Xu hướng hành vi và năng lực thích ứng tài chính của sinh viên: Một nghiên cứu điển hình từ Vương quốc Anh

Nghiên cứu làm nổi bật tính cấp thiết của việc trang bị kỹ năng tài chính thực tiễn cho sinh viên; đồng thời đề xuất các hướng can thiệp chiến lược để hoạch định chính sách giáo dục tài chính trong bối cảnh giáo dục đại học hiện đại.

Lê Phan Thanh Hòa

Khoa Kế toán - Kiểm toán, Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Nguyễn Ngọc Duy

Viện Sau đại học, Trường Đại học Văn Lang, TP. Hồ Chí Minh, Việt Nam

Email: duy.nguyen@vlu.edu.vn

Tóm tắt

Nghiên cứu này phân tích xu hướng nhận thức, hành vi và năng lực thích ứng tài chính của sinh viên đại học tại Vương quốc Anh, dựa trên dữ liệu khảo sát tổng hợp từ ONS (2023). Mục tiêu nhằm làm rõ khoảng cách giữa hiểu biết và hành động tài chính của sinh viên trong điều kiện áp lực chi phí sinh hoạt tăng cao và nguồn lực hỗ trợ hạn chế. Phân tích cho thấy mức nhận thức tài chính của sinh viên tương đối cao, nhưng năng lực thích ứng tài chính lại ở mức rất thấp, phản ánh rõ rệt khoảng cách giữa “biết” và “làm”… Các hành vi ứng phó phổ biến bao gồm cắt giảm chi tiêu, học online và tăng giờ làm thêm; các biện pháp dài hạn như chuyển trường hoặc thay đổi hình thức học lại ít được lựa chọn. Những kết quả này làm nổi bật tính cấp thiết của việc trang bị kỹ năng tài chính thực tiễn cho sinh viên; đồng thời đề xuất các hướng can thiệp chiến lược để hoạch định chính sách giáo dục tài chính trong bối cảnh giáo dục đại học hiện đại.

Từ khóa: Tài chính sinh viên, thích ứng tài chính, hành vi tài chính, giáo dục tài chính, dữ liệu tổng hợp

Summary

This study analyzes the trends in perception, behavior, and financial adaptability of university students in the United Kingdom based on aggregated survey data from the Office for National Statistics (ONS, 2023). This study aims to clarify the gap between financial knowledge and financial behavior among students amid rising living costs and limited support resources. The analysis reveals that while students possess relatively high levels of financial awareness, their financial adaptability remains very low, clearly reflecting the gap between “knowing” and “doing.” Common coping behaviors include cutting expenses, shifting to online learning, and increasing part-time work hours, whereas long-term measures such as transferring schools or changing study modes are rarely considered. These findings underscore the urgency of equipping students with practical financial skills and proposing strategic interventions to inform financial education policy in the context of modern higher education.

Keywords: Student finance, financial adaptability, financial behavior, financial education, aggregated data

GIỚI THIỆU

Trong bối cảnh kinh tế có nhiều diễn biến khó lường, khả năng quản lý tài chính cá nhân không chỉ là một kỹ năng sống quan trọng, mà còn là yếu tố then chốt giúp sinh viên - nhóm dân số đang chuyển tiếp từ phụ thuộc sang tự chủ tài chính - thích ứng hiệu quả với những rủi ro và áp lực ngày càng gia tăng. Tình trạng lạm phát, chi phí học tập cao và thay đổi trong thị trường lao động đã buộc sinh viên phải đưa ra các quyết định tài chính quan trọng dù chưa có đầy đủ kiến thức, kỹ năng hoặc nguồn lực hỗ trợ phù hợp (OECD, 2020).

Theo các nghiên cứu trước đây, hiểu biết tài chính có ảnh hưởng đáng kể đến hành vi chi tiêu, tiết kiệm và vay mượn của sinh viên (Lusardi & Mitchell, 2014; Allgood & Walstad, 2015). Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, mức độ nhận thức tài chính cao chưa chắc đi kèm với hành vi tài chính tích cực (Atkinson & Messy, 2012; Huston, 2010). Một khoảng cách rõ rệt giữa “biết” và “làm” vẫn tồn tại, đặc biệt trong các tình huống tài chính bất ngờ hoặc khủng hoảng. Đây là lúc năng lực thích ứng tài chính - khái niệm mô tả khả năng phản ứng và điều chỉnh linh hoạt kế hoạch tài chính - trở nên đặc biệt quan trọng (OECD-INFE, 2021).

