30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải

26/04/2025 12:30

Ngày 30 tháng 4 gợi chúng ta nhớ lại ngày toàn thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Đất nước, giang sơn thu về một mối. Hiện thực hóa câu nói của Bác Hồ: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, nhưng chân lý ấy không bao giờ thay đổi".

30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 1.
30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 2.

Một hôm, tôi được một gia đình ở vùng ven lộ Bốn, xã Hữu Đạo, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) mời ăn đám giỗ. Mọi người đều ngồi bệt xuống nền nhà.

Trong một căn nhà chòi ba gian chật hẹp, lợp lá dừa nước dựng tạm ngoài đồng (để không phải ở trong ấp chiến lược), tôi nhìn thấy có tới ba trang thờ. Gọi là trang thờ nhưng mỗi cái chỉ là một mảnh gỗ nhỏ treo lên vách vừa đủ chỗ để đặt một bát nhang và bày lên đó ít trái cây.

30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 3.

Tôi buột miệng hỏi: "Thím Tư, sao nhà mình lại có tới ba trang thờ hả thím?". Câu hỏi vô tình trong buổi giỗ khiến thím Tư đưa tay quẹt nước mắt rồi nghẹn ngào giải thích: "Phải làm ba để trang giữa thờ ổng (chồng thím Tư), một lần đi làm đồng đạp phải mìn, chết.

Hai cái hai bên thờ thằng Ba, thằng Tư. Một thằng đi lính quốc gia, một thằng đi quân giải phóng. Hôm nay làm giỗ thằng Tư, nên thím phải kéo tấm rèm che trang thờ thằng Ba lại để anh em nó khỏi nhìn thấy mặt nhau".

Câu hỏi vô tình của tôi làm cho không khí buổi giỗ trong căn nhà chòi chùng hẳn xuống. Tôi bỗng cảm thấy mình như có lỗi vì đã khơi lên nỗi đau tột cùng của một người vợ, người mẹ đã mất cả chồng và hai con trong chiến tranh.

Và nỗi đau ấy dường như còn lớn hơn khi hai đứa con đều do một mẹ sinh ra mà dù đã mất nhưng trong suy nghĩ của người mẹ vẫn lo ở thế giới bên kia hai đứa vẫn ở hai bên chiến tuyến, nên thím mới nói: "Làm giỗ đứa này thì phải kéo rèm che trang thờ thằng kia lại. Còn ổng thì ngồi riêng".

Từ buổi giỗ hôm ấy, tôi luôn mong sao cho đến một ngày thím Tư nhập ba trang thờ thành một bàn thờ, để mỗi khi khói hương cúng giỗ, nhìn lên bàn thờ thím được thấy cả ba cha con cùng về ngồi chung mâm, chung bát.

Đấy là một câu chuyện có thật, không phải là quá hiếm trên đất nước hình chữ S thân yêu của chúng ta. Cùng với câu chuyện riêng của một gia đình, tôi cũng còn được thấy, được nghe rất nhiều câu chuyện bi thương, khốc liệt, những sự đổ máu, mất mát, hiềm khích… đã diễn ra trong chiến tranh và những chia ly cứ ray rứt trong tâm trí bao người.

30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 4.
30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 5.

Cuộc chiến tranh khốc liệt kéo dài suốt mấy chục năm, với biết bao là bom đạn đã gieo xuống mảnh đất này. Và lớn lao, quý giá hơn là không biết bao nhiêu máu xương đã đổ để đất nước có được hòa bình, độc lập và thống nhất.

Kể từ ngày 30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 6.

Sau 50 năm, cây cỏ trong thiên nhiên đã tự chữa lành những vết thương do chiến tranh gây ra, đã trả lại màu xanh bình yên cho con người.

Những cánh đồng lúa, những vườn cây ngày nào bị héo úa nay đã đem lại cho con người những mùa bội thu. Và con cháu của thím Tư, những người còn sống đã có thêm hai thế hệ nối tiếp nhau và lớn lên.

