Nâng cao tính minh bạch tài chính: Tác động của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15 đối với doanh nghiệp Việt Nam

Việc triển khai thành công Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15 sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

ThS. Ngô Thị Thương Huyền

Trường Đại học Nghệ An

Email: ngothithuonghuyen@nau.edu.vn

Tóm tắt

Bài viết phân tích tác động của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15 đến thực tiễn lập báo cáo tài chính tại Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập kế toán quốc tế. Kết quả chỉ ra rằng, chuẩn mực này không chỉ nâng cao tính minh bạch, nhất quán và khả năng so sánh trong báo cáo tài chính, mà còn thúc đẩy năng lực quản trị doanh nghiệp và gia tăng niềm tin của nhà đầu tư. Tuy nhiên, chuẩn mực này cũng đặt ra nhiều thách thức đối với doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, do hạn chế về nguồn lực, công nghệ và chuyên môn. Vì vậy, cần triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ như đào tạo nhân lực, hoàn thiện khung pháp lý và thúc đẩy chia sẻ kinh nghiệm để đảm bảo quá trình chuyển đổi hiệu quả và bền vững.

Từ khóa: Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15, minh bạch tài chính, doanh nghiệp Việt Nam, chuẩn mực kế toán quốc tế, báo cáo tài chính

ĐẶT VẤN ĐỀ

Việc áp dụng các chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS) đang trở thành xu hướng toàn cầu nhằm nâng cao chất lượng và tính minh bạch của thông tin tài chính (Barth và cộng sự, 2008). Tại Việt Nam, Bộ Tài chính đã ban hành lộ trình áp dụng IFRS cho các doanh nghiệp, trong đó IFRS 15 được xem là một trong những chuẩn mực có tác động lớn đến cách thức ghi nhận doanh thu của doanh nghiệp. IFRS 15 không chỉ đóng vai trò là công cụ kỹ thuật giúp chuẩn hóa nguyên tắc ghi nhận doanh thu, mà còn là đòn bẩy thúc đẩy doanh nghiệp tái cấu trúc quy trình, củng cố nền tảng quản trị và nâng cao tính minh bạch thông tin tài chính phục vụ nhà đầu tư. Việc triển khai thành công IFRS 15 sẽ là tiền đề quan trọng để Việt Nam nâng cao chất lượng môi trường đầu tư và năng lực cạnh tranh trong khu vực và toàn cầu.

TỔNG QUAN VỀ IFRS 15

IFRS 15 có tên gọi đầy đủ là “Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng” (Revenue from Contracts with Customers), thiết lập một khuôn khổ toàn diện về ghi nhận doanh thu, hướng tới việc nâng cao tính nhất quán, khả năng so sánh và minh bạch trong báo cáo tài chính giữa các ngành nghề khác nhau. Chuẩn mực này ra đời nhằm giải quyết những bất cập tồn tại trong thực tiễn ghi nhận doanh thu, đồng thời cung cấp một cách tiếp cận chuẩn hóa, phù hợp với tính phức tạp ngày càng cao của các quan hệ hợp đồng hiện đại (IFRS Foundation, 2014).

Hình 1: Mô hình 5 bước của IFRS 15

Nâng cao tính minh bạch tài chính: Tác động của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15 đối với doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn: Tác giả tổng hợp

Với 5 bước áp dụng (Hình 1), nguyên tắc cốt lõi của IFRS 15 là doanh thu chỉ được ghi nhận khi và chỉ khi một doanh nghiệp chuyển giao hàng hóa hoặc dịch vụ đã cam kết cho khách hàng, với mức giá mà doanh nghiệp có quyền được nhận tương ứng với hàng hóa hoặc dịch vụ đó. Điều này giúp phản ánh đúng thực chất kinh tế của các giao dịch và nghĩa vụ thực hiện của doanh nghiệp, thay vì chỉ dựa vào hình thức hợp đồng.

