025; Ngày duyệt đăng: 16/5/2025 |