TS. Đỗ Thị Ngọc Lan
Email: dothingoclan@haui.edu.vn
Trường Ngoại ngữ - Du lịch - Trường Đại học Công nghiệp Hà Nội
Tóm tắt
Nghiên cứu sử dụng dữ liệu khảo sát từ 216 doanh nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam, thông qua mô hình hồi quy đa biến nghiên cứu những nhân tố ảnh hưởng đến quản trị chuỗi cung ứng bền vững trên khía cạnh môi trường. Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 nhân tố ảnh hưởng chính đến quản trị chuỗi cung ứng bền vững bao gồm: (1) Quản lý nhà cung ứng bền vững; (2) Quản lý khách hàng bền vững; (3) Quản lý vận hành bền vững; (4) Chiến lược phát triển bền vững; và (5) Văn hóa hướng ngoại - linh hoạt. Qua đó, nghiên cứu nhấn mạnh vai trò của văn hóa hướng ngoại và linh hoạt đối với hiệu quả của quản trị chuỗi cung ứng bền vững, đồng thời đề xuất các giải pháp nhằm phát triển bền vững cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới.
Từ khóa: Quản trị chuỗi cung ứng, chế biến nông sản, văn hóa doanh nghiệp, phát triển bền vững, môi trường và phát triển.
JEL Codes: Q01; Q56
Summary
This study utilizes survey data from 216 agricultural processing enterprises in Vietnam and applies a multivariate regression model to examine the factors influencing sustainable supply chain management from an environmental perspective. The results reveal five key factors affecting sustainable supply chain management, including (1) Sustainable supplier management; (2) Sustainable customer management; (3) Sustainable operations management; (4) Sustainable development strategy; and (5) Outward–flexible organizational culture. The findings emphasize the critical role of an outward and flexible culture in the effectiveness of sustainable supply chain management and propose solutions to promote sustainable development for Vietnamese enterprises in the future.
Keywords: Supply chain management, agricultural processing, corporate culture, sustainable development, environment and development
JEL Codes: Q01; Q56
GIỚI THIỆU
Toàn cầu hóa và những yêu cầu ngày càng khắt khe về phát triển bền vững đang đặt ra thách thức lớn cho chuỗi cung ứng, buộc các doanh nghiệp không chỉ tập trung vào hiệu quả kinh tế mà còn phải tích hợp trách nhiệm xã hội và bảo vệ môi trường (European Commission, 2022). Xu hướng này thúc đẩy sự chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững, đặc biệt quan trọng đối với Việt Nam – một quốc gia xuất khẩu nông sản chủ lực và đang đẩy mạnh công nghiệp chế biến để nâng cao giá trị gia tăng (FAO, 2023; Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, 2023).
Do vậy, việc nghiên cứu về tác động môi trường trong chuỗi cung ứng bền vững của các doanh nghiệp chế biến nông sản tại Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng. Trước hết, ngành chế biến nông sản tiêu thụ lượng lớn nước, năng lượng và nguyên liệu, đồng thời tạo ra nhiều chất thải, khí thải CO₂ và nước thải, gây áp lực lên môi trường (Nguyen & Tran, 2021). Việc tối ưu hóa chuỗi cung ứng giúp giảm ô nhiễm và tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên. Thứ hai, Việt Nam ngày càng siết chặt các quy định về môi trường, yêu cầu doanh nghiệp tuân thủ các tiêu chuẩn sản xuất xanh nhằm hạn chế vi phạm và tránh bị xử phạt (Bộ Tài nguyên và Môi trường, 2020).
Bên cạnh đó, thị trường quốc tế như EU và Mỹ đặt ra các tiêu chí nghiêm ngặt về sản phẩm bền vững, do đó, việc cải thiện chuỗi cung ứng sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng xuất khẩu (European Commission, 2022). Hơn nữa, phát triển chuỗi cung ứng bền vững trong ngành chế biến nông sản còn góp phần bảo vệ hệ sinh thái, giảm thất thoát nguyên liệu và hỗ trợ mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững của Việt Nam (FAO, 2021). Đặc biệt, nghiên cứu này còn có ý nghĩa trong bối cảnh Việt Nam cam kết đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 tại COP26, đòi hỏi các doanh nghiệp chế biến nông sản phải áp dụng các giải pháp xanh để giảm thiểu tác động môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu (UNFCCC, 2021).