Bên cạnh đó, yếu tố sức khỏe tinh thần và mức độ thoải mái trong học tập cũng ảnh hưởng đến năng lực tài chính của sinh viên, khi các trạng thái lo âu, trầm cảm có thể làm suy giảm khả năng ra quyết định hợp lý (Andrews & Wilding, 2010; Norvilitis et al., 2006). Các yếu tố này tương tác chặt chẽ, tạo nên bức tranh tổng thể về hành vi tài chính trong môi trường đại học, nhưng lại ít được xem xét đồng thời trong các nghiên cứu định lượng.

Để khắc phục những hạn chế trong những nghiên cứu đã nêu, nghiên cứu này tập trung phân tích xu hướng nhận thức, hành vi và năng lực thích ứng tài chính của sinh viên đại học, thông qua dữ liệu khảo sát tổng hợp từ một nghiên cứu thực hiện tại Vương quốc Anh. Thay vì đánh giá trên dữ liệu cá nhân, nghiên cứu sử dụng phương pháp lượng hóa dữ liệu tổng hợp để xác định các nhóm yếu tố cần ưu tiên hỗ trợ. Từ đó, nghiên cứu không chỉ phản ánh tình trạng thực tế của sinh viên trong điều kiện kinh tế khó khăn, mà còn gợi mở định hướng phát triển các chương trình giáo dục tài chính ứng dụng cao, phù hợp hơn với nhu cầu và bối cảnh hiện nay.

CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

Cơ sở lý luận

Giáo dục tài chính cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành hành vi tài chính hợp lý và bảo đảm an toàn kinh tế cá nhân, đặc biệt đối với sinh viên - nhóm thường thiếu kiến thức tài chính cơ bản, dẫn đến các hành vi rủi ro như vay tiêu dùng quá mức, thiếu kế hoạch tiết kiệm hoặc quản lý ngân sách (Lusardi & Mitchell, 2014; OECD, 2020). Tuy nhiên, hiểu biết tài chính không phải yếu tố duy nhất ảnh hưởng đến an toàn tài chính, mà khả năng thích ứng với biến động mới là vần đề ngày càng được quan tâm (Huston, 2010; OECD-INFE, 2021).

Nhận thức tài chính - hiểu biết và cảm nhận cá nhân về tình hình tài chính - là nền tảng cho hành vi tài chính, song không luôn dẫn đến hành động phù hợp do khoảng cách giữa kiến thức và thực hành (Atkinson & Messy, 2012). Hành vi tài chính phản ánh cách cá nhân chi tiêu, tiết kiệm, vay mượn và đưa ra quyết định. Những hành vi này có thể chịu tác động từ cảm xúc, môi trường hoặc áp lực tài chính (Xiao & O'Neill, 2016).

Năng lực thích ứng tài chính, khả năng điều chỉnh tài chính khi đối mặt với khủng hoảng như mất thu nhập hoặc chi phí đột xuất, được xem là yếu tố thiết yếu để duy trì ổn định lâu dài. Ngoài ra, sức khỏe tinh thần cũng ảnh hưởng đáng kể đến hành vi tài chính, khi các trạng thái như căng thẳng hay lo âu làm suy giảm khả năng ra quyết định (Norvilitis et al., 2006).

Dù đã có nhiều nghiên cứu về kiến thức và hành vi tài chính, các phân tích định lượng về năng lực thích ứng tài chính trong nhóm sinh viên còn hạn chế, cho thấy nhu cầu cấp thiết của việc nghiên cứu nhằm làm rõ mối quan hệ giữa nhận thức, hành vi và khả năng thích ứng tài chính của sinh viên.

