
Xe tăng M1 Abrams do Mỹ sản xuất bị Nga phá hủy ở Ukraine (Ảnh: Armyrecognition).
Xe tăng không có vai trò quan trọng bằng UAV FPV
Liên quan tới vấn đề Tổng thống Mỹ Donald Trump ngăn cản Australia cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Abrams cũ cho Ukraine, một quan chức Australia giấu tên tiết lộ: "Chúng tôi bắt đầu nghi ngờ liệu người Ukraine có thực sự muốn những chiếc xe tăng này hay không, do phần trên là điểm yếu nhất của Abrams, và giờ đây là cuộc chiến của UAV".
Một số video chiến trường ghi nhận, cả xe tăng Abrams và Leopard 2 (Đức) có lợi thế hơn đôi chút khi chạm trán với xe tăng Nga trên chiến trường. Nhưng vấn đề là trên chiến trường Nga - Ukraine, có rất ít trận "đấu tăng". Kể cả nếu có, thì đó cũng chỉ là cuộc đấu tay đôi giữa một vài xe tăng mà thôi. Không có trận đọ sức nào có sự tham gia của hàng chục hoặc thậm chí hàng trăm xe tăng.
Trên chiến trường khốc liệt này, mối đe dọa lớn nhất đối với xe tăng hai bên không phải là… xe tăng, mà là các loại vũ khí chống tăng, bao gồm tên lửa, mìn, đạn pháo chống tăng có điều khiển, và đặc biệt là UAV FPV được trang bị đầu đạn xuyên lõm. Đối với xe tăng Ukraine, trực thăng tấn công Ka-52 Alligator của Nga cũng phải được bổ sung và coi là "sát thủ".
Theo các thông tin công khai, xe tăng Abrams do Mỹ sản xuất không có nhiều lợi thế trong chiến đấu thực tế và cũng dễ bị thiệt hại khi phải đối mặt với các cuộc tấn công bằng UAV FPV của Nga. Loại vũ khí giá rẻ này có thể tấn công vào nhiều điểm yếu của Abrams, đặc biệt là vị trí động cơ, thùng nhiên liệu, đỉnh tháp pháo và khoang chứa đạn ở phía sau.
Hiện chưa thấy quân đội Ukraine khen ngợi xe tăng Abrams một cách rõ ràng, nhưng họ chỉ ra mức tiêu thụ nhiên liệu đáng kinh ngạc của chúng do sử dụng động cơ tua bin khí.
Ở mặt trận Kursk, xe tăng Abrams đã được rút về Ukraine từ lâu, trước khi lực lượng Kiev thoái lui hoàn toàn. Tất nhiên, có thể nói rằng quân đội Ukraine làm như vậy để bảo toàn lực lượng, chuẩn bị cho các cuộc chiến lâu dài trong thời gian tới, nhưng đây là sự thật không thể phủ nhận.
Tầm quan trọng của xe tăng đã suy giảm đối với cả Nga và Ukraine, ít nhất là không quan trọng bằng pháo cỡ lớn, loại vũ khí gây ra nhiều thiệt hại nhất về quân số và vật chất đối với cả hai bên.
Theo ABC News, Ukraine sẽ sớm nhận được 49 xe tăng M1A1 Abrams đã loại biên của quân đội Australia mà nước này đã hứa vào năm ngoái.
Australia dường như đã nhận được sự đồng ý của Mỹ để tái xuất 49 xe tăng M1A1 Abrams đã ngừng hoạt động từ 2 trung đoàn thiết giáp trong lực lượng vũ trang của họ. Lô xe tăng này được mua từ Mỹ vào năm 2007 và những chiếc cuối cùng đã ngừng hoạt động để thay thế bằng phiên bản tiên tiến hơn.
Năm ngoái, Canberra đã hứa sẽ chuyển số xe tăng Abrams đã loại biên này cho Kiev, nhưng không thể xin được sự đồng ý của Washington.
Theo báo chí Australia, một số hệ thống quan trọng mà quân đội nước này sử dụng đã được tháo khỏi xe trước khi chúng được gửi đến Ukraine. Các xe tăng này sẽ được chuyển giao theo nhiều đợt, đợt đầu tiên hiện đã khởi hành.
Số xe tăng sẽ được vận chuyển bằng đường biển, đến một trong các cảng của Hà Lan, và từ đó chúng sẽ được vận chuyển bằng đường bộ đến Ba Lan và sau đó đến Ukraine.
