
Ngoại trưởng Ukraine Andrii Sybiha (Ảnh: AFP).
Ngoại trưởng Andrii Sybiha phát biểu hôm 23/5: "Chúng tôi cũng đang làm việc để hướng tới một cuộc gặp giữa Tổng thống Zelensky và ông Putin. Chúng tôi thừa nhận rằng cuộc gặp này có thể diễn ra dưới hình thức mở rộng. Chúng tôi rất mong Tổng thống Trump sẽ tham gia".
Ngoại trưởng Ukraine nhấn mạnh rằng tiến trình đàm phán hòa bình phải được tiếp tục mà không kèm theo bất kỳ điều kiện tiên quyết nào, đồng thời nói thêm: "Chúng tôi đang chờ phía Nga đưa ra tầm nhìn, khái niệm và đề xuất của họ về các thông số của một lệnh ngừng bắn vô điều kiện trong tương lai".
Ông cũng cho biết Kiev đang xây dựng một đề xuất hòa bình riêng để trình bày với Moscow.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov trước đó tuyên bố Nga sẽ chỉ đưa ra bản dự thảo "văn kiện dàn xếp" sau khi quá trình trao đổi tù nhân đang diễn ra được hoàn tất.
Ngày 23/5, Ukraine và Nga bắt đầu cuộc trao đổi tù nhân đã được thỏa thuận từ trước, đợt trao đổi lớn nhất kể từ khi xung đột bùng phát.
Dự kiến tổng cộng 1.000 tù nhân từ cả hai phía sẽ được trở về nhà trong khoảng thời gian từ 23 đến 25/5. Tổng thống Volodymyr Zelensky cho biết 390 người Ukraine đã được đưa trở về trong ngày đầu tiên của đợt trao đổi.
Việc trao đổi tù nhân diễn ra trong bối cảnh các nỗ lực ngoại giao nhằm chấm dứt chiến sự đang được khơi dậy trở lại, và Ukraine "luôn kiên định khẳng định rằng châu Âu phải có mặt tại bàn đàm phán trong các cuộc thương lượng tương lai", ông Sybiha nhấn mạnh.
Trước đó, ông Zelensky từng mời Tổng thống Putin gặp mặt trực tiếp tại các cuộc đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ông Putin đã từ chối và chỉ cử trợ lý của mình là ông Vladimir Medinsky dẫn đầu phái đoàn.
Kết quả các cuộc đàm phán phần lớn không mang lại đột phá do 2 bên vẫn đang lệch pha nhau về điều kiện khép lại cuộc chiến.
Trong một diễn biến khác, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Moscow sẽ không tham gia đàm phán với Ukraine tại Vatican.
Ông Lavrov cũng cho biết Moscow "không có kế hoạch" cụ thể nào về thời điểm hoặc địa điểm diễn ra cuộc gặp tiếp theo giữa các đại diện Nga và Ukraine.
"Không nên lãng phí nỗ lực cho những phương án phi thực tế. Hãy thử tưởng tượng Vatican là nơi tổ chức đàm phán - điều đó có phần không phù hợp", ông nói thêm.
Ngoại trưởng Nga cũng liên hệ vấn đề này với yếu tố tôn giáo, cho rằng việc đại diện của hai quốc gia Chính thống giáo gặp nhau tại thánh địa Công giáo sẽ khiến chính Vatican cảm thấy "không thoải mái".
Trước đó, Giáo hoàng Leo XIV đã đề xuất Vatican làm địa điểm tổ chức đàm phán giữa Ukraine và Nga, một ý tưởng được Kiev, các quốc gia châu Âu và Mỹ ủng hộ.
Tuy nhiên, Bloomberg dẫn nguồn từ giới chức Nga cho biết, Điện Kremlin không có kế hoạch để Tổng thống Vladimir Putin tới Vatican hay bất kỳ nơi nào khác để đàm phán.
Thay vào đó, Moscow đang tập trung vào các cuộc đàm phán ở cấp kỹ thuật, khởi động từ tuần trước tại Istanbul.