Phương pháp nghiên cứu

Nghiên cứu sử dụng thiết kế mô tả định lượng, dựa trên dữ liệu khảo sát tổng hợp từ sinh viên đại học tại Vương quốc Anh (ONS, 2023). Bảng khảo sát gồm các câu hỏi theo thang đo Likert 5 mức (1-5), được phân thành các nhóm: nhận thức tài chính (4 câu), hành vi tài chính (2 câu), năng lực thích ứng tài chính (6 câu), sức khỏe tinh thần (7 câu) và mức độ thoải mái khi học tập (2 câu). Dữ liệu chỉ có ở dạng tổng hợp, nên không thực hiện phân tích suy luận theo cá nhân.

Các phương pháp phân tích bao gồm: (1) mô tả điểm trung bình theo từng câu hỏi và nhóm nội dung; (2) so sánh liên nhóm để xác định điểm mạnh - điểm yếu giữa các yếu tố; (3) phân tích chênh lệch nội nhóm nhằm phát hiện khía cạnh cần cải thiện; và (4) đánh giá logic nội dung để đảm bảo tính nhất quán khái niệm giữa các câu hỏi trong từng nhóm.

Để thuận tiện cho việc phân tích và so sánh, thang đo Likert 1-5 được quy đổi về thang điểm 100 theo trọng số như sau: mức 1, 2, 3, 4 và 5 lần lượt có trọng số tương ứng là w = 0, 25, 50, 75 và 100. Bên cạnh đó, chúng tôi định nghĩa điểm tài chính FI của mỗi câu hỏi thuộc các nhóm như sau:

FI = ∑(ri x wi)/100

Trong đó, ri là tỉ lệ chọn trả lời phương án i của câu hỏi. Chỉ số FI phản ánh mức độ thể hiện, biểu hiện hoặc cảm nhận của người học đối với từng khía cạnh cụ thể, giá trị FI càng cao thì mang ý nghĩa tích cực càng cao đối với các khía cạnh xem xét. Để đánh giá xu hướng tài chính của sinh viên, điểm trung bình cộng FI các câu hỏi của các nhóm được dùng để so sánh liên nhóm.

KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU VÀ THẢO LUẬN

Kết quả nghiên cứu

Kết quả tính toán điểm tài chính trung bình chuẩn hóa (thang điểm 100) cho từng nhóm yếu tố tài chính của nghiên cứu được trình bày trong Bảng (các số liệu trong nghiên cứu được viết theo chuẩn quốc tế).

Bảng: Điểm trung bình chuẩn hóa theo nhóm yếu tố tài chính

Câu hỏi

Nhóm

Mức 1 (%)

Mức 2 (%)

Mức 3 (%)

Mức 4 (%)

Mức 5 (%)

Điểm FI

FItb

1

Bạn có vay nợ mới nào để ứng phó với việc chi phí sinh hoạt tăng không?

Hành vi tài chính

63

4

33

35

51.5

2

Hiện tại bạn có đang nhận khoản vay sinh viên để trang trải chi phí sinh hoạt trong năm nay khôn

Hành vi tài chính

32

68

68

3

Bạn cảm thấy khả năng tiếp tục việc học trong năm học này là cao hay thấp?

Năng lực thích ứng tài chính

3

2

6

27

62

85.75

36.9

4

Bạn đã từng cân nhắc thực hiện thay đổi nào sau đây trong kế hoạch học tập chưa? Tạm dừng khóa học và tiếp tục vào năm sau.

Năng lực thích ứng tài chính

77

2

21

22

5

Bạn đã từng cân nhắc thực hiện thay đổi nào sau đây trong kế hoạch học tập chưa? Rời trường đại học hiện tại để học khóa tương tự tại một trường khác.

Năng lực thích ứng tài chính

85

1

14

14.5

6

Bạn có chuyển về sống với gia đình và đi học từ đó không?

Năng lực thích ứng tài chính

74

6

20

23

7

Bạn có chuyển đổi giữa học toàn thời gian và bán thời gian không?

Năng lực thích ứng tài chính

81

2

17

18

8

Bạn có chuyển hình thức học từ lớp học trực tiếp sang học từ xa không?

Năng lực thích ứng tài chính

2

79

19

58.5

9

So với một năm trước, chi phí sinh hoạt của bạn đã thay đổi như thế nào?

Nhận thức tài chính

3

5

92

94.5

66.3

10

Bạn có lo lắng rằng chi phí sinh hoạt tăng sẽ ảnh hưởng đến kết quả học tập của mình không?

