Biệt thự "lãnh chúa miền Trung" và nhiều di tích ở Huế chờ tôn tạo

27/04/2025 08:14

() - Trải qua thời gian tồn tại, dưới tác động của nhiều yếu tố khác nhau nên đa số công trình di tích trên địa bàn thành phố Huế bị xuống cấp, cần bảo quản, tôn tạo.

Theo Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế, địa phương này đang gìn giữ hệ thống di sản văn hóa phong phú, đa dạng với nhiều loại hình khác nhau, phân bố rộng khắp trên địa bàn.

Toàn thành phố Huế hiện có 8 di sản đã được UNESCO vinh danh; 3 hệ thống di tích cấp quốc gia đặc biệt, 89 di tích quốc gia và 106 di tích cấp tỉnh; 278 công trình, địa điểm nằm trong danh mục kiểm kê di tích đã được UBND thành phố Huế phê duyệt, công bố.

Biệt thự lãnh chúa miền Trung và nhiều di tích ở Huế chờ tôn tạo - 1

Nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn bị bỏ hoang nhiều năm (Ảnh: Vi Thảo).

Tại Huế còn có 6 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia cùng hàng nghìn bảo vật, di sản tư liệu, cổ vật, di sản văn hóa vật thể đặc biệt quý hiếm.

Theo đại diện phòng Quản lý Di sản Văn hóa, trực thuộc Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Huế, trải qua thời gian tồn tại, dưới tác động và ảnh hưởng của các yếu tố khác nhau, nhiều di tích trên địa bàn bị xuống cấp, cần tôn tạo, tu sửa.

Năm 2020, thành phố Huế đã ban hành đề án hỗ trợ đầu tư bảo quản, tu bổ, phục hồi 123 di tích nằm ngoài Quần thể di tích cố đô Huế, thực hiện trong 10 năm. Trong giai đoạn 2021-2025, có 39 di tích thuộc đề án đã được tu bổ, tôn tạo, với tổng kinh phí hơn 124 tỷ đồng.

Biệt thự lãnh chúa miền Trung và nhiều di tích ở Huế chờ tôn tạo - 2

Đến nay mới có một hầm trong hệ thống di tích Chín Hầm được tôn tạo, phục hồi (Ảnh: Vi Thảo).

Tuy nhiên, công tác bảo quản và phục hồi hệ thống di tích nằm ngoài quần thể di tích cố đô Huế đến nay còn hạn chế, số lượng công trình cần tu bổ còn nhiều và tiếp tục tăng lên.

Điển hình như 2 di tích cấp quốc gia Chín Hầm và nhà chứng tích Ngô Đình Cẩn (hay còn được biết đến là biệt thự bị bỏ hoang của "lãnh chúa miền Trung", tại phường An Tây, quận Thuận Hóa) có nhiều hạng mục đã hư hỏng, xuống cấp. Hệ thống Chín Hầm mới có 1 hầm được tu bổ, phục hồi, số còn lại đã trở thành phế tích.

Theo đề án, 2 công trình này sẽ được hỗ trợ kinh phí tu bổ, tôn tạo trong giai đoạn 2026-2028. Tuy nhiên, trước thực trạng xuống cấp nghiêm trọng của di tích, Bảo tàng Lịch sử thành phố Huế xin điều chỉnh thời gian thực hiện sang giai đoạn 2021-2025.

Đơn vị quản lý đã lập dự án xin tu bổ, tôn tạo 2 di tích nêu trên, trình cấp có thẩm quyền xem xét nhưng đến nay chưa được phê duyệt.

Một công trình khác đã được đưa vào danh mục thực hiện trong giai đoạn 2021-2022 là di tích khảo cổ Thành Lồi. Tuy nhiên đến nay dự án chưa được các cơ quan chức năng phê duyệt và bố trí nguồn vốn để triển khai.

Biệt thự lãnh chúa miền Trung và nhiều di tích ở Huế chờ tôn tạo - 3

Khu vực di tích khảo cổ Thành Lồi tại Huế (Ảnh: Vi Thảo).

Theo đại diện phòng Quản lý Di sản Văn hóa thành phố Huế, di tích này có diện tích rộng lớn, nhiều vị trí dấu vết đã phai mờ, cần khảo sát đánh giá toàn bộ hệ thống nên đến nay chưa triển khai tu bổ, phục hồi.

Mặt khác, do nguồn lực chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn, bố trí hằng năm chưa kịp thời. Khung chính sách hỗ trợ theo đề án đã ban hành từ năm 2020, không còn phù hợp với tỷ giá giai đoạn hiện nay.

Do đó, công tác bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích sẽ được thực hiện theo lộ trình, giai đoạn và có sự ưu tiên cho các nội dung cấp bách hơn.

Bạn đang đọc bài viết "Biệt thự "lãnh chúa miền Trung" và nhiều di tích ở Huế chờ tôn tạo" tại chuyên mục Sự kiện. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.