Vì vậy, việc nghiên cứu các yếu tố ảnh hưởng đến môi trường trong chuỗi cung ứng bền vững không chỉ giúp doanh nghiệp tối ưu hóa hoạt động mà còn đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững quốc gia.
CƠ SỞ LÝ THUYẾT VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
Cơ sở lý thuyêt
Các lý thuyết nền tảng cho nghiên cứu bao gồm: Lý thuyết phát triển bền vững, Lý thuyết kinh tế tuần hoàn, Quản trị chuỗi cung ứng bền vững và Văn hóa doanh nghiệp.
Lý thuyết phát triển bền vững nhấn mạnh ba trụ cột: kinh tế, xã hội và môi trường, được mô tả trong mô hình Triple Bottom Line (Elkington, 1997). Trong chuỗi cung ứng, quản trị bền vững (SSCM) không chỉ tối ưu hóa tài nguyên mà còn giảm rủi ro và nâng cao giá trị thương hiệu (Carter & Rogers, 2008).
Lý thuyết kinh tế tuần hoàn tập trung vào mô hình 3R (Reduce, Reuse, Recycle), giúp doanh nghiệp sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm và tối ưu hóa chuỗi cung ứng (Ghisellini et al., 2016; Ellen MacArthur Foundation, 2013).
Quản trị chuỗi cung ứng bền vững tích hợp các yếu tố kinh tế, môi trường và xã hội nhằm duy trì khả năng cạnh tranh, đồng thời đáp ứng yêu cầu từ khách hàng và các bên liên quan (Seuring & Müller, 2008).
Cuối cùng, văn hóa doanh nghiệp, đặc biệt là văn hóa linh hoạt, giúp doanh nghiệp thích ứng với thay đổi, thúc đẩy đổi mới và phát triển bền vững trong môi trường cạnh tranh (Schein, 2010; Cameron & Quinn, 2011).
Mô hình nghiên cứu
Kế thừa từ các nghiên cứu trước, nhóm tác giả sẽ tập trung vào các yếu tố quản lý bền vững và chiến lược kinh doanh (Sousa & Voss, 2001). Hơn nữa, nghiên cứu cũng sẽ làm rõ tác động của văn hóa hướng ngoại và linh hoạt đến quản trị chuỗi cung ứng bền vững tập trung vào khía cạnh môi trường. Nhóm tác giả đề xuất mô hình nghiên cứu như Hình 1:
![]() |
Hình 1: Mô hình nghiên cứu |
Nguồn: Đề xuất của tác giả (2025)
Dưới đây là bảng tổng hợp các giả thuyết nghiên cứu liên quan đến quản trị chuỗi cung ứng bền vững giúp làm rõ mối quan hệ giữa các yếu tố quản lý và hiệu quả bền vững trong chuỗi cung ứng, giả thuyết nghiên cứu được trình bày như Bảng 1.
Bảng 1: Tổng hợp giả thuyết nghiên cứu
STT | Giả thuyết nghiên cứu | Nguồn tham khảo |
H1 | Quản lý nhà cung ứng bền vững có tác động tích cực tới hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng bền vững. | Chen & Paulraj (2004); Bai & Sarkis (2010); Yang et al. (2010) |
H2 | Quản lý khách hàng bền vững có tác động tích cực tới hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng bền vững. | Midumolu et al. (2009); Krasnikov et al. (2009) |
H3 | Quản lý vận hành bền vững có tác động tích cực tới hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng bền vững. | Seuring & Müller (2008); Carter & Easton (2011) |
H4 | Chiến lược phát triển bền vững có tác động tích cực tới hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng bền vững. | Habib & Victor (1991); Rodrigues et al. (2004); Nguyễn Ngọc Trung (2018); Hong et al. (2009) |
H5 | Văn hoá hướng ngoại – linh hoạt có tác động tích cực tới hiệu quả quản trị chuỗi cung ứng bền vững. | Denison & Spreitzer (1991); Nguyễn Ngọc Trung (2018) |
Nguồn: Tổng hợp của tác giả (2025)
Phương pháp nghiên cứu
Nghiên cứu định tính
Dựa trên nền tảng lý thuyết và tổng quan các công trình nghiên cứu, phân tích kết quả của các nghiên cứu trước đây về các yếu tố ảnh hưởng đến việc quan trị chuỗi cung ứng bền vững, tác giả kế thừa và xây dựng mô hình khái niệm cùng các thang đo phù hợp. Trong nghiên cứu này, phương pháp nghiên cứu định tính được thực hiện thông qua phỏng vấn sâu với 5 chủ doanh nghiệp chế biến nông sản tại khu vực Đông Nam Bộ của Việt Nam, cùng với thảo luận nhóm.
