Nghiên cứu, bổ sung sân bay Măng Đen và sân bay Vân Phong vào hệ thống cảng hàng không quốc gia
Bộ Xây dựng mới đây đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt nhiệm vụ lập điều chỉnh Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc cho giai đoạn 2021–2030, với tầm nhìn đến năm 2050.
Điểm đáng chú ý trong bản điều chỉnh lần này là định hướng bổ sung sân bay Măng Đen (tỉnh Quảng Ngãi) và sân bay Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) vào quy hoạch cảng hàng không quốc gia. Đây đều là các khu vực có vị trí địa chiến lược và tiềm năng phát triển kinh tế – du lịch lớn, hứa hẹn sẽ tạo thêm động lực mới cho khu vực miền Trung.
Nội dung lập điều chỉnh quy hoạch gồm: phân tích điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội khu vực dự kiến bổ sung; nghiên cứu kỹ thuật chọn vị trí xây dựng; dự báo nhu cầu vận tải; đánh giá tác động kinh tế, xã hội, môi trường; tổ chức vùng trời, phương thức bay; xác định quy mô, công suất, loại tàu bay; định hướng sử dụng đất, kết nối giao thông; ước tính chi phí đầu tư và phương án triển khai.
Hồ sơ quy hoạch gồm thuyết minh, sơ đồ, bản đồ điều chỉnh, có thể bổ sung theo kết quả nghiên cứu thực tế để đảm bảo tính khả thi. Thời gian lập điều chỉnh dự kiến khoảng 3 tháng kể từ khi nhiệm vụ được phê duyệt.
Sân bay Vân Phong và sân bay Măng Đen đặc biệt thế nào?
Sân bay Vân Phong
Sân bay Vân Phong có vị trí dự kiến tại xã Vạn Thắng, tỉnh Khánh Hòa; cách trung tâm TP Nha Trang cũ khoảng 65 km về phía Nam, cách Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh khoảng 108 km về phía Nam, cách Cảng hàng không Tuy Hòa khoảng 48 km về phía Bắc.
Tổng diện tích đất dành cho quy hoạch sân bay này là trên 497 ha, tọa lạc hoàn toàn trên khu vực mặt nước biển gần bờ, không có dân cư sinh sống, không có rừng phòng hộ hay khu vực neo đậu tàu, thuyền, rất thuận lợi cho việc giải phóng mặt bằng. Nếu đề xuất này được thông qua, Việt Nam lần đầu tiên sẽ có sân bay được xây dựng hoàn toàn trên vùng nước.

Sân bay Vân Phong tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT
Bộ Giao thông Vận tải cho rằng tư vấn quy hoạch cần bổ sung nghiên cứu các giải pháp kỹ thuật phù hợp, đánh giá nhiều yếu tố không làm ảnh hưởng tới sân bay trong trường hợp nước biển dâng tại Khánh Hòa.
Dự án xây dựng sân bay Vân Phong được đề xuất hoàn thành trước năm 2029, giai đoạn đầu dự kiến có sức chứa 1,5 triệu hành khách mỗi năm. Sân bay được thiết kế theo tiêu chuẩn cấp 4E, có khả năng tiếp nhận các loại máy bay cỡ lớn như A350, B787 và cũng là sân bay quân sự cấp I.
UBND tỉnh Khánh Hòa cũng cho biết, tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Vân Phong giai đoạn đầu là rất lớn, khoảng 9.214 tỷ đồng (chưa bao gồm lãi vay), đáp ứng phục vụ 1.500.000 hành khách/năm, tương đương 600 hành khách/giờ cao điểm.
Sân bay Măng Đen
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, sân bay Măng Đen có vị trí dự kiến tại xã Măng Đen, tỉnh Quảng Ngãi.
Vị trí này cách trung tâm TP Kon Tum cũ khoảng 45km về phía Đông Bắc, cách sân bay Pleiku khoảng 73km về phía Đông Bắc, cách sân bay Phù Cát khoảng 105km về phía Tây Bắc và cách sân bay Chu Lai khoảng 93km về phía Tây Nam.
Khu vực dự kiến quy hoạch Cảng hàng không Măng Đen nằm hoàn toàn trên khu vực đồi núi với diện tích dự kiến khoảng 350ha.

Sân bay Măng Đen tương lai. Ảnh minh họa bằng ứng dụng AI ChatGPT
Sân bay có công suất quy hoạch dự kiến đến năm 2030 khoảng 1 triệu hành khách/năm (được định hướng cải tạo dây chuyền để khai thác vượt công suất cho giai đoạn sau năm 2030); cấp sân bay 4C theo phân cấp của Tổ chức hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).
Sơ bộ tổng mức đầu tư xây dựng Cảng hàng không Măng Đen giai đoạn đầu khoảng gần 5.000 tỷ đồng. Nguồn vốn đầu tư dự kiến được huy động từ vốn ngân sách nhà nước cho công tác giải phóng mặt bằng khoảng 327 tỷ đồng (chiếm 6,6%); vốn của nhà đầu tư thực hiện dự án theo phương thức đối tác công - tư (PPP) khoảng 4.605 tỷ đồng (chiếm khoảng 93,4%). Thời gian hoàn vốn dự kiến khoảng 48,4 năm.