Biến động mới của 5 dự án liên quan mỏ khí lớn nhất Việt Nam

18/04/2025 16:14

Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn vừa ký Quyết định số 768/QĐ-TTg ngày 15/4/2025 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện VIII), trong đó có cập nhật về dự án Cá Voi Xanh.

Danh mục các nhà máy điện khí trong nước của Quy hoạch điện VIII điều chỉnh đã thêm 5 dự án sử dụng khí từ mỏ Cá Voi Xanh, với mục tiêu các dự án sẽ vận hành trong 2025-2030.

Mỏ khí Cá Voi Xanh nằm cách bờ biển miền Trung khoảng 100 km về phía đông, do Tập đoàn ExxonMobil của Hoa Kỳ làm nhà điều hành. Cá Voi Xanh được cho là mỏ lớn nhất Việt Nam vào thời điểm hiện tại.

Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh có tổng mức đầu tư gần 10 tỷ USD.

Biến động mới của 5 dự án liên quan mỏ khí lớn nhất Việt Nam- Ảnh 1.

Theo quy hoạch mới nhất, tiến độ của 5 dự án, gồm các nhà máy tua bin khí hỗn hợp (TBKHH) Dung Quất I, Dung Quất II, Dung Quất III, Miền Trung I, Miền Trung II, sẽ đồng bộ với tiến độ phía thượng nguồn của chuỗi dự án khí-điện Cá Voi Xanh.

Quy hoạch điện VIII điều chỉnh cũng cho biết công suất của các nhà máy điện có thể dao động hơn hoặc kém 15% (so với dự kiến) và sẽ được chuẩn xác, phù hợp với gam công suất của tổ máy trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch, giai đoạn chuẩn bị và thực hiện dự án đầu tư xây dựng.

Quy hoạch này cũng giao nhiệm vụ cho Tập đoàn Công nghiệp-Năng lượng Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) triển khai nhanh, có hiệu quả các mỏ khí Lô B, Cá Voi Xanh, Kèn Bầu...theo tiến độ được duyệt.

Các dự án Cá Voi Xanh gặp khó khăn vì đối tác Mỹ

Tháng 8/2024, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên có buổi làm việc với tỉnh Quảng Ngãi về năng lượng.

Theo Báo Công Thương, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nêu ra các khó khăn dự án Cá Voi Xanh. " Chỉ bởi một lý do là Chủ đầu tư Exxon Mobil tái cơ cấu hoạt động của tập đoàn, không chú trọng vào khai thác mà lại chú trọng vào ngành năng lượng mới. Nhưng quy định của chúng ta trước đó rất khó giải quyết. Gạt ra không được, để lại thì không làm được. Đây là vấn đề rất nặng ”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị tỉnh Quảng Ngãi cùng Bộ kiến nghị với Chính phủ cho phép triển khai dự án nhà máy nhiệt điện khí. Nhưng thay vì sử dụng khí hóa lỏng từ mỏ Cá Voi Xanh chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu, vì phải phát triển điện khí để đảm bảo năng lượng cho quốc gia.

Còn khi nào khai thác được mỏ Cá Voi Xanh thì sẽ chuyển sang sử dụng lại. “Cần thiết chúng ta sẽ kí hợp đồng cung ứng nguồn nhiên liệu có thời hạn với một số đối tác thì không vấn đề gì", theo Bộ trưởng.

Chuỗi dự án khí - điện Cá Voi Xanh bao gồm các dự án thành phần:

+ Thượng nguồn, trung nguồn: dự án phát triển mỏ Cá Voi Xanh (bao gồm hệ thống khai thác khí ngoài khơi, đường ống vận chuyển khí về bờ và nhà máy xử lý khí trên bờ) thuộc PSC Lô 117-119;

+ Hạ nguồn: các dự án Nhà máy điện tại Quảng Nam (Miền Trung I&II, công suất 750MW/nhà máy do Petrovietnam là Chủ đầu tư) và Quảng Ngãi (Dung Quất I&III, công suất 750MW/1 nhà máy do EVN là Chủ đầu tư và Dung Quất II, công suất 750 MW do Sembcorp của Singapore là Chủ đầu tư theo hình thức BOT).

Theo Quy hoạch địa điểm xây dựng Trung tâm Điện lực Dung Quất đã được Bộ Công Thương phê duyệt tại Quyết định 2612/QĐ-BCT ngày 25/7/2018, gồm 3 nhà máy Dung Quất I, II và III sử dụng khí Cá Voi Xanh, tiến độ đưa vào vận hành năm 2028, với tổng công suất 2.250 MW và dự phòng diện tích để có thể phát triển thêm 01 nhà máy với công suất 750MW.

Bạn đang đọc bài viết "Biến động mới của 5 dự án liên quan mỏ khí lớn nhất Việt Nam" tại chuyên mục Doanh nghiệp. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.