Nghiên cứu định lượng
Nghiên cứu sử dụng phương pháp định lượng, khảo sát diện rộng đối với các doanh nghiệp chế biến nông sản tại khu vực Đông Nam Bộ, thực hiện từ tháng 04/2024- tháng 12/2024 để thu thập thông tin sơ cấp. Cụ thể số phiếu phát ra là 243, số phiếu thu về là 216 phiếu. Các biến được đo lường bằng thang đo Likert 5 điểm.
KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU
Kết quả phân tích hệ số tin cậy Cronbach's Alpha Bảng 2: Kết quả kiểm định hệ số Cronbach’s Alpa Thang đo | Số biến ban đầu | Hệ số Cronbach’s Alpha | Số biến hợp lệ |
Chiến lược phát triển bền vững (CLPT) | 4 | 0,788 | 4 |
Quản lý nhà cung ứng bền vững (QLNCU) | 5 | 0,784 | 5 |
Quản lý khách hàng bền vững (QLKH) | 5 | 0,919 | 5 |
Quản lý vận hành bền vững (QLVH) | 6 | 0,91 | 6 |
Văn hóa hướng ngoại - linh hoạt (VHHNLH) | 5 | 0,734 | 5 |
Quản trị chuỗi cung ứng bền vững trên khía cạnh môi trường (MT) | 5 | 0,734 | 5 |
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả (2025)
Kết quả phân tích trong Bảng 2 cho thấy, tất cả các thang đo trong mô hình nghiên cứu đều có hệ số Cronbach’s Alpha lớn hơn ngưỡng chấp nhận 0,7. Cụ thể:
+ Thang đo Quản lý khách hàng bền vững (QLKH) và Quản lý vận hành bền vững (QLVH) có hệ số Alpha rất cao lần lượt là 0,919 và 0,910, phản ánh độ tin cậy và tính nhất quán nội tại xuất sắc.
+ Các thang đo Chiến lược phát triển bền vững (CLPT) (0,788), Quản lý nhà cung ứng bền vững (QLNCU) (0,784), Văn hóa hướng ngoại - linh hoạt (VHHNLH) (0,734), và Quản trị chuỗi cung ứng bền vững trên khía cạnh môi trường (MT) (0,734) đều đạt mức độ tin cậy tốt, vượt ngưỡng 0,7.
Ngoài ra, tác giả đã kiểm tra hệ số tương quan biến tổng của từng biến quan sát trong mỗi thang đo. Kết quả cho thấy, tất cả các biến quan sát đều có hệ số tương quan biến tổng > 0,3. Điều này khẳng định rằng, mỗi biến quan sát đều có đóng góp có ý nghĩa vào việc đo lường khái niệm của thang đo mà nó thuộc về. Mặc dù một số biến (như VHHNLH3 với Alpha if Item Deleted = 0,637 hoặc MT2 với Alpha if Item Deleted = 0,665) có thể có hệ số tương quan biến tổng hoặc "Alpha if Item Deleted" ở mức tương đối so với các biến khác, tác giả quyết định giữ lại toàn bộ các biến quan sát ban đầu trong mỗi thang đo. Lý do là vì việc loại bỏ các biến này không làm tăng đáng kể hệ số Cronbach’s Alpha của thang đo tương ứng, và việc giữ lại chúng giúp đảm bảo phản ánh đầy đủ nội dung lý thuyết của các khái niệm nghiên cứu như đã xây dựng dựa trên tổng quan tài liệu và nghiên cứu định tính.