Nhận thức tài chính

8

4

10

41

37

73.75

11

Tổng thu nhập của bạn hiện nay thay đổi thế nào so với cùng thời điểm năm ngoái?

Nhận thức tài chính

6

14

26

16

38

66.5

12

Khoản vay sinh viên của bạn có đáp ứng tốt chi phí sinh hoạt không?

Nhận thức tài chính

40

18

25

14

3

30.5

13

Kể từ học kỳ mùa thu năm 2022, bạn hài lòng hay không hài lòng với trải nghiệm xã hội của mình?

Sự thoái mái khi học tập

4

14

26

40

16

62.5

64

14

Kể từ học kỳ mùa thu năm 2022, bạn hài lòng hay không hài lòng với trải nghiệm học tập của mình?

Sự thoái mái khi học tập

4

12

17

52

15

65.5

15

Trong hai tuần qua, bạn lo lắng hay không lo lắng về việc chi phí sinh hoạt tăng?

Sức khỏe tinh thần

4

2

4

44

46

81.5

63.7

16

Sức khỏe tinh thần và sự an lành của bạn đã thay đổi thế nào kể từ học kỳ mùa thu năm 2022?

Sức khỏe tinh thần

13

33

26

20

8

44.25

17

Nhìn chung, bạn cảm thấy hài lòng với cuộc sống hiện tại ở mức độ nào?

Sức khỏe tinh thần

24

15

61

68.5

18

Nhìn chung, bạn cảm thấy những việc mình làm trong cuộc sống có ý nghĩa ở mức độ nào?

Sức khỏe tinh thần

21

14

65

72

19

Nhìn chung, hôm qua bạn cảm thấy hạnh phúc ở mức độ nào?

Sức khỏe tinh thần

30

14

56

63

20

Hôm qua bạn cảm thấy lo âu ở mức độ nào?

Sức khỏe tinh thần

39

12

49

55

21

Bạn thường cảm thấy cô đơn như thế nào?

Sức khỏe tinh thần

4

14

31

33

18

61.75

Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

Theo Bảng, nhóm “Năng lực thích ứng tài chính” có điểm trung bình thấp nhất (FItb = 36.9), trong khi “Nhận thức tài chính” đạt điểm cao nhất (FItb = 66.3). Các nhóm còn lại bao gồm “Sức khỏe tinh thần” (FItb = 63.7), “Sự thoải mái trong học tập” (FItb = 64), và “Hành vi tài chính” (FItb = 51.5).

Kết quả này phản ánh một hiện tượng đáng lưu ý: mặc dù sinh viên có nhận thức tương đối cao về tình hình tài chính và môi trường học tập, song năng lực thực tế để thích ứng với các biến động tài chính lại ở mức thấp, cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa kiến thức và hành động.

Phân tích chi tiết các câu hỏi trong nhóm “Năng lực thích ứng tài chính” cho thấy điểm FI của từng câu dao động trong khoảng từ 14.5 đến 23, phản ánh rõ mức độ hạn chế trong khả năng điều chỉnh hành vi tài chính khi gặp khủng hoảng. Ví dụ, câu hỏi “Bạn có xem xét việc cắt giảm nhu cầu không thiết yếu để duy trì tài chính không?” chỉ đạt 14.5 điểm, cho thấy rất ít sinh viên chọn mức độ đồng ý cao.

Khi so sánh 2 nhóm “Nhận thức tài chính” và “Hành vi tài chính”, chênh lệch điểm trung bình lên đến 16.3 điểm. Điều này củng cố giả thiết về khoảng cách giữa hiểu biết và hành vi ứng xử, vốn được nhiều tài liệu nghiên cứu quốc tế đề cập. Việc có nhận thức cao không đồng nghĩa với hành vi phù hợp nếu thiếu môi trường thực hành, sự hỗ trợ hoặc kỹ năng ra quyết định thực tế.