Quân đội Ukraine dường như không mấy hào hứng với những chiếc xe tăng có nguồn gốc từ Mỹ, khi khó có thể mang lại lợi ích gì vì chúng có điểm yếu là khu vực phía trên, nơi dễ bị UAV FPV đánh trúng.
Điều đáng chú ý là quân đội Ukraine đã có những trải nghiệm rất tiêu cực khi sử dụng xe tăng M1A1 Abrams, nhưng họ khó có thể từ chối một lô hàng bổ sung bởi Kiev đang rất thiếu vũ khí.

Xe tăng M1A1 FEP Abrams Mỹ cung cấp cho Ba Lan ngày 28/6 (Ảnh: Bộ Quốc phòng Ba Lan).
Xe tăng Abrams không phù hợp với địa hình lầy lội
Một số nhà quan sát đã "mỉa mai" khi đánh giá thực tế rằng, vào năm 1939, quân đội Ba Lan vẫn còn khá nhiều đơn vị kỵ binh truyền thống.
Tuy nhiên, như đã chỉ ra trong ấn phẩm Quốc phòng và hàng không của Tây Ban Nha, lý do là tính chất đặc thù của địa hình, ở phía Đông Ba Lan, địa hình tương đối bằng phẳng, nhưng có nhiều đầm lầy và mạng lưới đường bộ chưa phát triển. Do đó, cách phù hợp nhất là di chuyển bằng kỵ binh thay vì sử dụng các loại xe bọc thép thô sơ và mỏng manh thời bấy giờ.
Các loại xe chiến đấu ngày nay đã tiến bộ rất nhiều so với năm 1939, nhưng vào một số thời điểm trong năm, vẫn có những khu vực ở Ba Lan, rất khó khăn cho việc cơ động với những phương tiện cơ giới hạng nặng, kể cả loại xe tăng hiện đại nhất.
Theo lời giải thích của Trung tướng đã nghỉ hưu Yaroslav Gromadzinsky, hàng rào thiết giáp xương sống để chống lại quân đội Nga trong trường hợp xảy ra xung đột giả định chính là Sư đoàn cơ giới số 18, có trụ sở đặt tại Siedlce ở miền Đông Ba Lan.
Đây là sư đoàn thiết giáp mạnh nhất châu Âu, được trang bị cả trăm xe tăng Abrams, đảm nhiệm phòng thủ ở phía Đông Ba Lan. Nhiệm vụ của đơn vị là ngăn chặn cuộc tấn công tiềm năng từ hướng Đông bằng cách phối hợp với trực thăng vũ trang Apache, pháo binh và phòng không.
Tuy nhiên, vị tướng này tỏ ra nghi ngờ về việc sử dụng xe tăng M1 Abrams trong các đơn vị thiết giáp khác, ông cho rằng, các đơn vị xe tăng Ba Lan nên trang bị cho xe tăng chiến đấu chủ lực K2 của Hàn Quốc, đặc biệt là ở khu vực Masurian.
"Khi tôi chỉ huy Lữ đoàn 15, trực thuộc Sư đoàn 16, xe tăng Abrams được triển khai đến Masuria như một phần hỏa lực chiến đấu cấp tiểu đoàn. Chúng thực sự vô dụng ở địa hình đầm lầy này", Tướng Gromadzinsky cho biết.
Theo ông, xe tăng chủ lực của Mỹ gặp khó khăn khi di chuyển vào cuối mùa đông, đầu mùa xuân và mùa thu ở khu vực chiến trường châu Âu. Tuy nhiên, ông tin rằng xe tăng K2 thích nghi với loại địa hình này. Các kíp xe Ba Lan rất hài lòng với những chiếc xe tăng do Hàn Quốc chế tạo, lý do là trọng lượng của K2 là 55 tấn, so với 63 tấn của M1A2 SEP hoặc 63,9 tấn của Leopard 2A7V.
Lực lượng xe tăng Ba Lan cũng hài lòng với hệ thống treo thủy lực khí nén của K2, cho phép thay đổi khoảng sáng gầm xe.
"Xe tăng Abrams không thích hợp để chiến đấu ở địa hình đầm lầy, đây chính là điểm yếu của xe tăng Mỹ" ấn phẩm tiếng Tây Ban Nha nhận định, nêu ra nhược điểm chính của loại xe tăng chiến đấu hạng nặng này.