Như vậy, kết quả kiểm định Cronbach’s Alpha xác nhận rằng tất cả các thang đo được sử dụng trong nghiên cứu đều đảm bảo độ tin cậy cần thiết và các biến quan sát là phù hợp để tiếp tục các phân tích tiếp theo, bao gồm phân tích nhân tố khám phá (EFA) và Phân tích hồi quy.
Phân tích nhân tố khám phá EFA Kết quả phân tích EFA cho biến độc lậpKết quả ở Bảng 3 cho thấy, chỉ số KMO = 0,787, khẳng định dữ liệu phù hợp để phân tích nhân tố. Kiểm định Bartlett có Sig. = 0,000, bác bỏ giả thuyết ma trận tương quan đơn vị, chứng tỏ các biến có sự tương quan và có thể đưa vào phân tích nhân tố.
Bảng 3: Kết quả phân tích EFA cho các biến độc lập
| Nhân tố |
| |||||||
1 | 2 | 3 | 4 | 5 |
| ||||
QLVH5 | ,901 |
|
|
|
|
| |||
QLVH3 | ,881 |
|
|
|
|
| |||
QLVH4 | ,859 |
|
|
|
|
| |||
QLVH2 | ,845 |
|
|
|
|
| |||
QLVH6 | ,758 |
|
|
|
|
| |||
QLVH1 | ,699 |
|
|
|
|
| |||
QLKH2 |
| ,874 |
|
|
|
| |||
QLKH1 |
| ,871 |
|
|
|
| |||
QLKH3 |
| ,866 |
|
|
|
| |||
QLKH4 |
| ,858 |
|
|
|
| |||
QLKH5 |
| ,829 |
|
|
|
| |||
QLNCU3 |
|
| ,786 |
|
|
| |||
QLNCU2 |
|
| ,775 |
|
|
| |||
QLNCU1 |
|
| ,743 |
|
|
| |||
QLNCU5 |
|
| ,691 |
|
|
| |||
QLNCU4 |
|
| ,654 |
|
|
| |||
VHHNLH3 |
|
|
| ,818 |
|
| |||
VHHNLH2 |
|
|
| ,749 |
|
| |||
VHHNLH1 |
|
|
| ,678 |
|
| |||
VHHNLH4 |
|
|
| ,642 |
|
| |||
VHHNLH5 |
|
|
| ,568 |
|
| |||
CLPT1 |
|
|
|
| ,814 |
| |||
CLPT2 |
|
|
|
| ,751 |
| |||
CLPT3 |
|
|
|
| ,743 |
| |||
| Hệ số KMO | ,787 | |||||||
| Kiểm định Bartlett | Chi bình phương xấp xỉ | 2839,303 | ||||||
| df | 276 | |||||||
| Sig. | ,000 | |||||||
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả (2025)
Bảng 3 cho thấy, kết quả EFA đã trích xuất 5 nhân tố chính, phản ánh các khía cạnh của quản lý chuỗi cung ứng bền vững. Tất cả các hệ số tải nhân tố đều >0,5, đáp ứng tiêu chí tối thiểu để đảm bảo tính hội tụ của thang đo. Điều này khẳng định rằng các biến quan sát có mức độ đóng góp tốt vào từng nhân tố tương ứng, từ đó đảm bảo độ tin cậy và tính hợp lệ của thang đo trong nghiên cứu và phù hợp để tiếp tục phân tích hồi quy.
Kết quả phân tích EFA cho biến phụ thuộc
Sau khi phân tích EFA cho biến phụ thuộc, tác giả tiếp tục phân tích nhân tố EFA cho biến độc lập, để kiểm định tính hội tụ của thang đo đối với biến phụ thuộc – Quản trị chuỗi cung ứng bền vững trên khía cạnh môi trường (MT).
Kết quả ở Bảng 3 cho thấy, chỉ số KMO = 0,714, đạt mức chấp nhận, xác nhận dữ liệu phù hợp để phân tích nhân tố, Kiểm định Bartlett có Sig. = 0,000, bác bỏ giả thuyết ma trận tương quan đơn vị, chứng tỏ các biến có tương quan và phù hợp để đưa vào phân tích nhân tố.