Ngoài nhóm “Năng lực thích ứng”, một số câu hỏi thuộc nhóm khác cũng có điểm thấp bất thường (dưới 35 điểm), chẳng hạn như: “Bạn có lập kế hoạch tài chính cá nhân không?” (thuộc nhóm hành vi); “Chi phí sinh hoạt hiện nay có vượt quá khả năng tài chính của bạn không?” (thuộc nhóm nhận thức). Những câu hỏi này có thể xem là chỉ báo sớm cho các hành vi và cảm nhận bất lợi về tài chính cần được ưu tiên xử lý trong can thiệp giáo dục.

Khi phân tích khả năng ứng phó với tình trạng giá cả leo thang, chúng tôi nhận thấy việc chuyển về nhà ở (thay vì đi ở trọ gần trường) có điểm số cao nhất (FI = 23), kế tiếp là nghỉ học tạm thời (FI = 22) và chuyển hình thức học từ xa (FI = 20) là những lựa chọn của đa số sinh viên. Việc chuyển qua trường khác học (để tiết kiệm học phí) và chuyển hình thức học bán thời gian có điểm FI thấp hơn, lần lượt là FI = 14.5 và FI = 18. Điều này có thể thấy rằng, xu hướng lựa chọn của sinh viên khi giá cả gia tăng là sẽ chuyển về nhà ở, nghỉ học tạm thời và chọn hình thức học từ xa thay vì học các học phần ở trường khác có học phí rẻ hơn hoặc chuyển qua học bán thời gian.

Kết quả phân tích của nghien cứu cũng chỉ ra rằng, cách ứng phó của sinh viên tại Vương quốc Anh rất đa dạng trước tình trạng giá cả sinh hoạt gia tăng, như được thể hiện trong Hình. Các hành vi này phản ánh không chỉ năng lực điều chỉnh tài chính cá nhân, mà còn liên quan đến tâm lý, thói quen học tập và mức độ tiếp cận hỗ trợ xã hội.

Hình: Hành động ứng phó với giá cả sinh hoạt gia tăng của sinh viên

(Đơn vị tính: %)

Xu hướng hành vi và năng lực thích ứng tài chính của sinh viên: Một nghiên cứu điển hình từ Vương quốc Anh
Nguồn: Kết quả nghiên cứu của nhóm tác giả

Kết quả nghiên cứu thể hiện tại Hình cho thấy: Cắt giảm chi tiêu không thiết yếu đạt tỷ lệ cao nhất (75%), tiếp theo là giảm chi tiêu thiết yếu (65%) và sử dụng tiền tiết kiệm hoặc tín dụng nhiều hơn (64%). Điều này cho thấy sinh viên chủ yếu ưu tiên điều chỉnh chi tiêu cá nhân trước khi tìm đến các biện pháp hỗ trợ bên ngoài. Hành vi sử dụng tiền tiết kiệm (53%) và tiết kiệm năng lượng (48%) cũng được lựa chọn đáng kể, phản ánh sự dịch chuyển từ thói quen tiêu dùng sang quản lý tài nguyên một cách chiến lược. Đối với hành vi hành vi liên quan đến học tập, một tỷ lệ đáng kể sinh viên chuyển sang học online khi có thể (25%), học ở nhà nhiều hơn (44%) và bỏ các tiết học không bắt buộc (29%), cho thấy sự thích ứng linh hoạt trong hành vi học tập nhằm tiết kiệm chi phí. Các hành vi như mua thiết bị học cũ/giảm giá (35%), không tham gia hoạt động học phí (34%) hay ngoại khóa (38%) chứng tỏ ảnh hưởng của lạm phát không chỉ giới hạn ở chi tiêu sinh hoạt, mà còn tác động trực tiếp đến trải nghiệm học tập và xã hội của sinh viên. Đối với các hành vi ít phổ biến và nhóm dễ tổn thương, chỉ 5% sinh viên tìm đến tổ chức từ thiện hoặc ngân hàng thực phẩm, và chỉ 6% đầu tư/đánh bạc kiếm tiền, cho thấy phần lớn sinh viên vẫn chưa phụ thuộc vào nguồn hỗ trợ bên ngoài hoặc hành vi có rủi ro. Tuy nhiên, 22% đã bán tài sản cá nhân và 30% tăng giờ làm việc, cho thấy áp lực tài chính đã buộc một số sinh viên hy sinh tài sản hoặc thời gian học tập để duy trì cuộc sống. Các số liệu thu được cũng cho thấy, chỉ 2% sinh viên không thực hiện hành vi ứng phó nào, cho thấy mức độ ảnh hưởng của lạm phát là gần như phổ quát, buộc hầu hết sinh viên phải có điều chỉnh trong hành vi tài chính, học tập hoặc sinh hoạt.