Chuẩn mực này cũng cho phép áp dụng một số biện pháp thực tiễn (practical expedients) nhằm giảm thiểu chi phí tuân thủ, chẳng hạn không điều chỉnh khoản thanh toán đã cam kết nếu thời gian thanh toán dưới một năm – điều đặc biệt hữu ích cho các doanh nghiệp có hợp đồng ngắn hạn.

Việc ghi nhận doanh thu có thể được thực hiện theo hai cách: theo thời gian (over time) hoặc tại một thời điểm cụ thể (point in time), tùy theo việc kiểm soát tài sản được chuyển giao cho khách hàng diễn ra như thế nào. Ví dụ, khách hàng kiểm soát tài sản trong quá trình doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ, thì doanh thu sẽ được ghi nhận theo thời gian. Ngược lại, trong các giao dịch truyền thống, khi quyền kiểm soát chỉ chuyển giao tại một thời điểm, thì doanh thu được ghi nhận tại thời điểm đó.

Hơn nữa, IFRS 15 yêu cầu các doanh nghiệp cung cấp các thuyết minh chi tiết hơn liên quan đến số dư hợp đồng, nghĩa vụ thực hiện và giá trị giao dịch. Điều này góp phần nâng cao chất lượng công bố thông tin và tăng cường sự tin tưởng từ phía các nhà đầu tư và các bên liên quan.

TÁC ĐỘNG IFRS 15 ĐẾN DOANH NGHIỆP VIỆT NAM

Lợi ích của IFRS 15

Cải thiện chất lượng báo cáo tài chính

Việc áp dụng IFRS 15 giúp nâng cao tính chính xác và minh bạch của báo cáo tài chính – yếu tố then chốt trong việc xây dựng lòng tin với các nhà đầu tư và các bên liên quan. Doanh nghiệp tuân thủ chuẩn mực này không chỉ thể hiện cam kết với các nguyên tắc kế toán toàn cầu mà còn mở rộng cơ hội tiếp cận các thị trường vốn quốc tế. Qua đó, mức độ tín nhiệm và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên trường quốc tế được cải thiện đáng kể.

Nâng cao quản trị doanh nghiệp

IFRS 15 cũng được kỳ vọng sẽ thúc đẩy các doanh nghiệp Việt Nam áp dụng các thông lệ quản trị doanh nghiệp và quản lý rủi ro tiên tiến hơn. Việc ghi nhận doanh thu theo nguyên tắc dựa trên thực chất thay vì hình thức, doanh nghiệp buộc phải xây dựng hệ thống kiểm soát nội bộ và giám sát tài chính chặt chẽ hơn. Đây là một bước tiến chiến lược quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu.

Những thách thức trong quá trình triển khai IFRS 15

Tính phức tạp và hạn chế về nguồn lực

Một trong những rào cản chính đối với doanh nghiệp Việt Nam khi triển khai IFRS 15 là tính phức tạp của tiêu chuẩn. Với cách tiếp cận dựa trên nguyên tắc (principles-based approach), IFRS 15 đòi hỏi doanh nghiệp phải thực hiện nhiều phán đoán và ước tính kế toán, điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa vốn thiếu hụt cả về nhân lực chuyên môn và hệ thống kế toán hiện đại. Ngoài ra, việc đầu tư nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin và phần mềm kế toán để đáp ứng yêu cầu của IFRS 15 cũng là một thách thức tài chính không nhỏ đối với nhiều đơn vị.

Rủi ro trong báo cáo tài chính

Dù IFRS 15 được thiết kế để áp dụng cho mọi loại hình doanh nghiệp, song yêu cầu tuân thủ của chuẩn mực này lại có thể trở nên quá tải đối với khối doanh nghiệp nhỏ và vừa. Nhóm doanh nghiệp này thường thiếu các nguồn lực tài chính và kỹ thuật cần thiết để triển khai các bước phân tích hợp đồng, xác định nghĩa vụ thực hiện và lập các báo cáo chi tiết theo yêu cầu của IFRS 15. Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng tuân thủ đầy đủ, cũng như rủi ro gia tăng trong công tác báo cáo tài chính của nhóm doanh nghiệp này.