Bảng 3: Kết quả phân tích EFA cho biến phụ thuộc
| Component | |
1 | ||
MT2 | ,764 | |
MT3 | ,736 | |
MT5 | ,694 | |
MT4 | ,670 | |
MT1 | ,631 | |
Hệ số KMO | ,714 | |
Kiểm định Bartlett | Chi bình phương xấp xỉ | 235,284 |
df | 10 | |
Sig. | ,000 |
Nguồn: Kết quả của tác giả (2025)
EFA trích xuất được một nhân tố duy nhất, với hệ số tải của các biến dao động từ 0,631 đến 0,764, đảm bảo tính hội tụ của thang đo. Kết quả này khẳng định rằng các biến quan sát đều đo lường tốt khái niệm quản trị chuỗi cung ứng bền vững trên khía cạnh môi trường và có thể sử dụng trong phân tích hồi quy đa biến.
Kết quả phân tích hồi quy đa biến Bảng 4: Kết quả phân tích hồi quy đa biến Model | B | Sai số chuẩn | Beta | t | Sig. | Tolerance | VIF | |
1 | (Constant) | 2,508 | ,327 |
| 7,680 | ,000 |
|
|
CLPT | ,101 | ,044 | ,174 | 2,317 | ,021 | ,749 | 1,335 | |
VHHNLH | ,113 | ,054 | ,151 | 2,102 | ,037 | ,824 | 1,214 | |
QLNCU | ,111 | ,043 | ,176 | 2,555 | ,011 | ,890 | 1,124 | |
QLKH | ,084 | ,032 | ,178 | 2,603 | ,010 | ,904 | 1,107 | |
QLVH | ,075 | ,038 | ,129 | 1,936 | ,054 | ,962 | 1,040 |
Nguồn: Kết quả phân tích của tác giả (2025)
Kết quả phân tích hồi quy đa biến cho thấy, mức độ ảnh hưởng của các nhân tố đến quản trị chuỗi cung ứng bền vững trên khía cạnh môi trường (MT) có sự khác biệt đáng kể.
Quản lý khách hàng bền vững (QLKH) (Beta = 0,178, Sig. = 0,010) có ảnh hưởng cao nhất, phản ánh vai trò của việc xây dựng mối quan hệ với khách hàng theo hướng bền vững.
Tiếp theo, Quản lý nhà cung ứng bền vững (QLNCU) (Beta = 0,176, Sig. = 0,011) thể hiện tầm quan trọng của việc kiểm soát chuỗi cung ứng để đảm bảo tính bền vững về môi trường,
Chiến lược phát triển bền vững (CLPT) (Beta = 0,174, Sig. = 0,021) giữ vị trí thứ ba, cho thấy sự cần thiết của các định hướng dài hạn nhằm nâng cao tính bền vững trong hoạt động doanh nghiệp.
Văn hóa hướng ngoại - linh hoạt (VHHNLH) có tác động mạnh thứ 4 với hệ số Beta = 0,151 (Sig. = 0,037), nhấn mạnh vai trò của sự linh hoạt và tư duy mở trong việc thúc đẩy các hoạt động bền vững.
Cuối cùng, Quản lý vận hành bền vững (QLVH) có mức tác động yếu nhất (Beta = 0,129, Sig. = 0,054), đồng thời chưa đạt mức ý nghĩa thống kê 5%, cho thấy ảnh hưởng của yếu tố này chưa thực sự rõ nét.
KẾT LUẬN VÀ GIẢI PHÁP
Kết luận
Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 5 yếu tố có tác động đến quản trị chuỗi cung ứng bền vững về môi trường, được sắp xếp theo thứ tự từ cao đến thấp như sau: Quản lý khách hàng bền vững; Quản lý nhà cung ứng bền vững; Chiến lược phát triển bền vững; Văn hóa hướng ngoại - linh hoạt; Quản lý vận hành bền vững.