Nhưng với chừng đó thời gian dường như vẫn chưa thể xóa đi hết những nỗi đau giằng xé trong tâm trí nhiều người.

Đấy là những nỗi đau thầm lặng của những định kiến, hận thù; có khi chỉ là những nghĩ suy, những ánh mắt không thân thiện nhìn nhau của những người đã không thể vượt qua, không tự xóa đi những mặc cảm bên này bên kia để hòa nhập vào cuộc sống mới.

Những điều ấy đã từng làm yếu đi sức mạnh đại đoàn kết của dân tộc Việt Nam.

30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 7.

Mỗi năm vào dịp 30 tháng 4, người Việt Nam lại có dịp ôn lại những truyền thống vẻ vang của dân tộc; tự hào với những thành quả lớn lao của cách mạng, của toàn dân; với tinh thần "khép lại quá khứ hướng tới tương lai"; toàn dân tộc cùng đoàn kết, nắm tay nhau bước vào kỷ nguyên vươn mình hướng tới sự phồn vinh, hạnh phúc.

Cùng tin tưởng vào tương lai tươi sáng của đất nước chúng ta, cùng mong cho việc thực hiện tư tưởng lớn, truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc; việc thực hiện chủ trương hòa hợp, hòa giải thực sự trở thành nguồn sức mạnh vô địch thúc đẩy sự nghiệp dựng xây đất nước mạnh giàu.

30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 8.

Vào những ngày này chúng ta càng thêm thấm thía những lời dạy vô cùng ân cần và thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Bất kỳ ai thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ".

Người còn giải thích hết sức cặn kẽ: "Năm ngón tay cũng có ngón ngắn, ngón dài. Nhưng ngắn dài đều hợp lại nơi bàn tay. Trong mấy triệu con người cũng có người thế này thế khác, nhưng thế này thế khác đều dòng dõi tổ tiên ta. Vậy nên ta phải khoan hồng đại độ, ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít nhiều lòng ái quốc".

Tư tưởng lớn ấy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn được Đảng, Nhà nước ta quán triệt, cả trong đường lối đối nội và đối ngoại: "Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển" (Văn kiện Đại hội XII).

Và sự thật, không chỉ chúng ta "muốn" mà còn xây dựng những mối quan hệ đối tác hợp tác chiến lược với những nước từng là đối thủ. Với đồng bào trong nước, đường lối của Đảng là một sự nhìn nhận đầy bao dung và hòa thuận:

"Tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước" (Văn kiện Đại hội XII). Tư tưởng ấy chính là tư tưởng lớn đại đoàn kết toàn dân tộc mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: "Không đoàn kết thì suy và mất. Có đoàn kết thì thịnh và còn. Chúng ta phải lấy đoàn kết mà xoay vần vận mệnh, giữ gìn dân tộc và bảo vệ nước nhà".

Khối đại đoàn kết toàn dân tộc đang ngày càng lớn mạnh. Bởi như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Ta phải nhận ra rằng đã là con Lạc, cháu Hồng thì ai cũng có ít hay nhiều lòng yêu nước".

Với sự chân thành hướng tới sự hòa hợp, hòa giải, một chủ trương bắt nguồn từ truyền thống vô cùng tốt đẹp của nhân dân ta. Ngày kỷ niệm 30 tháng 4 năm nay sẽ là một dấu mốc lớn của tinh thần "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết. Thành công, thành công, đại thành công".

Hơn bao giờ hết, sức mạnh tinh thần to lớn ấy rất cần để đất nước có được sự đồng thuận và quyết tâm bước vào kỷ nguyên vươn mình xây dựng nước Việt Nam hòa bình và thịnh vượng.

30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải - Ảnh 9.
Nội dung:
PHẠM QUANG NGHỊ
Thiết kế:
VÕ TÂN

Bạn đang đọc bài viết "30-4 - Hòa bình, Hòa hợp, Hòa giải" tại chuyên mục Infographic. Tin bài cộng tác vui lòng gửi về email Banbientap@kinhtevadulich.vn hoặc liên hệ hotline 0917501400.