Thực trạng áp dụng tại doanh nghiệp Việt Nam

Việc áp dụng IFRS 5 nói riêng và IFRS nói chung tại Việt Nam đã được đẩy mạnh sau Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 của Bộ Tài chính phê duyệt Đề án áp dụng chuẩn mực báo cáo tài chính tại Việt Nam. Mục tiêu của Quyết định này là cải thiện chất lượng công bố thông tin tài chính, nâng cao năng lực quản trị và hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận thị trường quốc tế. Theo đó, lộ trình triển khai IFRS tại Việt Nam được chia thành 3 giai đoạn chính (Hình 2).

Hình 2: Lộ trình áp dụng IFRS tại Việt Nam

Nâng cao tính minh bạch tài chính: Tác động của Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15 đối với doanh nghiệp Việt Nam

Nguồn: Quyết định số 345/QĐ-BTC

Việc áp dụng IFRS, đặc biệt là IFRS 15 – “Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng” – làm thay đổi căn bản cách doanh nghiệp ghi nhận doanh thu và đánh giá lợi nhuận, từ đó buộc các đơn vị phải điều chỉnh chính sách kế toán và hệ thống báo cáo. Nhiều cơ quan chức năng và doanh nghiệp đồng thuận rằng việc tuân thủ IFRS là một phần thiết yếu để nâng cao tính minh bạch tài chính, qua đó hỗ trợ phát triển một nền kinh tế năng động và hội nhập hơn. Một số doanh nghiệp tiên phong đã triển khai IFRS và cung cấp những bài học thực tiễn có giá trị như Viettel, Vinamilk.

Nhiều công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng đã và đang thích nghi nhanh chóng hơn, do họ duy trì hai hệ thống kế toán song song – một theo Chuẩn mực Kế toán Việt Nam (VAS) và một theo IFRS nhằm đáp ứng yêu cầu của công ty mẹ ở nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp nội địa lại đối mặt với nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận và thực hiện các thay đổi cần thiết.

Mặt khác, các ngành như ngân hàng, bất động sản và bán lẻ sẽ chịu ảnh hưởng mạnh từ IFRS 15 do đặc thù hợp đồng phức tạp và chu kỳ doanh thu kéo dài. Những lĩnh vực này thường gặp khó khăn khi phải tích hợp nguyên tắc ghi nhận doanh thu của IFRS vào hệ thống kế toán hiện có, làm gia tăng độ phức tạp trong công tác lập báo cáo tài chính.

MỘT SỐ KHUYẾN NGHỊ

Để đảm bảo doanh nghiệp Việt Nam có thể áp dụng IFRS 5 một cách chủ động và hiệu quả hơn, tác giả đưa ra một số khuyến nghị sau:

Thứ nhất, đẩy mạnh đào tạo thực tiễn, hướng đến nhu cầu của doanh nghiệp

Các chương trình đào tạo hiện nay vẫn còn thiên về lý thuyết, chưa đủ đáp ứng nhu cầu thực tiễn tại doanh nghiệp, đặc biệt trong xử lý tình huống ngành nghề cụ thể. Do đó, cần thiết kế các khoá học chuyên sâu, có tính thực hành cao về IFRS nói chung và IFRS 15 nói riêng, đồng thời tích hợp nội dung đào tạo này vào chương trình đại học, cao học và đào tạo nghề kế toán – kiểm toán. Cần đặc biệt ưu tiên hỗ trợ nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa - vốn đang gặp nhiều khó khăn trong tiếp cận tri thức chuyên môn và công cụ hỗ trợ.

Thứ hai, xây dựng bộ hướng dẫn áp dụng IFRS 15 theo ngành

Bên cạnh bản dịch chuẩn mực, Việt Nam cần ban hành các hướng dẫn chi tiết có tính hướng nghiệp theo từng lĩnh vực cụ thể như bất động sản, xây dựng, tài chính – ngân hàng và bán lẻ, giúp doanh nghiệp hiểu rõ và triển khai hiệu quả quy định ghi nhận doanh thu. Các hướng dẫn cần phản ánh thực tế pháp lý, giao dịch và mô hình kinh doanh tại Việt Nam.