Một số đề xuất
Từ kết quả nghiên cứu, doanh nghiệp cần tập trung vào việc xây dựng văn hóa linh hoạt và hướng ngoại nhằm nâng cao khả năng thích ứng với xu hướng bền vững. Bên cạnh đó, cần cải thiện quản lý nhà cung ứng thông qua việc thiết lập tiêu chí lựa chọn dựa trên các tiêu chuẩn môi trường, đồng thời giám sát và đánh giá định kỳ. Doanh nghiệp cũng cần xây dựng chiến lược phát triển bền vững rõ ràng, tích hợp các tiêu chí ESG vào quản trị và báo cáo doanh nghiệp, từ đó đầu tư vào công nghệ sạch, năng lượng tái tạo. Quản lý khách hàng bền vững cần được đẩy mạnh thông qua truyền thông về sản phẩm thân thiện với môi trường và các chương trình khuyến khích tiêu dùng xanh. Ngoài ra, tối ưu hóa quy trình sản xuất theo hướng giảm tiêu hao nguyên liệu, ứng dụng mô hình kinh tế tuần hoàn cũng là một giải pháp quan trọng.
Từ góc độ Nhà nước, cần hoàn thiện khung pháp lý và chính sách hỗ trợ nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp chuyển đổi bền vững, bao gồm các quy định về tiêu chuẩn môi trường, ưu đãi tài chính và tín dụng xanh. Bên cạnh đó, việc đầu tư phát triển hạ tầng logistics xanh, năng lượng tái tạo và khu công nghiệp sinh thái sẽ giúp nâng cao hiệu quả chuỗi cung ứng bền vững. Chính phủ cũng cần thúc đẩy hợp tác công - tư, tạo nền tảng kết nối giữa doanh nghiệp và các tổ chức tài chính để hỗ trợ đổi mới công nghệ xanh. Ngoài ra, việc nâng cao nhận thức thông qua các chương trình đào tạo, truyền thông về phát triển bền vững sẽ góp phần thay đổi tư duy quản lý và khuyến khích tiêu dùng xanh trong xã hội. Như vậy, sự phối hợp đồng bộ giữa doanh nghiệp và Nhà nước không chỉ giúp nâng cao năng lực cạnh tranh mà còn thúc đẩy nền kinh tế theo hướng bền vững, giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường.
Tài liệu tham khảo
Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (2023). Báo cáo Xuất khẩu Nông sản Việt Nam 2023, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Bộ Tài nguyên và Môi trường (2020). Luật Bảo vệ Môi trường 2020, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
Cameron, K, S,. & Quinn, R. E. (2011). Diagnosing and changing organizational culture: Based on the competing values framework.
Carter, C, R., & Rogers, D. S. (2008). A framework of sustainable supply chain management: Moving toward new theory, International Journal of Physical Distribution & Logistics Management, 38(5), 360–387.
Elkington, J. (1997). Cannibals with forks: The triple bottom line of 21st century business, Capstone.
Ellen MacArthur Foundation (2013). Towards the circular economy.
European Commission (2022). EU Green Deal and Sustainable Supply Chains, European Union, Brussels.
FAO (2021). Sustainable Agribusiness and Supply Chains in Developing Countries, Food and Agriculture Organization.
FAO (2023). Vietnam’s Agricultural Export Performance and Challenges, Food and Agriculture Organization, Rome.
Ghisellini, P., Cialani, C., & Ulgiati, S. (2016). A review on circular economy: The expected transition to a balanced interplay of environmental and economic systems, Journal of Cleaner Production, 114, 11–32.
Nguyen, T. T., & Tran, H. Q. (2021). Environmental Impact of Agricultural Processing in Vietnam: Challenges and Solutions, Journal of Environmental Science and Management, 24(2), 45-60.
Schein, E. H. (2010), Organizational Culture and Leadership.
Sousa, R., & Voss, C. A. (2002), Quality Management Re-Visited: A Reflective Review and Agenda for Future Research, Journal of Operations Management, 20, 91-109.
UNFCCC (2021). Vietnam’s Commitment to Net Zero Emissions by 2050, United Nations Climate Change Conference (COP26).
World Bank (2023). Green Supply Chains in Vietnam's Agricultural Sector.
Ngày nhận bài: 08/5/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 12/5/2025; Ngày duyệt đăng: 16/5/2025 |