Kết quả phân tích các hành động ứng phó (Hình) cũng cho thấy sinh viên không chỉ đối mặt với khó khăn tài chính, mà còn thể hiện năng lực thích ứng và ra quyết định linh hoạt trước tình hình biến động. Tuy nhiên, tác động dài hạn lên chất lượng học tập, sức khỏe tinh thần và trải nghiệm đại học là những khía cạnh cần được tiếp tục theo dõi và hỗ trợ.

Thảo luận

Kết quả nghiên cứu cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa các nhóm yếu tố tài chính trong sinh viên, đặc biệt là giữa “Nhận thức tài chính” (66.3 điểm) và “Năng lực thích ứng tài chính” (36.9 điểm). Mặc dù sinh viên có mức độ nhận thức tương đối cao về các vấn đề tài chính cá nhân, họ lại gặp nhiều khó khăn trong việc phản ứng và điều chỉnh hành vi khi đối mặt với biến động tài chính. Điều này củng cố lập luận về khoảng cách giữa “biết” và “làm” đã được nhiều nghiên cứu quốc tế đề cập (Atkinson & Messy, 2012; Lusardi & Mitchell, 2014).

Khoảng cách giữa “Hành vi tài chính” (51.5 điểm) và nhận thức cũng đáng lưu tâm. Sinh viên có thể hiểu được tầm quan trọng của lập kế hoạch tài chính hoặc tiết kiệm, nhưng lại thiếu kỹ năng cụ thể để hiện thực hóa các hành vi đó. Điều này có thể đến từ một số nguyên nhân: Thiếu thực hành trong môi trường giáo dục, ít có cơ hội tiếp xúc với quản lý tài chính thực tế (ví dụ như sinh viên sống cùng gia đình, không có thu nhập riêng), ảnh hưởng của cảm xúc, lo âu hoặc căng thẳng làm gián đoạn việc ra quyết định tài chính (Norvilitis et al., 2006).

Một điểm đáng chú ý là mức điểm thấp đồng đều trong các câu hỏi thuộc nhóm “Năng lực thích ứng tài chính”. Điều này cho thấy không chỉ một, mà nhiều khía cạnh trong khả năng điều chỉnh tài chính khi có biến động đều chưa được hình thành vững chắc. Tình trạng này làm sinh viên trở nên dễ bị tổn thương trong bối cảnh chi phí sinh hoạt tăng cao, mất việc làm thêm hoặc giảm thu nhập hỗ trợ từ gia đình.

Ngoài ra, kết quả cũng mở ra một góc nhìn tích cực: nhóm “Sức khỏe tinh thần” và “Sự thoải mái trong học tập” có điểm trung bình khá cao (trên 63 điểm). Điều này có thể là nền tảng hỗ trợ giúp sinh viên nâng cao năng lực tài chính nếu được lồng ghép hiệu quả vào chương trình giảng dạy kỹ năng sống hoặc tư vấn học đường.

Tuy nhiên, nghiên cứu này cũng có một số hạn chế: Dữ liệu chỉ tồn tại ở dạng tổng hợp, không cho phép thực hiện phân tích tương quan hoặc hồi quy để xác định mức độ ảnh hưởng trực tiếp giữa các nhóm yếu tố; Không thể kiểm soát được các đặc điểm nền (demographic) như giới tính, ngành học, khu vực sống, tình trạng tài chính gia đình. Dù vậy, nghiên cứu vẫn cung cấp một bức tranh tổng thể có giá trị thực tiễn về tình hình tài chính của sinh viên và là cơ sở bước đầu để thiết kế các chương trình giáo dục phù hợp hơn với nhu cầu thực tế.