Thứ ba, phát triển hạ tầng phần mềm và nền tảng công nghệ số

Hiện nay, phần lớn phần mềm kế toán nội địa chưa tích hợp các chức năng phục vụ công tác hạch toán kế toán để lập báo cáo tài chính theo IFRS. Như vậy, các doanh nghiệp sẽ phải phát sinh thêm khá nhiều chi phí cho việc thay đổi phần mềm kế toán hiện tại hoặc mua một phần mềm kế toán mới có thể đồng thời đáp ứng cả hai yêu cầu hạch toán kế toán VAS và IFRS. Do đó, Nhà nước nên hỗ trợ khuyến khích doanh nghiệp công nghệ Việt Nam phát triển phần mềm kế toán tích hợp IFRS, đồng thời tạo điều kiện để các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận các giải pháp công nghệ tài chính phục vụ quản trị và báo cáo.

Thứ tư, cho phép áp dụng linh hoạt hệ thống kế toán kép

Trong giai đoạn quá độ, Bộ Tài chính cần duy trì chính sách cho phép doanh nghiệp áp dụng song song hệ thống kế toán theo VAS và IFRS. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu báo cáo tài chính hợp nhất với công ty mẹ hoặc cổ đông nước ngoài mà còn tạo tiền đề để chuyển đổi toàn diện trong tương lai.

Thứ năm, tăng cường cơ chế giám sát và hỗ trợ chuyển đổi có chọn lọc

Bộ Tài chính nên thành lập các nhóm công tác chuyên trách giám sát tiến độ triển khai IFRS tại các doanh nghiệp thí điểm, từ đó xây dựng hệ thống phản hồi chính sách linh hoạt và hiệu quả. Bên cạnh đó, cần có cơ chế hỗ trợ tài chính, kỹ thuật hoặc miễn giảm nghĩa vụ trong giai đoạn đầu cho các doanh nghiệp tiên phong.

Tài liệu tham khảo

1. ACCA Global (2021). IFRS 15 – Những hiểu biết thực tế và các vấn đề triển khai.

2. Barth, M. E., Landsman, W. R., Lang, M. H. (2008). Chuẩn mực kế toán quốc tế và chất lượng kế toán, Tạp chí Nghiên cứu Kế toán, 46(3), 467–498.

3. Bộ Tài chính (2020). Quyết định số 345/QĐ-BTC ngày 16/3/2020 phê duyệt Đề án áp dụng Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế tại Việt Nam.

4. Deloitte Việt Nam (2022). Giải mã IFRS 15: Những thách thức mà doanh nghiệp cần vượt qua.

5. IFRS Foundation (2014). IFRS 15 – Doanh thu từ hợp đồng với khách hàng.

6. Lê Thị Thanh Huệ (2023). Chuẩn mực Báo cáo Tài chính Quốc tế số 15 – Doanh thu thu từ hợp đồng với khách hàng và một số tình huống áp dụng trong thực tiễn, truy cập từ https://tapchiketoankiemtoan.vn/chuan-muc-bao-cao-tai-chinh-quoc-te-so-15-doanh-thu-thu-tu-hop-dong-voi-khach-hang-va-mot-so-tinh-huong-ap-dung-trong-thuc-tien-d315.html.

7. Trần Thị Minh Trang (2023). Thực trạng và giải pháp áp dụng IFRS vào các doanh nghiệp Việt Nam, truy cập từ https://tapchicongthuong.vn/thuc-trang-va-giai-phap-ap-dung-ifrs-vao-cac-doanh-nghiep-viet-nam-106018.htm.

Ngày nhận bài: 17/4/2025; Ngày hoàn thiện biên tập: 05/5/2025; Ngày duyệt đăng: 16/5/2025