KẾT LUẬN VÀ KIẾN NGHỊ

Nghiên cứu định lượng về xu hướng hành vi và năng lực thích ứng tài chính cho thấy khó khăn tài chính, đặc biệt là áp lực chi phí sinh hoạt, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống học tập và tinh thần của sinh viên. Dù nhiều sinh viên đã điều chỉnh hành vi tài chính để thích ứng, chỉ số năng lực thích ứng tài chính vẫn ở mức thấp, phản ánh khoảng cách giữa nhận thức và hành động.

Kết quả cũng cho thấy nhận thức tài chính cao có liên hệ tích cực tới sức khỏe tinh thần và mức độ hài lòng trong học tập. Tuy nhiên, nhiều sinh viên vẫn thiếu kỹ năng tài chính thực hành để đối phó với biến động tài chính cá nhân. Dù không thể phân tích suy luận do sử dụng dữ liệu tổng hợp, nghiên cứu này vẫn cung cấp những phát hiện quan trọng, cho thấy việc giáo dục nâng cao năng lực tài chính cho sinh viên là vấn đề thiết yếu trong bối cảnh hội nhập và phát triển bền vững giáo dục đại học.

Từ kết quả phân tích, chúng tôi đề xuất một số giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính cho sinh viên như sau: Tích hợp giáo dục tài chính thực hành qua các tình huống mô phỏng, bài tập ngân sách và phản xạ tình huống; Phát triển hệ thống hỗ trợ tài chính trong trường học, kết nối tư vấn tâm lý, học vụ và tài chính với cơ chế cảnh báo sớm và quỹ hỗ trợ; Xây dựng công cụ đánh giá nhanh năng lực tài chính, giúp sàng lọc sinh viên có nguy cơ ngay từ đầu năm học; Mở rộng nghiên cứu thực nghiệm, sử dụng khảo sát cá nhân và thiết kế can thiệp để đánh giá hiệu quả chương trình, từ đó điều chỉnh chính sách theo nhóm ngành và bối cảnh đào tạo.

Tài liệu tham khảo:

1. Allgood, S., & Walstad, W. B. (2015). The effects of perceived and actual financial literacy on financial behaviors. Economic Inquiry, 54(1), 675-697. https://doi.org/10.1111/ecin.12255

2. Andrews, B., & Wilding, J. M. (2010). The relation of depression and anxiety to life‐stress and achievement in students. British Journal of Psychology, 95(4), 509-521. https://doi.org/10.1348/0007126042369802

3. Atkinson, A., & Messy, F.-A. (2012). Measuring financial literacy: Results of the OECD/INFE pilot study. OECD Publishing. https://doi.org/10.1787/5k9csfs90fr4-en

4. Huston, S. J. (2010). Measuring financial literacy. Journal of Consumer Affairs, 44(2), 296-316. https://doi.org/10.1111/j.1745-6606.2010.01170.x

5. Lusardi, A., & Mitchell, O. S. (2014). The economic importance of financial literacy: Theory and evidence. Journal of Economic Literature, 52(1), 5-44. https://doi.org/10.1257/jel.52.1.5

6. Norvilitis, J. M., Szablicki, P. B., & Wilson, S. D. (2006). Factors influencing levels of credit-card debt in college students. Journal of Applied Social Psychology, 33(5), 935-947. https://doi.org/10.1111/j.1559-1816.2003.tb01932.x

7. OECD (2020). OECD/INFE 2020 international survey of adult financial literacy. OECD Publishing. https://www.oecd.org/financial/education/oecd-infe-2020-international-survey-of-adult-financial-literacy.pdf

8. OECD-INFE (2021). Navigating financial uncertainty: Toolkit for financial resilience and well-being. OECD Publishing. https://www.oecd.org/financial/education/financial-resilience.htm

9. ONS-Office for National Statistics (2023, February 24). Cost of living and higher education students, England: 30 January to 13 February 2023 (Statistical bulletin). Office for National Statistics. https://www.ons.gov.uk/peoplepopulationandcommunity/educationandchildcare/bulletins/costoflivingandhighereducationstudentsengland/30januaryto13february2023

10. Xiao, J. J., & O’Neill, B. (2016). Consumer financial education and financial capability. International Journal of Consumer Studies, 40(6), 712-721. https://doi.org/10.1111/ijcs.12285

Ngày nhận bài: 25/6/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 30/6/2025; Ngày duyệt đăng: 01/7/2025